Cơ ngơi chục tỷ đồng ở Hà Giang hoang tàn vì thủy điện dâng nước
Một số hộ dân ở xã Đạo Đức ( huyện Vị Xuyên, Hà Giang) đang rơi cảnh điêu đứng khi cơ ngơi chục tỷ đồng nguy cơ bị phá hủy do thủy điện Sông Lô dâng nước.
Video: Điêu đứng nhìn cơ ngơi chục tỷ hoang tàn vì thủy điện dâng nước
Lò gạch của gia đình anh Phùng Tiến Nam (SN 1984, xã Đạo Đức) gần 1 năm nay bị phá sản khi hệ thống lò bị nước Sông Lô thẩm thấu, không thể vận hành.
Lò gạch được hai vợ chồng anh Nam xây dựng khoảng 4 năm nay, thời gian đầu hoạt động theo mô hình thủ công, sau khi tiếp thu chính sách bảo vệ môi trường, năm 2015 anh đầu tư hệ thống lò vòng với số vốn khoảng 10 tỷ đồng.
Năm 2018 là thời điểm hoạt động thuận lợi, anh Nam thuê hơn 30 công nhân. Hàng tháng, doanh thu từ lò gạch lên đến cả trăm triệu đồng.
Thế nhưng rạng sáng 19/6/2018, vợ chồng anh phát hiện khu vực hầm thông gió có nước ngấm liên tục làm lò không thể hoạt động. Khi đó, trong lò có hơn 60 vạn viên gạch đang đốt dở.
Thoạt đầu, anh Nam cho rằng nước thấm là do mưa lớn, tuy nhiên qua theo dõi, cả những ngày nắng ráo, lò gạch vẫn không hết ẩm.
Anh Nam nhận định, nước ngấm vào lò gạch kể từ khi nhà máy thủy điện Sông Lô 2 (nằm cách lò khoảng 3km) đi vào vận hành chính thức. Anh đã trình báo sự việc đến cơ quan chức năng địa phương và công ty TNHH Thanh Bình, chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Lô 2.
“Ban đầu, đại diện công ty Thanh Bình chối bỏ trách nhiệm và cho rằng, lò bị ngập là do mưa và nước thẩm thấu từ vũng nước ở chân núi đá gần đó. Để làm rõ sự thật, tôi thuê máy bơm hút sạch vũng nước ở chân núi, tuy nhiên lò vẫn bị ngấm nước”, anh Nam nói.
Theo anh Nam, lò gạch chỉ khô ráo như cũ khi nhà máy thủy điện xả đáy không tích nước. Việc này đã được cơ quan chức năng địa phương chứng kiến và thừa nhận. Cuối cùng, phía công ty Thanh Bình đã đứng ra nhận trách nhiệm khi lò gạch của anh Nam bị dừng hoạt động.
“Công ty đã cho công nhân đến đặt ống hút để khắc phục, tuy nhiên việc làm này không mang lại hiệu quả nên sau đó dừng lại và tính đến phương án bồi thường”, lời anh Nam.
Tháng 10/2018, công ty Thanh Bình có văn bản gửi UBND huyện Vị Xuyên đề nghị Ban bồi thường – giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện vào cuộc kiểm đếm, xác định thiệt hại của lò gạch để xem xét việc hỗ trợ.
Tháng 11/2018, Ban bồi thường – GPMB huyện Vị Xuyên có văn bản gửi công ty Thanh Bình về kết quả kiểm đếm thiệt hại của gia đình anh Nam. Tổng kinh phí tạm tính hơn 16 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục hạ tầng kiến trúc, máy móc thiết bị.
Cho rằng việc kiểm đếm của huyện Vị Xuyên chưa sát với thực tế, công ty Thanh Bình đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Giang đề nghị đơn vị độc lập thuộc Sở Xây dựng thẩm định, lấy kết quả này làm căn cứ để hỗ trợ gia đình anh Nam.
Thời gian chờ kết quả thẩm định kéo dài nhiều tháng, từ một chủ lò gạch thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, gia đình anh Nam lâm vào cảnh vỡ nợ khi liên tục bị thúc ép các khoản vay hơn 10 tỷ đồng mua thiết bị trước đó.
Toàn bộ nhà xưởng, lò gạch của anh Nam sau gần một năm trở nên hoang tàn, xơ xác, những chồng gạch cuối cùng chưa kịp vào lò nhão nhoẹt, máy móc, hệ thống băng chuyền rỉ sét.
Theo gia đình anh Nam, nếu tiếp tục kéo dài việc bồi thường thiệt hại, sẽ đẩy gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất khi các khoản nợ liên tục đến hạn.
