Cổ phiếu ngân hàng đang trở lại thời hoàng kim?
Sự hưng phấn của nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2018 đến nay khiến nhà đầu tư kỳ vọng về một cổ phiếu “vua” đang trở lại thời hoàng kim của nó. Kỳ vọng này càng có cơ sở khi thời điểm thị trường khó khăn nhất, nhóm cổ phiếu “vua” vẫn giao dịch bùng nổ và là tâm điểm dẫn dắt thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang “bùng nổ” thời gian qua (Ảnh: IT)
Có thể thấy, trong số 16 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên thị trường hiện nay thì có đến 6 cổ phiếu ngân hàng. Đáng chú ý, cả 6 cổ phiếu ngân hàng này đều nằm trong nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất và ổn định nhất từ đầu năm 2018 đến nay.
Khi cổ phiếu “vua” trỗi dậy
Từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường chứng kiến quá trình tăng giá mạnh mẽ tại nhóm cổ phiếu “vua”. Trong đó, nếu tính trong thời gian khoảng 1 tháng nay, nhóm cổ phiếu “vua” đang dẫn đầu đà tăng giá của thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu CTG của Ngân hàng Vietinbank đang giữ vị trí quán quân về tăng giá khi tăng tới 24%, từ mức giá 27.200 đồng/CP hồi cuối tháng 1.2018 đến nay lên tới 33.600 đồng.
Kế đến, cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV cũng giữ vị trí á quân về tăng giá khi tăng khoảng 14%, từ mức giá 34.200 đồng/CP lên 39.000 đồng/CP sau 1 tháng.
Đáng chú ý, giữ vị trí thứ 3 về tăng giá cũng là một ngân hàng khá quen thuộc – Ngân hàng Á Châu. Trong 1 tháng qua, cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu tăng khoảng 13% giá trị, từ mức giá 41.700 đồng/CP lên 47.000 đồng/CP.
Ngoài 3 ngân hàng trên, xếp ở vị trí thứ 5, thứ 6 và thứ 8 về mức độ tăng giá ở top 16 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường cũng là ba cổ phiếu ngân hàng khác, lần lượt là VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; VCB của Ngân hàng Vietcombank và MBB của Ngân hàng Quân đội với mức tăng lần lượt 12%, 11% và 8%.
Video đang HOT
Ngoài ra, các ngân hàng khác như STB của Sacombank, SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội; HDB của HDBank… cũng thu hút dòng tiền khá mạnh.
Thị giá cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 2.3
Tuy nhiên, nếu nhìn vào đà tăng giá gần một năm qua của nhóm cổ phiếu “vua” mới thấy được sức hút thực sự của các mã cổ phiếu này.
Cụ thể, ngoại trừ KLB của KienLongbank và HDB của HDBank vừa lên sàn đầu năm 2018 thì mức tăng giá 1 năm qua của cổ phiếu ngân hàng với mức tăng trưởng từ 40% trở lên, gồm: STB tăng 54%, NVB tăng 79%, EIB tăng 38%… Trong khi đó, các cổ phiếu đầu ngành nhóm ngân hàng đều tăng từ 70% – 100% như CTG tăng 75%, VCB tăng hơn 90% và ACB, SHB… đều tăng trên 100%.
Cá biệt, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã tăng giá mạnh nhất tới 146% trong vòng 1 năm qua, từ mức giá 13.900 đồng/CP và lên mức 34.200 đồng/CP.
Tương tự, cổ phiếu BID của Ngân hàng BIDV cũng có sự tăng giá mạnh mẽ tới 136%, từ mức giá 16.000 đồng/CP lên mức 37.800 đồng/CP.
Nên giữ hay bán cổ phiếu để chốt lời?
Trong vài phiên giao dịch gần nhất, áp lực chốt lời của các mã cổ phiếu vua đang tăng rất mạnh. Thời điểm này, khá nhiều nhà đầu tư băn khoăn liệu cổ phiếu nhóm này còn tăng giá nữa hay không, có nên chốt lời hoặc mua thêm vào để đón sóng, đâu là thời điểm mua vào… Tuy nhiên, câu hỏi này có lẽ sẽ rất khó trả lời bởi xét trên nhiều yếu tố cũng như những dự đoán của các tổ chức kinh tế vẫn cho thấy, ngành ngân hàng năm 2018 vẫn còn thuận lợi. Tuy nhiên, đà tăng giá của nhóm cổ phiếu vua thời gian qua cũng khá “ nóng” nên áp lực là dễ hiểu.
Liên quan đến những thuận lợi của ngành ngân hàng năm 2018, đại diện Công ty Chứng khoán FPT, dự đoán lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 40% trong năm 2018. Trong đó, các ngân hàng cổ phần như: ACB, Techcombank, HDBank, MBB, VCB và VPB sẽ tăng trưởng lợi nhuận từ 40% trở lên. Đặc biệt, ACB sẽ là ngân hàng dẫn đầu khi tăng lợi nhuận trước thuế tới 119%.
Về các yếu tố vĩ mô, năm 2018 Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7%, lạm phát bình quân khoảng 4%, nợ công 63,9% GDP, bằng với mục tiêu năm 2017. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm nay ở mức 17%, thấp hơn con số thực hiện năm 2017 là 18,17%.
