Có một khu rừng nguyên sinh giữa đồng bằng
Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi bước chân vào khu rừng nguyên sinh rộng chừng 100 ha, nằm ngay giữa đồng bằng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu rừng này được xem là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu với hệ động thực vật rất phong phú…
Đa dạng về hệ sinh vật
Sau nhiều lần dò hỏi đường và những lời giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi quyết định men theo lối mòn tiến sâu vào trong rừng Rú Lịnh để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng này. Đứng trước thảm thực vật hết sức phong phú mới thấy hết những giá trị của rừng đối với người dân nơi đây, và cũng là động lực để họ ra sức bảo vệ suốt ngần ấy năm.
Những cây gỗ trong rừng Rú Lịnh rất to, 2 -3 người ôm không xuể
Rất nhiều cây gỗ to, 2 – 3 người ôm không xuể vẫn đang phát triển tốt, vươn mình che chở cho các cây tầm thấp và cũng là nơi nương náu của nhiều loại chim, thú.
Rú Lịnh là khu rừng nguyên sinh còn sót lại ở phía đông huyện Vĩnh Linh, nằm giữa hai xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Hiền. Khu rừng này còn rất nhiều loài thân gỗ hiếm lâu năm như: lim xanh, gụ lau, huyệnh, thị rừng, dẻ; nhiều cây làm thuốc như: trầm hương, ngũ gia bì,… Động vật trong Rú Lịnh tuy không nhiều về số lượng và thành phần loài do rừng nằm gần khu dân cư đông đúc nhưng cũng có đến 73 loài; Chim có 60 loài như: cò, cu, cú, chào mào, sáo,…Thú có 12 loài như nhím, tê tê, cu li, cầy hương, sóc bụng đỏ, lợn rừng,…
Thảm thực vật phong phú ở rừng Rú Lịnh
Trước những năm 1945, Rú Lịnh là một vùng rừng thâm u, là nơi cư trú của những loài động vật hoang dã, kể cả có hổ, báo. Rú Lịnh cũng là nơi cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của các xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thành, Vĩnh Tân, Vĩnh Giang.
Video đang HOT
Từng có một thời kỳ sự đang dạng của Rú Lịnh đã làm “lóa mắt” bao kẻ hám lợi, chúng tìm đủ mọi cách để vào rừng chặt phá những thân gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm, săn bắt chim, thú… Tuy nhiên, nhờ những con người tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của cả cộng đồng mà khu rừng này vẫn đang sinh sôi, phát triển trù phú. Người dân địa phương ý thức được rằng, rừng đã mang đến cho cuộc sống của họ nhiều cái lợi nên ra sức bảo vệ. Chính vì vậy, Rú Lịnh được xem là “lá phổi xanh” của vùng đông huyện Vĩnh Linh còn tồn tại đến hôm nay.
Khắc tinh của “lâm tặc”
Bằng tâm huyết và sự say mê với rừng, nhiều con người đang ngày đêm ra sức bảo vệ nhằm giữ cho màu xanh của rừng Rú Lịnh cho các thế hệ mai sau. Trong số đó, chúng tôi gặp ông Nguyễn Đình Trọng (ở thôn Tân Hoà, xã Vĩnh Hiền), người đã có thâm niên gần 40 năm bảo vệ rừng Rú Lịnh.
Có thể nói rằng, từng tấc đất, loại cây, từng loại động vật, chim, thú… ở Rú Lịnh, đã in sâu trong trí nhớ của ông Trọng. Nhớ lại trước đây, Rú Lịnh bị lâm tặc ngang nhiên chặt phá, nhiều cây gỗ nguyên sinh dần dần bị hạ, các loại thú rừng quý đang có nguy cơ tuyệt chủng khiến lòng ông cảm thấy đau đớn vô cùng. Ông đã tâm niệm rằng dù có chết cũng phải bảo vệ cho được Rú Lịnh, ngăn chặn ngay những hành vi xâm hại rừng xanh.
Bảng tuyên truyền đặt ở cạnh đường, nơi dễ nhìn thấy, nhờ vậy mà người dân càng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng
Năm 1977, Nhà nước thực hiện chính sách giao đất, giao rừng nên Rú Lịnh thuộc quyền quản lý của hai xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh. Hồi đó, ông Trọng là người đầu tiên tình nguyện giữ rừng để hỗ trợ thêm cho cán bộ kiểm lâm. Ý định đó của ông đã được Hạt kiểm lâm và UBND xã Vĩnh Hiền hết sức hoan nghênh.
Vào thời điểm đó, tuy phụ cấp giữ rừng của ông không được bao nhiêu nhưng ông vẫn cảm thấy vui vẻ chấp nhận. Bởi ông suy nghĩ, bảo vệ được rừng Rú Lịnh mãi sinh sôi là một thành công lớn. Người dân địa phương sẽ rất tự hào vì quê hương họ có một khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, phong phú chứ chưa nói đến những lợi ích do rừng mang lại. Bảo vệ rừng cũng đồng nghĩa với việc làm cho môi trường sống của con người trở nên xanh, sạch hơn.
