Có những giáo viên “cõng” đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp
Sắp tới, có hàng triệu giáo viên phải bỏ ra một lượng tiền “khổng lồ” để đi học, bồi dưỡng và phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp “vô bổ”, không hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành tiêu chuẩn, mã số, xếp lương giáo viên cho giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông.
Bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, bỏ việc giáo viên trình độ đại học hưởng lương trung cấp hay việc giáo viên có thể chuyển lên các hạng cao, có hệ số lương cao, ổn định hơn là những điểm mới được nhiều giáo viên đồng tình hoan nghênh ủng hộ.
Tuy nhiên, một vấn đề nhận được rất nhiều bức xúc là sắp tới đây, có hàng triệu giáo viên phải bỏ ra một lượng tiền “khổng lồ” để đi học, bồi dưỡng và phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp “vô bổ”, không hiệu quả và thiết thực.
Sắp tới, một giáo viên có thể “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Những giáo viên nào phải có chúng chỉ chức danh nghề nghiệp theo Thông tư mới
Đối với giáo viên mầm non
Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non là hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:
Giáo viên mầm non hạng III phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng III (đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng vào giáo viên mầm non hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);
Giáo viên mầm non hạng II phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng II;
Giáo viên mầm non hạng I phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng I.
Do đó, từ 20/3/2021, đối với giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào giáo viên mầm non hạng III mới cũng bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III mới.
Như vậy, chỉ có những giáo viên mầm non chuyển từ hạng IV cũ sang hạng III mới hay giáo viên hạng II cũ chuyển xuống hạng III mới không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, thì hầu hết các trường hợp khác đều phải có chứng chỉ giáo viên mầm non hạng III, II các trường hợp khác chuyển sang hạng II hoặc thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các hạng.
Đối với giáo viên tiểu học
Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:
Giáo viên tiểu học hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);
Video đang HOT
Giáo viên tiểu học hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng II;
Giáo viên tiểu học hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng I.
Do đó, đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 và giáo viên hạng III cũ được bổ nhiệm vào giáo viên tiểu học hạng III mới thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Như vậy, cũng giống như bậc mầm non, chỉ có những giáo viên tiểu học chuyển từ hạng IV cũ sang hạng III mới, giáo viên hạng II cũ chuyển sang hạng III mới không cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III, hầu hết các trường hợp khác đều phải có chứng chỉ giáo viên tiểu học hạng III, II, các trường hợp khác chuyển sang hạng II hoặc thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các hạng.
Đối với giáo viên trung học cơ sở
Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:
Giáo viên trung học cơ sở hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng III (đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);
Giáo viên trung học cơ sở hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng II;
Giáo viên trung học cơ sở hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng I.
Do đó, đối với giáo viên trung học cơ sở mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 và được bổ nhiệm vào giáo viên trung học cơ sở hạng III thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Như vậy, giáo viên mới tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 mới cần chứng chỉ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III, II, các trường hợp khác giữ hạng II, thăng hạng II, I đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng.
Đối với giáo viên trung học phổ thông
Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định 03 hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông gồm hạng III, hạng II và hạng I; trong đó:
Giáo viên trung học phổ thông hạng III yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng III (đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng);
Giáo viên trung học phổ thông hạng II yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng II;
Giáo viên trung học phổ thông hạng I yêu cầu có chứng chỉ giáo viên trung học phổ thông hạng I.
Do đó, đối với giáo viên trung học phổ thông mới được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 và được bổ nhiệm vào giáo viên trung học phổ thông hạng III thì bắt buộc phải đi học và có chứng chỉ trong vòng 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng.
Như vậy, giống như bậc trung học cơ sở giáo viên mới tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 mới cần chứng chỉ chức danh giáo viên trung học phổ thông hạng III, các trường hợp khác giữ hạng II, thăng hạng II, I đều phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo các hạng.
Những giáo viên có thể phải “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên
Như phần thông tin trên các giáo viên sẽ có trường hợp các giáo viên phải “cõng” đến 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như sau:
Giáo viên mới ra trường phải có chứng chỉ hạng III, sau đó nếu muốn thi thăng hạng lên hạng II, I phải có chứng chỉ hạng II, I
Giáo viên mầm non, tiểu học đang giữ hạng III cũ muốn được chuyển sang hạng III mới phải có chứng chỉ chức danh giáo viên hạng III, sau đó nếu muốn thi thăng hạng lên hạng II, I phải có chứng chỉ hạng II, I
Đây chính là những giáo viên có thể phải “cõng” 3 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, còn những đối tượng giáo viên khác “cõng” 2 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là rất nhiều
Kiến nghị đào tạo trực tuyến và cấp chứng chỉ các hạng miễn phí
Vấn đề chứng chỉ chức danh nghề nghiệp gây bức xúc cực lớn cho giáo viên cả nước vì 3 lý do: tốn thời gian, tốn tiền và không hiệu quả.
Việc bồi dưỡng các chứng chỉ giáo viên các hạng giáo viên phải đăng ký và tốn một lượng tiền không hề nhỏ, dao động từ 2,5 đến 3 triệu đồng cho mỗi chứng chỉ, nếu giáo viên “cõng” 3 chứng chỉ trung bình chi cũng từ 7,5 đến 9 triệu đồng.
Nếu cả nước hiện nay khoảng 1,4 triệu giáo viên, cứ tính bình quân mỗi giáo viên chỉ có 1 chứng chỉ thì lực lượng giáo viên phải bỏ ra khoảng 3,5 đến 5 ngàn tỉ đồng cho việc học để có chứng chỉ các hạng, một số tiền khổng lồ.
