Cổ phiếu Hòa Phát “ám quẻ” nhà đầu tư giá trị
Giảm 4,5% trong phiên giao dịch 19/12, cổ phiếu HPG tụt xuống mức thấp nhất trong 1 năm qua với 29.700 đồng/cổ phiếu. So với đỉnh hồi tháng 3, vốn hóa của Hòa Phát đã bốc hơi gần 38%.
Ảnh minh họa.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi đạt đỉnh hồi tháng 4 đã chứng kiến nhiều nhịp điều chỉnh mạnh kéo theo sự đi xuống của nhiều cổ phiếu cơ bản quen thuộc trong danh mục của các nhà đầu tư giá trị trong đó có HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát.
Khởi đầu năm 2018 với đà tăng từ cuối năm ngoái, đi lên cùng thị trường chung, cổ phiếu HPG nhanh chóng đạt đỉnh 47.640 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh) hồi đầu tháng 3. Tuy nhiên, sau nhiều sóng giảm điểm, đặc biệt trong hơn 1 tháng qua, cổ phiếu HPG giảm sâu xuống mức 29.700 đồng cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 19/12, mức thấp nhất trong khoảng 1 năm qua.
Biến động này đã thổi bay thành quả của nhiều nhà đầu tư giá trị nắm giữ cổ phiếu HPG trong đó có Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Đình Long, người trực tiếp sở hữu tới 534 triệu cổ phiếu HPG (25,15% vốn).
Ghi nhận tại mức thị giá ngày 19/12, ông Long đã “mất” gần 9.580 tỷ đồng giá trị thị trường so với thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh hồi tháng 3. Trong khi bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long hiện nắm giữ 216 triệu cổ phiếu HPG, cũng “mất” hơn 3.875 tỷ đồng.
Không chỉ có nhà đầu tư trong nước, nhiều quỹ ngoại cũng “lao đao” trước sự lao dốc của HPG.
Theo báo cáo mới đây, trong tháng 11 vừa qua, giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ tính theo đồng USD của Tundra Vietnam Fund đã giảm 2,1%, đánh dấu tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ của Tundra Vietnam Fund giảm 10,9% xuống còn 20,61 USD.
Đáng chú ý, trong danh mục của Tundra, cổ phiếu HPG chiếm tỷ trọng khá cao với 3,7% đồng thời cũng nằm trong top 3 những khoản đầu tư kém hiệu quả nhất của quỹ này khi chỉ xếp sau hai ông lớn ngành thép khác là HSG và NKG.
Nhà đầu tư nước ngoài mất kiên nhẫn
Theo thống kê đến hết ngày 18/12 vừa qua, khối ngoại hiện chỉ còn nắm 38,86% cổ phần tại Hòa Phát, con số này đã giảm đáng kể so với tỷ lệ phủ room ngoại khoảng hơn 40% thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh hồi tháng 3. Thậm chí, thời điểm đầu năm 2018, con số này còn lên đến 41,4%.
Video đang HOT
Tâm lý chốt lời sau khi cổ phiếu đạt đỉnh cùng với việc thị trường chung không còn thuận lợi như hồi đầu năm khiến khối ngoại có xu hướng bán ròng cổ phiếu HPG những tháng gần đây.
Mới đây nhất, PENM – quỹ ngoại đến từ Đức đã “gắn bó” với Hòa Phát thời gian dài, cũng đã liên tục bán ra cổ phiếu HPG qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 2,31%, tương đương 49 triệu cổ phiếu.
Dù PENM lý giải việc bán ra là do điều khoản bắt buộc của quỹ đồng thời sẽ tìm kiếm quỹ mới để tiếp tục đầu tư vào HPG tuy nhiên việc quỹ ngoại liên tục đăng ký bán ra trong bối cảnh cổ phiếu chưa tìm thấy đáy cũng khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại.
Thanh khoản dồi dào, chủ tịch đánh tiếng mua vào nhưng… mất hút
Một tín hiệu tích cực hiếm hoi trên thị trường đối với cổ phiếu HPG là thanh khoản khá dồi dào với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất ghi nhận trên 5,4 triệu đơn vị. Đặc biệt phiên 19/12 vừa qua, tuy giảm tới 4,5% nhưng thanh khoản lại tăng đột biến lên gần 11 triệu cổ phiếu, cao nhất kể từ cuối tháng 10.
Đây có thể là tín hiệu tích cực đối với HPG khi vẫn có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu này bất chấp thị giá không ngừng lao dốc.
Mới đây, tại buổi gặp mặt nhà đầu tư đầu tháng 12, ông Long cũng đã đánh tiếng về việc sẽ không bán ra cổ phiếu HPG, thậm chí sẽ mua thêm vào. Tuy nhiên, đến nay ông Long vẫn chưa có động thái nào cụ thể hóa phát biểu trên.
