Cổ tích giữa đời thường
- “Cuối tuần này tao về, mày hẹn tụi Hải, Trung, Quân họp mặt nha!”.
- “Có chuyện gì vui hả, đừng nói là mày thăng chức nhanh vậy nha?!”.
Tâm cười xòa thay cho lời xác nhận.
- “Ừ! Mày về đi. Tao sẽ cõng mày chạy khắp lô cao su để ăn mừng nhé!”.
Mỗi lần nhận điện thoại của Tâm, tôi đều đoán được sẽ có chuyện mừng. Tâm là vậy, chỉ muốn sẻ chia cùng bạn bè những điều vui vẻ, tích cực. Với Tâm, buồn, vui gì cũng hết một ngày nên chọn cách sống lạc quan sẽ thấy cuộc đời thật đáng sống.
Tôi còn nhớ năm đầu tiên Tâm rớt đại học, tôi buồn và suy sụp như thể mình mới là người rớt vậy. Tâm vẫn lạc quan với suy nghĩ rằng đại học không phải là con đường duy nhất. Câu nói đó nếu được thốt ra từ một người lành lặn bình thường thì chẳng có gì đáng nói, đằng này là Tâm, một thanh niên với hai chân bị liệt từ nhỏ. Vì vậy, tôi luôn lo lắng nếu không đi học Tâm sẽ làm gì để có cuộc sống không vất vả.
Tôi chơi với Tâm từ khi hai đứa chưa đến trường. Tôi cũng không biết Tâm bị tật từ bao giờ, chỉ biết rằng khi nhà Tâm chuyển tới ở gần nhà tôi thì hai chân bạn đã không đi lại được. Nhà có hai anh em, Tâm là anh lớn. Tuy không đi đứng được nhưng quét nhà, nấu cơm, rửa chén… Tâm đều làm tốt. Cha mẹ chúng tôi khi ấy đều làm công nhân nông trường cao su nên phải rời nhà từ tờ mờ sáng. Tâm thức dậy nấu nướng và gọi em gái dậy ăn cơm, dỡ cơm vào cà men để mẹ về lấy.
Công việc nhà xong, chúng tôi lại hẹn nhau ra sau hè nơi có cây khế to che bóng mát để bày trò chơi. Tâm vẽ rất đẹp, khi ấy làm gì có giấy và bút màu, những bức họa của Tâm chủ yếu được vẽ trên nền đất bằng cành cây. Chỉ cần vạch vài nét, Tâm đã vẽ ra một chú chim đang tung cánh trông rất sinh động. Tôi rất thích các bức tranh của Tâm nhưng không cách gì cất giữ được, bèn ngắm chán rồi tặc lưỡi cho Tâm xóa đi vẽ cái khác.
Những ngày đi học chúng tôi như hình với bóng, vì Tâm không đi lại được nên tôi tình nguyện trở thành đôi chân của bạn suốt những năm tiểu học. Nghe như câu chuyện cổ tích giữa đời thường, nhưng với tôi lúc ấy là chuyện bình thường. Tâm nhỏ bé với đôi chân teo tóp nên cõng bạn cũng chỉ như cõng đứa em trai nhỏ của tôi. Khi chúng tôi lớn hơn, đi học xa hơn, tôi lại chở Tâm trên chiếc xe đạp cọc cạch, hai đứa cứ râm ran chuyện trò trên suốt quãng đường đi. Lúc ấy chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày chúng tôi xa nhau…
Tâm là người nghị lực nhất mà tôi từng biết, chưa bao giờ bạn tự ti về bản thân, lúc nào cũng lạc quan, vui vẻ. Thi rớt đại học, Tâm xin cha mẹ lên thị xã học đồ họa vi tính. Sau khi học xong, Tâm tiếp tục học nâng cao và xin vào làm tại một công ty thiết kế xây dựng. Còn tôi học sư phạm và về làm thầy giáo làng. Chúng tôi cách xa nhau từ đó, nhưng không vì thế mà mối liên hệ của chúng tôi thiếu đi những ký ức đẹp.
Tâm đi làm đến nay cũng ngót nghét chục năm, chịu khó mày mò, sáng tạo, hiện bạn được đề bạt chức trưởng phòng. Mọi cột mốc đáng nhớ của Tâm đều có tôi góp mặt, khi thì tôi đón xe lên thành phố để cùng Tâm dạo lòng vòng Sài Gòn ăn mừng bằng ly bia tươi vỉa hè rồi cùng nhau ôn chuyện cũ. Khi thì Tâm đón xe về nhà, hai đứa lại mắc võng ngoài lô cao su nói đủ chuyện trên đời…
Có người từng nói, tình bạn 10 năm là trở thành tri kỷ, còn tôi với Tâm bên nhau hơn 20 năm, chẳng biết tình bạn ấy sẽ được gọi là gì. Chỉ biết rằng chúng tôi luôn nghĩ về nhau đầu tiên khi có chuyện cần chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Với tôi, Tâm không chỉ là bạn mà còn là người thân, người truyền cảm hứng, một tấm gương để tôi dạy dỗ các con mình. Theo năm tháng, chúng tôi đều lớn lên, duy chỉ có tình bạn giữa tôi và Tâm là vẫn vậy, như câu chuyện cổ tích luôn có cái kết đẹp.
Video đang HOT
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đầy bão táp và màn vùng lên của nàng dâu
Nhiều người vợ "chết chìm" trong cuộc sống vất vả ở nhà chồng, cả ngày quần quật, khi ngẩng được đầu lên thì lễ Tết đã qua.
01
Thủy cưới Hoàng đã được gần 3 năm. Vì nhiều vấn đề trong cuộc sống mà họ chưa sinh con. Cô sống chung với bố mẹ chồng.
Cuộc sống của Thủy ở nhà chồng không hề có chút vui vẻ nào cả. Bố mẹ chồng khó tính, chồng Thủy gia trưởng.
Nhà chồng Thủy có điều kiện song sau khi cô làm dâu, mẹ chồng đã cho giúp việc nghỉ làm, mọi chuyện trao hết cho Thủy. Sau khi đi làm về, cô tất tả với đủ thứ việc trong nhà từ nấu nướng, giặt giũ và dọn dẹp. Mẹ chồng mặc định đó là trách nhiệm của nàng dâu. Chồng Thủy cũng cho thế là đúng, bởi anh ta từ bé đến lớn đã sống trong môi trường đàn ông không được vào bếp, đàn ông chỉ nên lo công to việc lớn.
Bởi vậy dù rất mệt mỏi nhưng Thủy vẫn cố gắng đảm nhận trách nhiệm con dâu trong nhà.
Kể cả việc ăn Tết cũng thế. Nhà chồng ở phố, nhà cô ở huyện, hai bên chỉ cách nhau chưa đầy 40km nhưng đến Tết cô cũng phải tranh thủ ghé thăm nhà. Không có chuyện thảnh thơi ăn cơm với bố mẹ, Thủy toàn phải nài nỉ chồng đi cùng, chạy ù về cho có mặt rồi lại tất tả chạy về chăm lo cỗ bàn, phục vụ họ hàng nhà chồng đến thăm và chúc Tết.
Bởi vậy hơn ai hết, Thủy sợ Tết. Nhiều lúc cô cũng muốn từ bỏ cuộc hôn nhân bố mẹ chồng khó khăn, chồng ham chơi không biết thấu hiểu nhưng Thủy rất sợ. Cô lo lắng nếu ly hôn bố mẹ sẽ buồn lòng nên cố nhịn.
Tranh minh họa.
02
Càng về độ cuối năm, Thủy lại càng ngán ngẩm bởi nhà chồng lắm lễ nghĩa, lắm khách khứa. Việc gì cũng đến tay Thủy làm.
Mẹ chồng còn thích ăn Tết kiểu truyền thống, bánh chưng tự gói, tai heo tự ngâm, mứt dừa tự làm đến hạt dưa cũng tự rang nốt. Thành thử, từ sau Rằm tháng Chạp là Thủy đã tất bật với Tết nhất. Cô vừa đi làm, vừa về nhà lo chuyện thường ngày lại bận rộn với chuyện làm đồ ăn Tết. Đấy là chưa kể chuyện cúng kiếng cỗ bàn mấy ngày Tết mâm này mâm nọ cô phải đảm nhận.
Hai cô em gái chồng đã kết hôn, Tết cũng về hẳn nhà bố mẹ mấy ngày. Tất cả đều để Thủy "phục vụ".
Một lần nọ khi về nhà, bố mẹ cô hỏi chuyện Tết. Thủy ấp úng bảo rằng nhà chồng nặng gánh lắm việc. Bố cô lên tiếng ngay: " Mày cưới mấy năm, 2 cái Tết không kịp ăn bữa nào tại nhà. Nhà người ta có Tết, nhà mình cũng có chứ con. Bố gả mày đi làm dâu chứ không phải bán con gái".
Những lời của bố khiến Thủy suy nghĩ mãi!
Ngày cúng ông Công ông Táo, gia đình chồng cô làm đến 3-4 mâm. Phần thì gia đình hai em gái cũng về, phần thì còn có thêm vài người khách bạn của em rể nên Thủy phải chuẩn bị từ sớm. Lúc cô làm cỗ xong xuôi rồi thì mới phát hiện chưa ấn nút nồi cơm. Thành ra phải đợi nửa tiếng nữa mới có thể cúng được. Lúc đó vẫn còn chưa đến giờ cúng, mọi chuyện rất bình thường nhưng với gia đình chồng Thủy, nó là lỗi vô cùng lớn.
Tranh minh họa.
Lúc này, chồng Thủy bắt đầu lên tiếng mắng mỏ vợ. Anh ta cho rằng mỗi việc nhỏ mà làm không xong. Một mình làm mấy mâm cỗ mà quên ngược quên xuôi, dâu con như thế này thì chỉ có vứt đi. Chồng nói khó nghe như mọi lần nhưng hôm nay, Thủy cự cãi. Cô cho rằng anh nên bình tĩnh hơn bởi chưa đến giờ cúng, cô một mình làm nên chẳng may quên mất.
Mẹ chồng nghe được lao đến mắng mỏ, đay nghiến cô:
"Gia đình bố mẹ cô dạy con cãi chồng nhem nhẻm như thế à? Đúng là bố mẹ không ăn không học dạy con hay thật đấy. Tôi mà biết như thế này thì xưa thằng Hoàng đòi cưới tôi đã ngăn cấm. Đời thuở nhà ai giờ chồng nói vài câu vợ đã cãi. Bây giờ cô ngồi kể công chuyện một mình nấu nướng à? Cô không làm thì ai, tôi à hay chồng cô? Cô nói xem cô đóng góp gì được cho cái nhà này nào hay cả họ cả hàng nhà cô luôn hãnh diện vì con cưới được trai phố".
Những lời mẹ chồng nói khiến Thủy choáng váng, sây sẩm mặt mày. Nó như những giọt nước làm tràn ly bởi đã từ lâu, cô phải sống trong sự thiếu tôn trọng từ gia đình chồng. Thủy không muốn nhịn nữa.
Cô quay sang nói thẳng: "Con nghĩ vợ chồng với nhau thì nên có sự tôn trọng. Còn không có thì hôn nhân cũng chẳng bền được. Con nói thật, nếu biết lấy vào nhà mẹ như thế này thì có lẽ con cũng chẳng dám kết hôn. Mọi người xúc phạm con thì được nhưng nhắc đến bố mẹ con thì chắc chắn không được rồi. Con trả nhiệm vụ làm dâu này lại cho mẹ, con không làm nữa".
Nói xong, Thủy vào buồng xếp tạm vài bộ quần áo rồi cầm đồ đi thẳng trong tiếng mắng chửi của chồng và mẹ chồng. Cô hạ quyết tâm đi luôn với điểm tựa là lời dặn của bố: "Nhà mình lúc nào cũng là nhà của con".
Đó là chuyện của một năm trước. Sau đó Thủy quyết tâm ly hôn. Quay về với cuộc sống độc thân, Thủy cảm thấy vui vẻ hơn hẳn. Tan làm cô muốn về nhà chứ không phải miễn cưỡng quay về căn nhà chồng như xưa.
Năm nay, Thủy hào hứng háo hức đợi Tết. Cô và mẹ còn đang bàn tính chuyện mua quất đào và làm tóc, làm móng. 1 năm sau ly hôn cô chợt nhận ra đôi khi ra đi mới là điều quan trọng nhất.
"Nếu không mạnh dạn ly hôn, có lẽ đến cuối đời tôi sẽ luôn bị ám ảnh bởi từ ăn Tết", cô chia sẻ.
Tranh minh họa.
03
Vứt bỏ một cuộc hôn nhân đã hết hạn thì người ta mới có thể đón nhận những cái Tết thật sự. Nếu cố gắng nhẫn nhục và chịu đựng thì có lẽ kịch bản về những cái Tết đau khổ, mệt mỏi sẽ tiếp tục đến với Thủy trong suốt nhiều năm tiếp theo.
Đôi khi, một vấn đề xảy đến khiến cho người trong cuộc "sáng mắt ra". Với Thủy, mâm cỗ cúng ngày ông Công ông Táo năm nào khiến cho cô cảm thấy những gì mình bỏ ra cho cuộc hôn nhân này là không đáng. Cô hoàn toàn có thể rời khỏi nó quay lại cuộc sống cho chính mình. Cô cũng có thể thoải mái xúng xính váy áo, chuẩn bị tóc tai để ăn Tết và không xem nó là nỗi sợ hãi thường trực.
Nhiều người phụ nữ không dám ly hôn. Họ coi đó là điều không thể chấp nhận được. Đồng hành với việc nhịn nhục chịu đựng nhiều năm là ngần ấy cái Tết họ phải nhọc nhằn, sợ hãi. Tết có thể là niềm vui với nhiều người. Có thể là sự háo hức chờ đợi nhưng có lẽ với họ, Tết là nỗi ám ảnh với cỗ bàn, việc ngoại, việc nội mà chỉ họ phải gánh trên vai.
Những năm gần đây, người ta nói nhiều đến "Hãy ăn Tết chứ đừng để Tết ăn mình" nhưng máy ai mạnh dạn làm được điều đó. Nhiều người vợ "chết chìm" trong cuộc sống vất vả ở nhà chồng, cả ngày quần quật, khi ngẩng được đầu lên thì lễ Tết đã qua.
Bởi vậy, đừng ngại ngần mà chấm dứt một cuộc hôn nhân đã hết hạn. Hãy sống cho chính mình, được ăn Tết chứ không còn sợ Tết!
Cưới nhau một tháng vẫn chưa "động phòng", tôi ngớ người khi vợ nói lý do Vài hôm trước, sau khi thủ thỉ chuyện trò, tôi cố tình kéo vợ vào phòng ngủ. Kết quả, cô ấy dùng hết sức đẩy ngã tôi xuống sàn nhà. Tôi đã không kiềm chế nổi tức giận mà nặng lời với vợ. Tôi và vợ mới cưới nhau chưa đầy một tháng. Vợ tôi còn ít tuổi, tính tình ngoan hiền, là...