Có nên mua USD khi lãi suất bằng 0%?
Có ngoại tệ thì nên bán cho ngân hàng, lấy VND gửi tiết kiệm có lời hơn.
Từ hôm qua (5-10), Thông tư 15 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn giao dịch ngoại tệ đối với các ngân hàng có hiệu lực. Thông tư này chỉ rõ sẽ không cho phép doanh nghiệp (DN) chưa có nhu cầu thanh toán ngay được vay ngoại tệ.
Điều này cũng có nghĩa nhu cầu ngoại tệ để thanh toán trong tương lai sẽ buộc phải chờ đến thời điểm thanh toán thực để giao dịch giao ngay, thay vì mua và găm trước như thời gian vừa qua gây áp lực lên tỉ giá.
Ngân hàng mua mạnh ngoại tệ
Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng thông tư mới, giá ngoại tệ ở các ngân hàng được niêm yết khá ổn định. Tại Vietcombank mua vào 22.445 VND/USD, bán ra 22.505 VND/USD, không thay đổi nhiều so với cuối tuần trước. Trong khi đó, trên thị trường tự do, USD tiếp tục giảm giá từ 20 đồng so với cuối tuần trước. Hiện USD tự do bán ra chỉ khoảng 22.510 VND/USD.
Cùng với thông tư trên, việc áp trần lãi suất USD 0%/năm của NHNN để ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ của DN và người dân đã tác động đến thị trường này. Động thái này trên thực tế đã tạo thêm lợi thế cho VND, kích thích thêm nguồn cung ngoại tệ.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nói Thông tư 15 và việc hạ lãi suất đồng USD giúp thị trường ngoại hối có nhiều chuyển biến tích cực. Suốt trong một tuần qua, doanh số mua vào USD tăng trung bình 2,2 lần so với 10 ngày trước đó. Ngược lại, lượng tiền USD ở các ngân hàng thương mại bán ra lại giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 60% so với 10 ngày trước.
“Điều đó cho thấy việc hạ lãi suất đồng USD đã góp phần tích cực cho sự ổn định của thị trường ngoại hối, giảm áp lực lên tỉ giá. Đặc biệt làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ như trước đây” – ông Minh nhận xét.
Video đang HOT
Tại thời điểm này, gửi VND có lợi hơn so với USD. Ảnh: HTD
Doanh nghiệp sợ vay ngoại tệ
Với xu hướng lãi suất tiền gửi đồng USD giảm thì lãi suất cho vay ngoại tệ cũng có khả năng giảm, vậy DN có “hào hứng”? Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Nông sản Xuất khẩu Sài Gòn (AGX), phân tích: Công ty là đơn vị xuất khẩu, xuất hàng đi thu ngoại tệ về và phải bán ngay chứ không găm giữ. “Lý do chúng tôi cũng phải sử dụng VND để thanh toán cho các đơn vị cung cấp đầu vào. Là đơn vị xuất khẩu, chúng tôi được ưu đãi vay USD lãi suất 2,5%-3% nhưng tỉ giá biến động nên vay sẽ gặp áp lực rủi ro lớn. Chính vì lẽ đó chúng tôi không lựa chọn vay USD mà vay VND sẽ lợi hơn” – ông Long nói.
Riêng với các DN bắt buộc phải vay ngoại tệ như Công ty Cổ phần Sách Phương Nam (PNC), phát biểu tại đại hội cổ đông bất thường vừa diễn ra, bà Phan Thị Lệ – Chủ tịch HĐQT công ty cho biết từ nay đến cuối năm phải dành ra một khoản để trích lập dự phòng rủi ro cho tỉ giá.
Trái ngược với các DN này, một DN có liên doanh với Singapore tại quận Tân Bình cho hay vốn lưu động của công ty do phía Singapore góp vốn vào. Sau khi xây dựng xong công trình còn hơn 1 triệu USD đang được gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Số tiền này công ty để đó phục vụ cho việc sửa chữa, sản xuất, đầu tư… khi cần thiết.
