Cổ phiếu REE tiếp tục đà tăng ngắn hạn?
Kể từ khi tạo đáy tại vùng 30.000 đồng hồi tháng 7 vừa qua, giá cổ phiếu của Công ty CP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) đang có xu hướng hồi phục.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/12. cổ phiếu REE tăng 0,69% đóng cửa ở mức 36.250đ/cp.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2019 của REE, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 403 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, LNST đạt 1.189,3 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng cường chuyển dịch đầu tư
Trước đây, cơ điện lạnh là hoạt động kinh doanh cốt lõi của REE với tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm, trong giai đoạn 2013 – 2018. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều công ty xây dựng lớn dần tập trung phát triển các công ty con có dịch vụ cơ điện, như Remeeco của Coteccons, Jesco của Hòa Bình … và xuất hiện nhiều đối thủ mới trên thị trường, khiến cho biên lợi nhuận của REE trong mảng này sụt giảm.
Theo BVSC, về dài hạn, tiềm năng của mảng M&E vẫn còn lớn, nhưng đây sẽ không phải là thị trường hấp dẫn khi các đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều và các doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ nợ vay cao, các doanh nghiệp trong ngành sẽ có xu hướng đánh đổi biên lợi nhuận để lấy doanh thu, khiến cho biên lợi nhuận của mảng này sẽ ở mức thấp.
Do khó khăn ở mảng cơ điện lạnh, REE đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành nước sạch. Tính đến 2018, REE sở hữu cổ phần chi phối nhiều nhất, tại nhiều doanh nghiệp nước của Việt Nam. Trong nhóm công ty con, REE đang nắm 99,97% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Việt Nam; 60,42% cổ phần tại CTCP Thủy điện Thác Bà; 44,17% tại CTCP Cấp nước Thủ Đức. Trong 14 công ty liên kết, REE có cổ phần tại 12 công ty thuỷ điện, cấp nước.
Có thể nói, điện và nước đã và đang trở thành “vũ khí” không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho REE, mà còn mang đến giá trị của một doanh nghiệp có sức mạnh ảnh hưởng ở 2 ngành năng lượng – tài nguyên.
Bên cạnh đó, REE còn đặt mục tiêu tăng danh mục điện gió của công ty gấp 4 lần đạt 98MW trong năm 2021. Công ty đã mua thêm 24% cổ phần tại nhà máy điện gió Thuận Bình (24MW) với giá 70 tỷ đồng và sẽ hợp nhất nhà máy này từ quý 4/2019, trong đó REE có 57% cổ phần, bao gồm 8% cổ phần gián tiếp thông qua CTCP Thuỷ điện Thác Bà (TBC) – công ty con của REE. Công ty này cũng đang có giấy phép xây dựng thêm 1 nhà máy điện gió khác với công suất 26 MW, nằm cạnh nhà máy hiện có.
Video đang HOT
Cùng với đó, REE đã nộp báo cáo nghiên cứu khả thi cho nhà máy điện gió Trà Vinh (48MW) đến Bộ Công thương và kỳ vọng được nhận phê duyệt chính thức vào cuối năm 2019 – đầu năm 2020. Cả 2 nhà máy điện gió này đều được dự kiến động thổ trong năm 2020 và dự kiến hoàn thành trước thời hạn hưởng giá ưu đãi cho điện gió hết hạn vào tháng 11/2021.
Ngoài ra, REE cũng đẩy mạnh mảng bất động sản (BĐS) với 2 nguồn thu chính là chuyển nhượng BĐS và cho thuê văn phòng. Về hoạt động chuyển nhượng BĐS, REE có 2 công ty thành viên đó là CTCP Hạ tầng và BĐS Việt Nam (VIID) và CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR). Mỗi năm, REE ghi nhận khoảng 120 – 170 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng BĐS. Trong năm 2019, REE đặt kế hoạch doanh thu 369 tỷ đồng và LNST 115 tỷ đồng cho mảng BĐS từ VIID.
Thách thức không nhỏ
Trong 9 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh của REE sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái do sụt giảm lợi nhuận từ các công ty liên doanh/liên kết. Có thể nói, sự sụt giảm lợi nhuận bất ngờ từ các công ty điện cho thấy REE gần như bị động trước các rủi ro khi hiện tượng El Nino ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng của các nhà máy thủy điện. Theo thống kê, sản lượng của các nhà máy thủy điện giảm khoảng 30% trong quý 1/2019 do mực nước dự trữ ở các hồ chứa thấp. Trong khi đó, các công ty nhiệt điện lại chịu nhiều áp lực từ nguồn cung than.
