Cơm nắm muối vừng mộc mạc hồn cốt đồng quê
Cơm nắm hay “ cơm vắt” và cũng có nơi gọi là “cơm bới” không biết có từ bao giờ, có lẽ từ xa xưa lắm, thuở người Việt biết dùng gạo nấu cơm. Cơm nắm đã trở thành bữa ăn lót dạ cho người nông dân làm đồng xa…
… Cho những cô cậu học trò đi học ở làng bên hay người lữ hành trên dặm đường dài… Nay món ăn dân dã bỗng trở thành món quà “đặc sản của hồn quê” nơi thành phố, làm xao xuyến tâm can biết bao người…
Cứ ngỡ ngày nay đời sống con người ngày càng được nâng cao thì cơm nắm sẽ không còn chỗ đứng nữa, người ta sẽ không còn ăn những vắt cơm nắm “ngày xưa” nữa, nhất là trong cuộc sống hiện đại khi hàng quán, dịch vụ mọc lên khắp dọc nơi.
Mà cũng không cần phải đi đâu xa, chỉ ngồi trong văn phòng nhấc điện thoại lên là cơm hộp đã mang đến tận nơi. Trẻ em đi cắm trại, picnic, dã ngoại cũng đã có đủ thứ từ bánh mỳ kẹp thịt, bánh gối, bánh bao… Rồi đủ loại mì tôm, cháo, miến, phở ăn liền…
Nhưng không, không vì thế mà người ta quên đi những món ăn dân dã. Cơm nắm không chỉ được coi như một món ăn vừa no vừa ngon vừa bổ dưỡng, mà đã trở thành món quà quê thơm thảo được nhiều người yêu thích.
Cơm nắm muối vừng còn vào tận những nhà hàng sang trọng, nơi tưởng như chỉ có chỗ cho những món sơn hào hải vị. Vậy mà cơm nắm vẫn tự tin sánh vai như một thứ đặc sản thanh tao.
Nhưng có lẽ nơi cơm nắm chiếm lĩnh “thị phần” lớn nhất vẫn là đôi bên hè phố, với những gánh hàng rong đủ loại quà quê có, tỉnh có theo chân các bà, các chị, các anh em đến với mọi ngóc ngách thị thành…
Video đang HOT
Dọc theo những con đường Chùa Bộc, Thái Hà, Cầu Giấy, Lê Trọng Tấn… chỗ nào cũng có những gánh hàng rong với tấm biển hiệu đơn sơ nho nhỏ như cái bảng học sinh viết nguệch ngoạc đôi ba chữ giới thiệu sản phẩm.
Gánh hàng cơm nắm rất đơn giản, có khi chỉ một cái thúng đựng những nắm cơm, kèm theo là muối vừng, chả hay ruốc. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của thực khách, đa phần hàng cơm nắm giờ bán kèm cả bánh dày giò, có khi còn thêm vài chiếc bánh chưng, chục bánh tẻ, bánh rán…
Một nắm cơm theo thời giá đắt đỏ hiện nay mà cũng chỉ khoảng 5.000 đồng, vừa ngon miệng vừa khá chắc dạ. Miếng cơm trắng tinh, mịn màng được gói trong lớp lá chuối xanh ngắt, trông thật thích mắt. Cơm được cắt ra thành từng miếng nhỏ vừa ăn, chấm một chút muối vừng, đưa lên miệng thấy vị thanh mát của miếng cơm, vị đậm đà, bùi bùi của muối vừng. Nhai kĩ thấy được vị ngọt của cơm, của vừng hòa quyện với nhau làm nên nét riêng đậm đà âm hưởng làng quê Việt giữa lòng thành phố.
Ăn cơm nắm đúng điệu là phải cầm bằng tay mà chấm vào muối vừng, chứ không dùng đũa hay dĩa. Nếu dùng những “trang thiết bị hiện đại” kiểu đó ăn vừa không hợp cảnh, hợp tình, lại vừa như chính ta đang làm mất đi chất quê hương. Ngày nay người ta ăn cơm nắm với nhiều thứ như chả, giò, ruốc, thịt kho… cũng ngon…Song tôi vẫn thấy chỉ có muối vừng là thứ hợp hơn cả.
Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo được nấu thành cơm rồi đem nắm lại. Thế nhưng để có được những nắm cơm ngon cũng cần phải tinh tế lắm. Gạo nấu phải là thứ gạo ngon và phải nấu bằng bếp củi hoặc rơm, chứ không nấu bằng nồi cơm điện vì sẽ làm cho cơm nắm bị khô, cứng và dễ rời rạc.
