Cổ phiếu vốn hóa lớn tại Việt Nam dưới góc nhìn P/E
Thông thường thì những cổ phiếu có vốn hóa lớn sẽ được đánh giá cao hơn bình quân thị trường nhưng thực tế tại Việt Nam đang cho thấy, có sự khác nhau “một trời một vực” về định giá giữa các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Đâu là nguyên nhân?
Cổ phiếu vốn hóa lớn tại Việt Nam dưới góc nhìn P/E
Hệ số P/E (hệ số thị giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu) là một trong những thước đo truyền thống và quan trọng trong định giá cổ phiếu. Theo thống kê, P/E bình quân của các cổ phiếu niêm yết Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 17 lần. Về số tuyệt đối, đây là mức tương đương với khu vực, tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, xét trong tương quan với lãi suất thì mức P/E này là cao bởi lãi suất tiết kiệm các nước trong khu vực thấp hơn khá nhiều Việt Nam.
Thông thường thì những doanh nghiệp lớn, dẫn đầu ngành sẽ có P/E cao hơn bình quân ngành và phần nào là cao hơn bình quân thị trường. Tuy nhiên, vẫn có không ít cổ phiếu vốn hóa lớn có P/E nhỏ. VietnamFinance từng thống kê một vài cổ phiếu điển hình đang trong tình trạng này, có thể kể đến như HPG, MBB, ACB, VPB, VHC, MPC, REE.
Nhiều cái tên lớn khác cũng có P/E thấp như: GMD, DGC, ANV, SHB, VIB, HBC, CTD, VCF, VCI, SSI, HCM…
Song song với đó, không ít cổ phiếu vốn hóa lớn có P/E cao hơn hẳn bình quân ngành cũng như bình quân thị trường, chẳng hạn như BSR, KDC, POW, NVB, HAG, BVH, BHN, SAB, ACV, VIC, EIB, NKG, DHG, VNM…
Vì sao lại có sự khác biệt như vậy?
Đây là câu hỏi chung của giới đầu tư toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam, bởi sự khác biệt về P/E xảy ra ở tất cả các thị trường chứng khoán. Đã có đến cả trăm, cả nghìn lý giải của các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, các nhà quản lý quỹ nổi tiếng, các bậc thầy đầu tư… về vấn đề này, trong đó, lý giải của bậc thầy đầu tư Philip A. Fisher – một trong những người có ảnh hưởng nhất đến triết lý đầu tư của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett – rất đáng chú ý.
Bình luận về thành tố P/E trong đầu tư, Philip A. Fisher nêu quan điểm: “Sự tăng giảm của một cổ phiếu không hề do những gì thật sự đang xảy ra hay sẽ xảy ra đối với công ty phát hành cổ phiếu đó. Nó tăng, giảm theo phỏng đoán chung của giới đầu tư lúc bấy giờ về những gì đang diễn ra và sẽ xảy ra, bất kể những quan điểm này có khác xa so với những gì đang thật sự diễn ra”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng khoảng cách giữa nhận định của giới đầu tư và diễn biến thực tế – điều mà ông ví như “bong bóng” – sớm muộn gì cũng sẽ bị “vỡ tung”, dù vậy, nhiều trường hợp có thể mất đến vài năm.
Tóm lại, thị giá của một cổ phiếu phụ thuộc vào “nhận định hiện thời của giới đầu tư” vào cổ phiếu đó và theo hướng đó ảnh hưởng đến P/E, bởi P/E cấu tạo từ 2 yếu tố: thị giá và lợi nhuận.
Trở lại với các cổ phiếu có vốn hóa lớn tại Việt Nam, nhiều cổ phiếu có P/E cao vì lợi nhuận sụt giảm mạnh (như BSR, KDC, POW, NVB, EIB, NKG…), trong khi nhiều cổ phiếu có P/E thấp vì lợi nhuận tăng đột biến (GMD, DGC, ANV…). Với những trường hợp có sự biến động đột ngột này, thị giá cổ phiếu thường không thay đổi quá lớn theo biến động lợi nhuận bởi giới đầu tư vẫn giữ kỳ vọng rằng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ sớm trở lại quỹ đạo cũ.
