Cô nông dân xinh đẹp Tây Ninh làm giàu từ nghề trồng hoa lan cấy mô
Nguyễn Thị Cẩm Tiên còn rất trẻ (sinh năm 1995), thế nhưng cô gái này đã khiến nhiều người thán phục khi khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi lan cấy mô.
Ở giữa vườn lan ngụ tại khu phố Ninh Lộc ( phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh), cô gái trẻ say mê nói về lan, về những ước mơ khởi nghiệp.
Tuổi nhỏ – nghĩ lớn
Với đam mê trồng lan từ nhỏ, Cẩm Tiên đã đăng ký học khoa công nghệ sinh học, Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM). Ra trường, em được gia đình hỗ trợ vốn để theo đuổi đam mê của mình. Từ đó, Cẩm Tiên bắt đầu áp dụng mô hình nuôi lan cấy mô. Thời gian áp dụng mô hình này chưa đầy một năm, nhưng đến nay sản phẩm lan cấy mô của Cẩm Tiên được nhiều người biết đến.
Cẩm Tiên bên vườn lan mang lại 100 triệu đồng/tháng của mình. Ảnh: Nhi Trần
Theo Hội Nông dân phường Ninh Sơn, mô hình nuôi lan cấy mô mới nhưng khả thi, giá cả ổn định, vốn đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh. Đây là loại cây cảnh vừa mang tính giải trí, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân có thể áp dụng. Hiện, nhu cầu hoa lan trên thị trường ngày càng cao, nhất là lan rừng; nhưng lan rừng ngoài tự nhiên đã bị khai thác cạn kiệt. Việc phát triển mô hình nuôi lan cấy mô rất triển vọng; và Hội sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Với số vốn ban đầu hơn 400 triệu đồng được gia đình hỗ trợ, Cẩm Tiên đầu tư một vườn ươm diện tích 400m2, phòng cấy mô rộng 100m2. Cẩm Tiên đã đầu tư cấy hơn 10.000 chai mô, với hơn 30 giống lan các loại.
Video đang HOT
Cẩm Tiên chia sẻ, 4 tháng đầu tiên nuôi lan cấy mô gặp nhiều khó khăn do lan bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, em kiên nhẫn khắc phục và làm ra nhiều giống lan có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Lan cấy mô sinh trưởng trong thời gian 2 tháng là có thể bán ra thị trường với giá từ 200.000 – 500.000 đồng/chai (25 cây), có loại có giá 1 triệu đồng/chai (2 cây) vì đây là loại quý hiếm.
Bên cạnh đó, Cẩm Tiên chọn lọc một số giống lan cấy mô ra ngoài để chiết và cho sinh trưởng môi trường bên ngoài tự nhiên, được nhiều khách hàng ưa chuộng, bán với giá từ 30.000 – 50.000 đồng/cây.
Cẩm Tiên cho biết, em thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/tháng và đã thu hồi vốn sau chưa đầy 1 năm triển khai mô hình. Hiện, ưu thế của nuôi lan cấy mô là tạo ra một số lượng lớn lan trong diện tích nhỏ, tạo ra giống lan sạch bệnh trong thời gian ngắn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Mong ước mở rộng thị trường
Nói về mô hình của mình, Cẩm Tiên chia sẻ: Phương pháp trồng cây bằng giống cấy mô rất đơn giản, dễ làm, không chỉ với nhóm mà cá nhân cũng có thể triển khai tốt. Kỹ thuật cũng không đòi hỏi cao siêu, chỉ cần áp dụng đúng quy cách chăm sóc là có thể thành công.
Với lợi thế tuổi trẻ năng động và nhạy bén, Cẩm Tiên nhanh chóng quảng bá sản phẩm của mình trên mạng xã hội, trang cá nhân, nhờ đó sản phẩm của em tiêu thu dễ dàng. Khi đã có uy tín, thương lái tìm tới tận nơi thu mua. Tiên chia sẻ: “Ban đầu em nghĩ trong lúc mình nhàn rỗi thì kiếm thêm việc làm, tăng thu nhập. Nhưng với thành công hiện tại, em sẽ cố gắng phát triển mô hình lớn hơn”.
Đến thời điểm hiện tại, lan cấy mô của Cẩm Tiên đã có thị trường ổn định, khách hàng chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc, miền Tây và TP.HCM. Chính vì vậy, tham vọng mở rộng vườn lan của Cẩm Tiên hoàn toàn khả thi bởi mô hình lan cấy mô trồng được số lượng cây giống rất lớn trên diện tích nhỏ. Không cần nhiều thời gian chăm sóc; khả năng thu hồi vốn nhanh; không tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật và có thể cung cấp số lượng lớn cây giống cho thị trường với chất lượng đồng đều.
Cẩm Tiên nhấn mạnh: “Nhiều người thích lan rừng nên thường lùng mua dẫn đến nguồn lan bị cạn kiệt, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái, chính vì thế em mong muốn và hy vọng mô hình của em sẽ lan tỏa tới nhiều địa phương, nhiều bạn trẻ và những người yêu lan nói chung. Để mọi người hiểu hoa lan đẹp và quý bởi chính hương thơm và màu sắc của chúng chứ không phải nguồn gốc”.
Bắc Kạn: Nuôi chim bồ câu làm giàu cũng dễ
Nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có đời sống khấm khá hơn nhờ được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Họ đã đầu tư nuôi chim bồ câu Pháp, nuôi dê núi... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xây dựng 100 mô hình hiệu quả
Ông Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thực hiện đề án đổi mới và nâng hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh và các huyện, thành phố đã cấp 5,69 tỷ đồng bổ sung cho Quỹ HTND.
