Có nên ly dị người chồng không chịu làm việc nhà
Tôi nhờ anh giúp việc nhà, anh nói phụ nữ có ba việc lặt vặt mà làm không xong, rằng anh đã đi làm vất vả, kinh tế đóng góp đủ thì về nhà phải được nghỉ ngơi.
Tôi lấy anh đã được 12 năm. Con tôi đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi. Anh là người đàn ông tốt tính nhưng rất gia trưởng. Anh đang đi làm với mức lương khá (17 triệu một tháng), còn tôi chỉ làm tạp vụ lương 3,5 triệu đồng. Tiền học hành của con, tiền đối nội ngoại anh đều đưa đầy đủ, khoản tiền còn lại anh tự quản lý, tôi không bao giờ biết đến. Mỗi khi có khoản chi tiêu lớn trong nhà, tôi phải nói với anh, anh mới đưa tiền. Tiền lương của tôi chỉ đủ chi trả phần nào ăn uống trong nhà.
Anh cứ đi làm về là gác chân lên ghế và đọc báo hoặc xem TV, còn lại một mình tôi phải đánh vật với cơm nước và cho con ăn rồi giục con học bài, kể cả việc chăm sóc bố chồng tôi đang ốm. Mỗi khi tôi nhờ anh trông con thì anh tỏ ra mệt mỏi và cáu gắt, thậm chí vẫn cứ dán mắt vào màn hình TV cho đến khi con ngã mới quay lại nhìn.
Có lúc tôi thấy ức chế vì tôi cũng đâu ở nhà và đâu có ăn bám mà anh làm như vậy. Rất nhiều lần mệt mỏi quá tôi đã nghĩ đến chuyện ly dị. Tôi phải làm sao? (Miên)
Ảnh minh họa: Thestar.com.
Trả lời
Thân chào chị,
Đọc lá thư của chị, tôi phần nào hiểu được những bức xúc của chị khi chồng chưa thực sự chia sẻ công việc gia đình. Điều đó cho thấy anh ấy thật thiếu trách nhiệm trong gia đình khi đổ mọi công việc nhà lên vai chị.
Có lẽ chồng chị cũng như nhiều người coi rằng nam giới là trụ cột trong nhà và lo kiếm tiền, còn phụ nữ sẽ có vai trò chính trong việc giữ lửa và chăm sóc con cái, nội trợ. Quan niệm này đã làm cho rất nhiều nam giới bị áp lực bởi gánh nặng gia đình khi đóng vai trò chính trong việc kiếm tiền, đồng thời làm giảm đi cơ hội của phụ nữ trong khi họ hoàn toàn có thể có những đóng góp tương đương nếu có cơ hội và thời gian.
Hiện nay hình ảnh vợ tất bật nấu nướng và chăm sóc con trong khi chồng ngồi đọc báo hay xem TV đã được thay đổi khá nhiều. Đã có nhiều ông chồng biết chia sẻ việc nhà và cùng với vợ chăm sóc con cái cũng như các công việc đối nội đối ngoại trong nhà. Họ đã ý thức được rằng từ những điều nhỏ bé nhất chính là cách tạo nên hạnh phúc và tạo cầu nối tình cảm giữa vợ chồng với con cái.
Video đang HOT
Mỗi ngày trở về với gia đình, hàng tá những việc không tên hẳn đã chiếm hầu hết thời gian của chị. Chồng chị không hẳn là người vô trách nhiệm khi anh ấy vẫn lo lắng kinh tế cho gia đình đầy đủ, nhưng điều đó không phải là yếu tố quyết định hạnh phúc trong hôn nhân. Chính sự thấu hiểu sẻ chia giữa hai vợ chồng đó mới là những điều quyết định để duy trì mái ấm gia đình.
Có lẽ chị rất muốn anh ấy thay đổi, nhưng để làm được điều đó không phải chỉ là mong muốn mà chị phải hành động. Để giúp anh ấy nhận ra được những suy nghĩ của chị, có lẽ cần ở chị sự chủ động và mạnh mẽ hơn với cuộc sống hằng ngày. Nếu chị im lặng và chấp nhận làm các công việc đó sẽ không khiến chồng nhận ra được mình cần phải làm gì.
Chị cần chia sẻ để anh ấy hiểu rằng bản thân mỗi người đều có đóng góp riêng và công nhận những đóng góp của người bạn đời. Chuyện tài chính trong gia đình cũng cần có sự chia sẻ rõ ràng. Nếu chi tiêu việc gì cũng phải hỏi ý kiến anh để xin tiền, hoặc chị luôn phải hoàn thành tốt vai trò của mình trong vị trí người nội trợ thì chị hãy xem xét liệu anh có còn coi chị là người bạn đời để chia sẻ hay chỉ là người giúp việc trong gia đình? Bởi việc đóng góp kinh tế không thể thay thế được sự yêu thương của anh ấy với vợ con.