Theo giải thích của Cục Nhà giáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc có chứng chỉ là do Luật Viên chức quy định, giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở hạng đó, tuy nhiên việc đào tạo, cấp chứng chỉ hiện nay không hiệu quả, tốn quá nhiều tiền của giáo viên.
Nếu việc yêu cầu chứng chỉ các hạng là bắt buộc, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc đào tạo trực tuyến và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp miễn phí, hiện nay theo cơ sở dữ liệu thì mỗi giáo viên đã có tài khoản riêng, việc cấp tài khoản và tập huấn để cấp chứng chỉ miễn phí là điều vô cùng dễ dàng, hoặc nếu học tập trung thì cũng chỉ nên học miễn phí.
Nghiên cứu bỏ hoặc thay thế các chứng chỉ theo các hạng và bồi dưỡng các chứng chỉ miễn phí phải là mong mỏi của giáo viên cả nước. Rất mong Bộ xem xét thấu tình, hợp lý.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ chức danh, Sở Giáo dục khuyên thầy cô thận trọng
Nhiều ý kiến cho rằng nên sử dụng kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm làm căn cứ thay vì chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư 01, 02, 03 và 04/2021/TT-BGDĐT, có những quy định liên quan đến việc bổ nhiệm, thăng hạng, xếp lương thì đã xảy ra hiện tượng giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên.
Nhiều giáo viên đang đổ xô đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên sau khi có các Thông tư mới ban hành. Ảnh: AN
Việc này đã gây ra những xáo trộn trong việc dạy, học ở các trường cũng như dễ xảy ra các hiện tượng tiêu cực, không hiệu quả trong việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ.
Ngày 3/3, Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Huy Phương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, trước thực trạng nhiều giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thì Sở này đã có văn bản khuyến cáo.
"Sau khi có Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành thì xảy ra hiện tượng giáo viên vội vàng đi học chứng chỉ.
Tuy nhiên, Thông tư này đến ngày 20/3 tới đây mới có hiệu lực, đồng thời sắp tới dự kiến sẽ có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn của các Bộ, ngành liên quan để thực hiện. Do đó, việc giáo viên vội vàng đi học chứng chỉ là không nên".
Ông Phương cũng thông tin thêm, trong công văn hỏa tốc gửi các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, các Trung tâm, đơn vị trực thuộc sở về việc: "đăng ký tham gia học chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên", Sở cũng đã khuyến cáo rõ các trường phổ biến cho giáo viên thận trọng, cân nhắc.
Văn bản này nêu rõ: "Việc học để có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên là điều kiện cần thiết để thực hiện xếp hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên khi đảm bảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng hạng theo quy định của các Thông tư 01, 02, 03, 04.
Vì vậy, giáo viên phải xác định bản thân đang giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng nào để chọn lựa, đăng ký bồi dưỡng lấy chứng chỉ phù hợp, đảm bảo các quy định theo các Thông tư trên, b ao gồm: tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Trong lúc chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngành liên quan, Sở Giáo dục đề nghị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo và Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở phổ biến, yêu cầu giáo viên thận trọng, cân nhắc việc đăng ký tham gia các lớp bồi dưỡng phù hợp với hạng của giáo viên, để việc bồi dưỡng thiết thực và có hiệu quả".
"Thông tư vừa mới triển khai và Sở Nội vụ Quảng Trị cũng chưa có hướng dẫn gì. Sở Giáo dục ban hành văn bản vì có nhiều người chưa đủ tiêu chuẩn để được xét vào hạng trên.
Nhưng giáo viên lại có tâm lý lo lắng nên muốn đi học ngay. Do đó, Sở ban hành công văn đó để các trường triển khai rà soát lại các giáo viên nào đủ điều kiện tiêu chuẩn rồi thì học để xét vào hạng.
Còn những người chưa đủ điều kiện thì đi học sau chứ không học ồ ạt vào một thời điểm. Nó vừa làm giảm chất lượng việc học vừa gây ra khó khăn trong công tác quản lý nhà trường".
Trả lời câu hỏi có nên bãi bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên, ông Phương nói: "Theo quan điểm cá nhân tôi thì nên sử dụng kết quả bồi dưỡng thường xuyên hàng năm làm căn cứ thì nó đã rất phù hợp rồi.
Bởi theo quy định hiện hành thì hàng năm, vào dịp hè, giáo viên có thời gian bồi dưỡng thường xuyên gồm nhiều mô- đun thì nó cũng đã khá đầy đủ.
Nên nhiều giáo viên hoàn thành tốt công tác bồi dưỡng này thì nên đưa kết quả bồi dưỡng hàng năm làm căn cứ là đủ rồi, không nhất thiết phải bồi dưỡng hạng chức danh nghề nghiệp".
Đánh giá về các Thông tư do Bộ vừa ban hành, ông Phương cho rằng, các Thông tư này đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên, trong đó cái được nhất chính là bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.
"Thông tư này rất tốt, nếu được áp dụng một cách hợp lý, thống nhất với tinh thần cởi mở, tạo điều kiện cho giáo viên thì rất tốt. Nhiều giáo viên chỉ còn băn khoăn về chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp thôi. Chỉ sợ khi về các tỉnh thì mỗi tỉnh lại hiểu một cách khác nhau dẫn đến khó khăn cho giáo viên", ông Phương lo lắng.
Ma trận chiêu sinh chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, giáo viên chạy đâu cho thoát "Chứng chỉ thay thế" sẽ là chứng chỉ chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp"... Giáo viên bị vây giữa cả rừng thông báo Học 4 năm đại học mà vẫn phải cần một tờ giấy chứng nhận gọi là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Nực cười hơn, nhiều giáo viên đi dạy đã vài...