Có nên đóng cửa trường học để giảm lây lan dịch Covid-19?
Đó là một câu hỏi thường hay được đặt ra khi bắt đầu trong mùa dịch bệnh. Rất nhiều nghiên cứu khoa học trong quá khứ cho thấy đóng cửa trường trong mùa dịch có thể giảm số ca nhiễm ở đỉnh điểm và hoãn thời gian đến đỉnh điểm, nhưng không ngăn chặn được dịch. Chủ trương đóng cửa trường hay mở cửa trường trong mùa dịch đều có những lợi ích và bất lợi.
GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia).
Đóng cửa trường trước mắt là có thể giảm số ca lúc đỉnh điểm hay trì hoãn thời gian đến đỉnh điểm. Nhưng chủ trương này có vài bất lợi trong việc kiểm soát dịch. Thứ nhất là không hạn chế được sự tiếp xúc và quây quần đám đông của trẻ em (như đi xem cinema). Thứ hai là không thể kiểm tra dịch, nếu dịch xảy ra và không kiểm tra được những tiếp xúc nơi đông người. Đó là chưa nói đến tổn thất về kinh tế – xã hội, vì cha hay mẹ phải ở nhà để chăm sóc các cháu, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội.
Tuy nhiên, nếu mở cửa trường trong mùa dịch thì sẽ tăng cao nguy cơ nhiễm và lây lan, nên phải áp dụng các biện pháp sau đây một cách triệt để: Phun thuốc phòng chống virus; kiểm tra sốt hàng ngày; giám sát chặt chẽ những trẻ em có nguy cơ cao (tiền sử nhiễm virus); hạn chế tiếp xúc nới quá đông người và áp dụng chủ trương cô lập hóa khi phát hiện ca nhiễm.
Cách nhìn đơn giản
Bất cứ trận dịch nào cũng được đối phó bằng 2 biện pháp: Điều trị lâm sàng và y tế công cộng. Một biện pháp y tế công cộng là hạn chế tương tác với đám đông (thuật ngữ dịch tễ học tiếng Anh gọi là ‘Social Distancing‘). Đám đông hiển nhiên nhất phải kể đến là ga xe lửa, bến tàu, phi trường, siêu thị, chợ, nhà hàng, rạp cinema, trường học. Nhưng trong số đó, can thiệp bằng chủ trương đóng cửa trường học đã được đặt ra từ thập niên 1940.
Nhìn tổng thể, đóng cửa trường học là biện pháp phi-y-khoa đơn giản nhất (chẳng tốn thuốc), thực tế nhất. Vì trường học là môi trường có nhiều tương tác giữa học sinh và học, giữa học sinh và thầy cô, nên chủ trương đóng cửa trường là có cơ sở vì:
- Học trò ở tuổi thiếu niên là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao;
- Học trò thường có xu hướng quây quần và tạo cơ hội cho virus lây lan dễ dàng;
- Những tương tác giữa trò và thầy và nhân viên học đường thường xuyên xảy ra.
Tất cả các yếu tố đó làm cho học đường trở thành một môi trường dễ lây lan trong mùa dịch. Do đó, đóng cửa trường trong mùa dịch là biện pháp thực tế có thể giúp giảm lây lan dịch bệnh. Xin nhấn mạnh rằng đó là cái nhìn đơn giản.
Cách nhìn khoa học
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng đặt ra là đóng cửa trường có hiệu quả giảm lây lan hay không. Để trả lời câu hỏi đó đòi hỏi phải có nghiên cứu khoa học có hệ thống.
Trong bất cứ trận dịch nào, mối liên quan giữa số ca nhiễm và thời gian thường tuân theo định luật Farr như minh họa trong biểu đồ dưới đây. Thời gian đầu, số ca nhiễm tăng nhanh, sau một thời gian sẽ đạt đỉnh điểm và sau đó suy giảm dần cho đến khi dịch kết thúc. Số ca nhiễm phụ thuộc vào hệ số lây lan (R0). Nếu (tính trung bình) một người bị nhiễm lây cho 2 người khác, hệ số lây lan là 2. Hệ số lây lan càng cao, dịch bệnh lây càng nhanh. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính R0 dao động trong khoảng 1,4 đến 2,5, nhưng có nghiên cứu cho thấy hệ số này có thể lên đến 4.