“Năm 2018, thêm “áp lực” cho ngành ngân hàng đó là giảm lãi suất cho vay và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Điều này nếu thực hiện mạnh mẽ và giảm đại trà sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng”, đại diện này nhận định.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát vừa được thực hiện mới đây của Vietnam Report, không phải bất động sản – xây dựng hay hàng tiêu dùng, mà tài chính – ngân hàng mới là nhóm cổ phiếu đáng để đầu tư nhất trong năm 2018. Cụ thể, có hơn 45% số người được hỏi chọn cổ phiếu tài chính – ngân hàng với kỳ vọng cao vào khả năng tăng trưởng và sinh lời của nhóm này trong năm 2018, trong khi tỷ lệ tại nhóm bất động sản – xây dựng và hàng tiêu dùng lần lượt là 29,2% và 20,8%.
Tuy nhiên, với các nhà đầu tư, điều quan tâm sau hưởng lợi chênh lệch giá là cổ tức. Với một kết quả kinh doanh đạt lợi nhuận tăng khủng năm 2017 vừa qua, cổ đông có thể kỳ vọng ngân hàng sẽ “bạo tay” chia thêm phần lợi nhuận. Điều này còn phải chờ vào mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 sắp diễn ra vào tháng 4 tới và nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng về một “sóng” mới trong nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Theo Danviet
Cựu CEO ACB Lý Xuân Hải chính thức "đầu quân" cho bầu Đức
Hôm nay 18.12, cựu CEO của Ngân hàng Á Châu (mã chứng khoán ACB) Lý Xuân Hải chính thức được bổ nhiệm làm Trưởng Ban chiến lược - đơn vị trực thuộc Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG)...
Cụ thể, Ban chiến lược có chức năng tham mưu Hội đồng quản trị (HĐQT) HAGL trong việc hoạch định, triển khai thực hiện, đánh giá kết quả thực hiện chiến lược kinh doanh, đầu tư và tài chính của tập đoàn.
Cựu CEO ACB Lý Xuân Hải chính thức đầu quân cho bầu Đức từ hôm nay 18.12.
Ở cương vị Trưởng Ban chiến lược, ông Lý Xuân Hải được giao trách nhiệm tuyển chọn nhân sự, điều hành hoạt động của Ban chiến lược và báo cáo kết quả trực tiếp cho HĐQT.
Trước đó không lâu, trên thị trường từng xuất hiện thông tin cựu CEO Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải được bầu Đức mời về làm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, phụ trách tài chính. Tuy nhiên, bầu Đức lúc đó đã phủ nhận thông tin trên và cho biết: "Đây là thông tin hoàn toàn không chính xác. Trong thời gian qua, tôi và anh Hải có gặp gỡ, trao đổi thân tình chứ không hề có việc tôi mời anh Hải về làm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL".
Tuy nhiên đến nay, theo thông báo chính thức của HAGL thì ông Hải được được bổ nhiệm làm Trưởng Ban chiến lược chứ không phải làm Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL, phụ trách tài chính như thông tin trước đó.
Được biết, ông Lý Xuân Hải thời còn là Tổng Giám đốc của Ngân hàng ACB (giai đoạn 2005-2012) từng được đánh giá là lãnh đạo ngân hàng xuất sắc với 2 lần được bầu là "Lãnh đạo Ngân hàng xuất sắc nhất Việt Nam" (năm 2007 và 2010). Tuy nhiên, sau đó ông Hải đã vướng vào vòng lao lý do những sai lầm trong chỉ đạo hoạt động đối với ngân hàng tại "đại án Bầu Kiên" và vừa mãn hạn tù đầu năm 2017.
Giữa năm nay, ông trở lại thương trường ở một lĩnh vực mới mẻ khi giữ vị trí cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc; đồng thời cũng sở hữu 27% vốn tại doanh nghiệp này.
"Việc đầu quân và hỗ trợ của cựu CEO ACB Lý Xuân Hải chắc chắn sẽ đem đến nguồn năng lượng lạc quan rất lớn cho HAGL ở thời điểm hiện tại", bầu Đức chia sẻ về việc mời ông Hải về giữ vị trí Trưởng Ban chiến lược.
Hiện tại, HAGL đang chuyển hướng kinh doanh sang trồng trái cây và bước đầu đã tạo kết quả tích cực khi trái cây trở thành nguồn doanh thu chủ đạo của tập đoàn. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III.2017 của HAGL được công bố, công ty vẫn đang có khoản nợ vay trên 23.000 tỷ đồng.
Tuy đã giảm mạnh 4.300 tỷ đồng so với đầu năm, HAGL vẫn đang phải đối mặt với hơn 20.300 tỷ đồng nợ dài hạn và hàng nghìn tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Theo Danviet
Giá vàng hôm nay 28.1: Giảm nhẹ phiên cuối tuần ? Giá vàng hôm nay 28.1, được cả nhà đầu tư và chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục giảm nhẹ phiên cuối tuần do tác động từ giá vàng thế giới. Giá vàng hôm nay 28.1: Giảm nhẹ phiên cuối tuần? (Ảnh: IT) Chốt phiên giao dịch ngày 27.1, giá vàng thế giới quay đầu giảm 2 USDD so với phiên giao dịch...