Mô hình vay vốn Quỹ HTND nuôi chim bồ câu Pháp của hội viên nông dân thị trấn Chợ Mới. Ảnh Hà Thanh
Từ nguồn vốn này, các cấp Hội ND tỉnh đã triển khai thực hiện được 100 dự án trồng trọt và chăn nuôi với gần 1.200 lượt hội viên tham gia. Các dự án đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: Dự án trồng và chăm sóc cam, quýt ở xã Quang Thuận, Dương Phong; dự án trồng chuối và sấy khô nông sản ở xã Vi Hương (Bạch Thông); dự án nuôi chim bồ câu, chăn nuôi lợn ở thị trấn Chợ Mới; dự án chăn nuôi trâu bò vỗ béo ở xã Nghiên Loan (Pác Nặm)...
Hội ND huyện Chợ Mới là một trong những đơn vị Hội quản lý hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND. Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch Hội ND huyện Chợ Mới cho biết: Hội ND huyện hiện có hơn 5.000 hội viên tham gia sinh hoạt tại 164 chi hội. Để giúp hội viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, Hội đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên như: Hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề, cung ứng vật tư nông nghiệp, tập huấn khoa học kỹ thuật...
Năm 2019, từ nguồn Quỹ HTND hơn 3 tỷ đồng, Hội đã triển khai cho 94 hộ hội viên vay, xây dựng được 3 mô hình kinh tế tại các xã Quảng Chu, Yên Cư, Yên Đĩnh. Đồng thời, Hội nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho 1.797 hộ vay hơn 82 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng NNPTNT triển khai cho vay đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã và các hộ xây dựng gia trại.
Các cấp Hội ND huyện Chợ Mới còn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức 167 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 5.000 cán bộ, hội viên. Hội còn cung ứng hơn 50 tấn phân bón các loại, hàng triệu cây ớt giống cho hội viên phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn cho hội viên xã Quảng Chu, Thanh Bình mua 9 tấn gừng giống.
Giúp hội viên tăng thu nhập
Được hỗ trợ vốn, hướng dẫn, tư vấn KHKT, nhiều hội viên nông dân huyện Chợ Mới xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Điển hình như mô hình nuôi chim bồ câu ở thị trấn Chợ Mới. Theo đó, Hội ND huyện Chợ Mới đã giải ngân 300 triệu đồng cho 9 hộ hội viên thị trấn Chợ Mới vay vốn nuôi chim câu (trung bình 30 - 40 triệu đồng/hộ) trong thời gian 36 tháng.
Giai đoạn 2016 - 2019, toàn huyện Chợ Mới đã có 2.346 hộ hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Theo rà soát, năm 2019 số hội viên của Hội thoát nghèo đạt tỷ lệ 2,5%.
Trước khi triển khai thực hiện, Hội đã tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập mô hình nuôi bồ câu ở Thái Nguyên để tìm hiểu kỹ thuật và nguồn con giống. Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay các mô hình nuôi bồ câu lai Pháp của hội viên nông dân thị trấn bước đầu đem lại hiệu quả tích cực. Từ chỗ mỗi hộ chỉ nuôi 40 con, đến nay tổng đàn chim bồ câu của 9 hộ thực hiện mô hình đã phát triển lên hơn 600 con.
Anh Nguyễn Ngọc Quy (ở tổ 5 thị trấn Chợ Mới) là 1 trong những hộ thực hiện hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. Hiện anh Quy nuôi hơn 200 cặp chim câu bố mẹ, chủ yếu là giống bồ câu Pháp, đây giống bồ câu có giá bán rất cao. Gia đình anh cung cấp con giống cho các địa phương lân cận với giá 500.000 đồng/đôi chim giống bồ câu Pháp; bồ câu lai Pháp có giá bán 150.000 200.000 đồng/cặp.
Anh Quy cho biết: Được vay vốn Quỹ HTND, gia đình anh đã đầu tư hệ thống chuồng trại bài bản, đảm bảo vệ sinh, đàn bồ câu phát triển khỏe mạnh. Mỗi cặp bồ câu giống đều được bố trí một lồng riêng, được đánh dấu cẩn thận để tiện chăm sóc và theo dõi quá trình sinh sản và phòng ngừa dịch bệnh.
Tại xã Yên Đĩnh, 16 hộ hội viên, nông dân tại 3 chi Hội ND thôn Nà Hin, Nặm Bó và Tổng Cổ cũng được vay 650 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND, thời hạn vay 2 năm để thực hiện dự án chăn nuôi dê sinh sản. Bình quân mỗi hộ hội viên được vay 40-50 triệu đồng, sau khi giải ngân các hộ mua 300 con dê và nhân giống thêm 50 con dê bố, mẹ.
Sau hai năm đàn dê sinh sản được 500 con thương phẩm, trung bình mỗi con có trọng lượng 20kg, với giá bán 100.000 đồng/kg, tổng giá trị đàn dê tăng thêm 1 tỷ đồng. Sau hai năm thực hiện dự án chăn nuôi dê sinh sản, trung bình các hộ hội viên có thêm thu nhập 62,5 triệu đồng/hộ/năm.
Nhờ triển khai kịp thời các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nên năm qua trên địa bàn huyện Chợ Mới xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.
Bắc Kạn: Hai trai làng, 1 anh nuôi bạt ngàn con "siêu đẻ", 1 anh nuôi chuột tre, cả 2 kiếm bộn tiền Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Nguyễn Văn Sáu và nuôi dúi của anh Liêu Đình Luyện, xã Đồng Thắng (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), ban đầu khởi nghiệp chỉ từ vài chục triệu đồng đến nay hai anh đã có đầu ra ổn định, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi...