Cổ trấn vẫn còn chỗ cho kẻ lữ hành lãng mạn
Trở lại với trấn cổ ngàn năm từng bị nhấn chìm trong những cơn lũ, tôi bất ngờ khi vết tích thiệt hại vì lũ lụt chẳng những không còn mà cổ trấn càng lung linh hơn.
Cổ trấn lung linh khi đêm xuống
Tôi vốn rất yêu những con phố cổ. Các đô thị cổ bên sông luôn hấp dẫn tôi. Với Phượng Hoàng cổ trấn, tôi cũng kịp đến 3 lần, để thấy mình vẫn còn rất nhiều cảm xúc ở trấn cổ hơn 2.000 năm nằm trên dòng Đà Giang – một nhánh sông Trường Giang ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Ngỡ ngàng ngày tái ngộ
Dù là ngày đầu tuần, cổ trấn vẫn khá đông du khách.
2 lần đến trước, tôi mất khá nhiều thời gian mới có thể canh chụp được hình ảnh thiếu nữ mặc trang phục truyền thống Miêu tộc, mà thường là hướng dẫn viên bản địa. Đi đâu, nghe trong gió vẳng lại những âm thanh leng keng quen thuộc của trang sức bạc gắn lên trang phục là biết gần đây có một cô gái người Miêu. Nay thì lang thang ngoài bờ sông, trong các con hẻm hoặc trên các đoạn tường thành đều có thể nghe rất nhiều âm thanh keng keng, xủng xoảng quen thuộc đó. Nó phát ra từ các du khách đang đi lại khắp nơi tìm góc đẹp chụp hình. Cứ tầm 20-50 tệ là có ngay 1 bộ đồ thuê.
Bây giờ đang có phong trào du khách đi đến đâu sẽ mặc phục trang truyền thống người dân địa phương nơi ấy để “chụp ảnh check-in”. Vậy là Phượng Hoàng cổ trấn bỗng trở thành một phim trường ngoài trời khổng lồ cho bạn trẻ khắp nơi tìm đến chụp ảnh.
Không lạ khi cổ trấn bây giờ mọc lên rất nhiều tiệm cho thuê trang phục dân tộc, đồ cổ trang kiêm dịch vụ trang điểm và chụp ảnh. Dọc 2 bên bờ sông, nhất là gần các cây cầu cổ và tháp Vạn Danh, ngày đêm dập dìu các mỹ nhân trang điểm thật đậm như bước ra từ cuốn tiểu thuyết hay bộ phim kiếm hiệp, tiên hiệp nào đó.
Lần nào cũng thú vị như lần đầu
Trang phục truyền thống của người dân tộc Miêu ở Phượng Hoàng cổ trấn
Video đang HOT
May quá, cổ trấn vẫn còn chỗ cho kẻ lữ hành lãng mạn như tôi. Phượng Hoàng cổ trấn về đêm như chia làm 2 phần – một nhộn nhịp và một yên lặng. Nơi này dường như vẫn có đủ chỗ cho những người thích sôi nổi lẫn kẻ ưa trầm mặc. Hệt như con sông Đà Giang chạy qua trấn cổ về đêm bây giờ rộn ràng, lung linh hơn nhưng cũng không thiếu những khúc sông yên ắng.
Rộn ràng vì không chỉ âm thanh từ hàng quán 2 bên bờ vọng xuống mà còn vì ngay trên dòng sông nay đã có cả nhạc nước đầy sắc màu, trong đó một số hoạt cảnh đời sống, tình yêu của người dân tộc được thể hiện theo hình thức sân khấu hóa. Ngoài ra một số khúc sông còn được lắp đặt hệ thống phun khói lạnh bay là đà mặt nước khiến khung cảnh trở nên lãng mạn, liêu trai hơn.
Vẻ đẹp của cổ trấn thu hút du khách mọi lứa tuổi
Con sông từ cầu Hồng về cầu Gió và hướng cầu Sương Mù (Vụ Kiều) vẫn vắng, yên ả hơn khu vực cầu Đá nhảy, cầu Gỗ, cầu Tuyết vốn luôn nhộn nhịp. Khung cảnh nơi đây rất hợp để người ta bày những chiếc trống trên bè, thay nhau gõ nhịp, rồi thổi sáo ngay bên bờ sông, làm tăng thêm sự thích thú của du khách khi đi dạo bằng thuyền. Nơi đây cũng chỉ dành cho các con thuyền chèo tay chầm chậm, khác với các thuyền máy ở khúc sông nhộn nhịp gần Bắc môn cổ thành.
Quả là người ta rất biết cách làm cho cổ trấn càng thêm hấp dẫn với khách du lịch dù nó vốn đã là điểm đến nổi tiếng lâu nay. Thị trấn cổ kính nổi tiếng này ngày càng được nhiều bạn trẻ tìm đến nhưng may là vẫn còn những góc yên bình dành cho lữ khách lãng đãng như tôi – kẻ tới đây lần thứ ba vẫn thấy thú vị như ngày đầu.
Trấn cổ vẫn trầm mặc với những mái ngói cũ, thành quách xưa và lối đi nghiêng nghiêng đồi dốc lát đầy đá tảng. Tôi đi lại trên những con đường lát đá cổ nhẵn thín như muốn nghe thanh âm xưa vọng lại trên từng phiến đá dưới chân và trên những bức tường thành cổ, miệng bất giác lẩm nhẩm một câu hát quen mà năm ấy khi đến đây, tôi cùng hát và lang thang với một người.
Trở lại với vị cay nồng
Du khách thỏa sức thưởng thức các món ăn vặt trứ danh như bánh tép nhảy, kẹo đậu phộng pha gừng, kẹo kéo, đậu hũ thối… ở Phượng Hoàng cổ trấn
Trở lại với kỷ niệm cũng là lúc tôi trở lại với những ngày ăn gì cũng thấy… trào nước mắt vì vị cay xè đặc trưng của thức ăn địa phương.
Khí hậu vùng này có độ ẩm cao khiến mồ hôi khó toát ra nên người dân ưa chuộng thức ăn có vị cay mạnh để làm khô và nóng cơ thể, giúp tăng sức khỏe và sự thoải mái. Nằm trong vùng ẩm thực được mệnh danh là cay nhất Trung Quốc (Tứ Xuyên – Vân Nam – Hồ Nam), thị trấn này có các món ăn đặc trưng cay đến khó quên như ganguo (thịt heo kho với đậu và rau), bò xào ớt, canh tiết ngan hay lạp xưởng của người Miêu.
Ngay cả những quán mì bình dân cũng có nước tương hoặc nước dùng cay xè. Gia vị cay ở đây rất đặc biệt, bao gồm các loại ớt xay, tỏi, hẹ tây. Hương vị vừa cay xé như ớt hiểm vừa đánh mạnh vào khứu giác như hạt tiêu. Người dân cũng bán nhiều hũ gia vị cay có màu đỏ nâu hoặc cam cánh gián nhìn rất hút mắt. Nếu bạn không phải là người ăn cay tốt, hãy coi chừng nước mắt tràn mi nhưng có lẽ vì thế mà ấm lòng và nhớ lâu.
Nếu bạn không thích ăn cay, Phượng Hoàng cổ trấn còn rất nhiều món ăn hấp dẫn khác. Ngoài các món ăn quen thuộc của Trung Quốc như màn thầu thịt nướng, bánh bao kim sa…, bạn có thể thử các món ăn đường phố đặc trưng ở đây như các món nướng ướp gia vị vùng Tân Cương bán ở chân cầu Hồng Kiều, bánh tép sông rán nóng hổi gần điện Vạn Thọ.
Tép được bắt dưới sông Đà, khi đưa lên quầy vẫn còn nhảy tanh tách. Người bán rửa sạch rồi trộn với bột và hành, sau đó chiên vàng. Khi ăn, cảm giác tươi ngon giòn rụm, béo ngậy vừa phải quyện với vị ngọt của tép sông rất hấp dẫn. Rất nhiều du khách ưa chuộng món ăn địa phương này. Họ mua bánh tép đi dọc bờ sông vừa ăn vừa ngắm cảnh.
Đáng kể nữa là đậu hũ thối. Hướng dẫn viên người Hoa nói với tôi đây là một trong những nơi nổi danh về món này ở Trung Quốc. Mà ngon thật!
Mùa này trời đã chớm hè mà vẫn lành lạnh, ăn gì có vị cay cũng thích hợp lắm.
Hoàng hôn núi Đá
Cách trung tâm TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) khoảng 3km, núi Đá (hay còn gọi là đồi 37 pháo binh) là địa điểm ngắm hoàng hôn, cắm trại, checkin tuyệt đẹp.
Buổi chiều những ngày cuối năm, gió thổi buốt lạnh cũng không ngăn những bước chân lữ hành tấp nập lên núi Đá. Họ là người Pleiku, là du khách từ phương xa, là cư dân bản địa sống ngay dưới chân núi, có cả những bạn trẻ mang theo tinh thần "rong ruổi không rác rến".
Anh Võ Tiến Đạt-đến từ nhóm cộng đồng Pleiku Returnees (TP. Pleiku) chia sẻ: "Nhà tôi ở ngay dưới chân núi Đá nên thường hay lên đây ngắm hoàng hôn. Không chỉ có người Gia Lai mà còn có rất đông khách du lịch đến checkin. Nếu để họ thấy một nơi đẹp như vậy mà ngập rác thì du lịch Gia Lai sẽ mất đi ấn tượng đẹp với du khách. Vì vậy, dịp Giáng sinh chúng tôi tổ chức lên đây dọn rác để trả lại vẻ đẹp cho núi Đá. Chúng tôi mong mọi người "hãy mang rác về", mỗi người chung tay một chút để giữ gìn vệ sinh môi trường chung ở các thắng cảnh du lịch".
Nhiều người lên núi Đá ngắm hoàng hôn, thả diều, chụp ảnh chekin. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một du khách tĩnh lặng dưới ánh hoàng hôn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Từ núi Đá nhìn về "thành phố buồn"-nghĩa trang lâu đời của TP. Pleiku và "những gã khổng lồ" từ cánh đồng điện gió phía xa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Anh Võ Tiến Đạt (bìa phải) mong muốn cộng đồng cùng nâng cao tinh thần không xả rác để giữ vẻ đẹp cho địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Phố núi. Ảnh: Hoàng Ngọc
Người trẻ Pleiku và tinh thần "Rong ruổi không rác rến". Ảnh: Hoàng Ngọc
Những túi rác to được gom lại vào cuối ngày. Ảnh: Hoàng Ngọc
6 cổ trấn đáng ghé thăm nhất ở Trung Quốc Trung Quốc có rất nhiều thị trấn cổ kính, phong cảnh đẹp như trong cổ tích cùng nền văn hóa độc đáo đang chờ du khách khám phá. 1. Trấn cổ Chu Trang Chu Trang tọa lạc tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, là một trong những thị trấn nước cổ nhất ở Trung Quốc. Những con hẻm nhỏ và sâu...