Có nên cho phép mang thai hộ?
GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển nhận định: “Có con là một quyền lợi chính đáng của mỗi cặp vợ chồng. Tại sao lại để họ phải lén lút?
Ủng hộ mang thai hộ
Thưa bà, một trong những nội dung sửa đổi của Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000 mà Ban soạn thảo đưa ra họp bàn mới đây là có hay không việc thừa nhận mang thai hộ. Quan điểm của bà thế nào?
Trước hết, cần phải thấy rằng, mang thai hộ là một hiện tượng rất mới trong xã hội, xuất phát từ hoàn cảnh thực tế là có những gia đình bị vô sinh mà người ta tha thiết mong có con. Họ có thể khá giả hoặc nghèo khó thì nguyện vọng ấy là hoàn toàn chính đáng và tôi ủng hộ.
Nghĩa là, bà ủng hộ việc cho phép mang thai hộ?
Đúng thế.
Tại sao bà lại ủng hộ?
Bởi dù có muốn thừa nhận hay không thì người ta vẫn đang lén lút thực hiện đấy thôi. Đó là một nhu cầu tất yếu của xã hội vì nó xuất phát từ ba nhóm: Do vợ hoặc chồng hoặc cả hai vợ chồng đều vô sinh (mà tỷ lệ này đang gia tăng) khi chúng ta cho phép kết hôn đồng tính thì cũng có nghĩa là nhu cầu này cũng sẽ tăng lên cũng không loại trừ hiện tượng phụ nữ không thích đẻ mà vẫn muốn có con. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp cho người ta hoàn toàn làm được điều đó.
Nếu bây giờ mình không thông qua thì sẽ khiến cho một bộ phận xã hội không thoải mái. Họ lén lút thực hiện và rủi ro tăng cao, vì rất có thể một trong hai bên sẽ phá vỡ thỏa thuận, gây thiệt hại về tiền bạc, sức khoẻ cho bên kia. Nếu mình có luật thì sẽ kiểm soát được điều đó. Vấn đề ở đây là, có con là một quyền thì tại sao lại bắt họ lén lút?
GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển nói về việc sửa đổi Luật Hôn nhân & Gia đình.
Sẽ không tạo thành xu thế, nếu…
Video đang HOT
Nhưng những ý kiến phản đối lo ngại rằng việc mang thai hộ sẽ ảnh hưởng tới kết cấu gia đình truyền thống?
Đương nhiên, mối lo ấy là hoàn toàn có cơ sở vì vấn đề này rất phức tạp. Bởi đứa con sinh ra sau này có ba người là cha mẹ: gồm bố mẹ đẻ (người cho trứng và tinh trùng) và người mẹ mang nặng chín tháng mười ngày. Dù muốn hay không thì nó cũng ảnh hưởng bởi gen di truyền của cả ba người, có thể là những tính tốt, có thể là những tính xấu.
Thứ nữa, mối quan hệ trong xã hội cũng phức tạp, rắc rối lên, nhất là trong việc nếu đứa con đòi hỏi được biết về người mẹ thứ hai, nếu người mẹ mang thai không thực hiện hợp đồng hoặc có hành vi đe dọa cặp vợ chồng và sau cùng là có thể có vấn đề khi phân chia tài sản. Do đó, chúng ta cần phải đối mặt và chuẩn bị mọi thứ để ứng xử với hiện tượng này cho phù hợp.
Với những người không có khả năng sinh con thì việc mang thai hộ là một lựa chọn tối ưu. Thế nhưng, liệu khi cho phép rồi thì có khiến cho những người phụ nữ lập gia đình muốn có con nhưng… không thích đẻ gia tăng?
Cái đó cũng cần phải lưu tâm. Tôi cũng là thành viên tư vấn về Giới và Gia đình của Quốc hội. Khi đưa ra bàn thảo việc có nên cho phép kết hôn đồng tính, đã có ý kiến tỏ ra lo ngại rằng như thế rất có thể sẽ tạo ra một xu thế mới trong xã hội. Người ta có thể “thử” để kết hôn đồng tính. Chuyện cho phép mang thai hộ cũng tương tự.
