Cổ phiếu KBC khó bứt phá trong ngắn hạn
Với kết quả kinh doanh quý 3/2019 của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) giảm mạnh so với cùng kỳ, doanh nghiệp này khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/11, giá cổ phiếu KBC giảm 1,72% đóng cửa ở mức 14.300đ/cp
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019 của KBC, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này không được như mong đợi. Theo đó, doanh thu thuần đạt 917 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế (LNST) của KBC chỉ đạt 132 tỷ đồng, giảm đến hơn 44% so với cùng kỳ năm ngoái. LNST thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng chỉ đạt 110 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, KBC đạt 2.486 tỷ đồng doanh thu thuần và 645 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 50% và 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Được biết trong năm 2019, KBC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.900 tỷ đồng và LNST đạt 1.036 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này mới chỉ thực hiện được 64% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2019.
KBC cho biết, sở dĩ lợi nhuận quý 3/2019 giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là do trong quý 3/2018, lãi ròng chủ yếu đến từ cho thuê đất khu công nghiệp (KCN) và bán nhà xưởng của công ty mẹ nên có biên lợi nhuận cao hơn. Trong khi lãi ròng trong quý 3/2019 chủ yếu từ bán hàng tại các công ty con có biên lợi nhuận thấp hơn và tỷ lệ sở hữu của Công ty mẹ tại công ty con thấp hơn.
Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của KBC đạt hơn 17.594 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt gần 15.299 tỷ đồng tăng 3% và tài sản dài hạn đạt 2.295 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm nay.
Đáng chú ý trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, các khoản phải thu và hàng tồn kho chiếm tỷ trọng tới gần 94,5%, lần lượt ở mức 6.329 tỷ đồng và 8.128 tỷ đồng.
Video đang HOT
Quỹ đất mà KBC đang quản lý khoảng gần 5.200 ha cho phát triển KCN, chiếm gần 5,5% tổng số diện tích đất KCN của cả nước và 1.058 ha cho phát triển khu đô thị (KĐT), dân cư. Trong đó, hơn 3.100 ha thuộc sở hữu trực tiếp của KBC và công ty con. KBC đang tiến hành mở rộng quỹ đất tại Hải Dương và Hà Nội. Quỹ đất còn lại của KBC còn tương đối dồi dào (khoảng 500 ha), đủ để KBC cho thuê trong 4 – 5 năm tới.
Tuy nhiên, rủi ro đáng chú ý nhất đối với KBC ở thời điểm hiện tại chính là chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cho KCN mới Nam Sơn- Hạp Lĩnh (Bắc Ninh)- KCN này dự kiến sẽ bắt cho thuê từ năm 2020, thay vì từ cuối 2019 như dự kiến ban đầu, và sự chậm trễ trong việc bàn giao, ghi nhận doanh thu từ khu đô thị Phúc Ninh, Quế Võ, Bắc Ninh.
Ngoài ra, KBC có 07 công ty con, công ty liên kết, và phát sinh rất nhiều nghiệp vụ cho vay, hợp tác kinh doanh với các công ty này. Trong đó, KBC cho Công ty TNHH MTV Tràng Cát vay nợ nhưng không thanh toán lãi do dự án KCN và KĐT Tràng Cát (Hải Phòng) vẫn chưa triển khai. Đến đầu năm 2019, giá trị khoản lãi phải thu này lên tới 2.600 tỷ đồng đã được KBC chuyển thành vốn góp thông qua việc tăng vốn cho công ty con. Đặc biệt, KBC đã phải thế chấp 3.505 tỷ đồng giá trị KCN Tràng Cát tại ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho một số công ty con và công ty liên kết.
Nhiều chuyên gia nhận định, với những khó khăn, thách thức nói trên, KBC khó có khả năng hoàn thành được kế hoạch kinh doanh năm 2019.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/11, giá cổ phiếu KBC giảm 1,72% đóng cửa ở mức 14.300đ/cp với khối lượng giao dịch khá lớn, hơn 1.858.000 cổ phiếu. Trong vòng 1 tuần qua, giá cổ phiếu KBC đã giảm gần 5%.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số MACD, Stochastic, ADX… vẫn đang cho thấy tín hiệu điều chỉnh. Tuy nhiên, RSI, Stochastic đã cho thấy giá cổ phiếu KBC gần chạm vùng vượt bán. Do đó, nếu KBC không trụ vững trên 14.000đ/cp (MA200 trên biểu đồ ngày), thì có thể sẽ giảm xuống mức 12.000đ/cp- mức giá được cho là hấp dẫn nếu xét về triển vọng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp này.