Vừa qua, sau sự cố nước nhiễm bẩn của Công ty Nước sạch Sông Đà, nhiều ý kiến, kể cả các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch cần rà soát chặt chẽ hơn và phải được luật hóa. “Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước, rủi ro sức khoẻ người tiêu dùng”, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn ĐBQH Khánh Hòa) đề nghị.
Nếu Nhà nước siết các tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh nước sạch trong thời gian tới, thì đây là vấn đề về dài hạn đối với REE – khi bài toán đảm bảo an toàn, giảm thiểu vấn đề ô nhiễm nguồn nước đòi hỏi không chỉ REE phải tăng cường đầu tư cho quy trình giám sát, xử lý nước, mà còn phải đáp ứng các quy định giám sát có thể sẽ chặt chẽ hơn nữa từ phía Nhà nước.
Ngoài ra, do đầu tư dàn trải, nên REE sử dụng đòn bẩy tài chính khá lớn. Tính đến cuối quý 3/2019, nợ phải trả của công ty ở mức hơn 7.345 tỷ đồng, tăng gần 32% so với đầu năm nay. Cơ cấu nợ phải trả của công ty so với đầu năm dịch chuyển theo xu hướng dài hạn khi nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 35% (đầu năm nay chiếm 55%), nợ dài hạn chiếm tỷ trọng 65% (đầu năm nay chiếm 45%).
Mặc dù vậy, một số chuyên gia nhận định kết quả kinh doanh năm 2020 của REE dự báo sẽ tích cực hơn nhờ mảng cho thuê văn phòng tiếp tục tăng trưởng tích cực và hiện tượng El Nino suy yếu, có thể khiến điều kiện thủy văn thuận lợi hơn đối với các nhà máy thủy điện.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/12. cổ phiếu REE tăng 0,69% đóng cửa ở mức 36.250đ/cp. Trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu REE đã tăng gần 15%. Trong 3 tháng qua, REE tăng gần 2% với khối lượng giao dịch hơn 900.000 đơn vị/phiên.
Ông Nguyễn Thế Minh- Giám đốc nghiên cứu phân tích công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, ở mức giá hiện tại, REE đang được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2019 là 7,7x (EPS tương ứng là 4.840 VND). Mức Stock Rating của REE ở mức 90 điểm.
“Trong ngắn hạn, đồ thị giá của REE có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và xu hướng ngắn hạn được nâng từ mức giảm lên tăng. Mặc dù giá cổ phiếu REE sẽ gặp đôi chút khó khăn trong đà tăng ngắn hạn, nhưng trong trung – dài hạn, khả năng cao REE sẽ tiếp tục chinh phục các mức giá cao hơn”", ông Minh nhấn mạnh.
Diễm Ngọc
Theo Enternews.vn
Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 3/12
Thông tin lịch sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 3/12 về các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán.
* TTB: Ông Phùng Văn Thái, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB - HOSE) đã mua vào 200.000 cổ phiếu TTB từ ngày 25/11 đến 28/11 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Thái đã nâng sở hữu tại TTB lên hơn 4,27 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,12%.
* REE: Platinum Victory Pte.Ltd, cổ đông lớn của CTCP Cơ Điện Lạnh (REE - HOSE) chỉ mua được hơn 12,6 triệu cổ phiếu REE trong tổng số hơn 31,34 triệu cổ phiếu REE đăng ký mua từ 31/10 đến 29/11 thông qua VSD. Sau giao dịch, cổ đông trên đã nâng sở hữu tại REE lên hơn 89,81 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 28,97%. Tiếp đó, từ ngày 5/12 đến 3/1/2020, cổ đông trên tiếp tục đăng ký mua gần 3,2 triệu cổ phiếu REE, qua đó, muốn nâng sở hữu lên hơn 93,01 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 29,99%.
* BMP: Ngày 04/12 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 1 năm 2019 của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP - HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 05/12. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 20%, thanh toán bắt đầu từ ngày 20/12/2019.
* TCB: Ông Nguyễn Văn Trung, chồng bà Thái Hà Linh - người được ủy quyền công bố thông tin của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (CTB - HOSE) đăng ký mua 100.000 cổ phiếu TCB từ ngày 04/12 đến 02/1/2020 theo phương thức khớp lệnh. Hiện tại, ông Trung chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu TCB nào.