Hôn nhân là sự gắn kết giữa hai người để cùng chia sẻ trách nhiệm và nghĩa vụ gia đình, hạnh phúc sẽ không thể tồn tại nếu chỉ một người chăm lo. Với việc anh ấy chưa chia sẻ việc nhà với chị, tôi xin có vài gợi ý sau:
- Nói chuyện với anh ấy: Đây là cách chị trao đổi để anh ấy nhận ra những thiếu sót của mình. Anh ấy cần sắp xếp công việc cho hợp lý để dành thời gian chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái.
- Giao việc: Chị có thể đưa ra những công việc cụ thể và yêu cầu anh ấy lựa chọn những công việc anh ấy có thể làm hoặc muốn làm. Sau đó chị nên thường xuyên nhắc nhở và giám sát để anh ấy có ý thức làm việc, hãy học cách khen ngợi nếu anh ấy làm tốt.
- Chỉ ra hậu quả: Chị hãy giúp anh ấy hiểu rằng những công việc này đã khiến chị quá mệt mỏi và không có thời gian chăm sóc bản thân. Nếu cứ tiếp tục như thế thì tình cảm của chị dành cho anh ấy sẽ khó tồn tại được. Thậm chí anh ấy không chăm sóc con cái cũng sẽ tạo khoảng cách giữa anh và các con.
Hãy thử cố gắng bằng sự mạnh mẽ và khát khao tự do của mình. Chị đã cố gắng trong bao nhiêu năm qua, vì vậy hẳn là chị sẽ có đủ sự khéo léo để cải thiện những vấn đề mà chị đang gặp phải. Hy vọng rằng với sự nỗ lực của chị anh ấy sẽ nhận ra rằng gia đình sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu biết sẻ chia và hỗ trợ nhau từ những việc đơn giản nhất, đó mới là cách thể hiện của một người đàn ông trách nhiệm và bản lĩnh.
Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm
Theo VNE
Chồng Việt lười vì vợ Việt cậy mình giỏi?
Quá stress vì ông chồng lười, chị Lan nhiều lúc muốn ly hôn bởi chị gồng mình vừa đảm nhiệm tốt công việc cơ quan, vừa chăm sóc gia đình trong khi chồng vừa lười, vừa ỷ lại...
Cứ hết giờ làm là chồng chị lại kiếm cớ đi nhậu nhẹt, bù khú với bạn bè, hoặc đi đá bóng, tennis, nếu có hôm nào về nhà sớm thì cũng nằm khểnh xem tivi, đọc báo, mặc kệ vợ với bao việc nhà không tên và hai đứa con nhỏ. Nhiều lúc chị Lan uất ức đến phát khóc vì chồng lười, chuyên ỷ lại mọi việc cho vợ.
"Mình luôn cảm thấy thiếu thời gian, ngày nào cũng là một vòng quay chóng mặt: Sáng dậy sớm đi chợ, nấu ăn sáng, đưa con đi học, đi làm, chiều về đón con, nấu cơm, tắm gội cho con, giặt giũ rồi lại cắm đầu làm việc tới khuya...", chị Lan tâm sự.
Vốn là một cô gái giỏi giang, xinh đẹp, sành điệu nhưng từ hồi lấy chồng sinh con, chị Lan đã thay đổi hoàn toàn, trông chị lúc nào cũng tất bật bởi vừa tài giỏi, vừa khéo léo, chị phải lo toan hết cả việc cơ quan, việc nhà, lại còn một nách chăm 2 đứa con nhỏ.
Từ ngày lấy chồng sinh con, chị Lan lúc nào cũng tất bật với việc nhà, chăm sóc chồng con. (Ảnh minh họa)
Sau 8 giờ làm việc ở công ty, chị phải tranh thủ từng phút về cho kịp đón con. Về đến nhà, chưa kịp thay bộ đồ công sở, chị đã vội đổ đống đồ chơi ra cho con tự chơi rồi tất bật nấu cơm, nhặt rau. Xong xuôi thì tắm cho con.
Anh Minh, chồng chị, hôm nào sớm cũng phải 7h mới về đến nhà. Về đến nhà, anh tắm rửa rồi ngồi trước ti vi đợi vợ dọn cơm lên chứ chẳng phụ giúp một tay. Cơm nước xong, anh cũng không rời mắt khỏi ti vi vì hết thời sự lại đến chương trình phim truyện...
Còn chị lại tất bật rửa bát, tắm giặt. Xong xuôi lại chơi với con, dạy con học. Hôm nào cũng phải 9, 10h mới được nghỉ ngơi, lúc này chị lại ôm máy tính làm việc cho đến khuya.
