Có nên cho mua bán suất tái định cư?
Theo quy định hiện hành, sau một thời gian, suất nhà tái định cư mới được phép mua bán, chuyển nhượng nhưng thực tế, giao dịch này đã diễn ra khắp nơi và cũng không bị sự cản trở nào
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (Horea) vừa kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư và người sở hữu suất tái định cư được định đoạt (bán, sang nhượng) nhà ở tái định cư của mình.
Ồ ạt bán “chui”
Tại chung cư A, khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, hầu hết dãy căn hộ đều vắng bóng người. Chỉ một vài hộ sống ở tầng trệt, khu căn hộ ngoài đường chính. Thấy bảng ghi “bán hoặc cho thuê nhà”, chúng tôi liên lạc với chủ căn hộ là bà Huỳnh Thị Liễu đang ở quận 6. Bà Liễu cho biết phải bán hay cho thuê vì không thể ở do quá xa, cả gia đình bà buôn bán ở khu chợ Hồ Tôn Quý (quận 6).
“Dù không muốn nhưng phải bán hoặc cho thuê do tôi không có nhu cầu, lại không có tiền để thanh toán tiếp. Tôi được cấp căn hộ tái định cư khoảng 50 m2 nhưng phải đóng hơn 300 triệu đồng qua hình thức trả góp hằng tháng. Đến nay, còn nợ hơn 100 triệu đồng nhưng tôi không có khả năng thanh toán” – bà Liễu bộc bạch.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM vẫn còn quá vắng vẻ
Tại tầng trệt chung cư này, gia đình của bà Vũ Thị H. có 5 người nhưng luôn vắng vẻ do những thành viên khác không chịu về đây ở. Theo bà H., đa phần những căn hộ ở đây đã có chủ nhưng họ không ở do nhiều nguyên nhân.
Biết khu tái định cư trên đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) đang rao bán nhiều căn hộ, chúng tôi đến tìm hiểu. Ông Bằng, một cư dân khu tái định cư, cho biết trước khi về đây, sống ở chung cư Thanh Đa nhưng do bị lún nên phải di dời, ông được cấp 2 căn tái định cư. Theo ông, rất nhiều hộ trong chung cư này đã bán, chuyển nhượng suất tái định cư của mình cho người khác vì không có nhu cầu ở. Giá một căn hộ 62 m2 tại đây được giao dịch ở mức 800 triệu đồng.
Video đang HOT
Dù chưa được phép nhưng việc mua bán, chuyển nhượng căn hộ tái định cư đã diễn ra khá nhiều. Các trang mạng mua bán bất động sản đang rao bán ồ ạt căn hộ tái định cư. Với những giao dịch này, người mua chỉ đóng trước vài trăm triệu đồng là có nhà ở ngay, phần còn lại trả góp theo thời hạn do nhà nước quy định.
Bà Nguyễn Thị H. ở chung cư Man Thiện (quận 9) cho biết bà mua lại căn hộ tái định cư 74,5 m2 ở đây với giá hơn 700 triệu đồng từ 4 năm trước. “Người được cấp căn hộ không có nhu cầu ở, trong khi mình cần nhà vừa túi tiền lại được ở ngay. Tôi nghĩ mua căn hộ tái định cư vẫn an tâm hơn các dự án chưa xây xong” – bà H. phân tích.
Tôn trọng quyền sở hữu
Trong văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng, Horea cho rằng việc cho phép chủ sở hữu nhà ở tái định cư và người sở hữu suất tái định cư được định đoạt (bán, sang nhượng) nhà ở tái định cư của mình là cần thiết. Điều này vừa tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu căn hộ tái định cư, suất nhà ở tái định cư vừa giúp thị trường bất động sản minh bạch và cơ quan chức năng quản lý tốt hơn các giao dịch.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, cho rằng các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM đã và sẽ thực hiện nhiều công trình lớn nên rất cần quỹ nhà tái định cư để phục vụ các hộ bị giải tỏa. Theo quy định hiện hành, người nhận nhà tái định cư được cấp chủ quyền nhà nhưng không được chuyển nhượng trong một thời gian khá dài; người nhận suất nhà tái định cư cũng không được chuyển nhượng.
Tuy nhiên, theo pháp luật dân sự, Luật Nhà ở 2014, người sở hữu căn hộ tái định cư cũng có quyền định đoạt đối với căn hộ của mình. Suất nhà tái định cư cũng là “quyền tài sản” của người dân, do vậy, họ cũng phải được quyền định đoạt.
