Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học?
Bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH lại được nóng lên tại Hội nghị tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức. Điều đặc biệt, người nêu ra ý kiến này là một nhà giáo dục từng nhiều năm tham gia giảng dạy và quản lý tại ĐH Thương mại – GS. TS Nguyễn Thị Doan. “Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể bỏ ki thi tốt nghiệp THPT vì thực tế kết quả tốt nghiệp rất cao.” – Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Đây cũng là vấn đề từng được báo chí đặt ra từ lâu và đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ bạn đọc.
Về phía những người đồng tình, lý do đưa ra là thứ nhất, không nên có hai kỳ thi liên tiếp, gần nhau như vậy bởi nó tạo áp lực lên học sinh, phụ huynh và toàn thể xã hội.
Lý do thứ hai, tỉ lệ tốt nghiệp tại các kỳ thi này thường rất cao, nhiều địa phương con số này lên đến 98-99%. Có trường cả một kỳ thi với hàng trăm học sinh, tốn kém thời gian, tiền của rất lớn nhưng kết quả chỉ loại ra vài ba em nên là điều bất hợp lý.
Thứ ba, có quá nhiều những tiêu cực nảy sinh từ kỳ thi này như thí sinh thì quay cóp tràn lan, phụ huynh thì đóng tiền “chống trượt” cho con, thày cô dễ dãi, thậm chí có hiện tượng tiếp tay cho những hành vi tiêu cực.
Video đang HOT
Vụ việc khống chế “trần” cho tỉ lệ tốt nghiệp vừa qua của Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng gây không ít bức xúc trong dư luận.
Đó là chưa kể một khoản ngân sách khổng lồ từ phụ huynh và nhà nước phục vụ cho kỳ thi rất thiếu chính xác này.
Tuy nhiên, những người ủng hộ kỳ thi này lập luận rằng có học phái có thi. Không thi, không có cơ sở để đánh giá chất lượng của việc dạy và học. Mà khi không có cơ sở đánh giá, làm sao có thể điều chỉnh chương trình cho phù hợp…
Về những tiêu cực, đúng là tình trạng tiêu cực đang rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc chống tiêu cực trong thi cử là việc chống tiêu cực trong thi cử. Chưa làm tốt thì phải làm tốt. Không thể vì không chống được tiêu cực mà bỏ cả một kỳ thi quan trọng. Không nên có suy nghĩ không quản được thì cấm, không làm được thì bỏ.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại bởi hiện không còn kỳ thi chuyển cấp tiểu học và THCS nữa, chỉ còn duy nhất một kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu bây giờ bỏ nốt kỳ thi này thì sẽ rất nguy hiểm.
Không ít ý kiến còn cho rằng cần thắt chặt kỳ thi tốt nghiệp để tiến dần tới không thi tuyển sinh đại học mà sẽ quản chặt chẽ đầu ra đại học. Tức là làm ngược với qui trình “chặt đầu vào, lỏng đầu ra” hiện nay.
Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời trả lời VNN ngày 1/8 khẳng định: “Trong hoàn cảnh hiện nay nếu không thi tốt nghiệp THPT chất lượng dạy và học sẽ đi xuống”.
Thứ trưởng Hiển cũng cho biết: “Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kỳ thi-công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH và Đề án Đổi mới căn bản toàn diện Giáo dục – Đào tạo Việt Nam cũng như Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau 2015. Sau khi các đề án này được thông qua, phê duyệt, Bộ sẽ công bố phương án đổi mới để xin ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trước khi quyết định chính thức”.
Hiện tại, bài toán thi tốt nghiệp THPT rất khó có lời giải thỏa mãn tất cả mọi yêu cầu. Nếu để như tình trạng hiện nay thì không thể được nhưng nếu bỏ thì lại cũng không được bởi chất lượng giáo dục của ta đã thấp, lại “đi xuống” như lời Thứ trưởng Hiển thì quả là điều không thể chấp nhận.
Theo các bạn, có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp và liệu có phương án nào hợp lý hơn không?
Theo Dân trí
Phó CT nước đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày 31/7 đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT do tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%; kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng, tốn kém.
Đề nghị này được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu lên tại hội nghị nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam về Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội.
Lý do của đề nghị này, theo Phó Chủ tịch nước, là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên toàn quốc năm nào cũng 95 - 96%. "Chỉ duy nhất 1 năm khi thực hiện cuộc vận động "2 không" là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10 - 20%, thậm chí có lớp không có học sinh nào đỗ. Liệu có thắt chặt mãi được không? Nếu "thắt" thì phải thắt khâu quản lý, "thắt" quá trình dạy và học để bỏ kỳ thi này" - Phó Chủ tịch nước.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tại hội nghị ngày 31/7
Một lý do nữa cũng được Phó Chủ tịch nước nêu ra, đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau gây căng thẳng cho thí sinh cũng như tốn kém tiền của xã hội. "Hai kỳ thi quá gần nhau vừa khổ cho gia đình vừa khổ cho nhà trường" - Phó Chủ tịch nước nhìn nhận.
PGS Văn Như Cương: Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay
Quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục. PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT nên tổ chức nhẹ nhàng và giao về cho các sở. "Không cần phải tổ chức một cuộc thi quốc gia rất nặng nề và căng thẳng như hiện nay: thi cùng ngày, cùng đề, cùng biểu điểm..." - PGS Văn Như Cương đặt vấn đề.
Theo PGS Văn Như Cương, thi cử lạc hậu là điều khiến học sinh, phụ huynh khổ sở vì không đánh giá được thực chất. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng học lệch học tủ, học thêm. "Không thể chấp nhận học ròng rã 12 năm trời lại chỉ được đánh giá bằng bài thi 3 tiếng, nên giảm tải kỳ thi" - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Theo Yến Anh (Người lao động)
Ông Dương Trung Quốc xin lỗi người ông nói là 'ngu' Nhà sử học, đại biểu QH Dương Trung Quốc ngày 5/6 đã thêm một lần gửi lời xin lỗi ông Bùi Danh Liên, người bị ông nói là "ngu". Ông Dương Trung Quốc một lần nữa nói lời xin lỗi ông Bùi Danh Liên Lời xin lỗi trên được Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc gửi tới ông Bùi...