Từ ngày đảm nhiệm công việc giữ rừng, ông Trọng phải trèo đèo, lội suối, thức đêm để tuần tra, canh gác bọn lâm tặc, không đêm nào ông được ngủ ngon giấc. Nhiều lúc phát hiện địa điểm lâm tặc chuẩn bị khai thác, ông cùng cán bộ kiểm lâm phục kích để bắt cho bằng được. Sau nhiều lần như vậy, tình trạng chặt phá thân gỗ, săn bắt chim thú… ở Rú Lịnh cũng giảm hẳn.
Gần 40 năm tham gia giữ rừng, nhưng điều khiến ông Trọng trăn trở là chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến những người bảo vệ rừng như ông
Ông Trọng kể: “Đầu tháng 10/2009, một nhóm thanh niên lạ mặt tìm về xã với mục đích tìm cách chặt phá, lấy gỗ quý trong rừng. Trước đó, chúng đã bám sát, theo dõi những người bảo vệ rừng như tôi để tiện cho việc thực hiện hành vi xấu. Tuy nhiên, khi chúng chưa thực hiện ý đồ trên thì đã bị công an, kiểm lâm bắt giữ”.
Cũng không ít lần, kẻ xấu tìm mọi cách mua chuộc nhưng ông Trọng vẫn kiên quyết từ chối. Mua chuôc không đươc, bọn chúng chuyên sang thách thức, đe doa… nhưng ông vẫn giữ vững tư cách của mình. “Tiền bạc tiêu dần cũng sẽ hết, nhưng mất rừng thì không biết khi nào mới phục hồi được. Một thân cây phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới lớn lên. Bác Hồ đã từng nói: “Rừng là vàng, biển là bạc”. Chính vì vậy, bảo vệ được rừng, phát huy hiệu quả từ rừng, khai thác hợp lý và có kế hoạch thì đời sống của người dân cũng khá lên” – ông tâm sự.
Gần 40 năm qua, ông Trọng vẫn thầm lặng lam tôt công viêc giữ rừng. Hàng ngày, ông vào tận sâu trong rừng, kịp thời phat hiên nhưng dâu hiêu khả nghi để có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, điều khiến ông chưa được an tâm là chính quyền cần trang cấp công cụ hỗ trợ cho những người tham gia giữ rừng để có thể bảo vệ được mình trước sự liều lĩnh, thách thức của lâm tặc. Hơn nữa, chế độ phụ cấp cho những người giữ rừng cũng chưa được quan tâm để họ có thể chuyên tâm hơn trong công việc.
Đăng Đức
Theo Dantri
Siêu bão tàn phá dữ dội
Đã có 2 người chết, 23 người bị thương. Quốc lộ 1A ách tắc tại đoạn qua xã Gia Ninh - huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Lưới điện 500kV Hà Tĩnh - Đà Nẵng gặp sự cố.
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 30.9, bão số 10 - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm đổ bộ vào miền Trung - trong đó tâm bão vào TP.Đồng Hới (Quảng Bình). Với sức tàn phá dữ dội, những nơi tâm bão đi qua là cảnh hoang tàn khủng khiếp với các cung đường chìm trong nước, giao thông bị chia cắt bởi hàng ngàn cây xanh bị bật gốc, đổ gãy ngang đường, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, lưới điện quốc gia bị hư hỏng, bão cũng đánh sập cột thu phát sóng Đài phát sóng phát thanh Đồng Hới cao 142m. Đã có 2 người chết và hàng chục người bị thương, thiệt hại về kinh tế vô cùng lớn...
Nhiều cột điện ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị gãy đổ sau bão. Ảnh: Linh Đan - Hưng Thơ
Tan hoang
Bão đổ bộ trực tiếp đã gây nên khung cảnh tan hoang với các tuyến đường chìm sâu trong nước lũ, ách tắc bởi hàng trăm cây xanh bật gốc, gãy đổ xuống đường. Hệ thống cột điện, đường dây 500kV, đường dây 220kV... của lưới điện quốc gia gặp sự cố, nhiều tỉnh miền Trung mất trên diện rộng. Đặc biệt, vào lúc 16 giờ ngày 30.9, gió mạnh đã xô ngã cột thu phát sóng Đài phát sóng phát thanh Đồng Hới thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (P.Đồng Phú, TP.Đồng Hới), làm đổ sập lên trụ sở hai tầng của đơn vị và nhiều nhà dân ở xung quanh.
