Có một Tây Nguyên hoang sơ, thuần khiết
Với vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết như thiếu nữ ở độ xuân thì, nhiều điểm du lịch ở Tây Nguyên có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách.
Hồ Tà Đùng – Vịnh Hạ Long trên cạn ở Đắk Nông.
Với vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết như thiếu nữ ở độ xuân thì, nhiều điểm du lịch ở Tây Nguyên có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách, nhất là những người yêu thích trải nghiệm, khám phá thiên nhiên.
Giáo dục tình yêu thiên nhiên
Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, gia đình cô Hoàng Khánh Linh, giáo viên tiểu học tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã lựa chọn 2 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk để khám phá du lịch trải nghiệm thiên nhiên.
“Đây là lần đầu hai con tôi (một bé 7 tuổi và một bé 9 tuổi – PV) được đến với mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ và thơ mộng này. Tuy năm nay nắng nóng gay gắt, nhưng với lợi thế nhiều suối, thác, hồ nước trong xanh, mát lạnh, mảnh đất Tây Nguyên đã cho gia đình tôi tận hưởng kỳ nghỉ lễ thú vị, bổ ích.
Các con được tận mắt thấy những cảnh đẹp đã học trên sách, vở, được hòa mình vào dòng suối trải nghiệm hoạt động bắt ốc, bắt hến…”, cô Linh phấn khởi nói, đồng thời cho biết thêm, đây là dịp quan trọng để giúp con hiểu hơn những giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho con người chúng ta. Việc giáo dục con trẻ và bồi đắp tình yêu thiên nhiên cho chúng cần những việc làm thiết thực, gần gũi.
“Muốn có màu xanh thì phải biết trồng, chăm sóc cây kể cả cây cảnh trong vườn. Muốn có môi trường sạch thì không được chặt phá cây rừng, không vứt rác bừa bãi”, cô Linh tâm sự với con.
Chung quan điểm, anh Trần Văn Hải (Đà Nẵng) cho rằng, điều ấn tượng nhất chính là nhiều điểm du lịch ở Tây Nguyên vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ.
Đến đây, các con được trải nghiệm và đắm mình trong màu xanh của núi rừng hòa quyện với những thác nước trong veo, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp tạo nên một cảm giác sảng khoái, phấn chấn cho mỗi người. Đây cũng là dịp để các con rời xa thiết bị điện tử, nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên, yêu cảnh đẹp của quê hương, đất nước.
“Dịp nghỉ lễ các năm trước tôi thường chọn những điểm du lịch ven biển, năm nay tôi đến Tây Nguyên và thực sự thú vị. Các con vừa có dịp khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Ê Đê ở buôn Akô Dhông, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vừa được trải nghiệm đi thuyền, khám phá cảnh đẹp hoang sơ, huyền bí ở Hồ Tà Đùng, Đắk Nông”, anh Hải chia sẻ.
Theo ông Đàm Huy Long – Giám đốc Công ty TNHH lữ hành và sự kiện Go Today (Hà Nội), đơn vị đã có chuyến khảo sát du lịch tại Đắk Lắk và Tây Nguyên. Tới đây, công ty sẽ có thêm trải nghiệm, cùng thông tin các sản phẩm để thiết kế ra những tour phù hợp với nhu cầu của du khách.
“Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa các dân tộc thiểu số độc đáo, các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn có sức chinh phục được nhiều du khách kỹ tính ở phía Bắc, cụ thể là Hà Nội”, ông Long đánh giá.
Du khách trải nghiệm bơi thuyền khám phá thác Dray Sap. Ảnh: MP
Du khách đến với thác Dray Nur dịp lễ 30/4 và 1/5.
Sức hấp dẫn từ thiên nhiên – bản sắc văn hóa
Tây Nguyên là một vùng đất kỳ diệu, gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và Lâm Đồng. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa và địa hình bao bọc bởi đồi núi, Tây Nguyên hình thành một môi trường tự nhiên đa dạng và độc đáo.
Ấn tượng đầu tiên về vùng đất này là sự đan xen giữa thiên nhiên hoang sơ với những dãy núi trùng điệp, những thác nước hùng vĩ và vùng đồng bằng rộng lớn đất đai trù phú là thiên đường của các loại cây công nghiệp. Tất cả tựa hồ một bức tranh thủy mặc với vẻ đẹp quyến rũ, tràn trề sức sống như thiếu nữ ở độ tuổi xuân thì.
Điển hình cho vẻ đẹp ấy là cụm thác Dray Sap, Dray Nur và Gia Long (Đắk Nông), mỗi một thác nước mang trong mình vẻ đẹp huyền bí, có sức hút riêng.
Video đang HOT
Dray Sap là thác nước có độ cao khoảng 50m, trải dài khoảng 100m, được biết đến như là ngọn thác đẹp và hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên. Quanh năm thác nước ì ầm tuôn trào bên những vách đá sừng sững, chúng tạo nên nét hùng vĩ hiếm có.
Cách đó không xa là thác Dray Nur với dòng nước trắng xóa, đan vào nhau lung linh, huyền ảo, tiếng nước reo lên như bản nhạc mang âm hưởng của rừng cây đại ngàn.
