Có thể phải dừng tìm kiếm 8 người mất tích trong lũ ở Lai Châu
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu cho biết, do khối lượng đất đá sạt trượt xuống rất lớn, có chỗ sâu tới hơn 10m và ở phạm vi rất rộng nên công tác tìm kiếm 8 người còn mất tích trong trận mưa lũ vừa qua tại địa phương này rất khó khăn. Các lực ượng có thể sẽ phải dừng tìm kiếm.
Bên lề Hội thảo khoa học Giải pháp công nghệ trong phòng chống lũ quét, sạt lở đất diễn ra tại Hà Nội vào ngày 9/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, công tác tìm kiếm 8 người vẫn còn mất tích trong đợt mưa lũ, sạt lở đất vừa qua (từ 23-28/6) trên địa bàn tỉnh này rất khó khăn do khối lượng đất đá sạt trượt rất lớn, có chỗ sâu tới hơn 10m và trên phạm vi rộng.
“Hiện nay lực lượng tìm kiếm chủ lực là công an và quân đội chúng tôi đã dừng rồi. Việc tìm kiếm đang được giao cho chính quyền địa phương, dân quân tự vệ tiếp tục. Tuy nhiên, khối lượng đất đá sạt lở xuống, lũ ống, lũ quét ở phạm vi khoảng 2-3km2 nên công tác tìm kiếm rất khó khăn. Tùy theo diễn biến thực tế, nếu thấy khả năng rất khó khăn trong công tác tìm kiếm, khoảng 10-15 ngày mà không thấy thì chúng tôi sẽ xin ý kiến của chính quyền địa phương và gia đình, nếu đồng ý thì có thể sẽ ngừng việc tìm kiếm”- ông Quảng chia sẻ.
Ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trao đổi với phóng viên Dân trí.
Đợt mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Lai Châu vừa qua đi đã làm 17 người chết, 8 người mất tích, thiệt hại hơn 410 tỷ đồng.
Do hậu quả của đợt mưa lũ ngày 23-28/6 chưa khắc phục xong, nhiều khu vực đất đang trong tình trạng bão hòa nước nên có khả năng rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét, đặc biệt xảy ra sạt lở trong thời gian tới.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & TKCN tỉnh; BCH Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thành phố; các sở, ban, ngành tỉnh; Công ty Thủy điện Sơn La; Công ty Thủy điện Bản Chát cần thực hiện:
Khẩn trương khắc phục thiệt hại do đợt mưa lũ từ ngày 23-28/6 gây ra; Triển khai các biện pháp phòng tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời thiệt hại do mưa, lũ, sạt lở đất gây ra trong thời gian tới.
Video đang HOT
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; cảnh báo kịp thời, đầy đủ, chính xác đến người dân để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Khẩn trương rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét; chân các ta luy đồi có nguy cơ sạt lở đất. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường đặc biệt là các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh.
Lai Châu vẫn còn 8 người mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua.
UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn có biện pháp cụ thể, hiệu quả đảm bảo an toàn cho Nhân dân, tuyên truyền nhắc nhở, kiên quyết không để Nhân dân vớt củi, bắt cá, lội qua suối… khi đang có mưa lũ.
Các sở, ban, ngành tỉnh, các lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các phương án phòng chống mưa, lũ, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác thông tin, cảnh báo, theo dõi sát diễn biến thời tiết, báo cáo kịp thời để UBND tỉnh và các huyện, thành phố có biện pháp chỉ đạo.
Tổ chức trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.
Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu cập nhật và đưa thông tin thường xuyên, kịp thời, chính xác về diễn biến của mưa, lũ và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để Nhân dân chủ động phòng tránh.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Nửa năm nếm trải 14 loại thiên tai, cả nước thiệt hại 870 tỷ đồng
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, gây thiệt hại vê kinh tê ước tính trên 868 tỷ đồng. Đáng chú ý là đợt mưa lũ, lũ quét kéo dài từ ngày 23 đến ngày 26/6/2018 ở khu vực miền núi phía Bắc đã làm 23 người chết, 10 người mất tích, thiệt hại về vật chất gần 500 tỷ đồng.