Quỹ ngoại còn niềm tin vào triển vọng dài hạn của HPG?
Thực tế, dù liên tục giảm sâu tuy nhiên cổ phiếu HPG vẫn thường xuyên nằm trong top những khoản đầu tư lớn nhất của các quỹ ngoại tại Việt Nam.
Tính đến hết tháng 11, cổ phiếu HPG vẫn nằm trong top 10 khoản đầu tư của VEIL, quỹ đầu tư lớn nhất của Dragon Capital với tỷ trọng 3,84%, tương đương khoảng 56 triệu USD.
Trong danh mục của JP Morgan VOF, HPG cũng chiếm tỷ trọng 8,42%, tương đương khoảng 27 triệu USD.
Thậm chí, tính tới cuối tháng 11, HPG còn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF VinaCapital với tỷ trọng lên tới 12,7%, tương đương khoảng 120 triệu USD.
Các quỹ ETF ngoại như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF cũng dành tỷ trọng khá lớn cho HPG, lần lượt là 4,12% và 8,65%.
Các quỹ ngoại này đều có xu hướng đầu tư dài hạn, không mấy hứng thú với việc lướt sóng. Thời gian qua, hầu hết các quỹ này đều không bán ra cổ phiếu HPG bất chấp thị trường không thuận lợi. Có khả năng các quỹ ngoại này vẫn đánh giá cao triển vọng dài hạn của Hòa Phát khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động, tuy nhiên, nếu cổ phiếu HPG không cải thiện, thì có thể báo cáo kết quả kinh doanh của những quỹ đầu tư giá trị, sẽ chứng kiến một năm “bi thương” với danh mục cổ phiếu HPG.
THANH HÀ
Theo bizlive.vn
Nhà đầu tư nước ngoài "tháo chạy", cổ phiếu Hòa Phát "hoang mang"
Liên tục những thông tin bất lợi từ thị trường và sự "tháo chạy" của nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu HPG của "ông lớn" Hòa Phát liên tục điều chỉnh mạnh, đến nay chỉ còn quanh ngưỡng 33.000 đồng/CP.
Tỷ phú thép Trần Đình Long (Ảnh: IT)
Trong khoảng hơn 10 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu HPG liên tục được nước ngoài bán ra với giá trị giao dịch ròng ít nhất từ 30 đến gần 80 tỷ đồng. Đà bán ra của khối ngoại khiến nhà đầu tư trong nước cũng liên tục... thấp thỏm.
Giảm giá vì lo ngại từ giá thép Trung Quốc?
Thực tế, câu chuyện cổ phiếu HPG liên tục bị bán mạnh thời gian gần đây có thể xuất phát từ phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, trong đó đã đánh giá tác động tác động từ giá thép Trung Quốc ảnh hưởng đến HPG. Theo phân tích của VNDIRECT, giá thép Trung Quốc sụt giảm với nguồn cung dư thừa và sự mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ gần đây cho thấy thép Trung Quốc có thể sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam, mặc dù thuế nhập khẩu rất cao từ 12 - 20%.
Mặt khác, một số tin tức gần đây về việc Chính phủ Trung Quốc nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường đối với sản xuất thép (ngừng cấm sản xuất vào mùa đông có thể sử dụng quặng sắt cấp thấp) cho thấy các nhà sản xuất thép Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn so với các nhà sản xuất Việt Nam và cũng đảo ngược xu hướng sụt giảm gần đây của giá quặng sắt cấp thấp (58% Fe) đã làm ảnh hưởng biên lợi nhuận của các nhà sản xuất sử dụng lò thổi oxy với quặng sắt cấp thấp chiếm tỷ trọng cao (ví dụ HPG).
Tất cả những bất lợi này đều xảy đến cùng lúc khi HPG chuẩn bị tung ra một lượng lớn thép dài trên thị trường với khu phức hợp Dung Quất dự kiến sắp đi vào hoạt động.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, phản ứng của khối ngoại với cổ phiếu HPG cũng khiến tâm lý nhà đầu tư Việt Nam hoang mang.
Cụ thể, bắt đầu từ cuối tháng 11 đến này (từ 28.11), giao dịch của khối ngoại tăng đột biến khi giá trị giao dịch ròng của khối ngoại liên tục là con số âm từ 30 tỷ đồng đến gần 80 tỷ đồng. Cao điểm là ngày 30.11, khối lượng giao dịch ròng của khối ngoại là hơn 2,3 triệu cổ phiếu (giá trị -77,3 tỷ đồng); tỷ lệ sở hữu khối ngoại từ 39,55% vốn cũng giảm dần chỉ còn 39,1% ở thời điểm hiện tại.
Nên giữ hay bán?