Minh họa cho qui luật Farr trong dịch bệnh: Số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian đầu, đạt đỉnh điểm và suy giảm sau đó.
Do đó, để đánh giá hiệu quả của một can thiệp như đóng cửa trường, giới khoa học phải xem xét đến 3 chỉ số phổ biến: Tổng số ca nhiễm, số ca nhiễm ở đỉnh điểm và thời gian đạt đỉnh điểm.
Video đang HOT
Nhưng ’số ca nhiễm’ ở đây cũng trở thành vấn đề. Trong điều kiện bệnh viện, số ca nhiễm thường được xác định qua xét nghiệm (như phương pháp RT-PCR). Nhưng trong điều kiện cộng đồng, cách làm đó trở nên phi thực tế, nên đa số các nghiên cứu trong quá dựa vào số ca giống-như-bị-nhiễm (influenza-like illness, ILI). Trong số ca ILI, không phải ai cũng thật sự bị nhiễm và do đó ILI thường cao hơn thực tế.
Kế đến là mô thức đóng cửa trường. Chúng ta hay nói “đóng cửa trường” một cách đơn giản, nhưng trong cái nhìn của giới nghiên cứu thì có 4 mô thức can thiệp:
1. Đóng cửa trường một thời gian, hoãn nhập học hay hủy các lớp học, bất kể có người bị nhiễm hay không.
2. Đóng cửa trường theo kiểu đối phó, có nghĩa là đóng cửa trường trong mùa dịch khi có học sinh hay nhân viên trường bị nhiễm;
3. Đóng cửa trường theo kiểu chủ động, tức là đóng cửa trường trong mùa dịch trước khi virus lây lan;
4. Đóng cửa trường có chọn lọc, tức chỉ đóng cửa những trường có nguy cơ cao.
Bởi vì vấn đề y đức, nên trong quá khứ các nghiên cứu về hiệu quả của đóng cửa trường không thể chia một nhóm trường mở cửa và một nhóm đóng cửa. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu tập trung vào 2 mô hình nghiên cứu chính là nghiên cứu mô phỏng và nghiên cứu quan sát.
Nghiên cứu mô phỏng, như tên gọi, mô hình nghiên cứu này dựa trên mô phỏng bằng máy tính. Mô phỏng cần rất nhiều tham số phải xem xét đến, mà trong thực tế thì không có, nên nhà nghiên cứu phải ước lượng xấp xỉ. Nghiên cứu mô phỏng thường không đúng với thực tế, vì dựa vào quá nhiều giả định và trong điều kiện lí tưởng nhứt mà không bao giờ có trong thực tế.
Nghiên cứu quan sát là những nghiên cứu theo dõi một nhóm học sinh thuộc nhóm trường bị đóng cửa và một nhóm không đóng cửa. Tuy nhiên, đây là loại ‘thí nghiệm tự nhiên’, nên có rất nhiều yếu tố nhiễu mà nhà nghiên cứu không thể kiểm soát được.
Ở Việt Nam chưa có những công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến câu hỏi đóng cửa trường trong mùa dịch. Nhưng ở nước ngoài đã có nhiều nghiên cứu và cung cấp cho chúng ta nhiều câu trả lời có ý nghĩa. Dưới đây tôi sẽ tóm lược kết quả của những nghiên cứu chính để tham khảo.
