Có nên quy định hàm Thiếu tướng đối với GĐ Công an cấp tỉnh?
Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh trong dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) có 3 loại ý kiến.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội (ảnh VPQH).
Sáng nay (7.6), trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an Nhân dân (CAND – sửa đổi), Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết: Quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh trong dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) có 3 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định của dự thảo Luật vì cho rằng: Việc quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”. “Tuy nhiên, việc xác định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng cần bổ sung tiêu chí vị trí chiến lược về an ninh, trật tự, tình hình an ninh, trật tự và quy định cụ thể ngay trong Luật”, tướng Việt cho biết.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng vì cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của Giám đốc Công an cấp tỉnh là tương đương và đều thuộc sự chỉ huy, điều hành trực tiếp của lãnh đạo Bộ như các cục thuộc Bộ; đồng thời bảo đảm bình đẳng và thuận lợi trong việc xem xét quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo Bộ Công an; bảo đảm tính tương quan giữa lãnh đạo cấp cục với lãnh đạo Công an cấp tỉnh và vẫn bảo đảm tổng số tướng của lực lượng Công an theo xác định của cấp có thẩm quyền. Ý kiến này cũng đề nghị xem xét sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để xin ý kiến của cấp có thẩm quyền về vị trí cấp tướng đối với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh cho thống nhất.
Video đang HOT
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, loại ý kiến thứ ba không nhất trí như quy định của dự thảo Luật vì cho rằng, quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với chỉ huy cơ quan quân sự cấp tỉnh để bảo đảm tương quan trong hệ thống chính trị và giữa lực lượng CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương. Mặt khác, việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I như Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không căn cứ vào tiêu chí về an ninh, trật tự; đồng thời, băn khoăn cho rằng trong quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I có thể sẽ tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.
“Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận thấy, đây là vấn đề hệ trọng đã được cấp có thẩm quyền quyết định khi xây dựng Luật CAND năm 2014. Nay Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung như dự thảo Luật, cần phải nghiên cứu và đánh giá kỹ. Tuy nhiên, thời điểm sửa Luật CAND năm 2014 được nghiên cứu sửa đổi cùng Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo mô hình tổ chức cũ; nay mô hình tổ chức mới của Bộ Công an đã xây dựng theo hướng sắp xếp, thu gọn đầu mối, không có cấp trung gian. Do vậy, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết.
Theo Danviet
Dự thảo Luật an ninh mạng: Vì sao phải đặt cơ quan đại diện tại VN?
"Việc yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam nhằm bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam" - đây là một trong những lý do dự thảo Luật an ninh quy định đặt cơ quan đại diện tại VN.
Sáng 29.5, Báo cáo với Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho biết, về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhất trí với quy định bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam.
Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội (Ảnh VPQH)
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với ý kiến này và cho rằng việc quy định như vậy sẽ có những thuận lợi như sau: Một là, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
Đồng thời bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Thứ hai là, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO ; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay .
Thứ ba là, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này.
Thứ tư là, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại Việt Nam hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam.
Bên cạnh quy định trên, theo ông Võ Trọng Việt, tại dự thảo luật cũng quy định ưu tiên xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho các lực lượng bảo vệ an ninh mạng và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng cũng như nguyên tắc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng này.
Theo đó, Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trừ hệ thống thông tin quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý và hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quân sự. Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Theo Danviet
8 dự án Luật nào sắp được Quốc hội xem xét thông qua? Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV sẽ diễn từ ngày 21.5 đến 15.6.2018. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án Luật khác. Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21.5.2018 và...