Cờ tổ quốc gửi từ Hoàng Sa về trong ngày Tết thiếu nhi
“Khi nào các cháu nhìn thấy là cờ tổ quốc là thấy các chú ở bên, các chú hứa sẽ dũng cảm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc” – các chiến sĩ Cảnh sát biển làm nhiệm vụ trên tàu Cảnh sát biển 8003 viết từ Hoàng Sa gửi các cháu thiếu nhi.
Lá cờ tổ quốc gửi từ Hoàng Sa đến các cháu thiếu nhi.
Ngày 26/5, chúng tôi lên đường từ đất liền ra vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam – nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ngoài hành trang tác nghiệp để chuyển tải những hình ảnh Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền trên vùng biển Việt Nam và những hình ảnh các tàu Hải cảnh, Hải giám…Trung Quốc cản phá các tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển chủ quyền của mình. Trong ba lô anh bạn tôi – Trần Hồng Quỳnh (báo Đảng Cộng sản Việt Nam) còn mang theo món quà đặc biệt, ý nghĩa của các cháu thiếu nhi gửi các chú cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa – đó là một phong thư bên trong đựng 700 nghìn đồng mà các cháu thiếu nhi thu được từ tiền bán giấy vụn trong chương trình làm kế hoạch nhỏ.
Anh Quỳnh tâm sự, ngày anh lên đường để ra vùng biển Hoàng Sa thiêng liêng của tổ quốc, vợ và con đã tiễn anh lên đường, chúc anh mạnh khỏe. Bất ngờ, con trai anh là cháu – Trần Trí Dũng đứng nghiêm trang trao cho anh chiếc phong thư, trong đó có 700 nghìn đồng do con anh và các bạn trong lớp làm kế hoạch nhỏ. Thấy vậy, vợ anh cũng rút liền 300 nghìn đồng góp vào cùng con cho tròn 1 triệu đồng.
“Ra đến nơi bố phải chuyển tận tay cho các chú cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên tàu để các chú ấy thêm tiềm mua rau xanh. Chúng con nghe nói ngoài tàu các chú ấy rất thiếu rau xanh”, Trần Trí Dũng dặn bố.
Video đang HOT
Phong thư gửi các chiến sĩ CSB của các cháu thiếu nhi.
Cầm phong thư của Dũng và các bạn của em cùng lớp với những nét chữ cong cong nguệch ngoạc của tuổi học trò mà tự dưng hai chữ “Tổ Quốc” thiêng liêng ấy bỗng nóng ran trong ngực tôi và trào dâng lên khóe mắt mà tôi không hay. “Kính chúc các chú mạnh giỏi, dũng cảm bảo vệ Tổ quốc! Giữ vững Trường Sa, Hoàng Sa!”.
Khi ra tới vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, vừa kịp đặt ba lô lên tàu cảnh sát biển, chờ khi mọi người yên ổn vị trí, việc đầu tiên của anh Quỳnh ban tôi là chuyển phong thư của cháu đến tận tay cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam. Lá thư nhỏ bé với lời nhắn gửi dễ thương như một luồng gió mát lành thổi từ đất liền làm ấm lòng các chiến sỹ Cảnh sát biển và các kiểm ngư viên của Việt Nam nơi biển xa. Nội dung nhắn gửi của lá thư do các cháu thiếu nhi viết gửi các chiến sĩ Cảnh sát biển đang làm nhiệm vụ trên vùng biển thiêng liêng của tổ quốc đã trở thành chủ đề sinh hoạt câu lạc bộ chiến sỹ trên tàu về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với vận mệnh của đất nước, thôi thúc thêm lòng quyết tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Quỳnh – bố cháu Trần Trí Dũng trao phong thư “đặc biệt” đến tay các chiến sĩ CSB 8003.
Buổi sinh hoạt vui vẻ diễn ra ngắn ngủi nhưng thấm đẫm tình đoàn kết dân tộc. Sau những ngày tác nghiệp đầy vất vả gian nan khi phải đối mặt với những hành động vô nhân đạo của các tàu Trung Quốc luôn luôn rình dập tấn công các tàu làm nhiệm vụ chấp pháp của Việt Nam mà chúng tôi có mặt. Ngày chúng tôi trở về đất liên đã cận kề, ngoài những tư liệu sống tố cáo mạnh mẽ các hành vi xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng của Trung Quốc, trong ba lô anh Quỳnh bạn tôi còn có một món quà vô giá và vô cùng ý nghĩa đó là lá Quốc kỳ đỏ thắm, trên đó ghi dòng chữ: “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoàng Sa, ngày 1/6/2014. Tàu Cảnh sát biển 8003 thân tặng cháu Trần Trí Dũng cùng tập thể lớp 8I (năm học 2014 – 2015), Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội. Các chú rất cảm động và trân trọng tình cảm cùng tấm lòng của các cháu. Các chú hứa sẽ dũng cảm, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ! Thay mặt cán bộ chiến sỹ Tàu CSB 8003: Thuyền trưởng, Đại uý Nguyễn Văn Hưng”.