Với trường hợp của các công ty chứng khoán đầu ngành như SSI, HCM, VCI, có thể lý giải chuyện P/E thấp là bởi sự phụ thuộc quá lớn của 3 “ông lớn” này nói riêng và các công ty chứng khoán nói chung vào sự biến động của thị trường chứng khoán. Năm này thị trường khởi sắc, lợi nhuận có thể tăng rất mạnh nhưng năm khác thị trường sụt giảm, lợi nhuận cũng giảm mạnh theo. Diễn biến lợi nhuận quý I/2019 cho thấy rất rõ điều này (thị trường chứng khoán kém tích cực hẳn so với quý I/2018 khiến lợi nhuận quý I/2019 của SSI “bay” một nửa, trong khi HCM “bay” 3/4 lợi nhuận, VCI “bay” 40% lợi nhuận).
Tình hình tương tự cũng xảy ra ở ngành thủy sản. Ngay cả những “nữ hoàng cá tra” như VHC hay “vua tôm” như MPC cũng phải chịu cảnh P/E thấp không chỉ năm nay mà trong rất nhiều năm qua, bởi ngành thủy sản Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường nước ngoài – điều gần như không thể kiểm soát được. Chỉ cần một động tác điều chỉnh thuế quan, ảnh hưởng đến doanh nghiệp là khó có thể đong đếm.
Với ngành thép mà đứng đầu là HPG, việc P/E thấp triền miên có thể được lý giải trên 3 góc độ. Thứ nhất, ngành thép phụ thuộc vào khá lớn vào giá thép thế giới. Thứ hai, ngành thép là ngành có chu kỳ tương đối rõ rệt, khi đã qua giai đoạn tăng trưởng đỉnh cao thì giới đầu tư sẽ đánh giá thấp cổ phiếu ngành này. Thứ ba, ngành thép là ngành thâm dụng vốn, buộc phải hoạt động đủ công suất để lấy tiền trả chi phí khấu hao “khổng lồ”, nếu vay tiền để xây nhà máy thì còn gánh thêm chi phí lãi vay, vì vậy thường dẫn đến dư cung, dẫn đến cạnh tranh về giá – một diễn biến không lấy gì làm tích cực.
Nhiều yếu tố nội tại khiến các doanh nghiệp ngành thép thường xuyên phải chịu mức P/E thấp
Cũng P/E thấp nhưng trường hợp của CTD, HBC – hai doanh nghiệp lớn nhất nhì ngành xây dựng – có phần khác. Việc thị giá liên tục giảm thời gian qua liên quan nhiều đến việc tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này chững lại rõ rệt và có vẻ như điều này không chỉ là ngắn hạn.
Tuy nhiên, như Philip A. Fisher từng đề cập, thị giá cổ phiếu phụ thuộc vào “nhận định hiện thời của giới đầu tư”. Giả dụ ngành xây dựng bỗng khởi sắc, thị giá và kéo theo là P/E của CTD và HBC có thể sẽ tăng mạnh bởi khi đó, “nhận định hiện thời của giới đầu tư” đã thay đổi. Điều này hàm ý một triết lý đầu tư: mua/bán cổ phiếu khi tin rằng “nhận định hiện thời của giới đầu tư” sẽ thay đổi.
Với các cổ phiếu vốn hóa lớn có P/E cao như SAB, BHN, VNM thì không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài, P/E của các ngành hàng tiêu dùng như bia, sữa luôn ở mức cao bất chấp tăng trưởng lợi nhuận có phần khiêm tốn, bởi đây là các ngành rất bền vững ngay cả trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Phần nào đó tương tự là câu chuyện ở BVH của ngành bảo hiểm, hay DHG của ngành dược.
Tất nhiên không thể không kể đến những cổ phiếu nặng tính đầu cơ, trong số cổ phiếu vốn hóa lớn có thể kể đến trường hợp điển hình là HAG. Với các cổ phiếu dạng này, chuyện lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ không còn quan trọng, quan trọng là có nhiều “sóng” hay không, vì thế mà P/E ở mức rất cao.
Cũng có những cổ phiếu chiếm được niềm tin rất mãnh liệt từ giới đầu tư, chẳng hạn như VIC, cũng có P/E rất cao. Nhiều nhà đầu tư tin rằng khả năng thị giá VIC tăng cao hơn nhiều so với khả năng thị giá VIC giảm, bởi đây không chỉ là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và trên góc độ nào đó là doanh nghiệp có vị thế lớn nhất Việt Nam, mà còn đang có nhu cầu huy động vốn rất lớn, vì vậy trước mắt hay thậm chí là trong trung hạn, giá cổ phiếu sẽ tiếp tục tăng để huy động được càng nhiều vốn.
