Cơm mo cau muối sả ruốc mẹ làm bạn bè ‘nhào vô’ giành ăn
Cơm mo cau muối sả ruốc là món ăn dân dã thường có mặt trong các bữa ăn của người làm thuê, gặt mướn, trong các gánh hàng rong của bà mẹ quê, hay trong cặp của các cậu học trò thế hệ ngày xưa nhà ở xa trường, trong đó có tôi.
Để đồng hành với những bữa cơm trưa ngọt bùi hơn cho những bữa ăn kham khổ, chiếc mo cau luôn hiện diện chia sẻ nỗi niềm.
Cây cau mang đậm nét hồn quê miền Trung đã cung cấp những chiếc mo cau có hai lớp vỏ ngược sứa vào nhau, lớp da ngoài màu vàng nghệ, lớp vỏ trong mềm mại, trắng ngà như da con gái bọc lấy buồng cau, giúp cho người dân quê ém tơi cơm rất thích hợp.
Mo cau mịn mà không rách, vắt cơm chặt cứng không rời một hột, cứ thế hương từ mo cau hòa quyện cùng hương thơm của hạt gạo.
Hai bàn tay của mẹ vắt từng vắt cơm bọc trong bẹ cau rất điệu nghệ. Khi vắt cơm thật chặt, mẹ gói trông rất nhanh và không quên bỏ vào gói đậu phộng hay gói muối ruốt sả bằng lá chuối.
Cơm gói trong mo cau đã ngon lại thơm mà còn được ăn chung với muối sả, nhất là muối sả ruốc của mẹ tôi làm thì không gì bằng.
Mo cau mở ra miếng cơm trắng ngần, mồ hôi đọng trên sớ mo lóng lánh, bẻ từng miếng cơm chấm muối sả, nhai từ từ vừa cảm nhận mùi dẻo của thứ gạo quê hòa quyện với vị beo béo, bùi bùi, cay nồng, mằm mặn quấn quít trên đầu lưỡi, nếu mà gặp những tháng trời mưa, làm sao diễn tả những bữa ăn thanh đạm mà ngon đáo để.
Nguyên liệu để làm muối sả ruốc
Nhớ lại ngày còn đi học xa nhà, tôi thường theo mẹ nói nhỏ: “Hôm nào mẹ rang muối ruốc sả, nhớ rang cho con nhiều nhiều một chút, mỗi lần con bới cơm với muối sả là tụi bạn nhảy vào ăn ké, có lúc ăn hết muối sả mà cơm thì còn”.
Video đang HOT
Cơm mo cau muối sả cũng chẳng có gì phức tạp. Tàu mo cau già rụng ngoài vườn, thế là mẹ tôi lượm vào cắt hình chữ nhật, rửa sạch để ép cơm cho chúng tôi.
Riêng muối sả, mẹ cắt bảy, tám tép sả, lột vỏ rửa sạch, xắt lát rồi băm nhỏ, cùng với vài tép tỏi cũng băm nhuyễn. Bỏ lên chảo cho một ít mỡ hoặc dầu ăn rang. Tỏi và sả vàng lên bốc mùi thơm.
Ruốc là món ăn không thể thiếu. Lúc khó khăn thì mẹ rang sả, ruốc chung với nước mỡ, cũng có khi dư dả mẹ trộn lẫn thịt heo ba rọi rang vàng, gia vị là bột ngọt, đường, ớt…
Cho ruốc hòa một chút nước trà, tất cả được xào đều, lúc đầu cho lửa lớn cho khô và săn lại. Rồi nhỏ bớt lửa cho đến lúc muối sả được tạo màu cánh gián rất đẹp là được.
Muối sả ruốc
Tuy vậy, chế biến món ăn thành phẩm hoàn chỉnh thì cũng không đơn giản. Đấy là bí quyết, chỉ sơ suất một chút, ruốc sẽ bị đổi màu đen bầm, có lúc trở thành mùi thum thủm.
Thật khó có thể tả được niềm hạnh phúc khi thưởng thức bữa cơm muối sả đậm đà hương vị.
Cứ thế thời gian chầm chậm trôi, người mẹ quê tần tảo nuôi con khôn lớn, người nông dân nhễ nhại mồ hôi trên cánh đồng làm ra hạt gạo, các cậu học trò học hành đỗ đạt.
Giờ đây, cuộc sống đổi thay, chỉ cần nhấc máy lên phôn một tiếng là có ngay cơm hộp, có ngay món ngon, rượu bia…
Riêng các cậu học trò xưa như tôi giờ đây rời xa tổ ấm, miếng cơm mo cau, chấm cùng các món muối sả, ruốc mặn ngọt bùi thuở hàn vi, món cơm nghèo dân dã, nhưng vị ngon của cơm, của muối từ trong chiếc mo cau sẽ nhớ mãi, chắc chắn đã lưu giữ một góc nào đó trong mỗi con người.
TÔN THẤT LANG
Tốn cơm với món cá rô đồng nấu canh lá khổ qua rừng
Lâu lắm, tôi mới được ăn cá rô đồng. Nắng nóng mà ăn món cá rô đồng nấu canh lá khổ qua rừng mới đáng đồng tiền bát gạo chớ!
Cá rô đồng loại 5 đến 6 con/kg có thể dặn trước những người phụ nữ bán đồ đồng có gì bán nấy ở các chợ tại TP.HCM - Ảnh: THU NGUYỄN
Nhưng cái ngon lần này nó ùa đến bằng cảm giác trước khi khẩu vị nhận thức kịp, vì nó lùa ta về một miền quá khứ xinh đẹp.