Chiều nay (9/7) tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm PCTT những tháng cuối năm với 11 tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và rút kinh nghiệm phòng chống đợt lũ quét cuối tháng 6 năm 2018. Nhận định chung đưa ra, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường và khốc liệt đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác ứng phó trước, trong và sau thiên tai.
Toàn cảnh hội nghị...
Từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, gây thiệt hại vê kinh tê ước tính trên 868 tỷ đồng. Đáng chú ý là đợt mưa lũ, lũ quét kéo dài từ ngày 23 đến ngày 26/6/2018 ở khu vực miền núi phía Bắc làm 23 người chết, 10 người mất tích, thiệt hại về vật chất gần 500 tỷ đồng.
Bài học kinh nghiệm rút ra sau đợt mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc là sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong cảnh báo, dự báo, tổ chức ứng phó, xử lý và khắc phục. Thực tế đặt ra cho thấy, trong tổ chức thực hiện cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và người dân trong chủ động ứng phó thiên tai; Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành và năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tăng cường trang thiết bị cảnh báo mưa, thông tin liên lạc cho trưởng thôn, trưởng bản và người dân. Đồng thời chủ động đánh giá trước những rủi ro về thiên tai nhất là đánh giá nơi ở an toàn cho người dân và trang bị kỹ năng cho người dân vùng thường xuyên chịu thiên tai,
Ông Lê Trọng Quảng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ kinh nghiệm của bản Sáng Tùng, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - một bản của người Mông, nơi người dân có kỹ năng tự phát hiện nguy cơ và tự tổ chức di dời khỏi khu vực nguy hiểm khi các lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được.
"Tới đây nhà nước làm sao trang bị cho người dân kỹ năng sống chung với mưa, lũ. Ngoài hệ thống chỉ huy phòng chống bão, lũ các cấp, chúng tôi cho rằng trong cộng đồng, vào những lúc như này nên có Tổ chuyên trách hoặc xung kích để cảnh báo cho cộng đồng và chủ động giúp cộng đồng xử lý những tình huống cấp bách tại chỗ khi các lực lượng khác chưa cơ động đến được" - ông Quảng đề xuất.
Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm xu thế diễn biến thiên tai còn phức tạp. Dự báo, Việt Nam sẽ đón từ 8 đến 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông. Trong đó, có khoảng 4-5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về PCTT nêu rõ, diễn biến thiên tai vừa qua cho thấy tính khốc liệt ngày càng gia tăng của các loại hình thời tiết cực đoan. Đây là những biểu hiện dị thường của thời tiết cộng với tác động của biến đổi khí hậu gây tổn thất nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Thiên tai hiện nay không chừa một vùng nào, từ nông thôn đến thành thị, từng miền biển đến vùng miền núi.
Phải chủ động nhận dạng và nâng cao tính chủ động trong ứng phó và tái thiết sau thiên tai. Theo đó, đầu tư nâng cấp trang thiết bị, nguồn lực để nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo. Các thành viên Ban chỉ đạo và địa phương rà soát các phương án theo phương châm "4 tại chỗ", tăng cường năng lực cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp ở địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu đánh giá để nhận định từ đó chuyển nhận thức, rà soát lại hành động và phương án phòng chống thiên tai trong những tháng cuối năm. Yêu cầu bối cảnh này phải hết sức cảnh giác, những tổn thương về cơ sở hạ tầng, sản xuất về kinh tế thời gian qua bây giờ thiên tai xảy ra chỗ nào là rất nguy hiểm. Tinh thần phải cảnh giác cao nhất, ý thức trách nhiệm chủ động đối với từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Không thể chủ quan lơ là trong ứng phó thiên tai.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Tàu chở container và sà lan chở cát va nhau, 2 người mất tích Sà lan chở cát đang lưu thông trên sông Sài Gòn bất ngờ va chạm với tàu PROSPER chở container. Cú va chạm khiến sà lan bị lật rồi chìm dần khiến 2 người mất tích. Chiều ngày 4/7, ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, trên sông Sài Gòn mới xảy ra 1 vụ va chạm...