Trước đó, vào buổi trao đổi với nhà đầu tư và chuyên viên phân tích ngày 5.12, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG cho biết, Ban quản trị ước tính lợi nhuận ròng 11 tháng năm 2018 đạt 8.100 tỷ đồng, hoàn thành 91% dự báo cả năm và đạt mục tiêu cả năm của HPG. Về cổ tức năm 2018 sẽ là 30% cổ tức bằng cổ phiếu (sẽ trả trong năm 2019), thay vì cổ tức tiền mặt, để dồn tiền đầu tư cho dự án Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất.
Về kế hoạch năm 2019, lãnh đạo HPG thừa nhận sẽ đầy áp lực với trọng tâm vào xuất khẩu. Cụ thể, HPG kỳ vọng khối lượng tiêu thụ thép dài trong năm 2019 đạt 3,5 - 4 triệu tấn (khối lượng ước tính trong năm 2018 là 2,3 triệu tấn) và HPG sẽ tiếp tục thực hiện chính sách giá thép linh hoạt theo thị trường trong năm 2019 để duy trì tính cạnh tranh khi khu Liên hợp Dung Quất đi vào hoạt động (Lò thổi Oxy đầu tiên [BOF] dự kiến sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2019). Theo đó, HPG lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu với mục tiêu chiếm 10 - 12% tổng doanh thu. Đông Nam Á là thị trường mục tiêu chính cho xuất khẩu, trong đó thị trường Campuchia sẽ dẫn đầu về tỷ trọng. Về thị trường Mỹ, mặc dù bị áp thuế quan 25% nhưng HPG vẫn tự tin xuất khẩu được thép sang thị trường này.
Tuy nhiên, HPG vẫn chưa đưa ra kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cho năm 2019 do những biến động gần đây của giá thép.
Giao dịch khối ngoại của cổ phiếu HPG 10 phiên liên tiếp gần đây
Ngoài ra, liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài bán ra cổ phiếu HPG. Chủ tịch HĐQT HPG Trần Đình Long cho biết, PENM Partners đã bán một phần cổ phiếu HPG nắm giữ bởi quỹ PENM3 vì sắp đến thời gian đáo hạn vào tháng 9.2021. Tuy nhiên, PENM Partners khẳng định vẫn là đối tác lâu dài của HPG từ năm 2007 thông qua các khoản đầu tư mới của quỹ PENM 5.
Riêng thông tin về rủi ro từ thép Trung Quốc, HPG khẳng định rủi ro này khá hạn chế. Cụ thể, ông Long cho rằng lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam không đáng kể do loại thép xây dựng chính nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là thép cuộn và chỉ được sử dụng trong một số dự án ODA của Trung Quốc. Nhu cầu thép xây dựng của Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2018 nên hầu hết thép Trung Quốc được tiêu thụ nội địa.
Trong khi đó, ông Trần Bá Duy, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng năm 2018, EPS (Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu) của Hòa Phát dự kiến là 4.500 đồng, giảm so với các năm trước (năm 2016 là 7.100 đồng và năm 2017 là 5.900 đồng). Nguyên tắc trong đầu tư cổ phiếu tăng trưởng là EPS giảm liên tục thì giá cổ phiếu sẽ giảm. Tuy nhiên, HPG đang có mức PE tương đối hợp lý trong ngành (PE quanh 8), nhưng có áp lực về nguồn tiền cho dự án Dung Quất. Ngoài ra, điểm trừ của HPG là áp lực tăng vốn nhanh nhưng KQKD chưa theo kịp.
"Nếu nắm giữ cổ phiếu HPG thì nhà đầu tư nên xem xét dưới giá 33.000 đồng thì nên cắt lỗ, ngược lại trên giá 33.000 đồng thì vẫn cầm cự được", ông Duy nói.
Ông Long cho biết dự án khu Liên hợp Dung Quất sẽ đi vào hoạt động trễ hơn dự kiến ban đầu (vào quý 1.2020) với chi phí vốn đầu tư lớn hơn kế hoạch do: 1) HPG sẽ mua máy móc nhập từ châu Âu thay vì châu Á (để đáp ứng các quy định về môi trường đối với sản xuất thép tại Việt Nam), và 2) cảng biển Dung Quất đang được xây dựng và sẽ mở rộng hơn để có thể chứa các tàu có tải trọng lên đến 200.000 tấn, trong khi kế hoạch ban đầu chỉ là nâng cấp khu cảng để tiếp nhận tàu biển có tải trọng 100.000 tấn...
Theo danviet.vn
Cổ phiếu HPG rớt giá, ông Trần Đình Long mất danh vị "tỷ phú đô la" Với việc cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát rơi từ đỉnh 48.000 đồng xuống còn 34.200 đồng/cp khiến tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long cũng chỉ còn 18.296 tỷ đồng và khiến ông mất danh vị "tỷ phú đô la" của Forbes Theo cập nhật danh sách tỷ phú đến tháng 12/2018 của Forbes, Việt...