Các nghiên cứu mô phỏng
Năm 2009, dịch H1N1 bộc phát ở Mỹ, và các nhà khoa học dùng cơ hội để làm nghiên cứu về tác động của chủ trương đóng cửa trường học. Họ dựa vào dữ liệu thực tế và làm mô phỏng trên máy tính. Kết quả cho thấy như sau:
- Đóng cửa toàn bộ trường không có hiệu quả hơn đóng cửa một số trường có nguy cơ cao;
- Nếu đóng cửa trường, thì thời gian duy trì phải là 8 tuần để có hiệu quả trên tỉ suất virus tấn công;
- Nếu đóng trường chỉ 2 tuần hay ngắn hơn có thể làm tăng nguy cơ lây lan.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng nếu chỉ đóng cửa trường thì không đủ để dập tắt dịch bệnh, nhưng nếu đóng cửa suốt 8 tuần thì có thể trì hoãn thời gian đạt đỉnh điểm của dịch khoảng 1 tuần.
Nhưng nếu chỉ 1 nghiên cứu thì không đủ để kết luận mạnh. Do đó, cần phải có những phân tích tổng hợp có hệ thống để chúng ta có cái nhìn tốt hơn. Một nghiên cứu công bố trên PLoS ONE năm 2014, các tác giả tổng hợp kết quả của 40 nghiên cứu trong quá khứ và họ đi đến kết luận rằng các nghiên cứu mô phỏng (không phải thực nghiệm) cho thấy:
- Đóng cửa trường học có thể giảm số ca nhiễm lúc dịch đạt đỉnh điểm. Mức độ giảm dao động trong khoảng 20 – 60%, nhưng không ngăn chặn được dịch;
- Mức độ giảm tùy thuộc vào hệ số lây lan R0 và đối tượng: Nếu R0 2 và đối tượng nguy cơ cao là người lớn thì đóng cửa trường không có hiệu quả.
Các nghiên cứu quan sát
Đã có một số nghiên cứu quan sát về tác động của đóng cửa trường đến dịch bệnh ở Mỹ, Úc, Anh, và Nhật. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy đóng cửa trường có hiệu quả giảm nhẹ lây lan. Các nghiên cứu quan sát cho thấy đóng cửa trường có thể giảm số ca nhiễm ở đỉnh điểm, nhưng không ảnh hưởng đến tỉ lệ tấn công. Thời gian đóng cửa trường phải trên 2 tuần, nhưng lâu hơn (vài tháng) thì không rõ hiệu quả ra sao. Tuy nhiên, các tác giả không chắc chắn là hiệu quả quan sát được là do đóng cửa trường hay do yếu tố khác (như vaccine và thay đổi hành vi của học sinh).
Tháng 2/2018, chính quyền Hồng Kông tuyên bố cho học trò của 1.600 trường tiểu học và nhà trẻ nghỉ, trước Tết cổ truyền 1 tuần. Mục tiêu là nhằm phòng chống dịch cúm influenza B đang bộc phát. Sau đó, các nhà khoa học phân tích dữ liệu và kết quả cho thấy tỉ lệ có triệu chứng giống cúm (ILI) là 0.527%, và khi trường đóng cửa thì giảm xuống 0.505% – mức độ giảm 0.022% (tức 2 trên 10,000 học sinh).
Tóm lại, những kết quả nghiên cứu trên cho thấy đóng cửa trường (khoảng 8 tuần) có thể làm giảm số ca nhiễm và trì hoãn thời gian đến đỉnh điểm của dịch, nhưng không làm giảm đáng kể tổng số ca nhiễm trong cộng đồng.
Mở hay đóng?
Quay lại câu hỏi căn bản, trong mùa dịch, nên mở hay đóng cửa trường? Nhưng như thấy trên, các kết quả nghiên cứu khoa học không cho chúng ta câu trả lời dứt khoát kiểu nên hay không nên. Lý do đơn giản là vì quyết định này tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
- Chủng loại và độc lực của virus: Nếu chủng loại của virus có độc lực cao thì đóng cửa trường không có hiệu quả giảm qui mô của dịch;
- Tuổi của “đối tượng” có nguy cơ cao: Nếu virus chủ yếu tấn công người cao tuổi thì đóng cửa trường không có tác động đáng kể;
- Hệ số lây lan: Nếu hệ số lây lan thấp (dưới 2) thì đóng cửa trường không có hiệu quả giảm qui mô dịch, nhưng có thể trì hoãn thời gian đến đỉnh điểm dịch.
