Cổ phiếu dệt may bình lặng trong “sóng” chiến tranh trương mại Mỹ – Trung
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung được dự báo sẽ mang lại những thuận lợi cho nhóm ngành Dệt may và trên thực tế, xu hướng dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam đã hỗ trợ khá tích cực cho hoạt động của ngành.
Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Dệt may trong quý 1/2019 đạt 8,69 tỷ USD, tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá cổ phiếu nhóm ngành dệt may lại đang có xu hướng giảm nhiệt.
Cụ thể, doanh thu thuần từ các doanh nghiệp ngành dệt may đang niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ tăng nhẹ 5,46% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng 13,2% trong quý 4/2018.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng chậm dần của doanh thu ngành Dệt may chịu ảnh hưởng từ (1) kinh tế giảm tốc, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thấp hơn tại nhiều thị trường; (2) cạnh tranh đơn hàng với các nhà sản xuất Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan,…
Ngành dệt may được dự báo hưởng nhiều lợi thế thương mại trong năm 2019 (Ảnh: IT)
Cổ phiếu “hạ nhiệt” bất chấp lợi thế thương mại
Sau khi tăng lên mức giá cao nhất lịch sử vào trung tuần tháng 3, giá các cổ phiếu ngành này đã hạ nhiệt và giao dịch ở mức giá thấp hơn.
Chẳng hạn, với cổ phiếu TCM của Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HoSE), sau khi tạo lập “đỉnh” hồi tháng 3 ở mức giá 33.800 đồng/CP, nay đã quay đầu về vùng giá 30.000 đồng/CP từ đầu tháng 5/2019 đến nay. Hiện giá cổ phiếu TCM đang ở mức giá 26.500 đồng/CP. Tương tự, với TNG của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX), sau khi lập “đỉnh” ở mức giá 24.600 đồng/CP hồi giữa tháng 3, thì hiện tại cũng đang giảm về mức giá 22.400 đồng/CP.
Một số mã cổ phiếu khác như: GMC của Công ty CP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (HoSE) cũng lập “đỉnh” ở mức 50.500 đồng/CP hồi tháng 3/2019 thì nay giảm về vùng giá 41.500 đồng/CP; hoặc cổ phiếu GIL của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE) cũng giảm từ mức “đỉnh” 40.500 đồng/CP về vùng giá 31.700 đồng/CP như hiện tại.
Video đang HOT
Trong khi đó, với M10 của Tổng Công ty May 10 (UpCOM) hiện giao dịch ở mức giá 18.000 đồng/CP, tuy nhiên mã cổ phiếu này thanh khoản rất kém khi trung bình mỗi phiên chỉ vài trăm cổ phiếu, trong đó đa số vẫn là “trắng” thanh khoản.
Theo báo cáo phân tích từ nhiều công ty chứng khoán về lợi thế ngành Dệt may trong năm 2019, ngành này đang đứng trước những cơ hội tươi sáng khi các hiệp định thương mại lớn đang và sắp có hiệu lực, chẳng hạn như: Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm 2019 mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng dệt may, đặc biệt khi thị phần của các nước trong Hiệp định chiếm gần 16% trong tổng giá trị xuất khẩu; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) kỳ vọng sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2019. Đây là hiệp định với sự tham gia của 6 quốc gia mà ASEAN có thỏa thuận thương mại tự do bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand, với tổng đóng góp từ 6 quốc gia này đến tổng xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2017 là 57%.
Bên cạnh đó, nếu hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua trước tháng 5/2019 cũng sẽ là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều dự báo cũng cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung cũng giúp đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam và điều này cũng tạo cơ hội cho nhóm cổ phiếu ngành Dệt may.
Vì sao cổ phiếu dệt may hạ nhiệt?
Sự gia tăng của giá vải nguyên liệu và chi phí nhân công được dự báo có thể sẽ kéo theo sự sụt giảm về lợi nhuận sau thuế (LNST) của các DN ngành Dệt may trong quý 2/2019, chưa kể việc kinh tế giảm tốc kéo theo nhu cầu tiêu thụ thấp hơn tại nhiều thị trường; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về đơn hàng với các nhà sản xuất Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan… khiến nhóm cổ phiếu ngành Dệt may chững lại.
