Cổ phần hoá: Cần sự “bứt phá” về kỷ cương, kỷ luật
Tiến độ cổ phần hoá (CPH) đang chậm dần đều, khả năng khó đạt kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020. Để quá trình CPH “tăng tốc” và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, rất cần có một sự “bứt phá” trong thực hiện kỷ cương, kỷ luật.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh
Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCO xung quanh chủ đề này.
PV: Theo kế hoạch năm 2019 chúng ta phải CPH 18 DN. Tuy nhiên đến nay hết quý I chưa có thêm DN nào được CPH. Việc chậm trễ tiến độ CPH là tình trạng chung nhiều năm nay và thậm chí ngày càng chậm dần. Theo ông, đâu là vướng mắc quan trọng nhất trong quá trình này?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Quá trình CPH chậm trễ do nhiều lý do, mà trong đó, theo tôi một trong những lý do quan trọng là lộ trình của chúng ta chưa bắt kịp tín hiệu của thị trường. Với quy trình hiện nay, phương án CPH là phương án chủ quan của chúng ta. Chúng ta cần linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, cũng như phải nới lỏng việc giao quyền, để cấp thẩm quyền bên dưới có thể quyết định nhanh hơn.
Chẳng hạn, trong phương án CPH, nhà đầu tư muốn mua nhiều hơn, muốn có điều kiện để họ có thể quản lý, thay đổi quản trị… thì phải có sự linh hoạt để thoả thuận, để cung và cầu gặp nhau, như vậy mới thành công. Nếu quy định phương án cứng, không đạt được lại phải làm lại, trình lại thì chính chúng ta làm mất cơ hội của mình và cơ hội của nhà đầu tư. Nhà đầu tư không thể ôm tiền đợi chúng ta hàng năm để phê duyệt, điều chỉnh phương án khi mà thị trường luôn biến động rất nhanh.
Thẳng thắn mà nói là việc sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không bằng DN tư nhân trong nước và DN FDI (vốn đầu tư nước ngoài), nên ta mới CPH. Vậy trừ những lĩnh vực thiết yếu, an ninh quốc phòng, còn lại theo tôi nên bán hết, không cần phải làm lộ trình, hay bán nhỏ giọt làm gì.
Tư nhân làm hiệu quả hơn thì để họ làm và họ sẽ đóng thuế tốt hơn cho ngân sách. Do đó, chúng ta phải làm ngay, làm nhanh để nhà đầu tư có quyền lựa chọn. Ví dụ, nhà đầu tư muốn đầu tư lĩnh vực này, nhưng hai năm nữa ta mới bán thì họ đã tự đi đầu tư lĩnh vực đó, thậm chí cạnh tranh lại với ta, thì hai năm sau ta CPH ai mua nữa.
Một yếu tố quan trọng nữa là đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhà đầu tư muốn mua DN họ phải nắm được tình hình hoạt động, kinh doanh, đất đai, thời gian CPH, phương án bán CPH ra sao, định giá thế nào… mọi thông tin đều phải minh bạch, rõ ràng. Nếu chỉ nói CPH mà thông tin không minh bạch thì cũng không nhà đầu tư nào dám mua.
PV: Những khó khăn, vướng mắc trong xử lý vấn đề đất đai, định giá tài sản cũng được coi là một nguyên nhân khiến quá trình CPH chậm trễ. Theo ông, vấn đề này cần giải quyết ra sao ?
Video đang HOT
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Nguyên nhân này là có. Tuy nhiên theo tôi, về mặt hành lang pháp lý chúng ta đã có Nghị quyết 60 năm 2018 của Quốc hội. Chính phủ cũng đã có 3 nghị định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Cho nên về cơ bản, chúng ta đã có đủ hành lang pháp lý để thực hiện CPH, cũng như xử lý những vấn đề liên quan như đất đai, định giá…
Nhưng vấn đề ở đây là khâu tổ chức thực hiện như thế nào và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tại sao có những DNNN như Bia Sài Gòn, Vinamilk… CPH rất thành công, tại sao Hãng phim truyện Việt Nam hay nhiều DN khác lại gặp vấn đề? Câu chuyện ở đây chính là khâu tổ chức thực hiện và trách nhiệm của ngươi đứng đầu.
PV: Vậy thời gian tới, chúng ta phải làm gì để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cũng như chất lượng triển khai các quy định liên quan đến CPH?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Tất nhiên thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật để rõ ràng đầy đủ, phân cấp cụ thể hơn. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình cụ thể, phải xây dựng bằng được quy chế phối hợp.