Tất nhiên, không thể loại trừ khả năng đó xảy ra. Song, tôi nghĩ khi đã cho phép mang thai hộ thì sẽ phải có một hành lang pháp lý chặt chẽ để hạn chế đến mức tối đa chuyện đó.
Đứa trẻ sẽ có nghĩa vụ nặng hơn
Liệu khi pháp luật cho phép mang thai hộ thì đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ sẽ có trọng trách, nghĩa vụ với cha mẹ lớn hơn so với những đứa trẻ khác, thưa bà?
Đương nhiên. Cần phải để đứa trẻ hiểu rằng, nhờ có người mẹ mang thai hộ kia mà nó mới được sinh ra. Do đó, chuyện nó có nghĩa vụ lớn hơn đứa trẻ khác cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề là phải làm sao để hài hòa giữa cha mẹ theo huyết thống và người mẹ mang thai hộ (cũng là huyết thống). Tuy nhiên, nó cũng sẽ may mắn hơn những đứa trẻ khác.
Cụ thể, may mắn ấy là gì vậy?
Bởi lẽ, đứa trẻ được sinh ra từ mang thai hộ sẽ có tới hai người mẹ. Và sẽ chẳng gì tuyệt vời hơn nếu như hai người mẹ ấy đều được công nhận. Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì không chỉ cần đến pháp luật mà còn ở khía cạnh văn hóa. Khi trình độ văn hóa nâng lên, người ta cùng hiểu vấn đề thì sẽ nhìn nhận cởi mở hơn.
Ý bà là pháp luật cũng cần phải tôn trọng chính người mẹ mang thai hộ kia?
Tôi nghĩ là nên.
Đừng cứ mãi nhân danh văn hóa truyền thống
Liệu khi pháp luật cho phép mang thai hộ có tạo ra một ngành nghề mới trong xã hội là một bộ phận phụ nữ sẽ kiếm sống bằng việc… mang thai không, thưa bà?
Cái đó cũng có thể. Tuy nhiên, theo tôi thì điều đó không quá đáng lo. Vì khi ấy, sẽ phải có ban y tế để kiểm tra sức khoẻ của những người phụ nữ nhận mang thai hộ ấy. Đương nhiên, vì ta chưa làm nên chưa thể nói cụ thể song tôi tin luật pháp cũng sẽ lưu tâm đến vấn đề này. Và nữa, đây là việc “mang thai hộ” chứ không phải “đẻ thuê”. Chính vì ta chưa thông qua luật cho phép nên người ta mới lén lút thuê người đẻ đấy chứ!
Theo bà, hiện nay xã hội đã đến mức cấp bách để đặt ra vấn đề cho phép mang thai hộ?
Cấp bách thì cũng chưa hẳn. Nhưng tương lai thì đó sẽ là một vấn đề xã hội và cần phải nhìn nhận cho thấu đáo. Đừng cứ mãi nhân danh văn hóa truyền thống để mà tước bỏ đi quyền làm cha mẹ, quyền có con chính đáng của các cặp vợ chồng vô sinh.
Trong lúc chờ đợi việc mang thai hộ được pháp luật cho phép thì theo bà, chúng ta có thể làm gì để các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể sinh con mà không phải lén lút như hiện nay?
