Cò vé tàu xe Tết vẫn lộng hành
Tuy nhiên theo ghi nhận của Đất Việt, tại khu vực ga Hà Nội, tình trạng phe vé, môi giới vẫn diễn ra rất ngang nhiên và không vấp phải sự quản lý nào của cơ quan chức năng.
Bộ Trưởng Bộ GTVT vừa có công văn yêu cầu Tổng Công đường sắt chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến công tác bán vé, kiểm soát bán vé tàu Tết, không để các đối tượng cò mồi, phe vé, môi giới dẫn khách vào ga. Tuy nhiên theo ghi nhận của Đất Việt, tại khu vực ga Hà Nội, tình trạng phe vé, môi giới vẫn diễn ra rất ngang nhiên và không vấp phải sự quản lý nào của cơ quan chức năng.
15g ngày 3.1, vừa tấp xe vào đầu đường Trần Hưng Đạo (trước cửa ga Hà Nội) ngay lập tức 5 “cò” vé ùa ra vây và hỏi: “Vé tàu không em?”. Khi chúng tôi đề cập muốn lấy 3 vé ngồi cứng đi TP.HCM sau Tết Nguyên đán, một cò nói: “Giờ này vào ga làm gì còn vé”. Sau đó, chị ta ra giá chênh lệch 200.000 đồng/vé tàu. Chúng tôi vừa tránh được chị này, một người đàn ông khoảng 50 tuổi lập tức áp sát: “Vé không em?”. Chưa kịp trả lời, ông ta đã chìa ra một sấp vé được gói cẩn thận trong bọc nilông. “Cần vé loại nào, bao nhiêu cũng có”, cò vé này khẳng định.
Một “cò” vé chợ đen bán vé cho khách. Anh: bao Tuôi tre
Video đang HOT
Theo hướng dẫn của “cò” này, lấy vé cầm tay thì mỗi vé chênh 200.000 đồng, khỏi cần xuất CMND. Còn nếu muốn đặt chỗ thì qua nhà riêng, ông ta sẽ ghi lại số CMND và nhận tiền đặt cọc (có giấy biên nhận). Đến giờ đi, ông ta sẽ đưa vé và dẫn lên tàu. Thấy khách lưỡng lự, có vẻ thiếu tin tưởng, ông ta trấn an: “Cứ đến cho biết nhà biết cửa, rồi làm thủ tục đặt cọc, cứ yên tâm”.
Sau một hồi cò kè, “cò” này đưa ra mức giá cuối cùng: “Trăm rưởi là giá cực kỳ hữu nghị rồi, anh cũng chỉ kiếm được vài chục thôi, còn phải chia cho đủ các khâu, từ nhân viên đến bảo vệ, soát vé…”, ông ta nói.
Bỏ lại đám “cò” vé ở cửa ga, chúng tôi vào ga lấy số thứ tự và ngồi chờ đến lượt. Sau khi nhận được yêu cầu muốn mua vé ngồi cứng hoặc ngồi mềm đi Sài Gòn trong khoảng 10 – 12.1.2012 âm lịch, chị nhân viên vào máy tính kiểm tra rồi khẳng định: “Hết vé rồi anh ơi!”.
Chúng tội gọi vào số điện thoại 04.39423949, để đăng ký mua vé qua điện thoại. Sau nhiều lần bấm gọi liên tục trong khoảng 15 phút vào số điện thoại trên, dù tiếng chuông vẫn đổ đều đều, nhưng không ai nhấc máy. Cố gắng mãi, chúng tôi cũng gặp được một chị nhân viên hướng dẫn, thế nhưng chị lại bảo… đến trực tiếp ga Hà Nội để mua.
Sau những cố gắng xếp hàng mua vé của ga Hà Nội bất thành, chúng tôi bỏ về. Vừa ra đến cửa, đám “cò” vé lập tức lại xúm xít kéo chúng tôi ra quán nước trước cửa ga rồi mời chào: “Mỗi vé chênh 200 nghìn đồng”. Sau khi ngỏ ý muốn đi theo diện “suất nhân viên”, một “cò” gật đầu với điều kiện đặt trước 100.000 – 200.000 đồng, khi đi sẽ có nhân viên trên tàu lo A – Z, thậm chí, vào đến tận TP.HCM thanh toán nốt cũng được.
