“Cởi trói” cho cà phê
Hạn hán, thiên tai gây thiệt hại khá nặng nề cho ngành cà phê trong niên vụ 2015-2016 và dự báo sẽ còn để lại di chứng cho niên vụ sau. Trong khi đó, việc dừng cho vay ngoại tệ với lãi suất thấp tạo khó khăn “kép” cho DN cà phê. Vì thế, khi được tháo gỡ khó khăn này, DN cà phê mừng ra mặt.
Khó khăn “kép”
“Chưa bao giờ ngành cà phê lại khó khăn vậy” là cảm nhận của ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê- Ca cao Việt Nam (Vicofa) khi nói về tình hình XK của ngành cà phê thời gian qua. Theo đó, ngay từ đầu vụ tức tháng 10 năm 2015, ngành cà phê đã phải đối mặt với tình hình khô hạn khắc nghiệt nhất trong 3 thập kỷ qua.
Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5 tỉnh Tây Nguyên- vùng trọng điểm trồng cà phê, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là tỉnh thiệt hại lớn, tiếp đến là Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum. Trong tổng số 165.000 ha cây công nghiệp nói chung trên các địa bàn thì cây cà phê chiếm 110.000 ha, trong đó có 40.000 ha chết khô.
Dù vậy, XK cà phê vẫn có sự tăng trưởng nhất định. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, XK cà phê trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 983.891 tấn đóng góp vào kim ngạch XK chung của cả nước 1,707 tỷ USD, tăng 39,6% về lượng và 17,8% về trị giá. Thị trường XK lớn nhất của Việt Nam là Đức đạt 159.873 tấn trong 6 tháng đầu năm với trị giá 264,34 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Mỹ với 127.983 tấn, trị giá 222,409 triệu USD, Italia (79.118 tấn, 132,96 triệu USD), Tây Ban Nha (62.646 tấn, 108,263 triệu USD), Nhật Bản (55.395 tấn, 101,596 triệu USD).
Ông Vinh cho biết, lượng cà phê XK tăng là do có lượng tồn kho từ năm cũ chuyển sang. Còn về giá, hiện tại đã có sự hồi phục so với thời điểm trước, giá cà phê đã nhích lên 37-38 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân là do “thủ phủ” cà phê Brazil cũng cùng chung cảnh ngộ giảm sản lượng khiến cho nguồn cung trên thế giới cũng giảm. Theo quy luật cung cầu, nguồn cung yếu thì tất lẽ giá sẽ nhích lên.
Không chỉ khó khăn do hạn hán, mấy tháng qua, DN cà phê như “ngồi trên đống lửa” khi Ngân hàng Nhà nước tạm dừng không cho vay ngoại tệ. Theo Vicofa, mấy năm trước, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho các DN XK cà phê, thủy sản… vay ngoại tệ lãi suất thấp. “Nhưng vừa qua, khi chuẩn bị vào mùa vụ thì có thông tin Ngân hàng Nhà nước không cho vay tiếp nguồn ngoại tệ.
Rõ ràng, DN càng khó khăn hơn”, ông Vinh nói. Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vicofa, những năm gần đây, trong ngành cà phê các DN lớn của nước ngoài đã gần như chiếm lĩnh phần lớn thị phần thu mua nguyên liệu. Họ tận dụng được nguồn vốn rẻ do vay từ các ngân hàng ngoại sau đó chuyển đổi sang tiền đồng để thu mua nguyên liệu trong nước. Vì thế các DN nội địa nếu không được vay USD sau đó chuyển sang tiền đồng để tiết giảm chi phí lãi thì hoàn toàn không thể cạnh tranh được ngay tại “sân nhà”.
“Cởi trói” vốn
Video đang HOT
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước dừng cho vay ngoại tệ, Vicofa đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị tạo điều kiện cho DN cà phê vay ngoại tệ lãi suất thấp bởi với ngành này chi phí để thu mua, chế biến nguyên liệu XK rất lớn và quay vòng nhanh chóng. Hơn nữa, Vicofa lập luận rằng, việc tiếp tục cho DN vay ngoại tệ lãi suất thấp là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Tin mừng cho DN cà phê là Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận đề xuất này. Đây có thể coi là một “cứu cánh” cho DN cà phê trong bối cảnh khó khăn như đã nói trên. “Cũng nhờ giải pháp này mà XK cà phê 6 tháng qua mới đạt kết quả tích cực như vậy”, ông Vinh chia sẻ.