Do đó, nếu duy lý theo y học thực chứng, thì câu trả lời cho câu hỏi đóng hay không đóng cửa trường không đơn giản, mà tùy vào các yếu tố trên. Một phân tích tổng hợp ở Canada cũng đi đến kết luận rằng hiệu quả của đóng cửa trường học trong việc quản lý sự bộc phát của dịch liên quan đến cúm không rõ ràng.
Tóm lại, đóng cửa trường trước mắt là có thể giảm số ca lúc đỉnh điểm hay trì hoãn thời gian đến đỉnh điểm. Nhưng chủ trương này có vài bất lợi trong việc kiểm soát dịch. Thứ nhất, là không hạn chế được sự tiếp xúc và quây quần đám đông của trẻ em (như đi xem cinema). Thứ hai, là không thể kiểm tra dịch, nếu dịch xảy ra, và không kiểm tra được những tiếp xúc nơi đông người. Đó là chưa nói đến tổn thất về kinh tế – xã hội, vì cha hay mẹ phải ở nhà để chăm sóc các cháu, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội.
Ngoài những vấn đề trên, quyết định đóng cửa trường học cũng nên xem xét đến khía cạnh kinh tế và đạo đức xã hội. Năm 2009, khi dịch H1N1 bộc phát bên Mỹ, các giới chức y tế cũng tranh luận có nên đóng cửa trường học. Dựa vào dữ liệu thực tế, họ mô phỏng theo mô hình Monte Carlo để xác định lợi ích kinh tế – y tế giữa hai chủ trương, đóng cửa và không đóng cửa trường. Kết quả cho thấy đóng cửa trường sẽ làm tăng chi phí cho xã hội, và trên khía cạnh kinh tế thì không có lợi.
Tuy nhiên, nếu mở cửa trường trong mùa dịch thì sẽ tăng cao nguy cơ nhiễm và lây lan, nên phải áp dụng các biện pháp sau đây một cách triệt để:
- Phun thuốc phòng chống virus;
- Kiểm tra sốt hàng ngày;
- Giám sát chặt chẽ những trẻ em có nguy cơ cao (tiền sử nhiễm virus);
- Hạn chế tiếp xúc nới quá đông người;
- Áp dụng chủ trương cô lập hóa khi phát hiện ca nhiễm.
Dĩ nhiên, quản lý cấp chính phủ không chỉ dựa trên thực chứng khoa học mà còn phải đánh giá tác động xã hội – kinh tế. Ở Việt Nam chúng ta thiếu những nghiên cứu khoa học về tác động của đóng cửa trường như thế, và cũng chưa có đánh giá tác động kinh tế – xã hội, nên những kết quả trên cũng đáng để tham khảo.
Theo kinhtedothi
Phụ huynh học sinh Hong Kong 'vật lộn' với dịch Covid-19
Khi cô Betty Lai Po-man nghe tin về sự lây lan virus Covid-19 hồi tháng 1/2020, cô đã quyết định rời Hong Kong (Trung Quốc) và đưa hai đứa con của mình tới Anh, nơi chồng cô Marco đang sống.
Sau khi ba mẹ con cô Lai tới Anh vào đầu tháng 2 và tự cách ly trong hai tuần, cô đã quyết định đưa con gái Bea, năm tuổi và Manu, ba tuổi đến trường học tại thành phố Suffolk, quê nhà chồng cô.
"Chúng tôi tới đây khi chẳng có kế hoạch nào cả, chỉ vì muốn tốt cho hai đứa trẻ. Thay vì để chúng ở nhà trong nhiều tháng, chúng tôi quyết định sẽ tới một nơi các con tôi có thể ra ngoài và chúng có thể tới trường. Chúng tôi đang cố cho cuộc sống của mình trở lại bình thường nhất có thể", SCMP trích lời cô Lai nói.
Trong khi hàng trăm ngàn phụ huynh Hong Kong đang chịu tác động từ việc trường con mình theo học buộc phải đóng cửa khi chính quyền sở tại đang chống lại dịch Covid-19, Lai không phải là người duy nhất đưa con ra nước ngoài.
