Cổ phần hóa, nhiều ông lớn suýt ‘bốc hơi’ nghìn tỷ
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, KTNN xác định giá trị các doanh nghiệp, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Sang năm 2017, KTNN tiếp tục thực hiện tại 6 doanh nghiệp, kết quả cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng.
Theo tính toán của ông Phớc, bình quân mỗi doanh nghiệp như vậy làm thất thoát trên 1 nghìn tỷ đồng, nếu không kiểm toán lại. Vậy số tiền nghìn tỷ suýt “bốc hơi” này rơi vào những “ông lớn” nào?
Kiểm toán 8 DNNN kiến nghị tăng vốn hơn 8 nghìn tỷ đồng
Theo KTNN, quá trình xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa có nhiều nguy cơ thất thoát tiền và tài sản nhà nước do đánh giá, xác định giá trị tài sản doanh nghiệp thấp hơn giá trị tài sản thực tế. Đặc biệt, việc này càng hiện hữu với các doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn. Trong năm 2016, qua kiểm toán 8 DNNN được các tổ chức tư vấn định giá xác định theo phương pháp tài sản, đơn vị này đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhà nước hơn 8.454 tỷ đồng.
Đáng lưu ý là trường hợp của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn. Theo báo cáo, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này hơn 40.342 tỷ đồng. Tuy nhiên sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỷ đồng, tức chênh lệch hơn 4.586 tỷ đồng. Hay đối với Công ty mẹ – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, có con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 31.500 tỷ đồng. Thế nhưng, con số sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỷ đồng, mức chênh lệch trên 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn lại cũng có mức chênh lệch lên tới hàng trăm tỷ đồng, điển hình như Công ty mẹ – Tổng Công ty Dầu Việt Nam chênh 512 tỷ đồng; Công ty mẹ – Tập đoàn Cao su Việt Nam chênh 440 tỷ đồng… Từ thực trạng trên có thể thấy, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa của các tổ chức tư vấn định giá và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp do KTNN xác định có sự chênh lệch rất lớn.
Tương tự, KTNN khu vực IV cũng thực hiện kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa 3 Tổng công ty: IDICO, Becamex và Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Và kết quả kiểm toán cũng làm tăng giá trị vốn nhà nước tại các đơn vị này lên 2.223 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp tại Tổng Công ty Becamex đã làm tăng giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước lên 1.333 tỷ đồng.
Quá nhiều lỗ hổng
Từ kinh nghiệm thực tế, KTNN cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch vốn, trước tiên phải kể đến phương pháp mà các tổ chức tư vấn định giá phải thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, theo quy định tại các văn bản này thì các phương pháp thẩm định giá mà tổ chức tư vấn định giá được áp dụng có độ mở cao, dẫn đến việc lựa chọn phương pháp thẩm định giá, cách thức tiến hành phụ thuộc vào lập luận, đánh giá của các tổ chức tư vấn định giá.
Mặt khác, theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, tổ chức tư vấn định giá có thể là doanh nghiệp thẩm định giá, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán. Về nguyên tắc, hoạt động chuyên môn của các công ty này chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thẩm định giá, chứng khoán, chế độ kế toán, kiểm toán. Nhưng việc xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa mang tính đặc thù, chịu sự điều chỉnh của pháp luật do cơ quan quản lý các doanh nghiệp nhà nước ban hành. Do đó, việc kiểm tra về mặt chuyên môn liên quan đến hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn…
Với Thông tư 127/2012/TT-BTC, các tổ chức tư vấn định giá nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam chỉ được phép cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa khi hợp tác, liên danh với các tổ chức tư vấn định giá trong nước được Bộ Tài chính công nhận. Quy định như vậy đã hạn chế các tổ chức tư vấn định giá nước ngoài, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, hạn chế việc học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế.
Video đang HOT
KTNN khu vực IV cho rằng, những hạn chế, thiếu sót trong giai đoạn này chủ yếu do xác định giá trị thị trường của tài sản máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa, nhà cửa, vật kiến trúc chưa chính xác; rồi hồ sơ, tài liệu thẩm định giá lưu trữ chưa đầy đủ theo tiêu chuẩn thẩm định giá; việc kiểm kê, phân loại tài sản cũng chưa thực hiện thuê tổ chức tư vấn tham gia, phân loại tài sản; hàng tồn kho đã được kiểm kê nhưng chưa được xác định giá trị để tính vào giá trị doanh nghiệp; định giá các khoản đầu tư vào công ty con không căn cứ vào báo cáo tài chính phù hợp…
Theo KTNN khu vực IV, quá trình cổ phần hóa đang được đẩy nhanh, tuy nhiên, đi kèm với đó là tiềm ẩn không ít rủi ro, làm thất thoát tiền, tài sản nhà nước nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ. Ngoài phát huy vai trò kiểm toán, KTNN khu vực IV cho rằng, phải sửa đổi văn bản, chính sách liên quan đến cổ phần hóa, giúp bịt các khe hở chính sách, làm cho quá trình cổ phần hóa diễn ra minh bạch hơn, hiệu quả hơn.