Cụ thể ở nhóm ngành May mặc, kết thúc quý 1/2019, doanh thu thuần (DTT) của các doanh nghiệp may mặc tăng trưởng 5,23% cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận gộp (LNG) và LNST giảm nhẹ 1% và 1,98% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính đến từ sự gia tăng của giá vải nguyên liệu và chi phí nhân công.
Cụ thể, với Công ty May 10, chi phí vải nguyên liệu tăng 12% so với cùng kỳ trong khi chi phí lương nhân công tăng thêm 7% so với cùng kỳ. TCM cũng ghi nhận mức chi phí nhân công tăng mạnh 21% so với cùng kỳ ngay trong quý đầu năm.
Ngoài ra, chính sách tăng lương tối thiểu của Việt Nam tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành thâm dụng lao động như may mặc. Theo thống kê của Vinatex, chi phí nhân công dệt may của Việt Nam đạt 235 USD/tháng, mặc dù thấp hơn so với nhân công Trung Quốc (520 USD/tháng) nhưng đang cao hơn 65% so với Bangladesh và 38,2% với Indonesia.
Trong khi đó, ở nhóm ngành Sợi, tăng trưởng kết quả kinh doanh trái chiều giữa các doanh nghiệp sợi tự nhiên và sợi nhân tạo là điểm nhấn của ngành sợi. Ngành sợi tự nhiên gặp khó khăn do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, khác với các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, doanh thu của ngành sợi tự nhiên chủ yếu đến từ Trung Quốc. Ngành dệt Trung Quốc từ cuối năm 2018 thu hẹp quy mô sản xuất do các sản phẩm sợi, vải của Trung Quốc chịu thuế tự vệ khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ (từ tháng 5/2019 là 25%), ảnh hưởng tới nhu cầu đối với sợi tự nhiên Việt Nam.
Giá sợi tự nhiên giảm từ 3,3 USD/kg (T6/2018) về mức 2,5 USD/kg (đầu năm 2019) trong khi giá bông đạt mức bình quân là 2 USD/kg trong quý 1/2019, tương ứng với độ chênh lệch 0.5 USD/kg, thấp hơn so với mức biên 1 USD/kg (mức thấp nhất để các doanh nghiệp ngành sợi có khả năng vận hành ổn định). LNST Q1/2019 của các doanh nghiệp ADS và FTM giảm lần lượt 97,1% và 227,8% so với cùng kỳ.
Riêng ngành sợi nhân tạo lại chịu ảnh hưởng từ xu hướng chung của ngành dệt may khi tiêu thụ tại nhiều thị trường giảm tốc. Đối với STK, doanh nghiệp có thị phần đứng thứ 2 trong nhóm xuất khẩu sợi polyester, DTT Q1/2019 tăng nhẹ 2,8% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng giá bán. Tuy nhiên, LNG và LNST của STK tăng trưởng mạnh 29,4% nhờ chiến lược chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ sợi nguyên sinh (GPM: 10-11%) sang sợi tái chế (GPM: 28-35%). Tỷ trọng của sợi tái chế tăng từ 11,8% (quý 1/2018) lên 26% (quý 1/2019).
Theo danviet.vn
Chứng khoán Trung Quốc: Nhà đầu tư ngơ ngác giữa màn sương
Làm cách nào để rót tiền vào thị trường trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng là thử thách lớn nhất đối với nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đại lục.
Chỉ số Shanghai Composite đã giảm khoảng 13% kể từ mức đỉnh đạt được vào tháng 4/2019, chấm dứt đà đi lên của thị trường kể từ đầu năm 2019 và bao vây nhà đầu tư bởi màn sương dày đặc các yếu tố bất định. Khối lượng giao dịch suy giảm, các chỉ số hầu như không nhúc nhích, các thành viên thị trường đang chứng kiến chứng khoán Đại lục "bất động" trong khoảng thời gian dài nhất kể từ tháng 2/2019 cho tới nay.
