Có thể sẽ ‘khiêng’ hai ngôi mộ và giếng cổ về bảo tàng Hà Nội
“Ngoài những hiện vật quý thu được, chúng tôi đang xin phép “khiêng” cả hai ngôi mộ và giếng cổ về trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội”, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường công việc khai quật khôi mộ cổ gần 2.000 năm tuổi tại khu vực Ciputra Hà Nội (thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) cơ bản đã hoàn thành. Hiện tại, đoàn khảo cổ chỉ còn tập trung khai quật chiếc giếng cổ nằm gần khu vực hai ngôi mộ.
“Miệng chiếc giếng cổ có đường kính khoảng 74 cm. Hiện chúng tôi đã đào sâu được 4m, cộng cả phần bị phá hỏng là khoảng 5m4, tuy nhiên vẫn chưa nhìn thấy đáy. Có thể, chiều sâu của chiếc giếng cổ này lên tới hơn 7m.
Hai ngôi mộ quý có thể được mang về trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Theo khảo sát, chiếc giếng cổ có từ thời Lục Triều. Tuy nhiên, gần khu vực đáy giếng phát hiện những viên gạch có được dùng vào khoảng thế kỷ 7-9. Như vậy, chứng tỏ nó đã được sử dụng trong thời gian rất dài. Qua đó tôi dự đoán, gần khu vực này có thể có cả một ngôi làng ven sông Hồng hoặc bến thuyền có nhiều dân cư”, ông Cường cho hay.
Cũng theoTS. Cường, qua 10 ngày khai quật, Viện khảo cổ đã thu được rất nhiều hiện vật quý như: bát đồng, bình gốm, chuỗi hạt bằng thủy tinh…
Video đang HOT
“Hai ngôi mộ cổ đã được GS Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá là rất đẹp và còn lành lặn như thế là rất hiếm. Những hiện vật này hiện đang được lưu giữ tại huyện Từ Liêm để tiếp tục nghiên cứu, sau đó sẽ mang về Bảo tàng Hà Nội để trưng bày.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang làm đơn trình lên TP để “khiêng” hai ngôi mộ và chiếc giếng cổ về Bảo tàng Hà Nội để người dân có thể chiêm ngưỡng. Chúng tôi cũng xác định, việc đưa hai ngôi mộ này về Bảo tàng sẽ mất hơn 1 tháng và tốn nhiều nhân lực”, TS. Cường nói.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Bí ẩn về hai ngôi mộ cổ ở Ciputra
Những ngày qua, việc phát hiện hai ngôi mộ cổ gần 2.000 năm tuổi tại khu vực Ciputra Hà Nội (thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) với gần 30 món đồ cổ đã làm xôn xao dư luận.
Bài viết sau đây của PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học VN, người trực tiếp khai quật, sẽ làm rõ những thông tin đó.
Sáng 1/4, trong khi thi công đặt cống tại thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, Xí nghiệp xây dựng số 1, thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, vô tình để gầu xúc đất quệt vào cửa một ngôi mộ cổ. Sự việc được báo ngay cho Công ty TNHH Nam Thăng Long - đơn vị chủ đầu tư, và lên các cơ quan chức năng từ xã, huyện, và thành phố.
Sáng 2/4, TS Nguyễn Doãn Tuân - Trưởng ban Quản lý di tích - Danh thắng Hà Nội, đề nghị chúng tôi lên xem hiện trường và ngay trên hiện trường chúng tôi liên hệ được với ông Phạm Hồng Khang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long, để đề nghị ông cho tạm dừng thi công và ngay chiều 2/4 tiến hành khai quật khẩn cấp. Ông Khang đồng ý.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường và chiếc bình gốm đầu gà vừa lấy ra khỏi ngôi mộ.
Cuộc khai quật được Hội Khảo cổ học và các cán bộ thuộc Phòng Nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học tiến hành. Vì mộ đã lộ ra, tránh việc kẻ buôn bán đồ cổ trộm cắp nên chúng tôi đã tiến hành khai quật ngay, đồng thời với việc xin cấp giấy phép khai quật khẩn cấp. Một đội ngũ công an từ huyện, đến xã đã vào cuộc túc trực bên khu mộ suốt ngày đêm.