“Chúng tôi đang làm ăn yên ổn, phút chốc cơ ngơi phá sản do thủy điện dâng nước. Bản thân là người bị hại mà đến nay chúng tôi phải cầu cạnh khắp nơi để được sớm giải quyết đền bù”, anh Nam nói.
Ông Trần Công Cường (thôn Tân Tiến, xã Đạo Đức) thì đứng ngồi không yên khi dãy nhà kho rộng hàng trăm m2 bị nứt toác, sụt lún, có nguy cơ sập do thủy điện Sông Lô 2 dâng nước.
Theo ông Cường, khoảng tháng 3/2018, khi nhà máy thủy điện vận hành cũng là lúc dãy nhà kho của ông xuất hiện các vết nứt dài, nền nhà tạo nên các hàm ếch do móng bị lún khiến cuộc sống hoàn toàn đảo lộn.
Ông yêu cầu công ty Thanh Bình bồi thường với sự thẩm định của đơn vị độc lập thuộc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang.
Kết quả kiểm định của trung tâm Kiểm định chất lượng công trình xây dựng nêu rõ: Do thủy điện tích nước lòng hồ, chênh lệch mực nước so với đê bao, nước xâm nhập theo các địa tầng khác nhau ở độ sâu 7-13m, dẫn đến ngập nước vào móng nhà kho gia đình ông Cường, làm biến dạng trạng thái đất từ dẻo cứng sang dẻo mềm ở địa tầng -1,5-7m.
Mặc dù sự việc xảy ra trong thời gian dài, gia đình ông Cường phải sống trong sợ hãi, dãy nhà kho có thể sập xuống bất cứ lúc nào, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện dứt điểm việc bồi thường.
Ông Đỗ Đức Mai, PGĐ công ty Thanh Bình xác nhận, việc lò gạch của anh Phùng Tiến Nam bị phá sản và dãy nhà kho ông Trần Công Cường bị nứt là do thủy điện dâng nước. Đồng thời cho rằng, đang phối hợp với cơ quan chức năng lên phương án bồi thường.
Khi được hỏi về tiến độ bồi thường, lãnh đạo công ty Thanh Bình lắc đầu, chưa thể xác định được thời gian cụ thể.
“Sau khi nhận được kết quả thẩm định độc lập của cơ quan thuộc Sở Xây dựng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét tính hợp pháp rồi sẽ đưa ra phương án bồi thường”, lời ông Mai.
Phó Ban bồi thường – GPMB huyện Vị Xuyên Chu Hùng Cường thông tin, trường hợp của anh Nam và ông Cường, Ban rất quan tâm và chia sẻ với chủ hộ.
“UBND huyện đã nhận được báo cáo kết quả thẩm định của Sở Xây dựng liên quan đến hộ dân Phùng Tiến Nam, trên cơ sở này, Ban sẽ phối hợp với công ty Thanh Bình triển khai thực hiện theo quy định.
Với gia đình ông Cường, các bên thống nhất sẽ thuê đơn vị thẩm định độc lập rồi sẽ có phương án bồi thường”, ông Cường thông tin.
Nguồn: Vietnamnet
Nguyên Chủ tịch nước tri ân anh hùng, liệt sĩ tại Vị Xuyên
Ngày 17-2, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, Hà Giang), nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra (17-2-1979 - 17-2-2019).
Tại đây, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu đã thành kính dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ anh linh của các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ trong nghĩa trang cũng như những người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Tiếp đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân và các đại biểu đã tự mình thắp hương cho những ngôi mộ vô danh cùng hàng trăm ngôi mộ khác trong nghĩa trang.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương ở đài hương 468, khu tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Ảnh: TB
Viết trong sổ tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ Đảng, Tổ quốc, nhân dân đời đời ghi nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ biên cương Tổ quốc trong giai đoạn tháng 2-1979 ở biên giới phía Bắc và kéo dài cả 10 năm ròng rã. "Đầy hy sinh nhưng cũng đầy khí phách Việt Nam! Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí!" - ông viết.
Tiếp đó, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dâng hương ở đài hương 468 và khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận Vị Xuyên. Đây vốn là chiến trường ác liệt trong giai đoạn 1984-1988 và có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt ...
Theo PL
Niềm hi vọng của một thầy lang từng sa đọa vì "ma men" Bình thường Vũ Thế Hợi là một thầy lang giỏi nhưng khi có rượu, anh ta chẳng khác nào kẻ điên, đập phá tài sản, kể cả bát hương thờ tổ tiên... Thậm chí Hợi còn xách dao đuổi bố vợ và vợ con đòi xin "tí tiết". Trong một lần say, Hợi cầm dao chạy vào UBND xã, dọa chém tất cả...