Có thể nộp đề nghị hỗ trợ do gặp khó khăn qua hình thức trực tuyến
Bạn đọc hỏi: Để nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động, doanh nghiệp có thể nộp trực tuyến không? Phương thức nộp như thế nào?
Doanh nghiệp dệt may tại Ninh Bình thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh/TTXVN
Về vấn đề này, báo Tin tức thông tin như sau:
Người lao động và đơn vị sử dụng lao động có thể nộp trực tuyến hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia (tại địa chỉ: https://ncovi.dichvucong.gov.vn/). Cổng DVC Quốc gia sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan BHXH để giải quyết (đối với dịch vụ công “Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất”) và xác nhận (đối với các dịch vụ công khác).
Đồng thời, để hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ để Cơ quan BHXH xác nhận theo quy định tại Chương I, II, III của Quyết định số 23/QĐ-TTg trên Cổng DVC BHXH Việt Nam (tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/) hoặc trên phần mềm của nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN).
Hiện nay, trên Cổng DVC Quốc gia có 5 DVC hỗ trợ người lao động (NLĐ), đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bao gồm:
1. Dành cho đơn vị sử dụng lao động:
Video đang HOT
- Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
- Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất
- Hỗ trợ người lao động ngừng việc
- Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
2. Dành cho người lao động: Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Để có thể thực hiện các dịch vụ công nói chung và các dịch vụ công hỗ trợ người lao động và đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nói riêng trên Cổng DVC Quốc gia, người lao động và đơn vị sử dụng lao động cần phải có tài khoản đăng nhập Cổng DVC Quốc gia. Xem chi tiết hướng dẫn đăng ký tài khoản trên Cổng DVC Quốc gia tại: https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-huong-dan-cong-dan-doanh-nghiep.html.
Do đó, bạn hoặc doanh nghiệp của bạn có thể căn cứ cụ thể vào hình thức đề xuất nhận hỗ trợ để đăng ký qua hình thức trực tuyến để thuận tiện trong việc làm hồ sơ, nhất là trong thời gian một số địa phương đang thực hiện giãn cách.
Hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19
Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Vina Korea khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Ngân hành Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, xử lý kịp thời các trường hợp không chấp hành chủ trương, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà khi triển khai các thủ tục vay vốn.
Qua khảo sát thực tế, những khó khăn của khách hàng doanh nghiệp là hiện hữu; nhất là các ngành nghề kinh doanh như du lịch, khách sạn, vận tải, nông nghiệp. Từ đó, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp vay với nhiều hình thức.
Chẳng hạn, Agribank Vĩnh Phúc đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhất là các lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, để triển khai các chương trình cơ cấu nợ, xem xét miễn giảm lãi vay...
Ngân hàng này cũng đang triển khai gói vay ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với tổng hạn mức lên đến 30.000 tỷ đồng và gói vay ưu đãi dành riêng cho khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu với tổng hạn mức 15.000 tỷ đồng. Chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết ngày 31/12/2021 với lãi suất 4,8%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với vay trung, dài hạn.
Từ tháng 5/2021, Agribank Vĩnh Phúc cũng thực hiện miễn giảm phí chuyển tiền thanh toán trong nước đối với tất cả khách hàng có tài khoản thanh toán tại Agribank.
