Cổ phiếu HVG của “Vua cá một thời” tăng mạnh nhất HoSE tuần qua
Kết thúc tuần giao dịch (28/10-01/11), VN-Index tăng 19,02 điểm, lên 1.015,59 điểm với nhiều cổ phiếu tăng điểm mạnh bên cạnh nhóm Vingroup…
Cổ phiếu HVG của “Vua cá một thời” tăng mạnh nhất sàn HoSE . Nguồn: VnDirect
Phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng khoán bùng nổ với sự tăng vọt của chỉ số VN-Index lên mốc 1.015 điểm. Tâm điểm trong bức tranh của VN-Index tuần qua là nhóm cổ phiếu Vingroup.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu Vingroup là điểm sáng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, là động lực chính để VN-Index tăng điểm, vượt xa khỏi mốc 1.000 điểm. Nhóm cổ phiếu Vingroup tăng điểm phần lớn đến từ kết quả kinh doanh quý III/2019 tích cực, cùng với việc gia tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số VN30.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất sàn HoSE
Mặc dù kết quả kinh doanh không tích cực trong quý IV/2019, tuy nhiên cổ phiếu lại tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Cụ thể, tổng kết quý IV/2019, HVG báo lỗ hơn 84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2018, HVG báo lãi gần 166 tỷ đồng. Lũy kế cả niên độ, Hùng Vương lỗ gần 189 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước Hùng Vương báo lãi hơn 190 tỷ đồng. Xét về diễn biến cổ phiếu HVG trên thị trường. Cổ phiếu này đang thuộc diện bị kiểm soát. Tổng kết tuần, cổ phiếu HVG tăng 30,7%, là mã tăng mạnh nhất trên sàn HoSE. SSI Retail Research đã nhận định rằng tăng trưởng kinh tế quyết định xu hướng của thị trường chứng khoán. Vậy, với kết quả kinh doanh không tích cực của HVG thì đâu là động lực để cổ phiếu tăng trần nhiều phiên như vậy?
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất sàn HoSE. Nguồn: NCĐT tổng hợp
Đứng thứ hai trong danh sách tăng nóng trên sàn HoSE là cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (HoSE: CLG) với 5 phiên tăng trần liên tiếp trong tuần. CLG hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh nhà, môi giới, tư vấn bất động sản,… Trên thị trường, cổ phiếu CLG đang thuộc diện bị cảnh báo.
Cổ phiếu PXS đứng thứ tư trong danh sách tăng mạnh nhất sàn HoSE, được mua bắt đáy mạnh với 2 phiên tăng kịch trần trong tuần.
Các cổ phiếu còn lại diễn biến không quá nổi bật, khi đều chỉ có giao dịch với khối lượng thấp.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của CTCP Thương nghiệp Cà Mau (HoSE: CMV) đứng đầu trong danh sách giảm mạnh nhất sàn HoSE. CMV hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và kinh doanh cửa hàng bách hóa,… Tuần qua, cổ phiếu CMV giảm hơn 22% với 5 phiên giảm điểm liên tiếp trong tuần, trong đó có 3 phiên giảm sàn.
Tiếp theo là cổ phiếu của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (HoSE: PTL) bị chốt lời mạnh đã khiến cổ phiếu giảm hơn 18% trong tuần qua.
Cổ phiếu của CTCP DRH Holdings (HoSE: DRH) vẫn trong chuỗi ngày giảm sâu và đã về vùng đáy trong ít nhất 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân có thể một phần do kết quả kinh doanh suy giảm. Cụ thể, trong quý III/2019, DRH mặc dù ghi nhận doanh thu hơn 10 tỷ đồng, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 31%, chỉ còn vỏn vẹn 4 tỷ đồng.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất sàn HNX
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (01/11), chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,56 điểm với độ rộng nghiêng về bên mua.
