Có những “bà cô” khiến chị dâu rơi nước mắt
Bà cụ bên cạnh nhà tôi bị tai biến vài năm nay chỉ nằm một chỗ. Bà sinh được hai người con. Cô con gái đi học rồi lấy chồng xa tận Tây Nguyên, bà ở chung với vợ chồng con trai cả.
Hồi còn khỏe mạnh, tính bà khá khó ở, khó chiều, con dâu sống với bà phải nhịn mẹ chồng như nhịn cơm sống. Được cái tính chị hiền lành, giỏi chịu đựng. Chị nói chị chịu được mẹ chồng vì chị thương chồng. Sau này bà cụ nằm một chỗ, từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh cá nhân đều một tay chị lo. Thế nhưng chị nói “vất vả một tý nhưng không bị bà chửi bới soi mói như trước”.
Hôm kia chị sang nhà tôi, mắt sưng như vừa khóc, tôi hỏi chị có chuyện gì mà khóc thế. Chị kể: “Tôi xúc động quá cô ạ. Hôm nay, gia đình em gái chồng ở trong Nam ra. Nhìn tôi chăm sóc mẹ chồng, cô ấy ôm tôi khóc và nói: “Chị ơi, làm dâu nhà em chị vất vả quá. Mẹ đẻ ra em, nuôi em lớn khôn, thế mà lúc mẹ ốm đau thế này lại dồn hết trách nhiệm cho một người chả được mẹ chăm sóc nuôi dưỡng ngày nào như chị. Từ ngày chị về làm dâu, em biết chị chịu ấm ức khổ sở nhiều. Em biết hết, hiểu hết. Nhiều lúc em chỉ ước mình ở gần, san sẻ với chị một tay. Em có về thì cũng được dăm bữa nửa tháng rồi đi, em thương chị lắm”.
Nghe cô ấy nói mà tôi rớt nước mắt cô ạ. Cô sống gần nhà thì cô biết đấy, mẹ chồng đối với tôi chả dễ chịu gì. Nhưng bù lại tôi có người chồng yêu vợ, hiểu vợ, có cô em chồng hiểu chuyện, biết trước biết sau. Tôi chỉ bỏ công chăm bà thôi chứ tháng nào cô ấy cũng gửi tiền về đấy chứ. Cô ấy bảo “của một đồng, công một nén”, cô ấy biết ơn tôi. Cô xem, em chồng nói những lời như thế tôi không xúc động phát khóc lên mới là lạ”.
Chuyện nhà chị mà tôi nghe cũng vui lây. Đôi khi chúng ta không ngại vất vả hy sinh, chỉ cần sự hy sinh ấy có người nhìn nhận hiểu thấu là được. Chăm sóc cha mẹ là bổn phận của dâu con, nhưng nếu có thêm chút nghĩa chút tình thì tốt hơn biết mấy.
Ảnh minh họa: Getty Images.
Video đang HOT
Nghe chị kể, tôi lại nhớ chuyện của mình ba năm trước. Khi ấy tôi mang bầu lần thứ hai, đến tuần thai thứ năm thì bị hỏng. Chồng đi công tác xa, con gái cần mẹ đón đưa cơm nước mỗi ngày, nơi đất khách quê người không ai nhờ cậy nên dù mới sảy thai tôi vẫn không thể nghỉ ngơi.
Mẹ chồng tôi ở quê biết chuyện cũng gọi điện ra an ủi động viên, dặn tôi chú ý bồi dưỡng nghỉ ngơi cho mau lại sức. Bà ở quê đang vào vụ mùa nên không ra được. Tôi cũng bảo bà không phải lo, mọi thứ đều ổn cả.
Thế nhưng chiều hôm sau, lúc tôi đón con đi học về thì đã thấy bà tay xách túi to túi nhỏ đứng trước cổng. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ơ, sao mẹ lại ra đây, con vẫn ổn mà, ở quê đang vụ gặt, mẹ đi thế thì bố ở nhà một mình có làm nổi không?”.
Mẹ chồng vừa bước vào nhà vừa nói:
- Hôm qua cái Loan gọi điện về, mẹ bảo con bị sảy thai. Nó hỏi mẹ không ra với chị vài hôm à. Mẹ nói mẹ bận làm mùa mà nó làm ầm lên: “Mùa màng không làm được thì thuê, chị có chuyện buồn như thế mẹ không ra mà được à. Những lúc này anh không có nhà, chị ấy cần người giúp đỡ để còn nghỉ ngơi. Những lúc chị ấy cần mẹ không giúp thì sau này già cả ốm đau đừng có mong chờ con dâu về thăm nuôi nhé”. Nó nói mẹ như nạt con nhà nó. Nhưng rồi mẹ thấy nó nói cũng có lý, đàn bà “một lần sa bằng ba lần đẻ”, con vẫn cần nghỉ ngơi kiêng cữ thì tốt hơn.
Nghe mẹ nói xong tôi không nhịn được cười. Loan là em gái chồng tôi, ít hơn tôi 6 tuổi. Cô ấy cũng lấy chồng xa, đã có hai cô con gái, nói nhiều, tính tình thẳng như ruột ngựa. Hồi tôi về làm dâu, em ấy đang học Cao đẳng, ra trường vài năm, chẳng thấy yêu đương gì, mẹ chồng tôi sốt ruột nhờ cô bác trong dòng họ tìm người mai mối.