“Vừa qua khi kiểm toán một doanh nghiệp, tôi đã đề nghị đơn vị này phải nộp vào ngân sách số lợi nhuận chưa chia. Mà cái này đoàn kiểm toán suýt nữa thì bỏ sót, với con số lên đến trên 2.400 tỷ đồng. Khi tôi vào duyệt, phát hiện ra đã yêu cầu giải trình, rồi thu nộp lại ngân sách. Đây là bài học kinh nghiệm quý giá, kể cả những đồng chí rất già dặn trong KTNN vẫn có những sơ hở, thiếu sót” – Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.
Theo KTNN khu vực IV, kết quả kiểm toán Becamex chủ yếu từ việc điều chỉnh giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn. Cụ thể là khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương. Đơn vị tư vấn ghi nhận phần vốn đầu tư của Becamex vào đơn vị này theo giá trị doanh nghiệp của Công ty Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương được đơn vị tư vấn đánh giá lại chưa được phê duyệt của UBND tỉnh. Đoàn kiểm toán đã căn cứ vào quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp của UBND tỉnh Bình Dương, biên bản kiểm toán năm tài chính 2015 để điều chỉnh phần vốn đầu tư của Becamex tăng thêm 448 tỷ đồng.Kế đến là khoản đầu tư vào Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP), đơn vị tư vấn ghi nhận giá trị khoản đầu tư theo báo cáo tài chính riêng. Tuy nhiên, VSIP lại là công ty mẹ có các khoản đầu tư vào các công ty con. Do đó, đoàn kiểm toán đã căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty VSIP để đánh giá lại khoản đầu tư của Becamex vào Công ty VSIP, tăng vốn nhà nước 837 tỷ đồng.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)
Bức tranh tương phản trong nỗ lực thoái vốn Nhà nước năm 2017
Năm 2017 đi qua, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn để lại những gam màu sáng, tối hoàn toàn đối lập.
Nếu như, các thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco, Vinamilk, Vietnam Airlines, Vincom Retail... thành công "đình đám" thì các "ông lớn" như Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BECAMEX - IDC), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex)... lại mang về những nỗi thất vọng.
Vốn ngoại ồ ạt đổ vào, thế nhưng dòng tiền "khôn" lại rất "chảnh." Nếu nhìn lại những gì đã diễn ra năm 2017, không khó để thấy một công thức chung của thành công.
Bài 1: Vinamilk tới Sabeco: Công thức nào cho những thương vụ nghìn tỷ?
Giữa không khí ảm đạm của cổ phần hóa, thoái vốn năm 2017, thương vụ bán vốn Vinamilk thu về gần 9.000 tỷ đồng bất ngờ "nổ vang" hồi tháng 11. Và, chỉ sau đó ít lâu, một thương vụ khác được nhiều người gọi là lịch sử,thậm chí còn gây tiếng vang lớn hơn thế, đó là vụ bán cổ phần Sabeco thu về số tiền nhiều người trước đó lạc quan cũng không dám nghĩ tới: 110.000 tỷ đồng, tức gần 5 tỷ USD.
Tiền từ nước ngoài đã về két và tất nhiên, đi kèm với niềm vui là những lo lắng nhất định.
Không ngại... "khoe"
"Cô gái đẹp" là cách ví von đã từng được lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khi nói về sự hấp dẫn của Vinamilk.Tuy nhiên, trong đợt bán 9% vốn hồi cuối năm 2016, kết quả khiến nhiều người ngỡ ngàng khi hơn 1/3 (40%) số cổ phần đem ra bán bị... ế.
Gần 1 năm sau đó, SCIC lại xúc tiền đợt bán vốn thứ 2. Khác hẳn với lần đầu, trong phiên đấu giá 3,33% cổ phần của Vinamilk, một nhà đầu tư đã trả mức giá 186.000 đồng để mua trọn lô 48,3 triệu cổ phiếu của Vinamilk. Số tiền mà nhà đầu tư Singapore đã bỏ ra cho thương vụ này lên tới gần 9.000 tỷ đồng.
Nhìn lại hai chặng đường có nhiều sự khác biệt, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, trong đợt bán vốn mới nhất, phía SCIC và Vinamilk đã có những đợt công bố thông tin, chạy roadshow cả trong và ngoài nước rất minh bạch nên mức độ nắm bắt thông tin của nhà đầu tư với "món ngon" Vinamilk được rõ ràng và rộng rãi hơn.
Bằng chứng là, nếu như đợt bán vốn hồi năm 2016, người ta chỉ thấy có 1 nhà đầu tư tham gia đấu giá thì gần một năm sau, đã có tới 19 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 11 tổ chức trong nước và nước ngoài, 8 nhà đầu tư cá nhân.
Trước đó, tại thời điểm rốt ráo chạy roadshow, chính ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cũng chia sẻ với báo chí, chỉ riêng 2 buổi roadshow tại Singapore và Hong Kong, đã có 35 nhà đầu tư quan tâm. Trong số những nhà đầu tư quan tâm, ông Thành không quên "khoe" những quỹ đầu tư tài chính lớn như: Blackrock, JPMorgan, Wellington,...