“Vì đây là vốn nước ngoài nên bán hay không bán USD phải họp HĐQT quyết định. Nhưng chắc chắn công ty sẽ mất đi một khoản tiền kha khá hằng tháng từ nguồn này do lãi suất USD giảm” – vị lãnh đạo này nói.
Ở góc độ người dân, ông Thanh Bình (quận 2) cho biết gia đình có ba sổ tiết kiệm gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng. “Ngoại tệ hay vàng đối với gia đình là tài sản tích trữ nên chúng tôi không quan tâm nhiều tới lãi suất. Do vậy, khi lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm gia đình vẫn chưa đổi từ USD sang VND. Tuy nhiên, tôi thấy nhiều người lựa chọn bán USD lấy VND gửi tiết kiệm. Nói chung giữ hay bán USD phụ thuộc vào khả năng tính toán của mỗi cá nhân” – ông Bình nói.
Giữ VND có lợi hơn USD Trả lời câu hỏi của chúng tôi “thời điểm này nên giữ VND hay ngoại tệ?”, ông Đặng Quốc Tiến, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng gửi VND hay USD phụ thuộc vào khả năng tính toán của cá nhân mỗi người. Tuy nhiên, người dân gửi tiết kiệm sau khi đã đổi từ USD sang VND sẽ có lợi hơn. Bởi NHNN cam kết từ nay đến cuối năm không thay đổi tỉ giá nên giữ đồng USD không có lợi. Hơn nữa, lạm phát hiện nay vẫn ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng khoảng 6,5% và đến cuối năm tín dụng tiếp tục được bơm ra. Điều này có nghĩa lãi suất tiền gửi khó có khả năng hạ xuống. “Với mức lãi suất VND đang được các ngân hàng huy động khoảng 6%-7%/năm trong khi lãi suất USD chỉ 0,25% thì cái nào có lợi hơn. Ngay cả khi sắp tới NHNN điều chỉnh tỉ giá thì lãi suất VND vẫn cao hơn và có lợi hơn gửi USD” – ông Tiến phân tích. Đại diện một ngân hàng cho hay lượng ngoại tệ mua vào tăng vọt dù giá USD trong tuần qua được niêm yết khá ổn định.
YÊN TRANG
Theo_PLO
Dòng tiền USD dịch chuyển sang VND: Có nhưng không mạnh
Lãi suất huy động USD xuống 0-0,25%/năm sẽ giúp dòng tiền USD dịch chuyển sang VND nhưng việc dịch chuyển này sẽ không mạnh. Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất là bước tiến quan trọng trong trong lộ trình chống đô-la hóa.
Kể từ này 28/9, lãi suất tiền gửi USD được điều chỉnh giảm 0,25%-0,5%, xuống còn 0% đối với tổ chức và 0,25%/năm đối với cá nhân. Với động thái này, những người đang có USD sẽ phải tính toán kỹ sự thiệt hơn giữa việc gửi tiết kiệm bằng USD hay bằng VND bởi chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền này đã giãn rộng ra, lên đến 5%.
Đón nhận thông tin về giảm lãi suất tiền gửi USD, lãnh đạo một doanh nghiệp về ống đồng (vừa nhập khẩu vừa xuất nguyên vật liệu) cho biết, trước chính sách này, doanh nghiệp sẽ không găm giữ USD nữa mà sẽ tăng tính luân chuyển từ đồng USD sang VND, từ đó sẽ đẩy nhiều nguồn tiền Việt vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Còn bác Hoàng Thị Hiền (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, gia đình bác có người thân ở nước ngoài, mỗi năm 2 lần gửi tiền về, vừa để biếu vừa nhờ giữ hộ. Sau khi lãi suất tiền gửi USD giảm, bác đang tính chuyển số tiền người nhà mới gửi sang VND để hưởng lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có ý định như hai trường hợp trên. Chị Nguyễn Thanh Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, từ lâu chị đã có thói quen tích trữ USD, dù lãi suất thấp nhưng chị vẫn được lợi qua các lần điều chỉnh tỷ giá. Đó là chưa kể USD còn giúp bảo toàn vốn khi lạm phát ở mức cao. Vì thế, tạm thời chị chưa có ý định chuyển USD sang VND.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc giảm lãi suất huy động USD chủ yếu tác động đến người dân và tổ chức găm giữ USD để hưởng lãi suất và chờ khi tỷ giá biến động rút ra bán USD hưởng lợi, còn với những cá nhân và tổ chức kinh tế như công ty xuất nhập khẩu giữ USD tại tài khoản không phải để kiếm lời mà để đáp ứng nhu cầu thanh toán khi cần, thì việc giảm lãi suất sẽ không tác động nhiều.