Càng nhìn về tương lai, giới đầu tư càng thấy mơ hồ. Cuối tuần trước, Chính phủ Trung Quốc lên tiếng cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nguyên nhân khiến các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ. Thông tin này được đưa ra sau khi Bắc Kinh bị chỉ trích vì đã thiết lập một danh sách các tổ chức ngoại "không đáng tin cậy", đồng thời mở cuộc điều tra đối với FedEx Corp vì lỗi khi vận chuyển đơn hàng của Huawei Technologies Co.
Theo giới chuyên gia, cuộc điều tra này giống như một lời cảnh báo của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Mỹ và cả Washington khi ông Trump áp đặt các lệnh cấm vận lên công ty công nghệ Trung Quốc là Huawei.
Trong khi đó, danh sách các tổ chức ngoại "không đáng tin cậy" được đánh giá dựa trên các tiêu chí như công ty/cá nhân/tổ chức nước ngoài đó có phân biệt đối xử với doanh nghiệp Trung Quốc hoặc tạo mối đe dọa với an ninh quốc gia hay không... Với bảng danh sách này, Trung Quốc có thể nhắm vào nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là các công ty Mỹ, hay các quốc gia đã cắt đứt quan hệ với Huawei.
Những diễn biến trên khiến mối lo ngại về chiến tranh thương mại ngày càng leo thang và đi kèm đó là nhiều hệ quả khó đoán định.
Chỉ số CSI 300 không dao động quá 2% ở cả 2 chiều tăng - giảm trong 11 phiên liên tiếp.
"Chúng tôi chờ đợi thông tin nào đó để hành động, dù khó để nói chính xác là điều gì hay theo hướng nào. Có quá nhiều điều không thể nhìn rõ", Wang Yiping, CEO Shenzhen Qianhai Evolution Asset Management Co cho biết.
Trong bối cảnh mối quan hệ thương mại với Mỹ không có cải thiện, chứng khoán Trung Quốc bị đẩy vào tình huống khó khăn khi thiếu các thông tin hỗ trợ. Nhà đầu tư lo ngại về khả năng đồng nhân dân tệ (CNY) sẽ bị bán tháo nếu ngưỡng 1 USD đổi 7 nhân dân tệ bị phá vỡ, điều chưa từng xảy ra trong 11 năm qua.
Hiện tại, tỷ giá USD/CNY là 1 USD đổi 6,93 CNY. Chưa kể, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục có các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, khi số liệu sản xuất mới công bố cho thấy số lượng đơn đặt hàng giảm nhanh hơn so với dự báo trong tháng 5/2019.
Không có gì ngạc nhiên khi giới đầu tư tỏ ra dè dặt, khối lượng giao dịch hàng ngày trên sàn chứng khoán Đại lục đã giảm 7 tuần liên tiếp, mức dài nhất kể từ năm 2010 theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg. Chỉ số chứng khoán nhúc nhích trong biên độ hẹp kể từ phiên rung lắc mạnh nhất vào đầu tháng 5. Chỉ số CSI 300 đã không hề chuyển động quá 2% ở cả 2 chiều tăng - giảm trong 11 phiên liên tiếp.
"Chiến lược hiện tại và tương lai gần của chúng tôi là quan sát và chờ đợi", Zhai Jingyong, chiến lược gia tại Banyan Investment Management cho biết.
Cùng chung quan điểm, chiến lược gia tại Citigroup Inc nhận định, diễn biến trầm lặng hiện tại sẽ còn duy trì tại thị trường chứng khoán Đại lục, khi khẩu vị rủi ro của giới đầu tư ở mức thấp, đa phần nhà đầu tư quyết định chưa hành động.
"Các tác động của hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc cùng áp dụng vẫn chưa được phản ánh trọn vẹn vào giá. Trong ngắn hạn, nhà đầu tư không có lý do nào để tỏ ra tự tin", Liang Jinxin, chiến lược gia tại Tianfeng Securities Co cho biết.
Lam Phong
Theo báo chí nước ngoài
Cơ hội đến từ những biến động Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tỏa sức nóng lên các thị trường chứng khoán toàn cầu, giới chuyên gia nhận định, cơ hội đến từ những biến động. Khi thị trường giảm, nhà đầu tư giá trị sẽ quan tâm nhiều hơn đến triển vọng cơ bản do giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng hấp dẫn....