Luật sư Trương Thị Hòa, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Thị Hòa, cho rằng kiến nghị của Horea là cần thiết và dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu. Đã cấp cho người dân thì cũng cho họ quyền được chuyển nhượng, mua bán.
Nếu không, do phải giao dịch “chui” nên giá rẻ, người bán bị thiệt thòi. Nhà nước không muốn người dân thuộc diện giải tỏa không có nhà ở nhưng thực tế mỗi người có quyền và có trách nhiệm về tài sản của mình, do vậy nhà nước không phải lo lắng điều này.
Lãnh đạo một cơ quan chức năng của TP HCM nhìn nhận kiến nghị của Horea là đúng và cho biết thêm TP HCM từng yêu cầu các sở, ngành khuyến khích người dân giữ lại nhà tái định cư để an cư lạc nghiệp, đừng vì cái lợi trước mắt mà bán dẫn đến phải ở nhà thuê.
Nhưng trên thực tế, việc mua bán, chuyển nhượng các suất tái định cư trong thời gian qua không bị cản trở gì. Người dân có suất tái định cư vẫn có thể ủy quyền cho người khác để thanh toán tiền hay đứng tên làm các thủ tục liên quan.
Để có dư luận nhiều chiều, Báo Người Lao Động mời quý độc giả có ý kiến về đề xuất của Horea cho phép mua bán, sang nhượng suất nhà ở tái định cư. Chúng tôi sẽ chọn đăng những ý kiến thuyết phục, mang tính xây dựng cao.
Theo_24h
Bộ trưởng Xây dựng: "Thị trường bất động sản đã phục hồi"
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực, lượng giao dịch tăng mạnh nhưng không xuất hiện các yếu tố hình thành bong bóng bất động sản.
Phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2016 của Bộ Xây dựng ngày 15/1, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá, năm 2015, trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội đã đạt được kết quả quan trọng giúp hàng trăm ngàn người nghèo, người thu nhập thấp sớm được cải thiện chỗ ở. Sự lan tỏa sức nóng của nhà ở xã hội đã góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi tích cực.
Cụ thể, lượng giao dịch thành công liên tục tăng, trong đó chủ yếu tại phân khúc căn hộ có diện tích vừa và nhỏ, các dự án đã hoàn thành, dự án tại khu vực có đầy đủ các công trình hạ tầng và các dự án đang thi công với tiến độ tốt, bên cạnh đó cũng đã có nhiều giao dịch thành công tại phân khúc sản phẩm trung và cao cấp.
Trong năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với cùng kỳ 2014. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với cùng kỳ 2014).
Về giá nhà ở trong năm 2015, một số dự án tại khu vực có hạ tầng đầy đủ, triển khai đúng tiến độ giá chào bán tăng nhẹ từ 2-5% so với cùng kỳ năm 2014.
Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến 20/12/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 50.889 tỷ đồng so với tháng 12/2014 giảm 54.100 tỷ đồng (giảm 42,3%).
Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa bất động sản được điều chỉnh hợp lý. Trên địa bàn cả nước đã có 63 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, có 94 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn hộ ban đầu là 42.000 căn hộ xin điều chỉnh thành 56.500 căn hộ (tăng 14.500 căn hộ).
Mặc dù thị trường phục hồi, Bộ trưởng cũng lưu ý không để thị trường phát triển quá nóng. "Thị trường bất động sản hiện nay chưa xuất hiện các yếu tố hình thành bong bóng nhưng không được chủ quan" Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, năm 2016, ngành xây dựng tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, trong đó trọng tâm là hoàn thành việc ban hành thông tư hướng dẫn các nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS đảm bảo đồng bộ, kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề cương, dự thảo Luật về quản lý phát triển đô thị.
Cùng với đó, công tác tăng cường quản lý, giám sát trong hoạt động đầu tư xây dựng; nâng cao hiệu quả công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán các công trình xây dựng; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật cũng sẽ được ngành xây dựng chú trọng.
Ngoài ra, ngành xây dựng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch xây dựng theo phân cấp, nhất là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; triển khai có hiệu quả các định hướng, chiến lược, chương trình, đề án về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Bộ trưởng yêu cầu ngành Xây dựng cần chú trọng hơn nữa trong việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.
Theo_VnMedia
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Tiếp tục phát triển nhà ở xã hội Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, ngành xây dựng xây được nhiều nhà ở xã hội là tốt, nhưng quan trọng hơn là người dân mua được nhà đó. Sáng nay (15/1), phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 của ngành xây dựng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý: Ngành xây dựng làm được nhiều nhà...