Video đang HOT
Trong đó, cổ phiếu của CTCP Sadico Cần Thơ (HNX: SDG) đứng đầu danh sách tăng nóng trên sàn HNX, với đà tăng hơn 31%. SDG hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất xi măng, các sản phẩm từ xi măng và vỏ bao đựng xi măng,…Tuần qua, cổ phiếu SDG tăng 4 phiên liên tiếp, trong đó có 3 phiên tăng trần. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch không nhiều và khó để nhà đầu tư tham gia với khối lượng khớp lệnh tuần qua chỉ đạt hơn 300 cổ phiếu/phiên.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất sàn HNX. Nguồn: NCĐT tổng hợp
Đứng thứ hai trong danh sách tăng nóng là cổ phiếu của CTCP Cấp nước Bến Thành (HNX: BTW), với đà tăng gần 30% trong tuần qua. BTW hoạt động chính trong lĩnh vực quản lý, phát triển hệ thống cấp nước, cung ứng, kinh doanh nước sạch cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất,… Tuần qua, cổ phiếu biến động với nhiều phiên tăng giảm trong đó có 1 phiên tăng trần. Khối lượng khớp lệnh tuần qua đạt mức cao nhất trong vòng 1 năm ghi nhận hơn 7.000 cổ phiếu/phiên.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của CTCP Dược phẩm Phong Phú (HNX: PPP) và cổ phiếu CTCP Xây dựng Điện VNECO4 (HNX: VE4) đứng đầu danh sách giảm mạnh sàn HNX với nhiều phiên giảm sàn liên tiếp.
Theo Nhipcaudautu.vn
Lợi nhuận 9 tháng của một loạt đại gia phân bón Bình Điền, Lâm Thao, Đạm Phú Mỹ sụt giảm tới 70-80% so với cùng kỳ
Giá cổ phiếu các doanh nghiệp ngành phân đạm cũng "theo trend" kết quả kinh doanh.
Điểm qua kết quả kinh doanh các doanh nghiệp ngành phân bón trên sàn trong quý 3 vừa qua, "mẫu số chung" là kết quả kinh doanh giảm sút sâu so với cùng kỳ, thậm chí có doanh nghiệp lỗ nặng như Đạm Hà Bắc, như DAP Vinachem.
Đạm Hà Bắc thua lỗ triền miên, đã âm vốn chủ
Theo báo cáo, tính riêng quý 3 Đạm hà Bắc lỗ gần 200 tỷ đồng, nâng tổng lỗ từ đầu năm 2019 lên 421 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến Đạm Hà Bắc lỗ lớn chủ yếu do giá vốn tăng cao, cộng với đó là gánh nặng chi phí tài chính với gần 600 tỷ đồng chi trả lãi vay. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của công ty đến hết quý 3 lên đến trên 7.500 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản đạt 9.377 tỷ đồng.
Trước đó Đạm Hà Bắc cho biết, hiện công ty đang gặp khó khăn do chi phí tài chính lớn, đặc biệt từ tháng 1/2019 công ty không được kéo dài thời gian trả nợ, không thể cân đối được tài chính để trả đủ nợ gốc cho ngân hàng nên đang phải chịu lãi phạt quá hạn với lãi suất 18% trên nợ gốc quá hạn.
Với số lỗ này, Đạm Hà Bắc đã lỗ lũy kế 3.077 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu gần 310 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thua lỗ triền miên, âm vốn chủ, Đạm Hà Bắc lại vừa có biến động lớn về nhân sự. Ông Nguyễn Đức Ninh, Thành viên HĐQT, Phó TGĐ phụ trách Ban Tổng Giám đốc, được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc công ty thời hạn 3 năm kể từ 5/10/2019. Trước đó ông Nguyễn Đức Ninh đã thực hiện chức năng nhiệm vụ của CEO Đạm Hà Bắc từ 1/1/2019 thay ông Đỗ Doãn Hùng.
DAP Vinachem bất ngờ lỗ quý 3 sau 2 năm làm ăn có lãi
Khá bất ngờ là việc DAP - Vinachem (DDV) lại thua lỗ quý 3 sau 2 năm liền kinh doanh có lãi. Doanh thu quý 3 đạt 383,4 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, tuy nhiên chi phí giá vốn tăng cao, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 32%, còn 27,8 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 13,4% quý 3 năm ngoái xuống còn 7,3% quý 3 năm nay.
Theo báo cáo, sản lượng DAP tiêu thu trong quý 3 năm nay tăng 12.926 tấn so với cùng kỳ, đạt 43.093 tấn, đã làm cho doanh thu bán hàng tăng mạnh. Tuy nhiên, ngoài chi phí nguyên liệu tăng, giá quặng, giá than và điện đều tăng, thì tỷ lệ trích khấu hao năm nay tăng cũng làm cho chi phí giá vốn tăng cao.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng phát sinh trong quý tăng gấp đôi, lên 25,1 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ giảm được gần 5 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến chi phí bán hàng tăng, chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển, bốc xếp, lưu kho và các chi phí mua ngoài.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 DAP Vinachem đạt 1.117 tỷ đồng doanh thu, giảm 29% so với cùng kỳ và mới hoàn thành gần 45% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2,7 tỷ đồng, còn cách rất xa mục tiêu lãi 162,5 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó. LNST đạt 2,7 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi 148,2 tỷ đồng đạt được quý 3 năm ngoái.
Dù 9 tháng vẫn có lãi, nhưng DAP Vinachem còn ghi nhận lỗ lũy kế gần 240 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho tăng 121 tỷ đồng so với đầu năm, lên 432 tỷ đồng. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 159 tỷ đồng, lên 464 tỷ đồng.
Phân bón Miền Nam cũng lỗ quý 3 sau nhiều năm có lãi
Một doanh nghiệp ngành phân bón khác cũng bất ngờ ghi nhận lỗ quý 3 sau nhiều năm kinh doanh có lãi là Phân bón Miền Nam (SFG) với số lỗ 5,5 tỷ đồng. Tuy vậy tính chung 9 tháng đầu năm 2019 Phân bón Miền Nam vẫn còn lãi sau thuế 1,5 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi 65 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.
Lợi nhuận quý 3 của Đạm Cà Mau thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây
"Ông lớn" trong ngành phân đạm khác là Đạm Cà Mau (DCM) cũng chịu chung tình trạng chi phí giá vốn tăng cao, lợi nhuận giảm sút. Tính riêng quý 3 doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 1.488 tỷ đồng. Tuy nhiên giá khí nguyên liệu tăng làm cho chi phí giá vốn tăng, làm cho lãi gộp giảm mạnh, kéo theo đó biên lãi gộp giảm từ 26% quý 3 năm ngoái xuống còn 8% quý 3 năm nay. Trừ các chi phí khác, quý 3 Đạm Cà Mau còn lãi sau thuế vỏn vẹn 9 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi gần 150 tỷ đồng đạt được quý 3 năm ngoái. Đây cũng là khoản lợi nhuận thấp nhất theo quý trong nhiều năm trở lại đây của Đạm Cà Mau.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh htu Đạm Cà Mau đạt 4.935 tỷ đồng, vẫn tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên ngược lại lợi nhuận giảm đi gần một nửa, còn 308 tỷ đồng, và còn cách rất xa mục tiêu lãi hơn 240 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó.
Đáng chú ý, chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay trong kỳ của công ty đã giảm mạnh so với cùng kỳ nhờ việc trong năm công ty đã thanh toán 50 triệu USD cho Hợp đồng vay vốn tín dụng ECA giữa nhóm cho vay là các Ngân hàng BNP Paribas - Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - Ngân hàng Credit Agricole và bên vay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với mục đích thanh toán chi phí đầu tư dự án Nhà máy Đạm Cà Mau. Cùng với chi phí lãi vay giảm đến 74% thì khoản lỗ tỷ giá cũng giảm mạnh.
Trên BCTC công ty thể hiện, tính đến hết quý 3, tổng dư nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn còn hơn 2.200 tỷ đồng, trong khi công ty vẫn còn hơn 2.100 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng các kỳ hạn khác nhau. Tổng tài sản đạt trên 10.700 tỷ đồng.
Giá vốn tăng cao, lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ giảm sâu so với cùng kỳ
Một "ông lớn" khác - Đạm Phú Mỹ (DPM) báo cáo sụt giảm cả doanh thu và lợi nhuận quý 3 so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu quý 3 đạt 1.893 tỷ đồng, giảm gần 14% so với quý 3/2018. Bên cạnh đó, tỷ trọng giá vốn giảm mạnh hơn, nên lợi nhuận gộp còn 314 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 22,4% xuống còn 16,6%.