Đại uý Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên Tàu CSB 8003 giải thích thêm, các cháu vừa mới thi hết lớp 7 và vừa mới nghỉ hè, nên các chú viết luôn là lớp 8 để sang năm học mới, cứ khi nào các cháu nhìn thấy lá cờ Tổ quốc nghĩa là thấy hình ảnh của các chú luôn ở bên.
Tuấn Hợp (từ điểm nóng Hoàng Sa)
Theo Dantri
Lập trường Biển Đông của Việt Nam được hoan nghênh tại Shangri-La
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông đã được chia sẻ và hoan nghênh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13.
Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông được chia sẻ và hoan nghênh tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Đại tướng - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Trưởng đoàn đại biểu quân sự cấp cao của Việt Nam dự Đối thoại này, cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Singapore.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời phỏng vấn sau khi kết thúc Đối thoại Shangri La lần thứ 13, ngày 1/6. Ảnh: Lê Hải/TTXVN
Về ý nghĩa của Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết trong bối cảnh tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, bên cạnh những mặt thuận lợi lớn, cơ hội lớn, cũng đã xuất hiện nhiều điểm nóng ở Bắc Phi, Trung Đông, Ukraine, ở khu vực châu Á -Thái Dình Dương là Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các cường quốc có chiến lược toàn cầu, chiến lược khu vực. Về chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực này cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau, có nước cho đó là sự cần thiết nhưng cũng có nước cho rằng sẽ gây ra tranh cãi, tranh chấp về mặt chiến lược, tranh chấp về ảnh hưởng địa chiến lược ở khu vực.
Do đó, Đối thoại Shangri-La lần này rất quan trọng, đó là nơi để các nước bày tỏ, chia sẻ quan điểm, thông tin về tình hình, chính sách của mình, xây dựng lòng tin, tìm kiếm giải pháp hợp tác, nhất là hợp tác về lĩnh vực quốc phòng để duy trì hòa bình, ổn định, tránh đối đầu, giảm căng thẳng, tăng cường hợp tác, hết sức tránh hiểu lầm, đối đầu để xây dựng môi trường chung hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội của các nước.
Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết đây là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 bởi đây là khu vực có đường hàng hải quốc tế tạo sự giao lưu, hoạt động thông thương rất quan trọng đối với các nền kinh tế. Nếu an ninh ở đây không đảm bảo thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước trong khu vực cũng như nhiều nước trên thế giới.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera, sáng 1/6. Ảnh: Lê Hải/TTXVN
Hiện nay khi tình hình tại Biển Đông đang bất ổn, các nước đều bày tỏ quan ngại mong muốn giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông, mong muốn các bên giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, luật pháp quốc tế, công ước luật biển, DOC và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định các nước phải tôn trọng luật pháp, không được có các hành động đơn phương, tạo ra việc đã rồi hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp về mặt chủ quyền lãnh thổ.
Về đóng góp của đoàn Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: "Trong đối thoại lần này, đoàn Việt Nam được ban tổ chức mời phát biểu với chủ đề "Quản lý căng thẳng chiến lược", chúng ta đã chia sẻ những nhận thức chung về vấn đề quản lý căng thẳng chiến lược như thế nào".
Theo Bộ trưởng, "Chúng ta đã thông tin một cách chính thống, một cách khách quan, trung thực, kịp thời để các chính khách, học giả, cơ quan truyền thông quốc tế biết tình hình hiện nay ở Biển Đông sau khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chủ trương nhất quán của chúng ta là giải quyết bằng biện pháp đối thoại, bằng biện pháp hòa bình, nhất là luật pháp quốc tế, Công ước luật biển năm 1982 cũng như DOC. Chúng ta hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực và không đe dọa dùng vũ lực. Chúng ta sử dụng các lực lượng chấp pháp, các lực lượng tàu cá phối hợp đấu tranh bảo vệ chủ quyền và chúng ta đang cố gắng thông qua con đường đối thoại với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc để tìm kiếm giải quyết căng thẳng này. Nói chung, lập trường của Việt Nam được các nước chia sẻ, hoan nghênh, đồng tình, đó là phải tự kiềm chế, phải dùng luật pháp quốc tế, luật biển và DOC, chứ không được dùng vũ lực, xung đột, vì nếu xảy ra xung đột thì nó là thảm họa cho cả khu vực, ảnh đến giao thương, hoạt động hàng hải, hàng không, đến kinh tế chung của các nước, điều mà nhiều nước rất quan ngại".
Theo TTXVN/Tin tức
Tàu Trung Quốc điên cuồng đâm thủng tàu Cảnh sát biển Việt Nam Diễn biến căng thẳng bất ngờ diễn ra vào chiều nay 1.6, khi tàu Trung Quốc số hiệu 46105 đã điên cuồng phun nước và tăng tốc đâm thủng tàu Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam 2016, nơi phóng viên Thanh Niên Online đang có mặt. Tàu cảnh sát biển 2016 (màu xám, bên ngoài) và tàu CSB 2015 trong đợt bàn giao...