Cơ sở xả thải ra sông Bưởi bị thanh tra đột xuất sau vụ cá chết
Nội dung thanh tra tập trung vào công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường…
Ngày 12/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trên địa bàn Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình). Thời hạn thanh tra là 45 ngày, theo chế độ đột xuất. Ông Lương Duy Hanh, Cục trưởng Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) làm trưởng đoàn.
Nhà máy đường Hòa Bình sẽ bị thanh tra trong 45 ngày. Ảnh: Ngọc Thành.
Các thành viên tham gia gồm đại diện Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm; Chi cục Bảo vệ môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa…
Đoàn có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trên xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình). Theo dự kiến, có ít nhất ba doanh nghiệp gồm Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hòa Bình (thuộc Công ty TNHH Tân Hiếu Hưng) và Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Bùi Thị Bình.
Nội dung thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở có hoạt động sản xuất, xả thải ra sông Bưởi, trong đó tập trung vào công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện giám sát môi trường định kỳ; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; công tác cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; nguồn nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, tiếng ồn…
Video đang HOT
Nước sông Bưởi ô nhiễm nặng do nhiều nhà máy xả thải bẩn ra môi trường. Ảnh: Lê Hoàng.
Trước đó từ sáng 4/5, nhiều người dân ra sông Bưởi (đoạn chảy qua xã Thạch Lâm, Thạch Thành, Thanh Hóa) phát hiện cá chết nổi khắp lòng sông. Nước sông chuyển màu xanh đục và bốc mùi hôi. Những ngày tiếp theo, cá lồng nuôi của nhiều hộ dân phía hạ lưu sông Bưởi cũng chết hàng loạt. Phạm vi ghi nhận cá chết ước tính 30 km dọc sông. Thống kê sơ bộ, đến sáng 7/5 đã có khoảng 17 tấn cá lồng bị chết.
Nhà chức trách xác định, “thủ phạm” gây ra hiện tượng cá chết trên sông Bưởi là do Công ty CP mía đường Hòa Bình (có trụ sở đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) xả thải bẩn ra môi trường. Hôm 11/5, Nhà máy đường Hòa Bình đã chấp nhận phương án đền bù 1,4 tỷ đồng cho các hộ dân nuôi cá trên sông Bưởi.
Bà Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành cho biết, công tác chi trả bồi thường đang được thực hiện dưới sự giám sát của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc địa phương. 15 hộ nuôi cá lồng ở xã Thành Vinh được ưu tiên nhận đền bù trước theo mức giá 80.000 đồng một kg cá. Xã Thành Vinh là khu vực thiệt hại nặng nhất với hơn 10 tấn cá chết. Trong những ngày tới, công ty sẽ tiếp tục cấp tiền đền bù cho những hộ thiệt hại ở các xã còn lại.
Lê Hoàng
Theo VNE
Kiến nghị dừng hoạt động nhà máy xả thải khiến sông Bưởi ô nhiễm
Cho rằng hành vi xả thải của Nhà máy đường Hòa Bình là nghiêm trọng, ngoài thiệt hại lớn về kinh tế còn khiến nguồn nước sông Bưởi ô nhiễm nặng, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chính phủ cho dừng hoạt động cơ sở sản xuất này.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa báo cáo Thủ tướng về việc cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, huyện Thạch Thành.
Theo UBND tỉnh, từ sáng 4/5, sông Bưởi đoạn từ giáp xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn, Hòa Bình) chảy dọc xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, nước đổi màu đen lục, sủi bọt, bốc mùi hôi thối. Đến nay, nước ô nhiễm đã chảy qua nhiều xã thuộc huyện Thạch Thành khiến cá chết hàng loạt (cả cá tự nhiên và cá nuôi). Đặc biệt các hộ nuôi cá lồng trên lưu vực sông Bưởi bị thiệt hại nghiêm trọng.
Đến 10h ngày 7/5, tổng lượng cá chết của các hộ nuôi cá lồng là gần 17,4 tấn, ở 73 lồng. Có 32 hộ nuôi cá lồng bị chết hoàn toàn (chưa tính số lượng cá tự nhiên).
Cá trắm nuôi của người dân huyện Thạch Thành chết như ngả rạ. Ảnh: Lê Hoàng.
Ngay sau khi phát hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình, các huyện Thạch Thành, Lạc Sơn cùng các xã liên quan và Công ty mía đường Hòa Bình vào cuộc xác minh. Bước đầu ngành chức năng xác định, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Bưởi là Nhà máy đường Hòa Bình (đóng tại Cụm công nghiệp Lạc Sơn, xã Tân Mỹ, Lạc Sơn, Hòa Bình) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông.
Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng ngày 5/5, lãnh đạo Nhà máy đường Hòa Bình thừa nhận, từ 15/3 đến 25/4 đã xả 250-300 m3 mỗi ngày đêm.
UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, đây là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và đời sống của nhân dân dọc sông Bưởi (15 xã của huyện Thạch Thành, 7 xã của huyện Vĩnh Lộc) và vùng hạ lưu do đó kiến nghị Chính phủ cho dừng hoạt động đối với Nhà máy mía đường Hòa Bình.
Tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa xác định nguyên nhân và mức độ ô nhiễm cùng biện pháp xử lý môi trường nước sông Bưởi; giao Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Hòa Bình điều tra vụ việc, xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Hòa Bình được kiến nghị kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy mía đường Hòa Bình; công khai thông tin các nguồn thải vào lưu vực sông Bưởi; phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa xác định mức độ thiệt hại đến môi trường do Nhà máy đường Hòa Bình gây ra; có biện pháp hỗ trợ kịp thời các hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại.
Hiện Công an tỉnh Thanh Hóa đã gửi mẫu vật phẩm cá chết và nước sông Bưởi trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) để điều tra. Tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo Trung tâm Quan trắc và bảo vệ môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường quan trắc ngay toàn bộ nước sông Bưởi để thông báo kịp thời cho các địa phương dọc sông.
Nước sông Bưởi ô nhiễm nặng do nhà máy đường xả thải bẩn ra sông. Ảnh: Lê Hoàng.
Tại tỉnh Thanh Hóa, không riêng sông Bưởi, mấy ngày qua cá lồng nuôi trên sông Lạch Bạng (Tĩnh Gia) cũng chết hàng loạt. Theo thống kê của chính quyền địa phương, trong khu vực âu thuyền Lạch Bạng có 20 hộ nuôi cá lồng nhưng chỉ có 4 hộ có cá chết với khối lượng khoảng 1,5 tấn.
Bước đầu, nhà chức trách xác định, nguồn nước Lạch Bạng bị ô nhiễm do tàu thuyền ra vào cầu cảng. Khu vực này chỉ quy hoạch cho tàu thuyền neo đậu do đó hoạt động nuôi cá lồng của người dân là tự phát.
Sông Bưởi và sông Lạch Bạng là hai hệ thống khác nhau. Sông Bưởi nằm ở khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa còn sông Lạch Bạng thuộc hệ thống sông Yên, hoạt động ở phía Nam. Sông Bưởi hợp lưu với sông Mã còn sông Lạch Bạng đổ thẳng ra biển.
Lê Hoàng
Theo VNE
Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt do ô nhiễm sông Bưởi Không những làm chết cá sông, cá lồng, tình trạng ô nhiễm sông Bưởi còn đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân ở 22 xã thuộc huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Ngày 9/5, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang ráo riết chỉ đạo các ngành chức năng...