Bởi theo tôi, thời gian qua quy chế phối hợp, đặc biệt là liên quan đến xác định phương án sử dụng đất và định giá đất rất có vấn đề. Có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không vì lợi ích chung mà vì lợi ích cục bộ, khiến quá trình CPH càng chậm chễ.
Cùng với đó là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp gây chậm trễ trong CPH. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp, trên cả các văn bản, nhưng đến thời điểm này, việc CPH vẫn diễn ra chậm dần đều trong thời gian dài và vẫn chưa thấy tổ chức, cá nhân nào bị xử lý với bất cứ hình thức nào, chỉ là rút kinh nghiệm sâu sắc.
Chúng ta thấy hầu như tất cả các quá trình đều chậm, từ chậm CPH, chậm thoái vốn, chậm bàn giao, chậm niêm yết, chậm chuyển vốn về Quỹ Hỗ trợ phát triển DN… nhưng không ai làm sao.
Do đó, tôi cho rằng, thời gian tới phải tăng cường kỷ luật kỷ cương hơn nữa trong lĩnh vực này thì mới đẩy nhanh được tiến độ và đảm bảo hiệu quả của CPH.
PV: Lộ trình CPH giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta mới đạt 1/3, theo quan điểm của ông chúng ta có thể hoàn thành không? Nếu không hoàn thành thì sao và phải xử lý thế nào?
Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Rất khó hoàn thành, tôi nghĩ vậy, với một loạt vấn đề như đã nêu. Nếu không đạt được kế hoạch này, chúng ta khó huy động được nguồn lực tư nhân trong nước và nước ngoài. Đặc biệt chúng ta cũng không đạt mục tiêu tăng năng lực quản trị, thu hút công nghệ mới và tăng năng suất lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo tôi, có thể chúng ta nên xem xét điều chỉnh lộ trình. Bởi như tôi đã nói, nếu quan điểm chủ quan của ta và thị trường không gặp nhau, thì cần điều chỉnh. Chúng ta phải đặt lại bài toán, đánh giá thật khoa học xem tại sao cung cầu không gặp nhau; vướng tại đâu; kế hoạch có hợp lý không, có bị hành chính hoá không?
Quan trọng nữa là chúng ta phải có sức ép bằng kỷ cương, kỷ luật. Nếu không có áp lực thì rõ ràng cấp dưới, các DN sẽ không muốn làm bởi họ sợ trách nhiệm, sợ mất quyền lực… Đây có lẽ là mấu chốt của vấn đề. Nếu không có chế tài thì không ai dại gì “lấy đá ghè chân mình”. Nhưng muốn làm vậy, Chính phủ phải thể chế ra thành quy định rõ ràng, cấp nào, ai làm, làm thế nào?
Năm 2019, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động 12 chữ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”. Vì vậy, tôi, đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước rất mong muốn Chính phủ thực hiện bứt phá về kỷ cương trong lĩnh vực CPH.
Không chỉ về mặt chính quyền, vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã có quy định về trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên với 8 điều nêu gương và 8 điều chống. Phần lớn các lãnh đạo liên quan thực hiện CPH là đảng viên, bí thư cấp ủy, nhưng việc không hoàn thành nhiệm vụ như vậy có gương mẫu không, đây cũng là vấn đề cần được nêu ra.
Hoàng Yến
Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Bất động sản Đà Nẵng: Đất nền xoay chiều giảm giá, biệt thự nghỉ dưỡng trầm lắng
Những tháng đầu năm 2019, đất nền một số khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, khu vực lân cận với Quảng Nam bỗng dưng "dậy sóng" do cò đất náo loạn, tuy nhiên sau khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, tình trạng "nóng" đã hạ nhiệt.
Đất nền hạ nhiệt, cò đất tháo chạy
Gần đây, tại một số xã, huyện tại Đà Nẵng và cả khu vực Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam bỗng dưng diễn ra tình trạng "sốt đất". Theo giới chuyên gia, hiện tượng này là do "cò" thổi giá, một số đối tượng lợi dụng sự sôi động của thị trường BĐS, tung tin thất thiệt như sáp nhập một số xã Điện Bàn vào Đà Nẵng, triển khai dự án hàng trăm tỷ, xây cầu, đường...