Đồng quan điểm trên, một chuyên gia kinh tế khác nhận định, lãi suất tiền gửi USD của tổ chức trước đó chỉ ở mức 0,25%/năm nên giờ giảm xuống 0% thì các tổ chức vẫn có xu hướng để USD trong tài khoản để thanh toán khi cần và tránh rủi ro tỷ giá. Vì vậy, sự dịch chuyển dòng tiền từ USD sang VND sẽ không nhiều.
Qua khảo sát của chúng tôi cho thấy, thị trường chưa có phản ứng mạnh sau khi lãi suất tiền gửi USD giảm, không xuất hiện nhiều hiện tượng người dân hay doanh nghiệp đến rút USD để chuyển sang VND hoặc đầu tư ở kênh khác.
Điều này cũng dễ hiểu khi mà suất huy động USD của cá nhận thời gian vừa qua đã thấp (0,75%/năm) nên giảm thêm không tác động nhiều đến tâm lý người dân. Bên cạnh đó, USD vẫn là đồng tiền mạnh trên thế giới, nhiều người gửi tiết kiệm USD để phòng ngừa lạm phát và giữ hộ là chính.
Ngoài ra, lãi suất tiền gửi USD mới giảm được hơn 2 ngày, theo tâm lý, người dân thường xem xét, nghe ngóng tình hình thực tế mới có động thái cụ thể chứ không hành động tức thì. Với những người có ý định rút USD để chuyển sang VND hoặc kênh đầu tư khác, họ đợi khi sổ đến ngày đáo hạn chứ không rút trước hạn nhằm tránh thiệt hại.
Có thể dòng tiền USD chuyển dịch sang VND không nhiều nhưng việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra động thái giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ giúp giảm tâm lý găm giữ USD, giảm sức hấp dẫn của USD, giảm bớt áp lực tỷ giá nếu có, đặc biệt là nhằm thực hiện lộ trình chống đô-la hóa.
Được biết, theo lộ trình chống đô-la hóa của Chính phủ, hệ thống ngân hàng sẽ tiến tới không huy động bằng ngoại tệ và không cho vay bằng ngoại tệ. Việc giảm lãi suất tiền gửi USD của tổ chức về mức 0% là bước quan trọng trong lộ trình chống đô-la hóa của Ngân hàng Nhà nước.
Còn nhớ, Ngân hàng Nhà nước đã loại bỏ thành công vốn vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng khi mà tình trạng vàng hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế qua những cơn sốt giá. Nếu như trước đây, người dân gửi vàng tại ngân hàng được hưởng lãi suất đến 4%/năm thì hiện nay ngân hàng không còn huy động vàng, người dân phải trả phí nếu muốn nhà băng giữ hộ. Thị trường vàng đã đi vào ổn định, không còn bị "làm giá", không còn những đợt sốt giá kể từ khi vốn vàng được đưa ra khỏi hệ thống ngân hàng. Thanh Hương
Theo_Hà Nội Mới
Giá vàng ngày 29/9: Giá vàng SJC rời xa ngưỡng 34 triệu đồng/lượng Sự kiện gây chú ý nhất trên thị trường ngoại tệ 2 ngày qua chính là quyết định bất ngờ giảm trần lãi suất tiền gửi USD của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, tỷ giá USD khá bình lặng sau quyết định này, trong khi giá vàng trong nước giảm mạnh và rời xa ngưỡng 34 triệu đồng/lượng. Theo quyết định này,...