Nằm ở thượng nguồn sông Sê-rê-pôk, thác Gia Long mang trong mình vẻ đẹp hoang dại, quyến rũ như thiếu nữ M’Nông tuổi trăng tròn. Đến đây, du khách hoàn toàn hòa mình vào không gian thiên nhiên bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng.
Không chỉ có thác nước, du khách có thể khám phá vẻ đẹp thiên nhiên Tây Nguyên trên những con thuyền ở Hồ Lắk (Đắk Lắk), hồ Tà Đùng (Đắk Nông), hoặc chọn hòa mình vào những dòng suối trong xanh, mát lạnh hầu như có mặt ở khắp các địa phương của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Một điều thú vị nữa, văn hóa nơi đây đa dạng và mang bản sắc truyền thống phong phú độc đáo của các dân tộc thiểu số như người Ê Đê, Jrai, M’Nông, Ba Na…
Làng văn hóa du lịch Plei Ốp (TP Pleiku, Gia Lai) với bề dày gần 100 năm không chỉ là điểm đến của lịch sử, mà còn thích hợp với những ai muốn trải nghiệm du lịch văn hóa Jrai, điển hình cho sự độc đáo ở Tây Nguyên.
Buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng là một trong những ngôi làng sở hữu bề dày lịch sử – văn hóa lâu đời của đất Tây Nguyên. Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào Ê Đê và thưởng thức những món ẩm thực truyền thống riêng biệt, đậm chất núi rừng như: Gỏi cà đắng, canh rau rừng, các món nướng…
Có thể nói, khi đến Tây Nguyên, việc tham gia vào các nghi lễ truyền thống như cúng lúa mới, cúng bến nước, cầu mưa… và hoạt động nhảy điệu xoang, uống rượu cần sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm văn hóa độc đáo và sâu sắc.
Trẻ em ở thành phố thích thú khi được ngâm mình dưới dòng suối trong xanh, mát lạnh ở Tây Nguyên.
Những đứa trẻ, con cô Hoàng Khánh Linh, thả mình dưới dòng nước trong mát. Ảnh: TT
Tạo sức hút từ liên kết vùng
Theo số liệu thống kê, doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2023 của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 38,67 nghìn tỷ đồng.
Là “thiên đường” du lịch với những thắng cảnh nổi tiếng cùng dịch vụ lữ hành chất lượng, Lâm Đồng nghiễm nhiên có sức hút lớn nhất, trong đó năm 2023 đón 8,65 triệu du khách, doanh số đạt 15,5 nghìn tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh này cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút được 9,7 triệu lượt du khách, doanh thu hơn 16 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, Đắk Nông là một tỉnh mới được tái thành lập, nhưng đã có nhiều nỗ lực đầu tư cho du lịch.
Theo ông Lê Ngọc Quang – Giám đốc Sở VH,TT&DL Đắk Nông, trong quý I năm 2024, lượng khách du lịch đến với Đắk Nông tăng 27,5% (đạt 209 nghìn người). Trước đó, năm 2023, tỉnh đón 679 nghìn lượt du khách, doanh thu gần 160 tỷ đồng.
Cũng theo ông Quang, với các điểm du lịch đã được định hình theo mô hình sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên như hồ Tà Đùng (được ví là Vịnh Hạ Long trên cạn), các thác nước nổi tiếng, năm 2024 này Đắk Nông sẽ nỗ lực thu hút trên 800 nghìn du khách, phấn đấu đạt doanh số hơn trên 190 tỷ đồng.
Còn theo bà Bạch Thị Mân – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Kon Tum, năm 2024, tỉnh phấn đấu đón 1,7 triệu khách du lịch (tăng gần 30% so với năm 2023), tổng doanh thu ước đạt 605 tỷ đồng.
Ngành du lịch Gia Lai cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế, sau thời gian Covid-19 kéo dài, năm 2024 sẽ nỗ lực kéo du khách đến địa phương bằng những sản phẩm du lịch đặc trưng, có sự kết hợp giữa sinh thái và dịch vụ lưu trú chất lượng cao.
Theo lãnh đạo Sở VH,TT&DL Gia Lai, quý I năm 2024, tỉnh này đón 470 nghìn lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 230 tỷ đồng. Trước đó năm 2023, tỉnh mới đón được 1,1 triệu du khách, doanh thu đạt 700 tỷ đồng.
Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng du lịch cần khai phá. Tuy nhiên, dịch vụ lữ hành, lưu trú chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, khiến việc “níu chân” du khách còn nhiều hạn chế.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Đắk Lắk cho biết, hiện nay địa phương đang nỗ lực cung cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch tương xứng với tiềm năng, sự kỳ vọng của du khách.
Trong đó, liên kết và xúc tiến quảng bá du lịch giữa các tỉnh/thành là một trong những giải pháp đưa hình ảnh, thương hiệu du lịch Đắk Lắk đến gần du khách hơn, mở ra cơ hội kết nối hợp tác và từng bước mở rộng thị trường.
“Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk đón hơn 1,1 triệu du khách, doanh thu đạt 925 tỷ đồng. Trong năm 2024 này, dự kiến đón trên 1,2 triệu du khách, doanh thu đạt 950 tỷ đồng”, bà Hiếu thông tin.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các sở VH,TT&DL ở Tây Nguyên đều khẳng định, liên kết vùng được ngành du lịch các địa phương đẩy mạnh.
Thực tế, đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu tour “Một chuyến đi, nhiều điểm đến”; chọn lọc các điểm đến hấp dẫn, đặc sắc để giới thiệu đến các doanh nghiệp du lịch các tỉnh phía Bắc.
Có thể nói, bên cạnh thế mạnh về thiên nhiên kỳ vĩ, du lịch Tây Nguyên còn sở hữu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” cùng nhiều di sản giá trị khác.
Để phát huy hết các thế mạnh, thu hút tiến tới “níu chân” du khách trong và ngoài nước, các tỉnh Tây Nguyên đang cần sự quan tâm, ưu tiên đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch vừa có bản sắc riêng vùng miền vừa hợp thị hiếu du khách.
Ngắm vẻ đẹp hoang sơ của cao nguyên Đắk Nông nhìn từ trên cao
Cao nguyên Đắk Nông là tỉnh nằm ở cửa ngõ phía tây nam của khu vực Tây nguyên, nơi đây có địa hình đồi núi trập trùng, hệ thống ao hồ, sông, suối chằng chịt...
Hãy cùng ngắm vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất này.
Bạn trẻ nếu lần đầu đặt chân đến TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông), chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp hoang sơ của thành phố trẻ này (thành lập năm 2020).
|
Cao nguyên Đắk Nông nhìn từ trên cao. Ngoài khí hậu mát mẻ, Đắk Nông có hệ thống ao, hồ, sông, suối rất đa dạng. Ảnh: NGỌC BIÊN |
Cảnh một cánh đồng lúa ngay trên địa bàn TP.Gia Nghĩa. Ảnh: XUÂN LÂM |
Những con dốc nhấp nhô khắp thành phố. Đường sá đi lại vắng hoe người. Mỗi sáng, hoặc khi về chiều, chỉ cần chạy xe gắn máy với chiếc áo phong phanh sẽ cảm nhận rõ khí hậu mát mẻ, thậm chí lạnh đến run cả người.
Trong lòng TP.Gia Nghĩa là những ngọn đồi thoai thoải. Xa hơn một chút là rẫy cà phê, hồ tiêu, sầu riêng của bà con nông dân.
Cách trung tâm Gia Nghĩa vài chục cây số là khu vực hồ Tà Đùng (H.Đắk Glong). Nơi được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ của khu vực Tây nguyên. Đường đi Tà Đùng cũng là cảnh núi đồi hoang sơ. Hai bên đường rất ít nhà dân.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên Thanh Niên ghi lại về vẻ đẹp hoang sơ của cao nguyên Đắk Nông nhìn từ trên cao:
|
Khí hậu mát mẻ, đường sá lại vắng vẻ. Cuộc sống ở Đắk Nông cứ như chậm rãi hơn những nơi nhộn nhịp khác. Ảnh: XUÂN LÂM |
|
Hồ nước rộng lớn nằm giữa trung tâm TP.Gia Nghĩa. Ảnh: XUÂN LÂM |
|
TP.Gia Nghĩa còn được ví là "phố thị hoa vàng", vì trong khắp thành phố được trồng rất nhiều cây có hoa vàng. Ảnh: NGỌC BIÊN |
|
Hồ Tà Đùng (H.Đắk Glong), nơi được ví như vịnh Hạ Long thu nhỏ của Tây nguyên. Ảnh: NGỌC BIÊN |
|
Rẫy cà phê của bà con nông dân trên địa bàn TP.Gia Nghĩa. Cà phê hiện có giá rất cao nên nhiều người dân rất phấn khởi để chuẩn bị vào mùa thu hoạch (thường khoảng cuối năm). Ảnh: XUÂN LÂM |
|
Một con đường quê trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa. Ảnh: XUÂN LÂM |
|
Dọc tuyến quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn Đắk Nông. Đây là tuyến đường nối TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên. Ảnh: XUÂN LÂM |
|
Dọc 2 bên tuyến quốc lộ 14 là rừng thông. Vi vu trên con đường này sẽ khiến bạn thích thú vì không khí rất trong lành. Ảnh: XUÂN LÂM |
|
Rừng thông dọc quốc lộ 14, đoạn qua địa bàn Đắk Nông. Ảnh: XUÂN LÂM |
|
Đồi núi trập trùng trên cao nguyên Đắk Nông. Ảnh: XUÂN LÂM |
|
Màu xanh của đại ngàn Tây nguyên.... Ảnh: XUÂN LÂM |
Đến với ngọn núi lửa ở Tây Nguyên từng được tờ báo Anh ca ngợi là "một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới" Báo Anh từng ca ngợi Chư Đăng Ya là "một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới". Quả thật là vậy, ngọn núi sở hữu khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ cùng các nét văn hoá đặc sắc của người dân bản địa. Mỗi khi nhắc tới du lịch Gia Lai, du khách thường nhớ ngay đến những địa...