Coi chừng thực phẩm chức năng rởm
Thời gian gần đây, Phòng An ninh kinh tế CATP Hà Nội phối hợp cùng với các lực lượng chức năng phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng kém chất lượng, nhái sản phẩm, làm giả tem mác…
Các loại thực phẩm chức năng rởm mang nhãn mác Mỹ của Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam được bán ra thị trường
Làm rởm bằng công nghệ… thủ công
Video đang HOT
Một trong số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng rởm bị lực lượng An ninh Kinh tế – CATP Hà Nội phát hiện trong thời gian gần đây phải kể đến Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam có địa chỉ tại đường Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, Đống Đa, TP Hà Nội.
Vào đầu tháng 9, trong quá trình kiểm tra văn phòng của công ty này, lực lượng An ninh Kinh tế và Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện gần 100 thùng carton đựng các loại thực phẩm chức năng đã được đóng gói như: Glucosamin, Arginin, GinkgoBiloba, Vitamin E… đều mang nhãn mác của Mỹ. Nhưng sự thật, theo ông Vũ Minh Khoa – Giám đốc Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam khai nhận trước cơ quan chức năng, từ các loại bao bì, nhãn mác, hộp đựng sản phẩm, các loại phụ kiện và hàng chục nghìn sản ph ẩm thực phẩm chức năng dạng viên đã được công ty này “nhập” từ Hải Dương về. Sau đó, công nhân dùng các thiết bị máy móc đóng gói, dán tem nhãn rồi bán ra thị trường. Cũng theo vị giám đốc này, mỗi ngày công ty bán ra thị trường khoảng 20 thùng với hàng nghìn viên thực phẩm chức năng rởm.
Trắng trợn không kém Công ty TNHH liên doanh Takeda Việt Nam là Công ty CP Thiết bị y tế Hoàng Gia. Tại thời điểm Phòng An ninh kinh tế – CATP Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 14 – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiến hành kiểm tra, tại kho của công ty này ở Trung Tự, quận Đống Đa, TP Hà Nội có tới 3.873 lọ thực phẩm chức năng (trị giá gần 800 triệu đồng) trên nhãn mác đều thể hiện sản phẩm được sản xuất tại Mỹ từ mã vạch cho tới thông tin sản phẩm, nhưng thực chất, không đúng như đã đăng ký trong sản phẩm.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định số thực phẩm chức năng rởm nói trên đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Một cán bộ điều tra của Phòng An ninh Kinh tế – CATP Hà Nội cho biết, việc phát hiện vi phạm của các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng là rất khó bởi để biết được các sản phẩm đó có vi phạm các tiêu chuẩn như đã đăng ký hay không… Cơ quan công an phải phối hợp với các lực lương chức năng tiến hành nhiều biện pháp kiểm nghiệm tốn kém và mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, nếu sản phẩm đó thật sự không đảm bảo chất lượng thì trong quá trình chờ đợi kết quả, cơ sở trên có thể tung ra thị trường hàng loạt sản phẩm để lừa bịp khách hàng.
Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe
Chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng rởm bị cơ quan chức năng phát hiện
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng QLTT số 14, Chi cục QLTT – TP Hà Nội cho biết, trong khoảng thời gian từ đầu năm đến nay, riêng đơn vị này đã phối hợp với Phòng An ninh Kinh tế – CATP Hà Nội phát hiện trên 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm liên quan đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, tem nhãn… nhưng việc xử lý chỉ nằm ở mức độ xử phạt hành chính.
Cũng theo ông Nghĩa, các văn bản hướng dẫn của Chính phủ về việc xử phạt trong lĩnh vực này thì các vi phạm của những cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bị các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua chỉ bị xử lý ở mức độ xử phạt hành chính. Riêng đối với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đủ các thành phần như đã đăng ký (hàng hóa kém chất lượng) thì chỉ bị xử phạt tối đa là 15 triệu đồng. Mức xử phạt này là quá nhẹ so với những “hậu quả” do các cơ sở vi phạm này gây ra – Ông Nghĩa cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh này hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chức năng thuộc sự quản lý của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế; do vậy, “họ” không được cấp giấy phép kinh doanh mà chỉ được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cấp giấy đăng ký chất lượng sản phẩm. Vì thế, khi phát hiện vi phạm của các cơ sở này, ngoài việc xử phạt hành chính đối với số sản phẩm vi phạm, các cơ quan chức năng chỉ được phép yêu cầu tái chế số sản phẩm vi phạm hoặc tiến hành tiêu hủy. Chính vì thế, sau khi bị các cơ quan chức năng xử lý, các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động,
Theo ANTD