Cò tháo lui, giá đất Đà Nẵng hạ nhiệt
Sau hàng loạt động thái mạnh mẽ của chính quyền để chấn chỉnh thị trường bất động sản, giá đất tại các điểm nóng của Đà Nẵng đã phần nào hạ nhiệt.
“Gần một tháng nay giao dịch rất vắng vẻ. Những đại gia buôn đất từ các địa phương khác rút lui dần nên không khí trầm lắng lắm. “Cò cá mập” đi hết, TP thì cho phá dỡ hết kiốt bất động sản (BĐS) trái phép, cảnh báo thông tin giả mạo khiến giá đất hạ nhiệt, đứng bánh hết” – anh Tài, chủ một đại lý kinh doanh BĐS tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, kể với Pháp Luật TP.HCM.
“Cò bay đi hết rồi”
Ngày 24-4, chúng tôi dạo quanh một số điểm nóng về BĐS tại Đà Nẵng sau nhiều động thái chấn chỉnh thị trường của chính quyền địa phương.
Ngồi trong nhà, anh Tài dõi mắt ra con đường Nguyễn Tất Thành nối dài (phường Hòa Hiệp Nam) đang nắng cháy da thịt, mong chờ khách hàng. “Vắng lắm em ơi, mấy tuần nay có thấy ai hỏi mua đất gì đâu. Anh nhận ký gửi hơn chục lô đất từ cách đây một tháng, lúc đó giá chạm đỉnh, giờ có chỗ giảm đến 1 tỉ đồng rồi” – anh Tài buồn buồn.
Theo một số đại lý BĐS tại quận Liên Chiểu, giá đất nền tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng thuộc các khu đô thị như Golden Hills, KimLong City… đang giảm sâu. Chỉ một tháng trước, đất đai tại đây bị giới “cò cá mập” dùng đủ chiêu trò thổi giá, đẩy một nền đất 100 m2 chạm ngưỡng 3,5-4 tỉ đồng. Nay một nền như vậy đang được rao bán 2,8-3,3 tỉ đồng.
Tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân và Nam Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thị trường cũng trầm lắng. Một nền đất 125 m2 tại Nam Hòa Xuân đang có giá khoảng 3,5 tỉ đồng nhưng rao bán chẳng ai mua. Trong khi trước đây, mức giá đến hơn 4 tỉ đồng. Vào các group mạng xã hội chuyên rao bán BĐS, cò đăng đi đăng lại một nền đất với “giá sập sàn” nhưng số người hỏi ngày càng ít.
Video đang HOT
Tại các xã thuộc huyện Hòa Vang, nơi chúng tôi từng phản ánh cơn sốt đất trong loạt bài “Cò đất náo loạn miền Trung”, khung cảnh giờ vắng ngắt. Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, tình trạng tung tin đồn thổi giá đất nông thôn không còn diễn ra. “Giờ có ai hỏi mua đất ruộng vườn nữa đâu. Cò bay đi hết rồi” – ông Hành nói.
Nhiều sàn giao dịch BĐS tại Đà Nẵng đóng cửa, cò đất tháo lui, giá đất hạ nhiệt. Ảnh: TẤN VIỆT
Mới chỉ là bước đầu tiên
Ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay sở đã nhận được báo cáo từ một số quận của TP về kết quả xử lý, tháo dỡ kiốt kinh doanh BĐS trái phép.
Cụ thể, tại quận Ngũ Hành Sơn có gần 400 kiốt thuộc diện xây dựng trái phép. Sau thông báo, gần 100 kiốt được chủ nhân tự giác tháo dỡ. Dù không phức tạp bằng nhưng quận Sơn Trà cũng thống kê được khoảng 45 kiốt BĐS trái phép và cho tháo dỡ. Nóng nhất là quận Liên Chiểu, địa phương tiên phong tháo dỡ kiốt BĐS trái phép, 288/300 kiốt đã được tháo dỡ chỉ sau nửa tháng triển khai.
Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, phường nhận thấy các kiốt dễ trở thành điểm mua bán BĐS trái luật nên quyết liệt “trảm” để ổn định tình hình.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nhận định những động thái vừa qua của Đà Nẵng là rất đáng hoan nghênh. Các cơ quan quản lý nhà nước đã vào cuộc trước những hành vi gây nhiễu loạn, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt khiến thị trường không phát triển lành mạnh.
“Các địa phương cần nhìn bài học ở Đà Nẵng và làm quyết liệt. Không chờ tới lúc phát sinh điểm nóng mà ngay khi chưa nóng cũng cần có hoạt động kiểm soát. Nếu cứ giao dịch theo kiểu thổi giá, đưa giá trị BĐS tăng lên không đúng với giá trị thực thì chính các nhà đầu tư cũng không dám tham gia mua bán” – ông Đính nói.
Tuy nhiên, ông Đính nhận định TP mới chỉ làm được một bước là ổn định thị trường, kiểm soát lại các hoạt động cò mồi thao túng giá đất, mua bán không đúng quy định. Về lâu dài, Đà Nẵng cần tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy các dự án phát triển trở lại theo cách bình thường. Có các hoạt động rà soát, kiểm tra, kết luận dự án nào đủ điều kiện, chủ đầu tư có khả năng thì nên tiếp tục cho triển khai. Dự án nào không đáp ứng được thì xử lý ngay, đưa vào thu hồi, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khác.