Diễm Ngọc
Theo Enternews.vn
Không được giao dịch ký quỹ, cổ phiếu BHN sẽ ra sao?
Vừa qua, cổ phiếu BHN của Tổng Công ty CP Bia- R*ượu- Nước giải khát Hà Nội (Habeco, HOSE: BHN) đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào danh sách các cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ.
Giá cổ phiếu BHN đóng cửa ở mức 75.500 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 22/10
Sau khi nhận được quyết định của HOSE, Habeco đã có văn bản giải trình về việc doanh nghiệp này bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường khi vi phạm quy định công bố thông tin từ 3 lần trở lên trong 1 năm.
Đại diện Habeco cho biết, nguyên nhân của việc chậm công bố Báo cáo thường niên năm 2017, điều chỉnh hồi tố năm 2016 và đơn xin từ nhiệm của Trưởng Ban Kiểm soát là do sơ suất của bộ phận lập báo cáo và công bố thông tin.
Bình luận về vấn đề này, nhà đầu tư chứng khoán Nguyễn Dũng cho rằng, Habeco là doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối, có thị phần bia đứng thứ 3 trên toàn quốc, nhưng công tác quản trị rất kém khi đã vi phạm về công bố thông tin 3 lần trở lên trong vòng 1 năm. Điều này làm cho giới đầu tư mất niềm tin vào sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp này.
Cổ phiếu BHN (thứ 4 từ trên xuống) đã bị đưa vào danh sách những cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ từ quý 4/2019
Đặc biệt theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu BHN hay "làm xiếc" trên sàn chứng khoán. Chẳng hạn trong phiên giao dịch ngày 14/6 vừa qua, cổ phiếu này nằm sàn ngay đầu phiên, khiến vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này "bốc hơi" hơn 1.600 tỷ đồng. Theo dõi chi tiết khớp lệnh, nhà đầu tư mới vỡ lẽ ra số tiền bốc hơi chỉ vì một lô khớp lệnh tối thiểu 10 cổ phiếu. Đây lại không phải là chuyện hi hữu, tăng trần và giảm sàn đầu phiên với khối lượng khớp lệnh tối thiểu vẫn thường thấy ở BHN. Ví dụ trong phiên 28/06 vừa qua, chỉ với một lô 10 cổ phiếu, mã này bật tăng trần dù lệnh khớp trước đó có giá nằm dưới tham chiếu.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS cho biết, công suất hiện tại của Habeco hiện nay gần 900 triệu lít/ năm, đứng thứ 3 ngành và thấp hơn nhiều so Sabeco. Trong khi đó, các đối thủ trong ngành đang không ngừng gia tăng công suất, đặc biệt là Sabeco. Điều này cho thấy, tham vọng mở rộng thị phần của các đối thủ là rất lớn, trong khi chiến lược của BHN chỉ là duy trì thị phần.
Hiện nay, Habeco có nhãn Bia Hà Nội nhãn đỏ (chai, lon), Bia Hà Nội nhãn xanh (chai, lon), Bia Hanoi Premium, trong đó riêng sản phẩm Bia Hà Nội nhãn đỏ đã chiếm 70% doanh thu của doanh nghiệp này. Các sản phẩm của Habeco thuộc phân khúc dành cho người có thu nhập trung bình, thường được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn bình dân.
Theo nhiều chuyên gia, trong thời gian tới, Habeco cần phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện nếu muốn giữ vững được thị phần và nâng cao vị thế trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hiện nay.
Trong kế hoạch kinh doanh đề ra, doanh nghiệp này vẫn chưa đề cập đến các chiến mới nên tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận ròng rất khiêm tốn, dự báo chỉ ở mức lần lượt 4,3% và 0,9%/năm đến năm 2021.
Với việc bị loại ra khỏi danh sách giao dịch ký quỹ trong quý 4/2019, cổ phiếu BHN có thể sẽ khó tránh khỏi tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới.
Hà Phương
Theo enternews.vn
Kinh Bắc chốt quyền cổ tức 5% bằng tiền Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) thông qua việc trả cổ tức đợt 2 của năm 2017, tỷ lệ 5% bằng tiền. Ảnh minh họa (Nguồn kinhbaccity.vn) Ngày đăng ký cuối cùng 25/10, tức giao dịch không hưởng quyền 24/10. Thời gian thanh toán 29/11. Tiền chi trả từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến...