Cố vấn y tế Thụy Điển chê cách Italy chống Covid-19
Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, cho rằng hệ thống y tế “ít nguồn lực” của Italy khiến nhiều người chết vì Covid-19.
“Tôi đã ngỡ rằng trong một xã hội hiện đại và giàu có như Thụy Điển, chúng ta phải có khả năng bảo vệ người già”, Anders Tegnell, nhà dịch tễ học thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển, than thở về số ca tử vong cao do Covid-19 ở nước này trong cuộc phỏng vấn cuối tuần trước.
Thụy Điển, quốc gia có 10,3 triệu dân, đã ghi nhận hơn 35.000 người nhiễm nCoV, trong đó hơn 4.200 người đã tử vong. Hơn 90% người Thụy Điển chết vì Covid-19 là người già trên 70 tuổi, 3/4 trong số đó sống trong các viện dưỡng lão hoặc được chăm sóc tại nhà.
“Số người chết tại Thụy Điển không nên giống như ở Trung Quốc hay thậm chí là Italy, nơi họ có ít nguồn lực hơn cho những vấn đề như thế này”, Tegnell nói thêm.
Video đang HOT
Nhà dịch tễ học Anders Tegnell phát biểu tại buổi họp báo về Covid-19 ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 9/4. Ảnh: PA.
Phát biểu của nhà dịch tễ học Thụy Điển đã vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Italy. Đại sứ Italy tại Thụy Điển Mario Cospito hôm qua đăng một tuyên bố trên website, dẫn các số liệu để chứng minh hệ thống chăm sóc y tế của Italy vượt trội so với Thụy Điển.
“Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hệ thống chăm sóc sức khỏe của Italy đứng thứ hai trên thế giới về hiệu quả và chất lượng phục vụ, sau Pháp. Thụy Điển được xếp thứ 23 trong cùng bảng này”, ông viết. “Tuổi thọ trung bình ở Italy là 83,4, cao nhất thế giới, sau Tây Ban Nha. Còn ở Thụy Điển, con số này là 82,2. Italy có trung bình 3,4 giường bệnh/1.000 dân, ở Thụy Điển, con số này là 2,2″.
Đại sứ Cospito cho rằng các quốc gia nên thể hiện sự đoàn kết với Italy trong ứng phó dịch bệnh hơn là chỉ trích nước này, bởi đây là lần đầu tiên châu Âu bị đại dịch tấn công và không có thời gian để chuẩn bị ứng phó đầy đủ.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 kể từ khi dịch khởi phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến gần 5,8 triệu người nhiễm, hơn 357.000 người chết.
Italy, quốc gia 60 triệu dân, ghi nhận 33.072 ca tử vong trong tổng số hơn 231.000 ca nhiễm, là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới. Thụy Điển có số ca nhiễm và chết thấp hơn Italy, nhưng tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở nước này thuộc diện hàng đầu thế giới, làm dấy lên những chỉ trích vì chiến lược chống dịch dựa vào “miễn dịch cộng đồng” do Tegnell khởi xướng.
Về gói kích cầu kinh tế 750 tỷ euro của Liên minh châu Âu
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã làm kiệt quệ nền kinh tế châu Âu và thời điểm dịch bệnh bắt đầu hạ nhiệt chính là lúc cựu lục địa cần có một nguồn sinh khí mới, một nguồn tài chính đủ lớn để giúp khu vực này gượng dậy.
Quảng trường Gae Aulenti ở kinh đô thời trang Milan, Italy. Ảnh: Bloomberg
Hãng tin Bloomberg cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã công bố một gói kích thích tài chính mới với tổng trị giá lên tới 750 tỷ euro (khoảng 823 tỷ USD), trong một nỗ lực chưa từng có tiền lệ nhằm giúp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vượt qua cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ năm 1930 tới nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Gói kích cầu có tên là Chương trình Mua sắm Khẩn cấp Đại dịch (PEPP). Kế hoạch được chờ đợi từ lâu này được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố ngày 27/5 (theo giờ địa phương).
Theo Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni, gói kích cầu này đã nhận được sự tán thành của đa số các nước thành viên. Trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter, ông Paolo Gentiloni đánh giá đề xuất do Pháp và Đức đồng bảo trợ này là "bước đột phá của châu Âu giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ".
Tuy nhiên, vẫn có 4 quốc gia thành viên EU phản đối kế hoạch nói trên là Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Các nước này muốn EU cung cấp các khoản vay thay vì hình thức trợ cấp như là cách để xoa dịu "nỗi đau" kinh tế do dịch COVID-19, đồng thời bốn nước này cũng đề xuất phải có những cam kết cải cách kinh tế mạnh mẽ nếu muốn nhận được hỗ trợ tài chính.
Một quan chức EU giấu tên cho hay, trong gói kích cầu này, 500 tỷ euro sẽ được sử dụng dưới hình thức trợ cấp cho các quốc gia thành viên EU, 250 tỷ euro có thể dùng để cung cấp các khoản cho vay. EU sẽ huy động nguồn vốn cho gói kích cầu qui mô lớn này bằng cách đi vay của các thị trường tài chính.
Italy, quốc gia từng là tâm dịch COVID-19 tại châu Âu, sẽ được nhận 173 tỷ euro, trong đó 82 tỷ euro sẽ là trợ cấp và 91 tỷ euro dưới hình thức cho vay. Tây Ban Nha có thể nhận 140 tỷ euro, trong đó 77 tỷ euro sẽ là trợ cấp và 63 tỷ euro dưới hình thức cho vay.
Giới chức EU cho biết nguồn tài chính từ gói kích thích kinh tế này chủ yếu sẽ được dùng để cấp vốn cho các hoạt động cải cách và đầu tư, trong khi một số khoản sẽ được sử dụng để nâng cấp một cách đáng kể khu vực chăm sóc sức khỏe, nhất là với những vùng được đánh giá là nghèo nhất trong EU. EU cũng sẽ có những đảm bảo trong việc chi ngân sách để thúc đẩy lĩnh vực đầu tư tư nhân, cơ sở hạ tầng trọng yếu và công nghệ.
Gói kích cầu này có thể giúp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm bớt áp lực trên vai. ECB tới thời điểm này đã giữ vai trò tiên phong trong nỗ lực đưa nền kinh tế EU gượng dậy sau đại dịch, với cam kết mua hơn 1 nghìn tỷ euro nợ nhằm bình ổn các thị trường.
Tuy nhiên, không phải không có những quan ngại liên quan tới gói tài chính tái thiết qui mô lớn nói trên. ECB ngày 26/5 cảnh báo các biện pháp hỗ trợ tài chính quy mô lớn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể làm dấy lên quan ngại về khả năng trả nợ của khối này, cũng như nguy cơ một số nước rút khỏi Eurozone.
Trong báo cáo ổn định tài chính mới nhất, ECB cho biết trong giai đoạn bình thường, các nước Eurozone đều đặt mục tiêu duy trì nợ công dưới 60%. Song ranh giới này đã được nới lỏng trong cuộc khủng hoảng dịch COVID-19.
ECB đánh giá các gói chi tiêu của chính phủ đã giúp giảm nhẹ tác động của COVID-19 và sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, ECB cũng dự báo tỷ lệ nợ công của Eurozone trên Tổng sản phẩm (GDP) sẽ tăng từ 7-22 điểm phần trăm trong năm nay, khi các chính phủ vay hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ kinh tế. Điều này sẽ nâng tổng nợ trên GDP trong khu vực từ 86% lên gần 103%.
Nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong năm 2020 có thể giảm từ 8 đến 12% trong năm nay do phải vật lộn để vượt qua những tác động của dịch COVID-19. Đây là nhận định được Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đưa ra ngày 27/5,
Trước đó, ECB cho rằng kinh tế eurozone có thể giảm từ 5-12%. Tuy nhiên, theo bà Lagarde, viễn cảnh này không còn tồn tại và tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế eurozone trên thực tế sẽ ở mức "trung bình" hoặc "nghiêm trọng".
Người đứng đầu ECB cũng cho biết "không quá lo ngại" về nguy cơ dịch COVID-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng mới ở eurozone dù các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn phải tiếp tục theo dõi mức nợ công đang ngày một cao tại khu vực này do các chính phủ đang phải vay mượn để trang trải những tác động của dịch bệnh.
Gần 1,6 triệu ca nhiễm nCoV ở Mỹ Mỹ ghi nhận thêm gần 21.000 ca nhiễm nCoV trong 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 1,6 triệu, trong đó hơn 93.000 người chết. Số ca nhiễm và chết vì nCoV hiện nay của Mỹ lần lượt là 1.569.659 và 93.473, sau khi nước này ghi nhận thêm 20.829 ca nhiễm và 1.600 ca tử vong. 362.984 người đã bình...