Mẹ tôi bảo cơm nắm là hồn cốt của đồng quê mà người nắm cơm gửi vào trong đó, nên nấu phải thật tỉ mỷ, chăm chút trong từng công đoạn. Tôi còn nhớ, ngày trước mỗi lần nấu cơm nắm, mẹ tôi thường thêm vài lá nếp cho thơm. Khi nấu cơm cũng phải rất khéo sao cho cơm vừa chín, không khô, chẳng nhão, hạt cơm vừa nở đúng độ. Cơm vừa chín tới xới ra mo cau sạch (loại mo cau non, mỏng mềm), rồi nhồi nhanh mạnh tay nhiều lần cho hạt cơm dẻo mềm nhuyễn nhừ dính sát nhau thật mịn và nắm lại. Nắm cơm để nguội, gói lại trong lá chuối hay lá sen xanh mướt để giữ khỏi bị khô.
Ngày nay chẳng mấy gia đình nào nắm cơm nữa, bởi đã có rất nhiều làng ven Hà Nội hành nghề làm cơm nắm. Tuy những nắm cơm không được làm cầu kỳ như xưa, nhưng các công đoạn nắm cơm thì vẫn giữ nguyên. Hàng ngày những nắm cơm trắng ngần mang theo hồn cốt của đồng quê vẫn lặng lẽ theo các bà, các chị (có cả một số anh) len lỏi khắp phố phường.
Cũng có nhiều thực khách chốn đô thành cầu kỳ hơn, đánh đường tìm đến các nhà hàng mà trong thực đơn không thể thiếu món cơm nắm để vừa có dịp ngồi nhẩn nha ngắm cảnh, vừa cảm nhận vị ngọt bùi của đồng quê đọng lại trong từng miếng cơm rất đỗi thân quen… khiến những con tim xa nhà phần nào vợi bớt nỗi thương nhớ đồng quê…
Theo dân trí
Onigiri Cơm nắm truyền thống của Nhật
Hoàn toàn khác với cơm nắm muối vừng dân dã của Việt Nam, cơm Onigiri truyền thống Nhật Bản đặc trưng với vị chua của mơ muối và vị mặn của cá biển. Thêm vào đó, những hình thù ngộ nghĩnh cùng sự đa dạng sắc màu của cơm nắm onigiri hiện đại đã khiến món ăn này ngày càng được giới trẻ yêu thích.
Onigiri truyền thống có hình tam giác hoặc hình ovan, bên ngoài được phủ lớp rong biển, bọc vừng trắng hoặc vừng đen. Làm lên sự khác biệt của món ăn truyền thống từ xứ sở sương mù này chính là ở "nhân" có vị mặn hoặc chua đặc trưng từ mơ muối hay cá hồi.
Với những biến tấu, onigiri phong phú từ cách chế biến cho đến hình dáng. Với giới trẻ Nhật hiện đại cơm nắm onigiri giờ đây được coi như một loại đồ ăn nhanh tiện dụng. Chính vì thế, không lấy gì quá ngạc nhiên khi bắt gặp sự xuất hiện của món ăn truyền thống này trong các bữa ăn trưa tại trường hay các chuyến dã ngoại của học sinh Nhật Bản.
Cách làm cơm nắm onigiri cũng không mấy phức tạp, đa phần phụ nữ Nhật đều có thể tự làm bằng tay. Onigiri Nhật đặc trưng với hình tam giác hoặc hình ovan song các bà nội trợ để làm hài lòng bọn trẻ thường có những biến tấu cho ra nhiều hình thù ngộ nghĩnh như hình mặt người, thú bông, người tuyết.... Bên cạnh đó, nếu không phải là người khéo léo, những khuôn nhựa có sẵn, tiện dụng cũng rất được ưa chuộng để làm cơm nắm onigiri.
Khác với cơm nắm ở Việt Nam để nắm cơm chắc nên cơm nóng phải được giã nhuyễn, cho vào khăn sạch nắm thì cơm onigiri Nhật Bản không cần cầu kỳ đến vậy. Để chống nóng và chống dính, trước khi nắm cơm bao giờ tay cũng phải nhúng qua nước lạnh. Những nguyên liệu không thể thiếu trong "nhân" onigiri là mơ muối, cá hồi hoặc cá ngừ khô trộn nước tương. Cơm sau khi nắm chặt tay thì lăn qua hai mặt với vừng đen hoặc vừng trắng rang thơm. Cuối cùng cơm được bọc một lớp lá rong biển.
Cơm nắm onigiri rất phổ biến ở Nhật bản bởi tính tiện dụng của nó. Onigiri vừa chua vừa mặn, dễ ăn lại dậy mùi thơm từ vừng rang, rong biển. Thêm vào đó, chính sự sáng tạo của người đầu bếp cho ra những hình thù ngộ ngĩnh khác nhau đã khiến onigiri truyền thống trở lên sinh động và rất hấp dẫn.
Theo PNO
Nhớ cơm nắm muối vừng Những gánh hàng cơm nắm muối vừng ngày ngày vẫn rong ruổi khắp ngõ xóm Hà Nội. Món ăn dân dã ngày xưa nay đã đi vào tiềm thức của người dân Việt. Ngày xửa ngày xưa, khi nước ta còn nghèo đói, cơm nắm đã trở thành món ăn thường nhật của những người dân Việt. Người nông dân đi làm đồng...