Nhiều trường học tại Hong Kong đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: SCMP
Trong khi các trường học tại Hong Kong tiếp tục cho học sinh nghỉ học, bà mẹ hai con Chincia Harvey đã quyết định kéo dài chuyến du lịch của cô này tới Australia lẽ ra đã kết thúc từ cuối tháng Một, nay kéo dài tới cuối tháng Tư.
Cô Chincia dự định thăm gia đình mình tại Sydney trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên với việc các trường học tại Hong Kong đóng cửa, nên cô đã quyết định ở lại cùng hai con mình Mia và Lochlan. Sau khi hoàn tất việc cách ly trong 14 ngày, cô đã gửi con gái mình tới trường học, và con trai mình tới trường mẫu giáo.
"Nếu các ngôi trường không mở cửa, thì bạn sẽ có ít lựa chọn. Đây sẽ là rào cản lớn cho thời gian và việc học của các con tôi, nhưng chúng tôi đã may mắn khi có nơi để tới để có thể tiếp cận với hệ thống trường học. Tôi vẫn có nhiều lựa chọn khác. Tôi cũng cảm thấy nhiều gia đình không có nhiều lựa chọn, nên họ bắt buộc phải học tại gia", cô nói.
Một số bậc cha mẹ lại chọn cách gửi con mình ra nước ngoài cho người thân, trong khi bản thân họ ở lại Hong Kong làm việc. Chẳng hạn như cặp vợ chồng Sioban và Barry Guilfoyle đã chọn cách này. "Trong lúc mọi người vẫn chưa rõ dịch Covid-19 sẽ giống như bệnh Ebola hay chỉ là cúm, thì chúng tôi đã đặt chuyến bay sớm nhất có thể", cô Sioban cho biết.
Theo cô, một trong những lợi ích của việc này là hai con của mình tự phát huy tính độc lập. Cùng với công nghệ hiện nay, điều này đồng nghĩa với việc các con cô có thể ở bất kỳ nơi đâu, và vẫn có thể tiếp cận việc học.
Trong khi đó, một số bậc cha mẹ quyết định cho con mình học tại nhà. Chẳng hạn như cô Vergi Chan Wai-sze, làm y tá tại bệnh viện Adventist. Mỗi tối sau khi trở về nhà, cô lại bắt đầu 'công việc mới': gia sư.
"Có cảm giác như tôi đang dạy lớp đêm. Khi tôi về nhà lúc 7 giờ tối, tôi luôn cố dành thời gian cho con, nhưng điều này rất khó bởi các con tôi còn nhỏ. Tôi không thể để chúng với chiếc Ipad cả ngày được. Tôi cần ở bên để giúp chúng và giám sát việc học", cô cho biết.
Cô Chan còn nói rằng, cô hiểu các giáo viên Hong Kong đã làm hết sức mình trong hoàn cảnh bắt buộc, nhưng tình thế đang đặt ra nhiều áp lực lên các bậc phụ huynh. Và điều này có thể sẽ là khó khăn với nhiều bậc phụ huynh, bởi một số người không có trình độ học vấn tốt để có thể dạy con họ các môn như vật lý hay khoa học.
"Tôi cảm thấy bực bội, bởi tôi không phải là giáo viên nên tôi không chắc mình có thể giải thích kiến thức đúng hay không. Trong tuần đầu tiên, con trai tôi đã khóc. Tôi cảm thấy lo lắng về điều gì đã xảy ra với mối quan hệ giữa mẹ-con chúng tôi", cô Chan nói thêm.
Theo vietnamnet
Trung Quốc: Trường học tiếp tục đóng cửa cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát Theo Bộ giáo dục Trung Quốc, các trường tiểu học và trung học ở nhiều nơi khác nhau sẽ không mở cửa cho đến khi dịch Covid-19 về cơ bản được kiểm soát. Bộ giáo dục Trung Quốc cũng nêu rõ hai điều kiện khác cho các trường trước khi bắt đầu học kì mới: khi các trường có khả năng ngăn ngừa...