Theo Báo Đất Việt
"Cát tặc" xứ Thanh lại lộng hành
Tình trạng khai thác, tập kết cát trái phép ven sông Mã diễn ra công khai trắng trợn như thách thức các cơ quan chức năng, nhất là Sở Tài nguyên & Môi trường Thanh Hóa.
Cách trung tâm TP Thanh Hóa chưa đầy 2 km, tại thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hóa, luôn ồn ào với tiếng máy nổ của những chiếc thuyền máy đang thi nhau bơm cát lên bờ.
Ngay tại chân cầu Tào Xuyên, nhiều bãi cát dưới sông cứ ùn lên. Việc bơm hút cát và tập kết cát này diễn ra đã từ lâu nhưng dường như mọi "cố gắng" của UBND thị trấn Tào Xuyên là bất lực?
Còn ngay tại tiểu khu Nghĩa Sơn 3, thị trấn Tào Xuyên, những bãi cát nằm rải rác bên bờ sông Mã như "thách đố" các cơ quan chức năng.
Tập kết, khai thác cát trái phép nhưng Sở TN&MT Thanh Hóa vẫn thờ ơ. Ảnh T.Đ
Tại địa bàn thị trấn Tào Xuyên có tới 6 bãi tập kết cát, trong đó theo "báo cáo" của UBND thị trấn thì có 3 bãi đang nằm ngoài vùng quy hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Cách thị trấn Tào Xuyên không xa, một bãi cát đã hình thành trái phép kéo theo việc hút cát tận thu ngay trên sông.
Riêng đối với bãi cát tại xã Hoằng Minh, nhiều người dân sống gần đó cho hay là, ngày nào cũng thấy, mấy chiếc thuyền bơm hút cát cứ ầm ầm, những chiếc biển báo đường sông thì nay cắm chỗ này, mai cắm chỗ khác và giờ thì nó đã "yên vị" ngay giữa bãi cát thênh thang. So với vị trí cũ của chiếc biển báo này thì nó cách "bờ" 100m.
Ông Phạm Bá Oai, chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa cho biết: "Nếu nói về trái phép thì không đúng, bởi vì tại thị trấn Tào Xuyên có 6 bãi, trong đó có bãi có phép, có bãi không có phép. Một số doanh nghiệp không có giấy phép nhưng vẫn khai thác, một số hộ thì không làm hồ sơ thuê đất. Nói chung, huyện khó quản lý lắm! Việc quản lý và xử lý vi phạm là huyện đều phối hợp với CA đường sông. Nhưng thực tế để bắt giữ các phương tiện thì quả là khó và không có bãi giữ phương tiện. Còn tại xã Hoằng Minh, chúng tôi sẽ chỉ đạo dứt điểm những bãi tập kết cát và khai thác trộm. Chúng tôi đã có báo cáo trình UBND tỉnh xem xét. Còn hiện dù chưa có chủ trương, vẫn phải xử lý nghiêm".
Thực tế đã cho thấy sự "bất lực" trong quản lý và xử phạt các địa điểm tập kết và khai thác trái phép trên địa bàn huyện Hoằng Hóa nói riêng và trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Dư luận đang đặt ra câu hỏi là, liệu biện pháp "xử lý" của chính quyền huyện Hoằng Hóa có dám "mạnh tay" không? Hay chỉ là xử lý theo kiểu "tạm thời" vẫn cho doanh nghiệp "dễ thở" đến khi có quy hoạch của UBND tỉnh? Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm gì với vấn nạn "cát tặc" lộng hành?
Theo Nguoiduatin
Bảo vệ lộng hành? Nhiều người dân xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo - Bình Dương gửi đơn tố cáo bảo vệ nông trường cao su liên tiếp đánh trẻ em, gài bẫy người lao động, bắn súng vô cớ giữa đêm khuya... Cháu Hoa cùng mẹ làm đơn tố cáo bị bảo vệ Nông trường Cao su Bố Lá hành hung Có ít 5 người dân...