Khi được hỏi về mục tiêu XK cà phê cả năm 2016, vị này cho hay, ngay từ đầu năm chúng tôi đã dự báo XK sẽ khó khăn bởi hạn hán kéo dài. Không chỉ sản lượng cà phê bị ảnh hưởng mà chất lượng cà phê cũng giảm khi nước không đủ cho nhân cà phê phát triển. 6 tháng đầu năm có tăng trưởng khả quan nên cả năm 2016 XK cà phê có thể tăng hơn năm 2015, dù không nhiều.
Để thực hiện được mục tiêu XK năm 2015, ngoài những biện pháp mà Vicofa đã thực hiện như kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, cải tạo hồ đập đối phó khô hạn, giãn nợ cho người trồng cà phê, ông Vinh cho biết thêm, các DN cà phê cũng mong muốn ngân hàng cải tiến các thủ tục tiếp cận vốn. Các địa phương đẩy mạnh tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân để họ lấy đó làm tài sản thế chấp vay vốn, đồng thời, cần có chính sách tài chính ổn định cho DN yên tâm làm ăn. Kết hợp với các thương vụ nước ngoài để mở rộng thị trường cũng là một biện pháp giúp cho ngành cà phê có sự tăng trưởng ổn định trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, Vicofa vẫn mong các thương vụ hoạt động tích cực hơn để truyền thông tin về tới Bộ Công Thương, tới DN một cách kịp thời. Thực tế hoạt động chưa hiệu quả của các thương vụ ở nước ngoài cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra và yêu cầu Bộ Công Thương củng cố lại đội ngũ tham tán, thương vụ.
Theo Phan Thu (Báo Hải quan)
Vườn cà phê lên tuổi "cụ" đạt năng suất trên 4 tấn/ha
Mặc dù những vườn cà phê đã lên tuổi "cụ" (32 năm) nhưng vẫn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Có được kết quả này, nhờ Cty TNHH MTV Cà phê 704 đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Sung sức vườn cà phê "cụ"
Những vườn cà phê xanh mướt, cành vươn dài, quả sai trĩu trịt của Cty Cà phê 704 không ai nghĩ chúng đã lên tuổi "cụ" cần phải tái canh thay thế. Ông Nguyễn Văn Bể, GĐ Cty phấn khởi cho biết, Cty có 150ha cà phê trồng từ năm 1984, nhưng vẫn chưa phải tái canh do vẫn đạt trên 4 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Bể đi thăm vườn cây cà phê
Để có năng suất này, ban lãnh đạo Cty đã xác định việc duy trì và phát triển vườn cây thực hiện theo hướng bền vững, năng suất, chất lượng. Cụ thể, Cty đã triển khai nhiều giải pháp trong từng công đoạn như quản lý quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây; đầu tư, cung ứng vật tư, phân bón; triển khai, kiểm tra việc thực hiện các công đoạn chăm sóc vườn cây của người lao động nhận khoán.
Đồng thời áp dụng đầu tư KH-CN cao vào sản xuất (chế phẩm sinh học, phân bón lá...); phối hợp thường xuyên với các cơ quan chuyên môn như Trạm BVTV các huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Cty Cà phê 704 (TCty Cà phê Việt Nam) tiền thân là Cty Cà phê Đăk Uy 3 được hình thành từ Nông trường cà phê thuộc Cty Xuất nhập khẩu Kon Tum, Cty Thủy nông Đăk Uy 3; gồm cơ quan Cty và 11 đội sản xuất.
Trong đó có 4 đội SX đóng trên địa bàn huyện Đăk Hà điều kiện kinh tế khá thuận lợi; 3 đội đứng chân tại hai xã HơMoong, Sa Nghĩa thuộc huyện Sa Thầy và đặc biệt có 3 đội ở xã Đăk Long, huyện Đăk Glei thuộc diện vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.
Cty đang quản lý 510ha cà phê, 68ha lúa nước hai vụ, 48ha cao su. Năm 2016, hoạt động của Cty diễn ra trong điều kiện thời tiết đầu năm diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, tác động lớn đến sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, đặc biệt là cây cà phê.