Theo giải trình từ phía công ty, do tính chất mùa vụ nên sản lượng giảm, đồng thời giá bán cũng thấp hơn kéo theo lợi nhuận giảm sút. LNST quý 3 còn chưa đến 62 tỷ đồng, giảm gần 61% so với quý 3 năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019 doanh thu Đạm Phú Mỹ vẫn giảm 22,6% so với cùng kỳ, đạt 5.936 tỷ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế giảm đến 73%, còn 152 tỷ đồng. Tuy vậy công ty vẫn đã hoàn thành 89,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Hóa chất Lâm Thao chấp nhận giảm giá bán, cho giãn nợ để tăng tính cạnh tranh
Supe Phốt Phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) báo lãi chỉ 1,74 tỷ đồng sau thuế trong quý 3/2019, chưa bằng 7% lợi nhuận đạt được trong quý 3 năm ngoái, dù doanh thu chỉ giảm 15,6%, đạt 481,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận quý 3 giảm sút do gánh nặng chi phí giá vốn, chi phí tài chính, mà chủ yếu là chi phí lãi vay.
Tổngh lãi vay phải trả trong quý hơn 20,6 tỷ đồng, tăng gần 6 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn đến cuối năm xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng khoảng 86 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo giải trình của công ty, thị trường phân bón trong nước đang có sự cạnh tranh gay gắt khiến việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để nâng cao cạnh tranh, công ty đã phải giảm trực tiếp giá bán, nhưng một số chi phí đầu vào có xu hướng tăng nên ảnh hưởng lớn đến giá vốn, làm cho biên lợi nhuận gộp giảm mạnh so với cùng kỳ. Đồng thời, lượng hàng tiêu thụ giảm, hàng tồn kho tăng, nên công ty đã cho giãn nợ, lùi thời hạn thanh toán tiền hàng, nên tiền vay ngân hàng tăng, do vậy chi phí lãi vay tăng.
Phân bón Bình Điền (BFC): Giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận giảm sút mạnh
Phân bón Bình Điền (BFC) dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3, nhưng tổng lãi 2 quý đầu năm chỉ mới xấp xỉ 17 tỷ đồng, còn cách rất xa mục tiêu lãi sau thuế 190 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ hơn 9 tỷ đồng.
Doanh thu nửa đầu năm 2019 cũng giảm gần 10%, còn 3.021 tỷ đồng. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu bán hàng nội địa nửa đầu năm đạt 2.701 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong khi đó doanh thu từ xuất khẩu đạt 320 tỷ đồng, giảm 124 tỷ đồng so với nửa đầu năm ngoái. Nguyên nhân khiến lợi nhuận nửa đầu năm của Phân bón Bình Điền giảm mạnh chủ yếu do chi phí giá vốn bị đội lên cao.
Lượng hàng tồn kho của công ty đến 30/6/2019 đạt 1.581 tỷ đồng, giảm 317 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu giảm tồn kho nguyên liệu vfa thành phẩm. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn trên 1.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 1.101 tỷ đồng.
Trên thị trường cổ phiếu BFC cũng giảm sâu, mất đi khoảng 40% giá trị so với thời điểm đầu năm, hiện giao dịch quanh vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu.
Giá cổ phiếu ngành phân bón cũng giảm sâu
Trên thực tế, hầu hết cổ phiếu cũng giảm sâu theo kết quả kinh doanh của ngành phân đạm. Nhiều cổ phiếu đang giảm về vùng đáy như DDV, BFC, SFG, LAS.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành phân đạm khác như Đạm Cà Mau (DCM) cũng vừa phục hồi nhẹ sau khi về đáy. Còn cổ phiếu DHB của Đạm Hà Bắc dù tăng 12,5% so với thời điểm đầu năm, nhưng lại đã giảm 28% so với hơn 1 tháng trước khi BHD duy trì sát mệnh giá ở mức 9.900 đồng/cổ phiếu.
Thạch lâm
Theo Trí thức trẻ
Công bố BAV, mã cổ phiếu giao dịch OTC của Bamboo Airways Hãng hàng không Bamboo Airways vừa ra thông báo liên quan đến giao dịch cổ phần của hãng, nhằm tạo thuận lợi cho cổ đông và khách hàng trong trường hợp giao dịch. Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner giữ vai trò chủ lực trong hoạt động khai thác dài hạn của Bamboo Airways. Cụ thể, Bamboo Airways cho biết, tổng vốn điều lệ...