Hai ngôi mộ cổ được lộ dần ra, một lớn một nhỏ nằm gần như song song theo hướng Tây - Bắc, Đông - Nam. Ngôi mộ thứ nhất có chiều dài 4,7m; rộng 2,15; cao 1,9m. Ngôi mộ thứ 2 dài 3,9m; rộng 1,2; cao 0,95m. Cả 2 ngôi mộ xây theo kiểu cuốn vòm, với những viên gạch múi bưởi ở phía trên. Đặc biệt khác với các ngôi mộ cổ khác là chạy dọc theo bên ngoài nóc mộ là hàng gạch khóa vòm mộ. Gạch được trang trí hoa văn hầu hết ở mặt trong của vách và trần mộ, mặt ngoài mộ rất hiếm. Mộ lớn chủ yếu là hoa văn "đồng tiền", hoa văn "trám lồng", còn mộ nhỏ là hoa văn "xương cá". Ngay cửa của ngôi mộ lớn, những viên gạch bị ám khói. Có nhiều khả năng người xưa đã dùng dầu thực vật để đốt bên trong phía cửa vào của ngôi mộ lớn.
Đặc biệt, trong mộ lớn phát hiện được khoảng 40 viên gạch, mà rìa cạnh có chữ Hán (bên trái là bộ "thổ", bên phải là bộ "mộc"). Tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều nhà Hán học nổi tiếng nhưng chưa rõ đây là chữ gì.
Phía dưới là một lớp bùn dày khoảng 30-35cm phủ trên lớp gạch nền. Sau hơn 10 ngày khai quật các hiện vật xuất lộ dần. Mộ 1 (mộ lớn) có tổng cộng 27 hiện vật phần lớn là đồ gốm có men và không có men. 9 chiếc đinh sắt đã bị rỉ - chắc là đinh đóng quan tài. Một bát đồng rất mỏng đã bị vỡ nát, một hạt chuỗi bằng thủy tinh màu xanh, một phiến đá dẹt hình chữ nhật vuông vắn màu xanh nhạt, mà theo nhà thạch học Lê Thị Thu Hương thuộc loại đá phiến xanh.
Ở lớp bùn đáy mộ 1, phát hiện một lớp gạo, thóc cháy. Trong 2 chiếc bát cổ cũng còn lại các hạt gạo và thóc đã cháy đen lẫn trong trầm tích. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Hương - Viện Khảo cổ học đang tiến hành nghiên cứu các hạt thóc gạo trên bằng phương pháp sàng nước, quan sát các đặc điểm và chụp ảnh những mẫu hạt thu được dưới kính lúp với độ phóng đại lớn. Một số hạt thóc còn giữ được cuống và một phần vỏ trấu. Qua kết quả đo đạc ban đầu thì các hạt thóc, gạo này thuộc dạng hạt bầu đến tròn (tỉ lệ dài/rộng 1,7-2,5mm).
Mộ 2 (mộ nhỏ) chỉ thu được 5 hiện vật bằng gốm, trong số đó có một bình đầu gà rất đẹp còn rõ cả mào, mắt và đuôi gà. Có lẽ đây là hiện vật quý nhất của cuộc khai lần quật này. Vì không có những chiếc đinh bằng sắt như mộ 1, nên có lẽ người ta dùng quan tài bằng cách ghép mộng hay quan tài hình thuyền? Tại Hải Dương, nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành có cho chúng tôi biết là phát hiện được những ngôi mộ thuộc Hán có quan tài hình thuyền bên trong.
Cả 2 ngôi mộ đều không hề có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt người. Có khả năng đã bị tiêu hết. Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo có khả năng ngôi mộ 1 có niên đại sớm hơn ngôi mộ 2 một chút nhưng đều thuộc thời Lục Triều có niên đại khoảng thứ 4 đến thứ 6.
Hai ngôi mộ cổ thời Lục Triều mới phát hiện được ở Đông Ngạc (Hà Nội).
Chiều 14/4, đông đảo các nhà nghiên cứu, lãnh đạo chính quyền địa phương, và đơn vị chủ dự án đã đến thăm và trao đổi ý kiến. PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng: đây là 2 ngôi mộ rất hay, hầu như chưa bị kẻ gian phá hủy để trộm cắp hiện vật như nhiều ngôi mộ khác ở quanh vùng.
Các hiện vật thu được càng làm rõ hơn những nhận thức về táng thức của thời Lục Triều ngay sát ở ngoại vi thành Thăng Long xưa. Nhiều nhà khoa học còn mong muốn thành phố Hà Nội cho lưu giữ lại 2 ngôi mộ cổ này để phục vụ công tác trưng bày và tham quan du lịch.
Theo Đất Việt
Làng cổ mới phát hiện ở Hà Nội là làng 'nhà giàu' Hai ngôi mộ cổ khá "hoàng tráng", có chôn vật giá trị, chạm trổ bên trong...và giếng nước cổ cho thấy, ở đây có làng nhiều người giàu. Hai ngôi mộ cổ được xác định là của những người giàu có. Sáng nay, công việc khai quật ở khu Ciputra, Hà Nội vẫn được tiến hành, sau khi công nhân xây dựng phát...