Đương nhiên, để nói cho phép hay không thì không thể làm ngay bây giờ mà phải có lộ trình. Nhưng trước hết, Nhà nước có thể ban hành những quy định cụ thể để kiểm soát việc người ta ký hợp đồng thỏa thuận với nhau trong việc mang thai hộ. Như vậy sẽ đảm bảo hạn chế những rủi ro cho cả hai phía: người đi thuê và người được thuê.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
“Trước khi ban hành luật có nên cho phép mang thai hộ thì nhất thiết phải có cuộc điều tra xã hội học và có những nghiên cứu khoa học về vấn đề này, xem nhu cầu của xã hội đến đâu, đã thật sự bức xúc chưa. Đương nhiên, một vấn đề mới mẻ đối với xã hội, nhất là xã hội truyền thống như Việt Nam thì sẽ có nhiều người phản đối. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta bác bỏ, trốn tránh cái nhu cầu tất yếu của một bộ phận xã hội. Mục đích của xã hội chúng ta là làm sao đem lại hạnh phúc cho mọi người. Nếu luật này mang lại hạnh phúc cho một số người, dù là ít thì cũng nên làm”.
GS.TS Lê Thị Quý (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển)
Theo 24h
Sẽ cho phép mang thai hộ?
Vấn đề mang thai hộ đang có 2 luồng ý kiến khác nhau (Ảnh minh họa)
Có được mang thai hộ hay không, có nên xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thoả thuận?... Đó là những nội dung được đưa bàn thảo tại cuộc họp Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000, hôm qua (6/12).
Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), trong thực tiễn xã hội, mang thai hộ và nhu cầu về mang thai hộ là có.
Có những người vợ bị bệnh lý không thể mang thai và sinh nở, việc nhờ mang thai hộ là một giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn. Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành cấm việc mang thai hộ, nên nhiều người đã chấp nhận thực hiện dịch vụ "chui".
"Đây là vấn đề thực tiễn, có tính thời sự, do đó cần được nghiên cứu để luật hoá trong Luật HNGĐ sửa đổi"- ông Huệ nói.
Vấn đề mang thai hộ đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Song song với luồng ý kiến phản đối, luồng ý kiến ủng hộ đề nghị pháp luật cần thừa nhận vì mục đích nhân đạo.
"Mặc dù pháp luật không công nhận nhưng thực tế việc này vẫn diễn ra. Tôi đề nghị cần đưa vào luật để kiểm soát, nếu không sẽ có những hậu quả khó lường sau này như anh em lấy nhau. Tuy nhiên, bổ sung quy định này chỉ nhằm mục đích nhân đạo, tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ"- TS. Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự (ĐH Luật Hà Nội) đề nghị.
Ông Cừ đề xuất cần quy định những điều kiện chặt chẽ, cụ thể về hình thức pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ.
Một vấn đề khác đang gây tranh cãi là sửa luật có nên xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thoả thuận? Một số ý kiến không đồng tình, cho rằng trước khi kết hôn nếu những cặp vợ chồng tương lai mà quan tâm quá nhiều đến vấn đề tài sản riêng chung thì chứng tỏ họ không tin tưởng nhau, không có ý thức xây dựng gia đình bền vững.
Ngược lại, khá nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép xác lập chế độ tài sản ước định, bởi cần bảo đảm sự minh bạch, công khai trong các giao dịch do người vợ hoặc chồng thực hiện, thực hiện quyền định đoạt về tài sản của vợ và chồng.
"Theo tôi cần có quy định để ghi nhận tài sản của những người trước hôn nhân. Có trường hợp trước khi kết hôn, người vợ có 100 tỉ đồng. Sau khi kết hôn khối tài sản này đưa vào kinh doanh sản xuất đã lên tới 1.000 tỉ đồng. Vậy 1.000 tỉ đồng kia phân chia như thế nào nếu họ chia tay nhau?"- LS Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lấy ví dụ từ một vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn mà ông đã tham gia.
Theo 24h
Cuộc sống các cô gái đẻ thuê ở Thái sau một năm về nước Trở về từ đường dây đẻ thuê giữa năm ngoái, Trâm thú thật với chồng để được tha thứ. Cuộc sống của cô đang trôi qua từng ngày ở quê lúa Kiên Giang với món nợ gần trăm triệu đồng. Cả tuần mưa liên tiếp, tiệm bách hóa ế ẩm, chẳng ai ghé mua thứ gì nên thu nhập chính của gia đình...