* BFC: Ngày 17/12 là ngày giao dịch không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 của CTCP Phân bón Bình Điền (BFC - HOSE), ngày đăng ký cuối cùng là 18/12. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%, thanh toán bắt đầu từ 27/12/2019.
* SBT: Ông Lê Đức Tôn, Giám đốc Chi nhánh Nhà máy TTSC CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (SBT - HOSE) đã bán ra 120.000 cổ phiếu SBT từ ngày 21/11 đến 29/11 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Tôn đã giảm sở hữu tại SBT xuống còn hơn 163.000 cổ phiếu SBT.
* HAR: HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HAR - HOSE) thông qua việc chuyển nhượng Quyền sử dụng thửa đất số 579 tờ bản đồ 54 tại phường Long Phước, quận 9, TP.HCM.
* CLG: Ông Nguyễn Quốc Sĩ, cổ đông lớn của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất Cotec (CLG - HOSE) đã bán toàn bộ 2,5 triệu cổ phiếu CLG sở hữu, tỷ lệ 11,82% trong ngày 29/11 theo phương thức thỏa thuận. Cùng trong ngày 29/11, Pyn Elite Fund (Non-Ucits), cổ đông lớn của CLG thông báo đã bán ra hơn 852.000 cổ phiếu CLG, qua đó, giảm sở hữu xuống còn hơn 421.000 cổ phiếu, tỷ lệ 1,99%.
* LGL: Ngày 29/11, HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang (LGL - HOSE) thông qua việc chuyển nhượng 6,5 triệu cổ phần, tương ứng 65%/vốn sở hữu tại CTCP Rivera Hà Nội.
* HVG: HĐQT CTCP Hùng Vương (HVG - HOSE) thông qua phương án bán 5 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 11/12 đến 09/1/2020 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, với giá không thấp hơn 4.000 đồng/cổ phiếu. Liên quan đến HVG, ông Hà Việt Thắng, Phó chủ tịch HĐQT thông báo đã bán ra hơn 259.000 cổ phiếu HVG từ ngày 01/11 đến 30/11 theo phương thức khớp lệnh, qua đó, đã giảm sở hữu tại HVG xuống chỉ còn 50.000 cổ phiếu.
* NT2: Ông Lê Việt An, Kế toán trưởng CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 - HOSE) đã bán bất thành toàn bộ 100.000 cổ phiếu NT2 sở hữu đăng ký bán từ ngày 01/11 đến 29/11 theo phương thức khớp lệnh.
* NTP: Bà Đặng Thị Minh Hương, con ông Đặng Quốc Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa thiếu niên Tiền phong (NTP - HNX) đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu NTP từ ngày 04/12 đến 02/1/2020 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, bà Hương chưa nắm giữ bất kỳ cổ phiếu NTP nào.
* TNG: Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG - HNX) đã mua vào 600.000 cổ phiếu TNG trong 2 phiên ngày 27 và 28/11. Sau giao dịch, ông Thời đã nâng sở hữu tại TNG lên hơn 12,58 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 20,24%.
* VSA: Ngày 13/12 là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức năm 2018 của CTCP Đại lý Hàng hải Việt Nam (VSA - HNX), ngày đăng ký cuối cùng là 16/12. Theo đó, cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 20%, thanh toán bắt đầu từ ngày 25/12/2019.
* AMV: Bà Nguyễn Thị Hồng Hải, cổ đông lớn của CTCP Sản xuất kinh doanh dược và Trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV - HNX) đã bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu AMV trong ngày 26/11. Sau giao dịch, bà Hải đã giảm sở hữu tại AMV xuống còn hơn 3,19 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 8,42%.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
FLC tăng trần sau bài phát biểu của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, VnIndex giữ được mốc nghìn điểm nhờ Vinamilk VNM của Vinamilk là cổ phiếu chống đỡ cho chỉ số VnIndex phiên hôm nay. Sau mấy phiên liên tiếp bị khối ngoại bán mạnh, về mức giá 120.000 đồng thì VNM đã tăng trở lại. Thị trường chứng khoán phiên giao dịch hôm nay đáng chú ý nhất là "màn trình diễn" của cổ phiếu FLC. Cổ phiếu FLC ngay đầu phiên...