Cô ấy lấy chồng, cưới vào ngày 26 tết. Tết năm ấy, trong khi cả nhà chộn rộn lo tết, tôi cứ thấy thiếu vắng thế nào. Tôi nhớ cái dáng lau chau của cô ấy, lại nghĩ mới hai mấy tuổi, chưa nếm vị ngọt ngào yêu đương đã lên xe hoa vì mai mối. Tự nhiên tôi nhớ, tôi thương chảy nước mắt.
Mấy tháng trước cô cũng lỡ dính bầu rồi chẳng may bị lưu thai, chẳng nói cho ai biết, cũng chẳng nhờ bà nội bà ngoại ra đỡ đần, vừa đi làm công ty, vừa xoay vần với hai con nhỏ. Hôm nay nghe lời mẹ chồng kể, biết cô ấy lo cho chị dâu như thế, tôi không khỏi xúc động trong lòng.
Nhiều khi tôi nghe nhà nọ nhà kia xào xáo chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện chị dâu em chồng, chị chồng em dâu, lòng cứ nghĩ, cũng là phận đàn bà với nhau cả, cớ sao không cảm thông chia sẻ mà cứ làm khổ lẫn nhau. Mẹ chồng cũng từng làm dâu, chị chồng em chồng thì cũng lấy chồng, sẽ lấy chồng, cũng đều trải qua vài trò vị trí ấy cả mà cứ cay nghiệt với nhau làm gì.
Người đời có câu “giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng”, nhưng cũng có những “bà cô” khiến chị dâu phải rơi nước mắt, không phải khóc vì tủi thân, ấm ức, mà khóc vì xúc động trước một tấm lòng.
Người với người chỉ cần biết đặt mình vào vị trí của người khác mà đối đãi chân thành, thứ nhận về chắc chắn cũng chỉ là những chân thành ấm áp mà thôi.
Kinh ngạc trước những gì chị dâu nói khi tôi định đón mẹ về chăm sóc
Thấy tay chị dâu có vết bầm đen, tôi vừa thương chị, vừa thương mẹ.
Ảnh minh họa.
Cách đây 2 năm, mẹ tôi vẫn bình thường, hiền hậu như bao người khác. Nhưng sau khi bố tôi mất, mẹ bị sang chấn tâm lý. Bà lúc tỉnh lúc mê. Anh em tôi đưa mẹ đi khám nhiều chỗ, thậm chí đưa bà vào bệnh viện tâm thần để điều trị một thời gian nhưng bệnh chỉ thuyên giảm chứ không hết hẳn.
Suốt 2 năm nay, người đồng hành cùng mẹ khắp các bệnh viện là chị dâu tôi. Gia đình tôi cũng thật có phúc khi có một người con dâu hiếu thuận như chị. Lần đầu mẹ tôi phát bệnh đã hất đổ cả mâm cơm trong lúc không tỉnh táo. Chị dâu vẫn nhẹ nhàng, dịu dàng xoa dịu mẹ chồng. Lúc đó tôi còn chưa lấy chồng nên chứng kiến mọi cử chỉ của chị và càng yêu quý chị ấy hơn.
Hiện tại, chị dâu tôi đã nghỉ làm hẳn để chăm sóc mẹ chồng. Mỗi khi tỉnh táo, mẹ tôi thường ngồi lặng trước bàn thờ của bố, nhìn xa xăm ra ngõ. Chúng tôi hiểu, mẹ đang nhớ bố. Sống với nhau hơn 50 năm, giờ mẹ đơn côi một mình, hỏi sao không đau, không nhớ?
Hôm qua về thăm mẹ, tôi thấy trên tay chị dâu có vết bầm lớn. Tôi hỏi thì chị nói mẹ lại phát bệnh và cắn chị ấy. Tôi nhìn mẹ ngồi lặng lẽ mà vừa thương bà, vừa thương chị dâu.
Lúc ăn cơm, tôi đề nghị đưa mẹ đến nhà mình ở. Nhưng chị dâu tôi không đồng ý. Chị ấy đáp lời mà làm tôi kinh ngạc: "Chị thương mẹ như mẹ ruột của mình. Chị chăm sóc mẹ cũng 2 năm rồi nên hiểu mẹ muốn gì, cần gì, tính tình ra sao. Cảm ơn cô út nhiều nhưng cô út chỉ cần thường xuyên về thăm mẹ là được rồi. Vợ chồng chị lo cho mẹ được. Vả lại công việc của cô út cũng bận rộn, đón mẹ về rồi chăm sóc làm sao được?".
Câu trả lời chứng tỏ suy nghĩ chu toàn của chị khiến tôi khâm phục lẫn kinh ngạc. Mẹ tôi thật may mắn khi có một người con dâu hiếu thảo như vậy.
Chị dâu chê chồng tôi không có tiền đồ, nào ngờ bố chồng mang cả công ty giao cho chúng tôi làm ai cũng ngỡ ngàng Chẳng lẽ bố chồng muốn công ty bị phá sản đâu mà giao vợ chồng tôi quản lý. Nhà chồng có 2 người con trai, anh chồng thì đẹp trai, khôn ngoan và giỏi giang, còn chồng tôi thì khờ khạo, kém cỏi. Vì thương chồng hiền lành thật thà nên tôi cưới anh. Chứ thực tình lấy anh, tôi khổ rất nhiều...