“Cổ phần hóa không phải là đẩy người lao động ra đường!”
Bộ GTVT hiện có 10 Tổng Công ty trực thuộc đã hoàn thành cổ phần hóa (CPH) và chuyển thành công ty cổ phần trong 7 tháng vừa qua. Những vướng mắc về việc làm, tiền lương, nhân sự sau CPH đang khiến các doanh nghiệp đau đầu.
Những vấn đề trên là nội dung chính trong cuộc họp bàn với các doanh nghiệp đã hoàn thành CPH trong năm 2014 diễn ra chiều qua (18/8) tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Sau CPH: Giảm ô tô, tiết kiệm điện nước
Không ngần ngại nói lên những khó khăn đang phải đối mặt, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty xây dựng Thăng Long – cho biết, công tác CPH Tổng Công ty đã diễn ra suôn sẻ, các tổ chức hoạt động bình thường. Nhưng sau CPH có chuyệncán bộ và công nhân viên thì đông mà công việc thì ít!
“Chúng tôi đã vận động anh em cắt giảm chi phí văn phòng, điện nước, xe con phục vụ công tác từ 9 chiếc nay giảm xuống còn 4 chiếc… Dù rất cố gắng nhưng thu chỉ đủ bù chi, năm nay cổ đông cũng không có cổ tức. So với mặt bằng thị trường thì thu nhập của cán bộ, công nhân viên Tổng Côn ty Xây dựng Thăng Long thấp” – ông Dũng bày tỏ.
Hiện có 10 doanh nghiệp giao thông vận tải đã hoàn thành CPH
Theo ông Dũng, nếu không có thêm việc làm, không có nguồn thu và thu nhập của người lao động không tăng thì nguy cơ người giỏi sẽ ra đi, chỉ còn lại những người không làm được việc. Ông Dũng cho rằng, nhìn “bức tranh” tài chính mất cân đối như hiện nay, nếu không quản lý tốt sẽ rất khó khăn. Giải quyết vấn đề con người là rất day dứt nhưng giải quyết bài toán kinh tế thì không thể…
Ở khối doanh nghiệp vận tải, Tổng Công ty Vận tải Thủy là đơn vị đã CPH thành công. Ông Nguyễn Thủy Nguyên hiện giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty này sau khi bỏ tiền vào đầu tư và nắm giữ cổ phần lớn nhất. Tại cuộc họp, vấn đề ông Nguyên đề cập là sự dôi dư lao động sau CPH.
Video đang HOT
“Chọn lọc con người hiệu quả hơn thì phải hoạt động hơn, nhưng số lao động dôi dư rất lớn. Dôi dư lao động đi liền với tiền bồi thường, mà mỗi người phải bồi thường từ mấy chục đến vài trăm triệu thì là quá lớn. Đề nghị Bộ GTVT cho cơ cấu lại sản xuất” – ông Nguyên cho hay.
Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự sau CPH, ông Phạm Dũng – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) – cho rằng, công ty mẹ thì không có vấn đề gì, nhưng mọi việc phát sinh xảy ra ở công ty con và công ty liên kết.
“Sau khi thoái vốn, cổ đông công ty ngoài mua được và vào điều hành đã làm thay đổi toàn bộ. Do không thống nhất được tổ chức quản lý và điều hành công ty nên đã có trường hợp Bí thư viết đơn xin nghỉ hưu sớm, Giám đốc thì xin nghỉ việc…” – ông Phạm Dũng cho hay.
Vị Chủ tịch HĐQT của Cienco 1 kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận đề xuất thoái vốn ở đơn vị nào mà cán bộ, công nhân viên muốn mua thì ưu tiên bán cho nhân viên của công ty để đảm bảo ổn định. Đây cũng là ý kiến chung của một số doanh nghiệp cảng biển và Cienco tại cuộc họp này.
“Hôm trước được tặng bằng khen, hôm sau chạy đôn chạy đáo”
Chủ trì cuộc họp này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ghi nhận: Trong bối cảnh tái cơ cấu chung của nền kinh tế, thị trường khó khăn, kinh tế khó khăn thì việc thực hiện thành công CPH là một cố gắng rất lớn.
“Tôi chia sẻ với những khó khăn các doanh nghiệp gặp phải khi chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang CPH. Đây là những điều khó tránh khỏi và cần thời gian để thay đổi tâm lý, thay đổi quản trị, sắp xếp cơ cấu sản xuất. Tôi rất hiểu tâm lý của lãnh đạo hôm trước CPH xong được tặng bằng khen nhưng hôm sau phải ra đường chạy đôn chạy đáo. Quá trình tất yếu phải thực hiện. Vì thế, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan của Bộ là phải giúp đỡ các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tạo mọi điều kiện công ăn việc làm cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất” – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, suốt 30 năm là doanh nghiệp Nhà nước trong cả một cơ chế như thế, doanh nghiệp khó khăn mà vẫn quyết tâm CPH là đáng mừng. CPH phải gắn với tổng thể đề án tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp, phải thay đổi bản chất quản lý, quản trị doanh nghiệp, tư duy phải hoàn toàn khác.