Nhưng như đã đề cập, thị giá cổ phiếu phụ thuộc vào “nhận định hiện thời của giới đầu tư”. Nhà đầu tư cần cẩn trọng để ý đến các biến cố, các sự kiện xảy ra (cả ở hiện tại và tiên liệu tương lai) có thể làm “nhận định hiện thời của giới đầu tư” thay đổi, bởi thị giá và kéo theo đó là P/E cũng sẽ thay đổi.
Thanh Long
Theo vietnamfinance.vn
Tái xuất 'chứng trường' kéo theo khoản nợ khổng lồ, nhà đầu tư còn tin tưởng Xuân Mai Corp?
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa chấp thuận cho CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) được đăng ký giao dịch 54.991.980 cổ phiếu trên Upcom với mã chứng khoán XMC.
Nhắc tới Xuân Mai Corp hay mã chứng khoán XMC hẳn không xa lạ với các nhà đầu tư, bởi đây là cái tên "vang bóng một thời" trên sàn chứng khoán. Được biết trước đây, Xuân Mai Corp có tên gọi khác là Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai. Năm 2007, 10 triệu cổ phiếu XMC được niêm yết và nhanh chóng tạo tiếng vang trên thị trường nhờ "danh tiếng" là thành viên của Tổng công ty Vinaconex.
Thời điểm đó, thị giá XMC dao động quanh 45.000 đồng - 50.000 đồng và nhiều lần tạo "sóng thần" trên sàn giao dịch. Đến cuối năm 2013, Xuân Mai Corp bất ngờ hủy niêm yết tự nguyện với lý do tái cấu trúc. Năm 2016, Xuân Mai Corp đã có một bộ mặt mới với cả cơ cấu cổ đông cùng cái tên mới như hiện nay. Trước đó, công ty mang tên CTCP Bê tông và Xây dựng Xuân Mai. Sau khi xuất hiện với thông tin trả 10% cổ tức năm 2016, Xuân Mai Corp lại "ẩn thân" tiếp 1 năm đến cuối tháng 3/2017 công ty một lần nữa "tái xuất" với kết quả đã tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 400 tỷ đồng với 4 cổ đông lớn chính đã thay đổi hoàn toàn trong đó CTCP Đầu tư xây dựng Ngọc Mai sở hữu 55,07% vốn.
Xuân Mai Corp 'tái xuất', kéo theo hàng loạt lùm xùm lên sàn. Ảnh minh họa
Năm 2018, Xuân Mai Corp thông báo chốt danh sách cổ đông phát hành gần 10 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ. Tỷ lệ phát hành 4:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua; cứ 4 quyền mua được mua 1 cổ phiếu mới. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần.
Điểm đáng lưu ý, câu chuyện của Xuân Mai Corp gắn liền với ông Nguyễn Đức Cử, Phó chủ tịch HĐQT LienvietPostbank. Dù không nắm chức vụ trực tiếp nào song vai trò của doanh nhân sinh năm 1957 tại Xuân Mai Corp là rất lớn, mà rõ nhất ở tỉ lệ sở hữu chi phối. Trong nửa sau năm 2017, có thời điểm bà Nguyễn Minh Trang, con gái thứ hai của ông Nguyễn Đức Cử nắm tới 55,07% cổ phần tại Xuân Mai.
Người con đầu của ông là bà Nguyễn Bảo Ngọc hiện là thành viên HĐQT và giữ 5,09% vốn tới cuối năm 2017. Dù không trực tiếp xuất hiện trong danh sách cổ đông hiện tại nhưng ông Cử được giới thiệu là "cổ đông lớn" của công ty trong sự kiện kỷ niệm 34 năm của Xuân Mai tháng 11/2017.
Có thể nói, Xuân Mai Corp dưới sự đầu tư của ông Nguyễn Đức Cử cùng dòng vốn từ LienVietPostBank và một số ngân hàng khác, đã nhanh chóng "lột xác". Từ đó, Xuân Mai Corp có được sự hỗ trợ lớn về tài chính để phục vụ hoạt động kinh doanh và đầu tư. Đơn cử, tính đến cuối quý I/2016, LienViet PostBank đã hỗ trợ Xuân Mai Corp các khoản như: vay ngắn hạn 317 tỷ đồng; vay dài hạn 352 tỷ đồng; vay dài hạn đến kỳ trả là 239 tỷ đồng.