“Có như vậy thị trường mới có nguồn hàng và phát triển đúng hướng. Tức là có sự đầu tư của các nhà phát triển dự án thì sẽ kéo theo những đầu tư khác về hạ tầng giao thông, dịch vụ kết nối, thị trường mới hứng khởi và có những giao dịch chính thống, đảm bảo phát triển bền vững” – ông Đính nói.
Theo ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khi lực lượng quy tắc đô thị đi thông báo, tuyên truyền thì nhiều người tự giác tháo dỡ kiốt BĐS trái phép nhưng cũng không ít trường hợp chống đối. “Tôi phải động viên anh em rằng cứ tháo dỡ theo quy định, có gì tôi chịu trách nhiệm. Khi đó anh em mới hăng hái làm” – ông Nhường nói.
Sau một tháng dọn dẹp, vỉa hè, đường sá tại các khu dân cư mới đã vắng bóng kiốt. Số ít còn lại hoặc đủ điều kiện hoạt động hoặc đóng cửa kín mít, ít người lai vãng.
Tấn Việt
Theo Pháp luật Tp.HCM
Dự án "ma" vẫn nở rộ ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Giá đất nền tại thị xã Phú Mỹ, các huyện Long Điền, Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thời gian qua liên tục tăng mạnh.
Đặc biệt, tình trạng đầu nậu từ khắp nơi về thâu tóm đất nông nghiệp, phân lô bán nền tràn lan đã gây nên những cơn sốt đất ảo, mất an ninh - trật tự cho toàn thị xã Phú Mỹ. Những mảnh đất nông nghiệp được phân lô dưới tên "dự án" tập trung chủ yếu ở các xã Châu Pha, Tóc Tiên, Hắc Dịch, phường Phú Mỹ.
Ngày 22-4, phóng viên Báo Người Lao Động đã đi thực tế trên các tuyến đường chính qua các xã Tóc Tiên, Châu Pha, Hắc Dịch nhìn thấy hàng trăm biển quảng cáo đất nền dự án được dán tràn lan. Không chỉ ra sức đồn thổi về những dự án tự vẽ, không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, giới cò đất còn liên tục tung những tin ảo về việc giá đất sắp tăng nhanh để thuyết phục người dân đầu tư.
UBND xã Châu Pha cắm biển cảnh báo, bên cạnh là dự án khu dân cư Alibaba Tân Thành
Trước tình trạng này, nhiều xã, phường tại thị xã Phú Mỹ đã treo các biển cảnh báo lớn, màu đỏ. Tại xã Tóc Tiên, cạnh một khu vực đang được phân lô, xây dựng hạ tầng đường nhựa nằm trên tuyến đường Tóc Tiên - Hội Bài, UBND xã đã cắm biển cảnh báo với nội dung: "Khu vực này hiện không có bất kỳ dự án nhà ở nào được cấp phép thực hiện. Đề nghị bà con cảnh giác. Mọi thông tin, đề nghị liên hệ UBND xã". Thế nhưng, mỗi ngày vẫn có nhiều đoàn khách được "cò" dắt vào xem, chỉ trỏ và giới thiệu với những lời có cánh. Đa phần khách hàng của dự án "ma" đến từ Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương... còn người dân địa phương không bao giờ đoái hoài.
Ngay bên cạnh dự án khu dân cư Alibaba Tân Thành mà trước đây nhiều lần báo chí phản ánh, UBND xã Châu Pha đã nhiều lần ra quyết định yêu cầu tạm ngừng công trình vi phạm nhưng khu dân cư vẫn đang được xây dựng hoành tráng hơn. Với căn nhà kiên cố bên ngoài ghi Tập đoàn Địa ốc Alibaba, có cả quán cà phê với hàng chục nhân viên túc trực mời chào khách mua nền, bất chấp việc cạnh dự án có biển cảnh báo của UBND xã: "Hiện tại trên địa bàn xã chưa có dự án nhà ở nào được cấp phép theo quy định của pháp luật. Đề nghị cá nhân và tổ chức lưu ý".
Ông Lê Hà Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ, cho rằng xuất phát từ thực tế nên các địa phương có những cách làm khác nhau với mục đích duy nhất không để người dân bị lừa bởi những dự án "ma" nhưng việc xây dựng vẫn lén lút diễn ra khiến công tác quản lý gặp khó khăn. Ông Hải yêu cầu người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư mua đất, thậm chí có thể liên hệ với UBND các phường, xã, UBND thị xã Phú Mỹ để được tư vấn, hướng dẫn tránh những rủi ro đáng tiếc sau này.
Ông Hải cũng khẳng định với thẩm quyền của địa phương không hề cấp phép cho bất kỳ dự án nào của Alibaba. Riêng về dự án Alibaba Tân Thành đang tồn tại, ông Hải cho biết UBND thị xã đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu đình chỉ công trình nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình thực hiện. Dự kiến trong tháng 5, UBND thị xã sẽ cưỡng chế công trình vi phạm và sẽ thông tin rộng rãi cho báo chí cũng như người dân.
Ngọc Quang
Theo Người lao động
Hà Nội sắp có bảng giá đất mới áp dụng cho 5 năm tới UBND thành phố Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Bảng giá các loại đất áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Theo Quyết định số 1826/QĐ-UBND, Ban chỉ đạo sẽ thực hiện nhiệm vụ xây dựng Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội áp dụng từ ngày 01-01-2020...