Cổ phiếu dầu khí tăng hơn 50% khi giá dầu vượt 80 USD/thùng
Nhiều mã dầu khí trên thị trường chứng khoán tăng 50-70% hơn 2 tháng qua, trong bối cảnh giá dầu thế giới vừa thiết lập đỉnh 4 năm.
Chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự biến động tăng mạnh của nhóm cổ phiếu dầu khí, trong đó cái tên đáng chú ý nhất là PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD).
Tính từ mức đáy giữa tháng 7, thị giá của PVD đã tăng 77,8%, từ mức 12.200 đồng/cp lên mức 21.700 đồng/cp phiên 3/10. Thanh khoản giao dịch của mã này cũng dao động gần 3,5 triệu cp mỗi phiên, cá biệt đạt hơn 7 triệu cp ngày 2/10.
Tương tự PVD, cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) ghi nhận tăng gần 51% từ tháng 7, quanh 24.200 đồng/cp phiên 2/10. Một số mã khác như PVB, PVC tăng lần lượt 54% và 52% lần lượt dừng ở giá 23.800 đồng/cp và 8.300 đồng/cp.
“Ông lớn” GAS cũng trở lại ‘đường đua’ sau đợt giảm mạnh từ đầu năm. Từ tháng 7, thị giá GAS đã tăng hơn 57%, và đang có giá 122.400 đồng/cp. Bên cạnh đó, cổ phiếu PLX của Petrolimex cũng ghi dấu ấn với mức tăng hơn 34% trong 2 tháng qua, quanh 71.000 đồng/cp.
Diễn biến của nhóm cổ phiếu dầu khí được các CTCK nhận định đến từ biến động của giá dầu thế giới thời gian qua.
Video đang HOT
Ngày 1/10, giá dầu Brent tương lai đã chạm ngưỡng 84,85 USD/thùng. Trong giao dịch thỏa thuận, giá dầu Brent tiếp tục tăng lên 85,45 USD/thùng, lần đầu tiên vượt mốc 85 USD kể từ tháng 11/2014. Từ đầu năm 2018, giá dầu Brent đã tăng 48%.
Trước đó, Mỹ và Canada đã đạt thỏa thuận sửa đổi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vào phút chót, cùng với Mexico thiết lập Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA). Giới phân tích nhận định thỏa thuận sửa đổi NAFTA sẽ thúc đẩy giá dầu bởi việc này nâng triển vọng về tăng trưởng của Mỹ, Canada và toàn bộ Bắc Mỹ.
Bên cạnh đó, lệnh tái cấm vận Iran của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11, cấm tất cả hoạt động mua bán dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Iran (nhà sản xuất dầu thô lớn thứ 5 thế giới), trong khi OPEC và nhóm các quốc gia đồng minh đồng ý không tăng sản lượng để bù đắp thiếu hụt từ Iran.
Mỹ cũng khẳng định sẽ không xả kho dự trữ dầu thô khẩn cấp vì mục đích bình ổn giá dầu khi lệnh cấm vận được chính thức áp dụng. Điều này sẽ còn tạo áp lực khiến giá dầu tăng trong thời gian tới.
Báo cáo của CTCK KIS cho rằng, giá dầu tăng là một trong những yếu tố tích cực khiến cổ phiếu dầu khí hồi phục. Giá dầu cao khiến giá khí bán cao hơn, nhất là khí khô bán cho nhà máy điện và khách hàng khu công nghiệp điều này sẽ nâng cao kết quả kinh doanh của GAS.
Với PVS, giá dầu cao và ổn định trong thời gian dài (trên 54 USD/thùng – điểm hòa vốn của các mỏ tại Việt Nam) trong vòng 12 – 24 tháng sẽ thúc đẩy hoạt động thăm dò khai thác, giá dịch vụ và khối lượng công việc sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, dự án Lô B (giá trị xây lắp 1 tỷ USD) được kỳ vọng triển khai trong năm 2019, đóng góp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Với đơn vị cung cấp giàn khoan và các dịch vụ kỹ thuật khoan như PVD, giá dầu hồi phục có thể tác động tích cực lên hoạt động khai thác, qua đó giúp giá cho thuê kỳ vọng hồi phục lên mức 60.000 USD/ngày, tăng 33%.
Ngoài ra những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Petrolimex cũng sẽ hưởng lợi từ chênh lệch giá nhiên liệu đầu vào và giá bán (15 ngày giữa nhập và xuất bán) trong môi trường giá nhiên liệu tăng, cải thiện biên lợi nhuận.
Lê Hải
Theo ndh.vn
Giá dầu thế giới 3/10: Giá dầu tiếp tục treo ở mức cao và có xu hướng đi lên
Giá dầu thế giới ngày 3/10 tiếp tục treo ở mức cao và có xu hướng đi lên, trong đó giá dầu brent bám sát ngưỡng 85 USD/thùng, còn dầu WTI dao động quanh mức trên 75 USD/thùng.
Ghi nhận trên New York Mercantile Exchanghe vào lúc 20:42:58 giờ CT ngày 2/10, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2018 đứng ở mức 74,94 USD/thùng, giảm 10 cent/thùng trong phiên. Và nếu so với thời điểm 18:52:15 giờ CT ngày 1/10 (đầu giờ ngày 2/10, giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2018 giảm 38 cent/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 11/2018 đứng ở mức 75,11 USD/thùng, giảm 11 cent/thùng trong phiên.
Cùng thời điểm, giá dầu brent giao tháng 12/2018 được ghi nhận trên New York Mercantile Exchanghe ở mức 84,74 USD/thùng, giảm 6 cent/thùng trong phiên. Và nếu so với thời điểm đầu giờ ngày 2/10, giờ Việt Nam, giá dầu brent giao tháng 12/2018 giảm 25 cent/thùng.
Còn theo ghi nhận trên ifcmarketc, đầu giờ ngày 3/10, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất là 75,09 USD/thùng và cao nhất là 75,14 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước (2/10), giá dầu WTI đứng ở mức 74,96 USD/thùng, giảm 0,55% so với phiên giao dịch ngày 1/10.
Với dầu brent, đầu giờ ngày 3/10, giá dầu brent được giao dịch ở mức thấp nhất là 84,70 USD/thùng và cao nhất là 84,75 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước (2/10), giá dầu brent đứng ở mức 84,58 USD/thùng, giảm 39 cent/thùng so với phiên giao dịch ngày 1/10.
Giá dầu thế giới giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi Viện Xăng dầu Mỹ chính thức công bố số liệu xăng của Mỹ.
Những phiên giao dịch gần đây, giá dầu thế giới liên tục tăng mạnh và được dự báo sẽ lên mức 100 USD/thùng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran ngày một lớn khi thời điểm ngày 4/11, thời điểm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran có hiệu lực, ngày càng đến gần. Trong khi thị trường vẫn chưa thể tìm ra được nguồn cung bù đắp sản lượng thiếu hụt này thì việc Trung Quốc giảm mua dầu của Iran; Mỹ, Canada và Mexico đạt được thỏa thuận thương để duy trì Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) đã làm hạ nhiệt tình hình căng thẳng thương mại, qua đó gián tiếp gia tăng áp lực lên nguồn cung dầu.
Hà Lê
Theo petrotimes.vn
Đồng Rupiah của Indonesia chạm đáy 20 năm Dù Indonesia đã nâng lãi suất 5 lần từ tháng 5 đến nay, đồng Rupiah của nước này vẫn đối mặt áp lực giảm giá mạnh... Đồng Rupiah đã mất giá khoảng 10% trong năm nay - Ảnh: Bloomberg. Đồng Rupiah của Indonesia ngày 2/10 lần đầu tiên trong 20 năm rớt qua ngưỡng 15.000 Rupiah đổi 1 USD, trong bối cảnh giới...