Không chỉ vậy, trong đợt bán vốn cuối năm 2017, phía SCIC cũng đã áp dụng khá nhiều điểm mới cho đợt thoái vốn này. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC cho biết, trên cơ sở kinh nghiệm thực hiện bán vốn của SCIC tại Vinamilk vào năm 2016, SCIC đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Những thay đổi mà theo ông, như cho đặt cọc bằng tiền USD, gia hạn thời gian đăng ký mã số giao dịch, đơn giản hóa quy trình thanh toán,...
Một điểm khác biệt được ông Đặng Quyết Tiến,Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chínhtừng chỉ ra là, đợt ế vốn hồi năm 2016 một phần do phía SCIC đã tổ chức bán vào tháng 12, thời điểm các nhà đầu tư tất toán để nghỉ Tết. Đây là thời điểm không dễ để các đơn vị bỏ tiền đi mua. Thậm chí theo ông, thời điểm đó may mắn là chỉ bán 9%, nếu tung ra nhiều hơn có thể dẫn tới "vỡ trận."
Quả thật, ởđợt chào bán lần 2 này, SCIC đã đẩy thời điểm lên sớm hơn 1 tháng, vào tháng 11 và mọi thứ đã khác trước rất nhiều.
Mua Sabeco: "5 tỷ USD không phải là nhiều"
Trong công thức thành công của Vinamilk, thời điểm bán sớm là một trong những bài học được rút ra. Thế nhưng, bài học ấy chưa chắc được áp dụng với Sabeco.
Không làm sớm như Vinamilk, thương vụ bán vốn Nhà nước tại Sabeco diễn ra khá muộn, khi thị trường đã bước vào tháng 12. Kết quả thì ai cũng đã rõ, gần 54% cổ phần Sabeco bán hết veo với mức giá khiến cả thị trường phải ngước nhìn: 320.000 đồng/cổ phiếu.
Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) thừa nhận, những doanh nghiệp tư vấn cho Sabeco trước đó chỉ định giá cho cổ phiếu này ở mức 186.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, theo ông, Nhà nước đã tự tin, nếu bán tỷ lệ cổ phần lớn lên tới gần 54% thì có thể bán Sabeco với mức cao hơn khoảng 40% giá trị hợp lý của cổ phiếu này.
Ông khẳng định, chỉ có nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng nắm cổ phiếu trong 50-100 năm thì mới chấp nhận mua đắt hơn mức giá hợp lý tới 40%.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế. Một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính thừa nhận, thành công do chủ trương bán trọn lô hơn gần 54% vốn điều lệ của Sabeco. Điều này đã thúc đẩy nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cố mua để nắm giữ quyền chi phối.
"Giả sử ta chỉ bán khoảng 30-40% vốn, thì số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra rất lớn nhưng họ cũng không có quyền chi phối, nên khi bán 53% thì có khi họ cố gắng ôm' để có quyền quản trị," vị chuyên gia này nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì cho rằng, không thể nói mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu là đắt hay rẻ. Với ông, một doanh nghiệp sở hữu 50% thị phần bia của một đất nước 100 triệu dân, đứng thứ 3 thế giới về uống bia thì 5 tỷ USD không phải là nhiều. Thậm chí theo ông, khoản tiền này "chưa là gì cả."
"Nếu tôi có tiền, tôi cũng mua, thậm chí mua cao hơn," ông Hưng bày tỏ.
Đó là về sức hấp dẫn của bản thân Sabeco. Tuy nhiên, nhìn nhận ở hướng khác, không thể không kể tới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tới Bộ Công Thương trong thương vụ được coi là lịch sử.
Còn nhớ, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2017, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủMai Tiến Dũng đã dẫn lời Thủ tướng Chính phủ với khẳng định: "Chính phủ không đi bán bia, không đi bán sữa. Thủ tướng cũng xác định tinh thần sẽ không khống chế các doanh nghiệp, chỉ cần làm sao vẫn giữ được thương hiệu quốc gia, thu được lợi ích cao nhất, hiệu quả cao nhất cho Nhà nước."
Chính câu nói ấy đã được ông Đặng Quyết Tiến,Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhắc lại sau khi thương vụ Sabeco thành công. Việc bán vốn Sabeco theo ông Tiến đã được Thủ tướng giao Bộ Công Thương và chính Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lãnh trách nhiệm trước Thủ tướng.
Riêng thương vụ này, ông Tiến cũng thống kê, Chính phủ đã họp 6-7 cuộc và có riêng một nghị quyết để đảm bảo việc bán vốn thành công như đã diễn ra.
Tất nhiên, đó chỉ một phần của bức tranh bán vốn được coi là chưa từng có tại một doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Nhóm PV (Vietnamplus)
Hàng trăm nhà đầu tư quan tâm tới IPO "con cưng" của PVN Chiều ngày 16.1, tại Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào đơn vị "con cưng" của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER) đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Hàng trăm nhà đầu tư quan tâm tới IPO "con cưng"...