Còn Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh Vĩnh Phúc, Giám đốc Nguyễn Trung Kiên cho hay, dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 nên đã có những khách hàng phải bán cả khách sạn tại thị trấn Tam Đảo để trả nợ. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm số lượng lao động. Vietinbank Vĩnh Phúc đã cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 60 khách hàng với tổng dư nợ 382 tỷ đồng; trong đó, có 3 doanh nghiệp với 330 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Cúc, Giám đốc Vietcombank Vĩnh Phúc cho biết thêm, năm nay không có khách hàng nào của Vietcombank Vĩnh Phúc phải cơ cấu lại nợ; tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chỉ 0,04%. Vietcombank Vĩnh Phúc đã hỗ trợ giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp như các lĩnh vực du lịch, vận tải và các khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp khác. Năm 2020, Vietcombank Vĩnh Phúc giảm lãi suất số tiền hơn 30 tỷ đồng. Năm 2021, trung bình mỗi tháng, ngân hàng đã giảm lãi suất tới 3 tỷ đồng. Để phòng, chống dịch COVID-19, Vietcombank Vĩnh Phúc xây dựng phương án "3 tại chỗ" để duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm không gian, môi trường giao dịch an toàn.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Đức Phi chia sẻ, chi nhánh đã chủ động nắm bắt tình hình hoạt động, kinh doanh của khách hàng để chia sẻ khó khăn. Đối với chương trình giảm lãi suất, chi nhánh BIDV Vĩnh Phúc hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 1%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 1,5% đối với cho vay trung, dài hạn, tùy theo ngành nghề kinh doanh.
Đặc biệt, BIDV Vĩnh Phúc đang thực hiện chương trình cho vay không tài sản đảm bảo đến 50 triệu đồng/cán bộ y tế với lãi suất cố định 1%/năm và chương trình cho vay nhu cầu nhà ở với lãi suất cố định 5,5%/năm nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng này vượt qua đại dịch. Tính đến ngày 15/8/2021, chi nhánh BIDV Vĩnh Phúc đã hỗ trợ giảm lãi suất cho 1.720 khách hàng với quy mô 2.920 tỷ đồng, giảm lợi nhuận hơn 5 tỷ đồng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, 7 tháng năm 2021, đã có hơn 12.000 khách hàng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi so với lãi suất khoản vay cũ, dư nợ đạt hơn 13.000 tỷ đồng; trong đó, có 538 khách hàng là doanh nghiệp. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi vay cho 480 khách hàng với số dư nợ đạt 932 tỷ đồng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 194 khách hàng. Các ngân hàng cũng giảm gần hết phí sử dụng dịch vụ; triển khai mạnh chuyển đổi số, ứng dụng nhiều loại dịch vụ ngân hàng số và công nghệ để phát triển các dịch vụ thanh toán tiện lợi. Thời gian gần đây, các ngân hàng cũng tăng cường giao dịch online thông qua các tiện ích mới, giảm tối đa giao dịch trực tiếp.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tại Vĩnh Phúc đã quyên góp, hỗ trợ hàng tỷ đồng cùng các trang thiết bị chống dịch cho địa phương.
Hoạt động hỗ trợ đang tiếp tục được thực hiện, những vướng mắc phát sinh trong triển khai các chính sách mới cũng đang được tập hợp để báo cáo về hội sở các ngân hàng và phản ánh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến ngày 31/7, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt hơn 96 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020. Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức từ 4 - 4,5% đối với ngắn hạn; từ 5 - 7,5% đối với trung hạn và dài hạn. Nguồn vốn huy động trên địa bàn đến cuối tháng 7/2021 ước đạt 93 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2020. Nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,53% so với tổng dư nợ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc cho hay, doanh nghiệp có trên 50 đầu xe ở những thời điểm không dịch bệnh thu hút trên dưới 10 triệu lượt khách/tháng. Thời gian gần đây, nhất là từ cuối tháng 4/2021 tới nay gần như 100% phương tiện phải dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19. Mỗi tuần, mỗi tháng, công ty vẫn phải trả những khoản tiền không nhỏ cho các chi phí trông nom bảo vệ, bảo dưỡng, chi trả lương người lao động. Vài tháng gần đây, công ty được ngân hàng cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất tiền vay. Đây là cơ hội để doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh và hy vọng giữ vững sự ổn định...
TP HCM 15 ngày qua chống dịch thế nào Sau giai đoạn đầu của kế hoạch một tháng kiểm soát dịch, chiến lược xét nghiệm "vùng đỏ và cam" của TP HCM đã hoàn thành, lượng F0 tăng. "Hơn 2 tháng rồi, chúng ta thèm một ngày không Covid nên phải ráng vượt qua bằng sức của mình", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói hôm 16/8 với toàn...