Trồng mới cây cà phê
Toàn bộ diện tích cà phê của Cty tại khu vực huyện Sa Thầy và huyện Đăk Glei phải tưới đến 4 đợt, có nơi tưới 5 đợt và phải tưới truyền 2 máy. Trước tình hình thời tiết khô hạn kéo dài, Cty đã thành lập BCĐ phòng chống khô hạn, để chỉ đạo tưới nước chống hạn cho các loại cây trồng tại các khu vực sản xuất.
Cty cùng với người lao động đã khắc phục mọi khó khăn, tìm cách khai thông nguồn nước, nạo vét, tu sửa hồ đập. Cty còn hỗ trợ 1 triệu đồng/ha đối với 74ha cà phê phải tưới truyền 2 máy. Tính đến đầu tháng 7, toàn bộ diện cà phê phát triển khá tốt, không bị khô hạn. Đồng thời Cty đã đầu tư 18 tỷ đồng để trồng mới 40ha cà phê.
Làm kinh tế song hành công tác xã hội
Địa bàn sản xuất của Cty phân tán, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, lao động thiếu cả về số lượng và chất lượng nhưng với tinh thần phấn đấu vượt khó, Cty đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế năm 2015 với doanh thu 42.373 triệu đồng, nộp ngân sách 1.149 triệu đồng, lợi nhuận 3.017 triệu đồng.
Với 510ha cà phê nằm trên 3 huyện Đăk Hà, Đăk Glei, Sa Thầy, chất lượng cây không đồng đều, nhất là ở Đăk Glei, Sa Thầy nhưng người nhận khoán đã nỗ lực chăm sóc, cà phê phát triển tốt và cho năng suất khá.
Vườn ươm cà phê chất lượng cao
Số hộ công nhân, người lao động nhận khoán gồm 689 hộ, việc ký hợp đồng giao nhận khoán và giao nộp sản phẩm khoán đạt 100%.
Với mức thu nhập bình quân của hộ trồng cà phê 44 triệu đồng/ha/năm và 34 triệu đồng/ha/năm cây lúa. Cụ thể, khu vực Đăk Hà (151,2ha) năng suất bình quân 16 tấn quả tươi/ha/năm; khu vực Sa Thầy (188,5ha) 15 tấn/ha/năm; khu vực Đăk Glei (170ha) 18,4 tấn/ha/năm; tổng sản lượng 8.296 tấn.
Với cây cao su, thu hoạch được 203 tấn mủ nước, cây lúa nước, sản lượng đạt 748 tấn, năng suất bình quân 11 tấn/ha/năm. Công tác kinh doanh vật tư phân bón, xăng dầu đạt doanh thu 13.628 triệu đồng, duy trì tốt tổ dịch vụ thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê sau chế biến đạt 1.480 tấn nhân.
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Kon Tum về phân công các đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu xây dựng các phum sóc khó khăn, Cty đã vận động 02 sóc tham gia nhận khoán, giúp bà con ngói lợp nhà, hỗ trợ kinh phí xây dựng nâng cấp nhà rông, tu sửa đường sá, tặng quà đối tượng chính sách, gia đình khó khăn dịp lễ tết. Nơi địa bàn Cty đứng chân, về cơ bản không còn hộ đói, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể, trình độ dân trí, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng lên. Kế hoạch năm 2016 của Cty là nỗ lực thâm canh các loại cây trồng để đạt sản lượng 8.136 tấn cà phê, 61 tấn mủ cao su, 816 tấn lúa; kinh doanh vật tư phân bón các loại 1.500 tấn, tiêu thụ xăng, dầu 450 ngàn lít. Tổng doanh thu 55,8 tỷ đồng; nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 3,4 tỷ đồng.
Theo Ngọc Thăng (Nông Nghiệp Việt Nam)
Hồng Trung Quốc "giết" hồng Đà Lạt Người dân Đà Lạt đành phải bấm bụng chặt bỏ cây đặc sản có một không hai ở Việt Nam. Những ngày này, du khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng) dễ dàng nhìn thấy những chiếc lều tạm bợ được nông dân dựng lên dọc đèo Prenn, Mimosa... để bán trái hồng giòn. Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng của...