Cùng với đó là các trò "thổi" giá đất tăng cao của nhóm "cò đất" nhằm thu hút sự chú ý của người dân và cũng chính nhóm cò này mua đi bán lại đất đai để đánh lừa nhà đầu tư và người dân. Từ đó gây "sốt ảo" về giá đất nhằm mua bán thu lợi, gây nhiễu loạn thông tin trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
Không khó khi thực tế thời gian qua tại một số khu vực, các trung tâm nhà đất mọc nhan nhản tại các trục đường mới tại những khu vực này. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã có biện pháp buộc các tổ chức, cá nhân tháo dỡ các trung tâm nhà đất trái phép này.
Theo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, một số quận đã báo cáo kết quả của việc xử lý, tháo dỡ ki ốt kinh doanh BĐS trái phép trên địa bàn về Sở. Theo đó, có 400 ki ốt được xây trái phép trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và gần 100 ki ốt trong số đó đã được chủ nhân tự giác tháo dỡ. Còn theo thống kê của quận Sơn Trà, trên địa bàn quận có khoảng 45 ki ốt BĐS trái phép và đã thực hiện tháo dỡ. Quận Liên Chiểu là địa bàn nóng nhất về tình trạng xây dựng ki ốt BĐS trái phép với 300 ki ốt cũng đã thực hiện tháo dỡ được 288 ki ốt sau 15 ngày ra thông báo.
Giá đất ở một số khu vực tại trục đường chính khu Tây Bắc bị thổi giá lên tới khoảng 35-40 triệu đồng/m2, tuy nhiên một số sàn BĐS tại Liên Chiểu cho biết hiện nay khu vực này đất nền đang xoay chiều giảm giá sau khi chính quyền địa phương quyết liệt siết chặt lại trận tự, tăng cường kiểm tra, rà soát thị trường đã ổn định trở lại và hạ nhiệt. So với cách đây chỉ chừng 1 tháng, giá đất hạ nhiệt giảm xuống khoảng 15 - 20%.
Tương tự tại một số khu vực thuộc huyện Cẩm Lệ như tại Hoà Hải, Hoà Xuân, những nền đất có giá khoảng 3,5 tỷ đồng giờ rất ít được nhà đầu tư hỏi mua, trong khi trước đây giá đã bị đẩy lên tới 4 tỷ đồng.
Đại diện một số đơn vị đại lý bất động sản, mấy tuần này đất nền tại ven trung tâm Đà Nẵng đã chững lại, trầm lắng hẳn đi. Giao dịch không còn sôi động như trước.
Biệt thự nghỉ dưỡng trầm lắng
Trong khi đó, thị trường căn hộ tại Đà Nẵng lại yên ắng trong những tháng đầu năm 2019. Theo ghi nhận của Savills, hiện thị trường có tổng nguồn cung khoảng 5.200 căn từ 20 dự án. Trong năm 2019 chỉ có 2 dự án với tổng số 900 căn gia nhập thị trường. Tỷ lệ hấp thị trung bình chỉ đạt khoảng 71% từ các dự án mở bán mới, giá trung bình khoảng1.500 USD/m2, giữ ổn định.
Chung cảnh trầm lắng của thị trường căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng Đà Nẵng được xem là "điểm nóng" một thời của thị trường BĐS du lịch thì hiện tình trạng cũng ảm đạm do nguồn cung mới hạn chế, giao dịch rất ít diễn ra. Savills ghi nhận trong 2019 chỉ có 45 căn sẽ được tung ra thị trường. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội, cho rằng nguồn cung mới hạn chế và nguồn cầu ổn định. Đầu
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, chính quyền địa phương đã cùng nhau vào cuộc để giải quyết những hành vi nhiễu loạn, làm méo mó thị trường đất nền Đà Nẵng, khiến thị trường không phát triển lành mạnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và người dân.
Cũng theo ông Đính để thị trường phát triển, cần có các biến pháp thúc đẩy các dự án phá triển trở lại bình thường. Thường xuyên kiểm tra rà soát, kết luận và cho phép các dự án đủ điều kiện, chủ đầu tư có năng lực triển khai tiếp dự án, đồng thời xử lý thu hồi những dự án không đáp ứng được yêu cầu, lựa chọn nhà đầu tư khác phù hợp.
Có như vậy thị trường mới có nguồn cung phát triển đúng hướng. Điều này sẽ kéo theo những đầu tư khác về hạ tầng giao thông, dịch vụ kết nối, thị trường mới hứng khởi và có những giao dịch chính thống, đảm bảo phát triển bền vững.
Nhật Minh
Theo Trí thức trẻ
Kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều rắc rối lớn Bên cạnh chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc cũng phải đối mặt với nhiều rắc rối lớn... Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng với mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của kinh tế Trung Quốc là chiến tranh thương...