Chồng chị mỗi tuần cũng phải có đến 3 - 4 bữa đi nhậu với bạn thì cứ phải đến 11, 12h khuya mới về. Lúc về thì con cái đã ngủ, việc nhà cũng đã xong xuôi hết, anh cũng chẳng bận tâm xem hôm nay vợ đã phải làm những gì, vất vả như thế nào.
Có những hôm con ốm, quấy khóc, buổi đêm chị còn phải thức trông, dỗ dành con trong lúc chồng thì ngáy ầm ầm.
Nhiều lúc anh ở nhà chị cũng nhờ anh làm việc này việc kia, nhưng thấy anh làm vừa chậm vừa bẩn, chị lại giành làm cho xong. Anh nấu cơm không ngon, chị giành nấu, anh rửa bát không sạch, chị đem đi rửa lại, anh tắm cho con, chị sợ anh làm con đau...Dần dà mọi việc nhà đều dồn đến tay chị, con cái cũng chỉ biết có mẹ, không nhờ bố làm cho việc gì.
Nhờ chồng làm vừa chậm vừa bẩn, chị Lan lại giành làm hết rồi cảm thấy ức chế vì phải ôm đồm quá nhiều công việc. (Ảnh minh họa)
Đôi khi tủi thân vì chồng không chia sẻ việc nhà cùng vợ, nhưng rồi chị lại nghĩ cả ngày anh ấy làm việc mệt mỏi rồi nên cần được nghỉ ngơi, công việc của chồng lại vất vả, stress nên chị cố làm được việc gì thì làm cho xong. Chứ nhờ chồng thì chả biết đến lúc nào.
Không chỉ phải lo mỗi tề gia nội trợ, chăm con nuôi con, đến cả việc sửa nhà, sửa cửa, sửa điện, sửa nước, bếp gas, máy giặt,... đều một tay chị "xử lí" cả. Nếu ai có hỏi: vậy chứ chồng chị là ông phỗng à mà việc gì cũng đến tay vợ? thì chị bảo: "Anh đụng đâu hỏng đó, có chữa thì lại biến "lợn lành thành lợn què", thà đừng đụng còn hơn!".
Rồi còn chuyện con cái nữa, chị phải chăm con, lo cho nó ăn ngon, mặc đẹp, rồi lọ mọ tìm cách đổi món cho con, chăm cho con lên cân, học cùng con, chơi với con... nhiều người thắc mắc sao không để bố nó chơi với nó, dạy nó học, thì chị bảo: "Giao con cho chồng khác nào giao trứng cho ác".
Nhưng cứ một mình ôm đồm nhiều thứ, chị Lan ngày càng stress, ức chế:
"Ai đời, lấy chồng mà cũng như không, một mình mình bươn chải lo toan, hết đi làm rồi lại việc nhà, chăm con, chồng thì lười chảy thây, chả nhờ được việc gì, lắm lúc bực bội quá, không chịu nổi...", chị than thở.
Nhưng ai nhìn vào cũng bảo tại chị giỏi quá, đảm đang quá vả lại cũng do chị chiều chồng quá mà tự nhiên biến chồng thành người vô tích sự, còn mình thì lại bực dọc vì ôm đồm quá nhiều công việc. Chị sẵn sàng hy sinh, làm lụng vất vả, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ để chồng con được sung sướng, hạnh phúc. Chồng chị được cưng chiều quá đâm sinh ra tâm lý ỷ lại: thôi thì mọi chuyện cơm nước, nhà cửa có vợ lo hết rồi.
Vì cái sự đảm đang, cam chịu của chị mà anh được thể càng ỷ lại, lại càng quên đi trách nhiệm của người đàn ông đã có gia đình. Rảnh rỗi và thảnh thơi, lại yên tâm về gia đình đã được chăm lo chu đáo thì việc chồng chị đi tìm thú vui, nhậu nhẹt là điều tất yếu.
Nhiều lúc chị nghĩ chị chẳng khác nào bà mẹ đơn thân khi một tay cáng đáng, lo cho gia đình, con cái rồi còn đối nội, đối ngoại.
Công việc công ty, công việc gia đình chỉ một mình chị lo toan mà cũng ổn thỏa cả. Nhiều khi nhìn anh chồng cục mịch, ngày càng béo ú, bụng phệ, ham chơi lười làm, chị chỉ muốn ly hôn cho xong, cho rảnh rang cục nợ, mà chị và các con lại sống thoải mái hơn.
Theo VNE
Thất vọng với người chồng gia trưởng Tôi 35 tuổi, chồng 45, hai con trai nhỏ. Chồng gia trưởng nhưng rất thương con. Tôi định cứ vậy mà sống nhưng chồng ngày càng quá đáng. Chồng tôi thương con và chiều con vô lối, bất cứ yêu cầu gì của hai đứa trẻ chồng tôi cũng đáp ứng. Hễ chúng khóc ăn vạ là chồng tôi dỗ dành mua đồ...