Nhà ngoại tôi sát mé sông Cái TP Nha Trang, thời tôi sống Nha Trang mới "lên chức" thị xã.
Phía trên cách cầu sắt xe lửa một đôi đường là một bến sông nhỏ, nơi đậu mấy chiếc ghe của những cư dân ở rải rác quanh đó, trong đó có ghe của ngoại. Chiếc ghe mà mỗi lần tu sửa lớn, cậu Mười Chừng phải mượn ghe chèo lên nguồn để chặt tre bè về.
Sông Cái mùa nước lũ, nước sông tràn lên tận bờ và chảy rất xiết. Bên kia sông, nước tràn vào các cánh đồng. Đó là lúc, chúng tôi, tôi và đứa em con dì Bảy Mùng, khiêng ghe ngược đường thật xa, từ đó thả ghe xuôi xeo xéo theo dòng nước cuồn cuộn, qua sông ngay cái đập mùa nắng giữ nước cho ruộng.
Đầu hôm bắt đầu vào ruộng thả lưới. Thường đến nửa đêm bắt được một mớ cá chốt. Gần sáng những mẻ lưới chót, bao giờ cũng bắt được mớ cá rô. Cậu em giải thích là cá rô đi hừng đông.
Cái ngon của món cá rô đồng nấu canh lá khổ qua rừng bị cảm giác xâm lấn khẩu vị là như thế. Bây giờ hai cái "dấu chỉ địa lý" "đồng" và "rừng" nghe cao cấp gì đâu!
Bạn có thể bắt gặp rất nhiều quán bún cá rô đồng ở Sài Gòn, nhưng đó là cá rô đồng "công nghiệp" mất rồi. Ngày xưa cá rô chỉ được gọi đơn giản là rô không phải mang tính ngữ "đồng" để phân biệt với rô "nhà".
Cái ngon như thế, một người trẻ lớn lên rặt thành thị khó mà bắt gặp được, vì trong anh/chị ta có khi không có chút khái niệm nào về "đồng" và "rừng".
Ông bạn trẻ đãi món canh hôm Lễ hội bánh dân gian ở Cần Thơ vừa qua thiệt thà: "Nói rô đồng chớ không rặt đồng đâu. Nhưng loại rô này được thả trong ruộng lúa, phải mua gom mới có". Bây giờ đồng đã xa mà rừng cũng đã khép. Lá khổ qua rừng cũng chỉ nhà trồng.
Lá khổ qua rừng bán ở các chợ buổi sớm - Ảnh: THU NGUYỄN
Trước khi nấu canh, ông bạn trẻ tên Epal đã nướng sơ lên, nên con cá thơm mùi rô không lẫn vào đâu được.
Cái mùi thơm ấy đã ngủ yên trong trí nhớ từ thuở còn ở quê nhà giờ thức giấc, mùa mưa lụt đi thả lờ, có khi chỉ bắt được hai ba con rô.
Đem về nướng lên rồi đâm xóc với một mớ me lép - tháng lụt me chưa tượng hột, muối hột và ớt. Thế đã có một bữa cơm ngon.
Rô đồng tôi ăn hôm đó chừng 5 đến 6 con/kg. So với rô nhà, nó là dạng "vũ nữ thân gầy".
Gọi như thế cũng đáng, vì cũng như trê, rô có mang phụ, có thể thở bằng oxy, nên nó có thể sống không nước vài tiếng đồng hồ. Có thể làm thân "vũ nữ" múa vi di chuyển từ chỗ nước này sang chỗ nước khác. Vậy nên Tây mới hơi quá đáng gọi nó là con cá leo - climbing perch.
Nhưng cá rô mà không có nước mắm hòn thứ thiệt là đã gần như mất ngon một nửa. Epal rút kinh nghiệm lần trước ở nhà một người bạn, khi chấm thịt ba rọi, tôi đã cự nự vì nước mắm giả, ngọt cái ngọt không có hậu, thơm cái thơm son phấn, màu cái màu không thật. Nên lần này là nước mắm hòn dầm trái ớt xiêm.
Vẻ miếng cá chấm mắm và cùng miếng cơm của Cần Thơ gạo trắng (nước đã rất bớt trong) là khẩu vị đã bắt đầu nhận thức được cái ngon đậm đà, dân dã. Ngon nên thứ này bắt cơm dữ lắm.
Mà bây giờ "cơm dữ lắm" lại sai dưỡng thuật, nên chịu khó mua thực nhiều lá khổ qua - thứ dưa khổ vừa giải nhiệt, vừa chống béo phì này - coi vậy mà được việc.
Cá rô dầu cho có làm món nổ muối hột, vẫn phải chấm mắm, vẫn ngon nức nở. Muối hột thì cứ dùng thứ muối hột trắng trắng vàng vàng ông cha ta ăn bao đời nay, để khói của muối với mùi đất, mùi rêu thơm thơm đượm vào con cá. Đừng sính mốt mà xài thứ muối mỏ như muối Himalaya - với ý nghĩ thứ đó tinh khiết - là hỏng mấy con cá rô đồng.
Ngữ Yên
Làm cà pháo muối chua ngọt giòn ngon chiều lòng người lớn tuổi Cà pháo muối chua ngọt là món ăn dân dã của người Việt. Nhất là với người lớn tuổi, cà pháo muối chua ngọt không thể thiếu trong mâm cơm hàng ngày. Hướng dẫn làm cà pháo muối chua ngọt tại nhà Nguyên liệu làm cà pháo muối chua ngọt Cà pháo: 1kg Tỏi: 100 gr Gừng: 100 gr Ớt sừng đỏ không...