Có thể thấy, Xuân Mai Corp liên tục "lúc ẩn lúc hiện" trên thị trường. Thỉnh thoảng, doanh nghiệp này lại công bố thông tin và mỗi lần "lột xác" đó lại có một cơ cấu cổ đông thay đổi.
Ở khía cạnh khác, Xuân Mai cũng là cái tên hàng đầu trong ngành xây dựng về công nghệ sản xuất bê tông. Hàng loạt dự án, hợp đồng lớn trong lĩnh vực xây lắp thi công đều về tay Xuân Mai. Thời hoàng kim, năm 2009, công ty còn đề xuất UBND TP.Hà Nội chủ trương đầu tư xây dựng tuyến tàu trên cao Hà Đông - Xuân Mai với dự tính, tuyến tàu trên cao một đường ray có tổng chiều dài 20km và thi công trong vòng 2 năm.
Năm 2010, tại Hà Nội, đây là đơn vị đầu tiên triển khai bán sản phẩm căn hộ thu nhập thấp có giá khoảng 600 triệu đồng/căn với dự án CT1 Ngô Thì Nhậm - Hà Đông. Năm đó, công ty là đơn vị có doanh thu đứng đầu và lợi nhuận đứng thứ 2 trong Tổng công ty Vinaconex. Tuy nhiên, từ năm 2012, với sự đi xuống của thị trường bất động sản, Xuân Mai rơi vào cảnh thua lỗ và trục trặc tình hình tài chính. Công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, Xuân Mai bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Đến cuối năm 2013, XMC lỗ lũy kế hơn 88 tỷ đồng.
Việc Xuân Mai Corp tấn công khá mạnh vào thị trường bất động sản với xu hướng đi mua lại các dự án như Diamond City, mua lại toàn bộ các căn hộ của tòa tháp Hạnh Phúc thuộc dự án Hanoi Paragon ở quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến doanh nghiệp này thua lỗ. Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017, Xuân Mai Corp âm tới 224 tỷ đồng. Dù tập trung vào lĩnh vực mới, doanh thu chính của Xuân Mai vẫn chủ yếu đến từ hoạt động xây dựng.
Bước sang năm 2018, BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm cho thấy, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt mức khiêm tốn gần 14 tỷ, sau khi báo lỗ 23,2 tỷ đồng trong quý I/2018. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho tăng và nợ phải trả lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn chủ sở hữu. Nửa đầu năm 2018, doanh thu của Xuân Mai Corp đạt 821,1 tỷ đồng. So với mục tiêu doanh thu toàn năm 2018 là 2.667 tỷ đồng, lãi sau thuế 109,3 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả, chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn với 2.095,5 tỷ đồng, nợ dài hạn là 1.188 tỷ đồng. So với vốn chủ sở hữu 665,1 tỷ đồng chốt quý II thì số nợ phải trả của doanh nghiệp này đang cao gấp gần 5 lần. Với tình trạng nợ gấp 5 lần vốn, trong khi nợ vay cao khiến nhiều người đặt câu hỏi về khả năng hoạt động liên tục của Xuân Mai trong thời gian tới. Theo giải trình báo cáo có thể thấy, nhà băng là chủ nợ lớn nhất của Xuân Mai Corp là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienvietPostBank, với tổng số nợ vay là hơn 600 tỷ đồng.
Giới đầu tư đặt câu hỏi, với tình hình sức khoẻ không mấy khả quan như trên, việc Xuân Mai Corp tái xuất "chính trường" liệu có đem đến sự đột phá? Các nhà đầu tư có đủ lòng tin để tiếp tục lựa chọn XMC như họ đã từng tin tưởng cách đây hơn chục năm?
Theo vietq.vn
Nhiều công ty con khó khăn, dự báo Vinachem khó thoái vốn Đa số doanh nghiệp thuộc danh sách Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) dự kiến thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020 có doanh thu, lợi nhuận quý đầu năm 2019 suy giảm mạnh. Năm 2019, Vinachem dự kiến thoái vốn tại DRC trong quý II, thoái vốn tại CSM trong...