Cơm không treo mà mèo vẫn nhịn
Họ là những đôi vợ chồng còn trẻ, khoẻ mạnh, khát khao yêu nhau, nhưng lại không hoà hợp trong “chuyện ấy” vì nhiều lý do.
Cơm không treo mà mèo vẫn nhịn
Vợ chồng ở bên nhau cả đêm nhưng vẫn “lệch pha” về… giấc. Có anh buổi tối thì ngủ khì khì, nhưng sau 3 giờ đêm mới quờ tay sang vợ “lọ mọ”. Có chị lại thấy cảm hứng yêu thương trước 10 giờ tối, nhưng giờ ấy anh chồng còn ôm tivi đến khuya, mặc cho vợ giận dỗi đòi “đi ngủ trước”. Đến khi anh chán tivi, chán cả vi tính, muốn yêu vợ thì vợ lại “ngủ lăn long lóc”, lay không dậy, cấu véo không hay.
Có những phụ nữ không bao giờ chấp nhận yêu chồng “giữa ban ngày ban mặt”, chỉ nằng nặc bảo “đợi đêm đã”. Tiếc thay, anh chồng lại thuộc kiểu người chỉ có cảm hứng khi nhìn rõ mặt vợ dưới ánh sáng mặt trời.
Chỉ vì những chuyện như vậy mà cả hai cùng khát khao, nhưng lại không trao nhau trọn vẹn, thành ra “cơm không treo mà mèo vẫn nhịn”, thiệt thòi cho cả đôi bên. Những ấm ức lâu ngày không được giải quyết, dồn nén lại thành “cục tự ái”. Có người còn hiểu lầm chồng hay vợ mình không còn muốn yêu mình nữa!
Video đang HOT
Khi vợ chồng không hòa hợp (Ảnh minh họa)
3 yếu tố tạo ra sự hoà hợp
Chuyện lệch pha không phải chỉ là trục trặc về thể chất, thời gian mà còn là vấn đề tâm lý. Thường do mọi người đều coi chuyện đó là “nhạy cảm”, nên không nói cho nhau biết, giữ ấm ức trong lòng.
Vậy làm sao để cuộc sống vợ chồng trở nên hoà hợp? Chúng ta đều biết rằng mọi việc thành công nhờ 3 yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Nhưng trong lĩnh vực nhạy cảm này, có lẽ thứ tự các yếu tố ấy cần được đảo ngược là: nhân hoà, địa lợi, thiên thời.
Nhân hoà không có nghĩa là “không cãi nhau” mà là hiểu nhau đến từng thói quen, từng sở thích của nhau. Nếu anh chồng biết vợ mình muốn được yêu vào chập tối, chắc đã chẳng vô tư ngồi xem vô tuyến hay làm việc chờ khuya.
Nếu chị vợ hiểu rằng chồng mình càng nồng nàn hơn khi anh được “mắt thấy, tai nghe”, đã không nằng nặc bắt chồng tắt đèn tối om. Nhân hoà còn thể hiện ở chỗ sống vì nhau. Có thể anh chồng hay cô vợ không thật sự thoải mái trong hoàn cảnh nào đó, nhưng sẵn lòng đáp ứng làm cho bạn đời hạnh phúc.
Địa lợi – thiên thời do người tạo ra. Nếu mọi người hiểu rằng “chuyện ấy” không phải là một nhiệm vụ, không phải chỉ để sinh con, mà là “trò chơi vợ chồng” để mang lại niềm vui, thì người ta sẽ chấp nhận vui vẻ với nhau ở bất cứ nơi nào thuận lợi.
Không ai bảo một đôi vợ chồng thỉnh thoảng nghỉ bù một ngày trùng nhau để dành cho nhau trọn vẹn là… quá đáng. Có đôi vợ chồng tranh thủ buổi trưa gặp nhau, bởi buổi tối ngại con cái vì… nhà chật. Nói chung, khi lòng đã thông, thì chẳng chờ đến khi có thiên thời – địa lợi, mà người ta chủ động tạo ra điều kiện thuận lợi để yêu nhau. Đôi khi “cái khó ló cái khôn” là vậy.
Nói với nhau về “chuyện ấy” thế nào?
Không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng cảm thấy khó khăn khi trao đổi với vợ về “chuyện ấy”. Lý do là vì mọi người hiểu hai chữ “nói chuyện” theo nghĩa hẹp. Cứ hình dung cảnh đôi vợ chồng pha một ấm nước, ngồi với nhau ở phòng khách, rồi một người mở lời: “Em ạ, anh muốn…” hay “Em nghĩ rằng…”, thì đúng là khó thật. Nhưng con người có nhiều cách nói, đâu chỉ bằng lời.
Chẳng ai bảo ai, chúng ta cũng tự hiểu rằng một ánh mắt của vợ, một cái tín hiệu của người chồng, một cử chỉ quan tâm của người bạn đời có ý nghĩa như thế nào rồi sao?
Khi trò chuyện về “chuyện ấy”, hãy học cách hiểu khác đi so với lời nói thông thường. Khi người vợ cứ nhắc chồng tắt đèn đi ngủ, người chồng phải nhạy cảm nhận ra rằng cô ấy không muốn ngủ một mình.
Khi chồng hỏi “dạo này em làm sao thế?”, vợ phải nghĩ đến việc anh ấy đang hờn giận về sự nhạt nhẽo, thờ ơ của vợ. Khi vợ đáp lại cử chỉ “đòi yêu” của chồng bằng câu nói: “Hư nào, để đến tối đã”, thì lúc đó người chồng cũng nên hiểu rằng không nhất thiết phải ngoan ngoãn nghe lời quá mức nhé (!).
Theo VNE