Riêng về vấn đề người lao động, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các doanh nghiệp sau CPH dù thế nào cũng phải giải quyết chế độ cho người lao động ở mức độ cao nhất theo quy định của Nhà nước.
“CPH không phải là đẩy người lao động ra đường! Giữ lại lao động là khó nhưng cần có sự sắp xếp hợp lý để người lao động có việc làm, tăng sức sản xuất, tăng doanh thu và thu nhập để đời sống của người lao động tốt hơn!” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Vì sao ngành đường sắt bị "tước" quyền chủ đầu tư hàng loạt dự án?
"Tước" quyền chủ đầu tư cùng lúc 18 dự án đường sắt là việc chưa từng có tiền lệ ngành GTVT. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, tiến độ các dự án chậm, việc quản lý và sử dụng vốn ODA không hiệu quả là lí do phải thay đổi chủ đầu tư.
Nhiều người cho rằng, động thái "tước" quyền làm chủ đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn ODA đối với Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Tổng Công ty ĐSVN của Bộ GTVT - điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của ngành này - chắc hẳn phải xuất phát từ những nguyên nhân rất lớn.
Lí do Bộ trưởng Đinh La Thăng chuyển chức năng chủ đầu tư của ngành đường sắt vì các dự án chậm tiến độ và việc quản lý, sử dụng vốn ODA không hiệu quả...
Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho hay: Thời gian qua, Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN được giao làm chủ đầu tư các dự án đường sắt nhưng không thể hiện được vai trò, năng lực điều hành, quản lý và triển khai các dự án của ngành mình.
Nói về lí do cụ thể dẫn tới quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư 18 dự án đường sắt cùng lúc, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: "Tiến độ thực hiện các dự án đường sắt chậm và chất lượng không đảm bảo, ở các dự án có vốn vay ODA thì việc quản lý và sử dụng nguồn vốn không hiệu quả".
Cũng theo người đứng đầu ngành GTVT, việc chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án đường sắt cũng nằm trong lộ trình tái cơ cấu, sắp xếp lại Tổng Công ty ĐSVN và các BQL Dự án đường sắt của Bộ GTVT. Vì vậy, cùng với việc chuyển chức năng chủ đầu tư các dự án, BQL Dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN cũng sẽ được khẩn trương chuyển về BQL Dự án đường sắt trực thuộc Bộ GTVT.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ Kế hoạch - Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, giải quyết các thủ tục với các nhà tài trợ vốn ODA về việc chuyển chủ đầu tư dự án. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông sẽ chủ trì, tham mưu công tác đấu thầu, thực hiện đầu tư, thẩm định phê duyệt thiết kế để không làm gián đoạn quá trình thực hiện đầu tư các dự án.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: "Mục đích chuyển chức năng chủ đầu tư và sáp nhập các BQL về trực thuộc Bộ nhằm tổ chức lại hệ thống BQL Dự án đường sắt, khắc phục những tồn tại và yếu kém để quản lý và điều hành tốt hơn, đảm bảo chất lượng các dự án đường sắt. Quyết định này cũng nhằm chống tiêu cực, chống tham nhũng tại các dự án đường sắt và ngành đường sắt".
Rõ ràng, khi yêu cầu tiến độ và chất lượng các công trình giao thông đang được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là các dự án đường sắt có vốn vay ODA từng bị các nhà tài trợ "cân nhắc" tiếp tục hay tạm dừng, thì việc khẩn trương thay thế chủ đầu tư là hoàn toàn chính đáng.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông do Cục ĐSVN làm chủ đầu tư vừa bị Bộ GTVT thay thế (ảnh: Hữu Nghị)
Cần phải nói thêm rằng, với ngành đường sắt, ngoài sự "chậm tiến" còn phải kể đến những sự vụ ồn ào xảy ra trong thời gian qua. Điển hình là dự án đầy tai tiếng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1, sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản với trị giá 4,2 tỷ Yen - các quan chức cấp cao của ngành đường sắt Việt Nam bị nhà thầu JTC Nhật Bản tố giác nhận hối lộ 80 triệu Yên vào hồi tháng 3. Hiện nay 6 lãnh đạo của BQL Dự án đường sắt thuộc Cục ĐSVN và Tổng Công ty ĐSVN đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (sử dụng vốn vay Trung Quốc) cũng "rùm beng" vì phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 300 triệu USD. Tại dự án này, Bộ trưởng Đinh La Thăng từng đình chỉ công tác đối với Cục trưởng Cục ĐSVN vì có phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.
Trong bối cảnh hiện nay, không phải là chuyện khó hiểu khi Bộ GTVT liên tiếp đưa ra những quyết định "sống còn" cho ngành đường sắt. Và đây có lẽ cũng chính là những "liều thuốc" tốt nhất trong cuộc "đại phẫu" nhằm đổi mới toàn diện ĐSVN.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Vì sao ngành đường sắt bị "tước" quyền chủ đầu tư hàng loạt dự án? "Tước" quyền chủ đầu tư cùng lúc 18 dự án đường sắt là việc chưa từng có tiền lệ ngành GTVT. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, tiến độ các dự án chậm, việc quản lý và sử dụng vốn ODA không hiệu quả là lí do phải thay đổi chủ đầu tư. Nhiều người cho rằng, động thái "tước" quyền làm...