Có nên “bêu” tên người ăn mặc hở hang
Có 2 vấn đề cần bàn: Thế nào là “ăn mặc hở hang, phản cảm” và liệu với những vi phạm kiểu này, nhà chức trách có được quyền bêu tên người vi phạm trên báo?
Cuộc đời làm báo đôi lần tôi phải gặp những đương sự khá kỳ lạ. Đó là những người đã phạm tội và chấp hành xong bản án. 10 năm có khi hơn kể từ khi họ phải trả giá cho hành động vi phạm pháp luật của mình nhưng hình ảnh, tên tuổi của họ vẫn “nằm trên” trên các báo. Chỉ một vài thao tác trên Google là có thể tìm ra hàng chục bài liên quan. Có người quỳ lạy, có người hứa “hết bao nhiêu cũng được” chỉ nhằm gỡ những bài viết liên quan trên báo. Để chính họ không phải đối mặt với những lỗi lầm trong quá khứ, để con cháu họ không chịu cảm giác xấu hổ.
Tôi kể câu chuyện này khi đọc thông tin Hà Nội dự kiến “bêu tên người ăn mặc hở hang, phản cảm nơi công cộng”. Cụ thể, tại dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” đang được lấy ý kiến nhân dân, cơ quan soạn thảo đã khuyến nghị 12 điểm “không nên làm” trong đó có “Không măc trang phuc hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phan cam” cùng với những không nên kiểu như: Nói to, gây ồn ào, viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng… Quy tắc này cũng nhấn mạnh: Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại Quy tắc ứng xử này, tùy mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Siêu thị Trần Anh bị phạt vì để những cô gái mặc bikini dẫn khách
Ở đây, có 2 vấn đề cần bàn: Thế nào là “ăn mặc hở hang, phản cảm” và liệu với những vi phạm kiểu này, nhà chức trách có được quyền bêu tên người vi phạm trên báo?
“Ăn mặc hở hang, phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục” là những cụm từ được nhắc đi nhắc lại trong các văn bản quy định về biểu diễn nghệ thuật đối với các nghệ sĩ. Và chuyện ca sĩ Hồ Quỳnh Hương bị phạt vì lộ “3/4 ngực” gần như trở thành “án lệ” cho việc xử lý hành vi này. Sau đó, cũng có một vài nghệ sĩ bị phạt với lỗi “ăn mặc phản cảm”. Nhưng quyết định phạt ký rồi, nộp phạt rồi nhưng người bị phạt vẫn không “tâm phục khẩu phục”, người ra quyết định cũng chả giải thích một cách hợp lý. Định nghĩa về “hở hang”, “phản cảm” vẫn là câu hỏi khó đối với hầu hết nghệ sĩ và cả những nhà quản lý. Nghệ sĩ không đồng tình đã đành, ngay những nhà làm chính sách cũng chỉ nói được kiểu “quy định đã rõ”, “tự do trong khuôn khổ” chứ không thể phân tích thích căn cơ. Mọi chuyện vẫn lơ lửng ở câu chữ trong các quy định.
Còn việc “bêu” tên người vi phạm lên báo dường như đã trở thành “vũ khí” của một số cơ quan chức năng. Thông tư số 38/2010/TT-BCA có quy định về việc gửi thông báo về người có hành vi vi phạm giao thông đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung. Theo Cục CSGT, từ năm 2010 đến năm 2013, Công an các đơn vị, địa phương đã gửi 167.650 thông báo vi phạm đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung. Qua đánh giá của Công an các địa phương, “việc thực hiện Thông tư số 38/2010/TT-BCA đã có tác dụng rất tích cực…”.
Tuy nhiên, khi sửa đổi Thông tư số 38, giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã có cuộc tranh luận xung quanh việc “bêu tên” người vi phạm lên báo. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, có ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính, đó là khi xử phạt thì phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt. Sau những tranh luận vào cuối năm 2013, cho đến nay, chưa có thông tin thêm về việc ban hành văn bản sửa đổi Thông tư số 38 của Bộ Công an được.
Người dân không thể góp ý kiến trong mục “Xin ý kiến…” của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội liên quan tới Dự thảo này.
Cần nhắc lại rằng, Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực đặc biệt, có ảnh hưởng tới nhiều người dân như: An toàn thực phẩm, thuốc, khám chữa bệnh, BHXH… Tất nhiên trong đó không có đề cập đến hành vi “ăn mặc hở hang, phản cảm”.
Việc Hà Nội xây dựng “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” là điều cần thiết nhằm chấn chỉnh cách ứng xử giữa các công dân ở đất Tràng An. Tuy nhiên, phương án bêu tên những người có hành vi “không nên làm” có phải là giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế. Quyền nhân thân, quyền với hình ảnh của công dân luôn được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Đã có ý kiến phản ứng với quy định này. Tôi cũng không đồng tình. Tuy nhiên khi vào mục “Xin ý kiến tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, tham quan, học tập trên địa bàn TP.Hà Nội về Dự thảo “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội” trên Cổng thông tin điện tử của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội thì tôi không biết nêu ý kiến của mình như thế nào vì không có ô “đóng góp ý kiến” như cách các cơ quan khác “lấy ý kiến nhân dân” cho một dự thảo văn bản. Có thể cơ quan soạn thảo đang nghe ngóng dư luận qua báo chí? Hoặc dự thảo này không cần chỉnh sửa gì cả.
Theo Danviet