Phóng viên Lao Động được một cán bộ của đài này cho biết: "Rất bất ngờ, chỉ nghe như cả một bầu trời đổ sập xuống, tôi không tin vào mắt mình nữa, cột ăngten cao tới gần 150 mét phút chốc đổ sập, vỡ vụn, trước mắt đã xác định ngay có hai người chết, một người bị thương rồi...". Liền đó, một chị phụ nữ có thân nhân bị nạn do ăngten đổ sập gào khóc không còn tiếng giữa trời mưa to gió lớn, chị bấu lấy tay mọi người van xin hãy tìm cách cứu lấy người còn nằm dưới đống sắt khổng lồ kia với hy vọng mong manh rằng "biết đâu anh ấy còn sống"... Đến 23 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy thi thể người xấu số đang mắc kẹt trong khối sắt thép, bêtông đè lên.
Tối 30.9, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, lãnh đạo BV này cho biết đã có ít nhất 6 người bị thương do bão gây ra phải nhập viện trong chiều nay. Ngay trong đêm 30.9, chính quyền các địa phương đã đến tận những nơi bị bão tàn phá để xử lý, khắc phục hậu quả. Ông Trần Đình Dinh - Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới - bàng hoàng cho biết, đây là cơn bão lớn nhất từ trước đến nay đổ bộ vào TP.Đồng Hới. Hiện chưa có con số thống kê thiệt hại cụ thể.
Lúc 16 giờ 30 ngày 30.9, ông Nguyễn Viết Ánh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh - gặp phóng viên Lao Động ngay trên QL1A, nơi hàng trăm chiếc xe ôtô đang bị ách tắc. Chỉ tay vào đoàn xe dài ở phía bắc, ông nói: "Gió bão đã đánh sập một cột ăngten thu phát sóng di động rất lớn ngay sát QL1A - đoạn qua địa phận xã Gia Ninh (H.Quảng Ninh) nên đã khiến tuyến QL1A bị tê liệt, giao thông bắc-nam ở cả hai phía của QL đều có hàng trăm xe bị tắc nghẽn như thế này". Phải đến 22 giờ cùng ngày, việc giải tỏa hiện trường ăngten phát sóng di động trên QL1A mới hoàn thành, giao thông được giải tỏa. Ông Phạm Hữu Thảo - Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ - cho biết, bão số 10 đã làm trên 2.000 nhà dân tốc mái, 2 nhà bị sập, giao thông bị chia cắt nghiêm trọng.
Còn tại Quảng Trị, bão số 10 đã làm bị thương 12 người, toàn bộ nhà cửa ở huyện đảo Cồn Cỏ bị tốc mái, hư hại nặng, 6.400ha caosu ở huyện Vĩnh Linh bị gãy đổ và nhiều diện tích hoa màu có nguy cơ mất trắng...
Mất trắng cơ nghiệp
Nơi bão số 10 tàn phá nặng nề nhất là huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Chiều 30.9, phóng viên Lao Động "vượt bão" cùng một "cánh quân" chống bão do UBND tỉnh Quảng Trị thành lập khẩn cấp đối phó bão số 10. Gió giật rất mạnh và mưa xối xả, như muốn quăng quật tất cả mọi thứ trên đường. Dọc tuyến đường về thị trấn Cửa Tùng cây xanh bị gãy gần hết, nằm chắn ngang đường nên giao thông bị cắt đứt. Hầu hết nhà dân nơi đây đều bị tốc mái, cột điện hai bên đường bị gãy đổ, xiêu vẹo. Đặc biệt, đập vào mắt chúng tôi là những rừng caosu tiểu điền của bà con vùng Đông Vĩnh Linh - nơi giáp biển Cửa Tùng - bị tàn phá tan hoang như sau một trận bom B52, cây thì bị gãy ngang như bị ai cầm dao phạt ngang vậy, cây thì phơi gốc lên trời. "Trên 30% diện tích cây caosu đã cho thu hoạch trên địa bàn huyện bị hư hại nặng nề. Phần nhiều cây bị gió quật gãy ngang, không thể khắc phục được mà chỉ có cách chặt bỏ thôi" - ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh - nói trong nước mắt. Địa bàn huyện Vĩnh Linh có 3 người bị thương do bão, 2 người đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị.
Tại xã Vĩnh Thủy, hàng ngàn cây xanh đổ rạp, nhà cửa tốc mái, cảnh tượng rất hoang tàn. Anh Phan Ngọc Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy - nói gấp: "Tính sơ bộ, ở xã có hơn 60 nhà dân tốc mái. Trường mầm non, trường tiểu học, trụ sở ủy ban xã đều tốc mái, hư hại. Đau khổ nhất là hơn 60% số cây caosu đang thu hoạch tan tành, coi như là xóa sổ". Mưa to với cường độ rất mạnh kèm theo gió giật mạnh đã quét qua địa bàn xã Vĩnh Thủy từ 13 giờ đến 15 giờ ngày 30.9, mặc dù đã chuẩn bị đối phó từ trước nhưng nơi này vẫn bị tàn phá nặng nề. Ông Đoàn Quang Luật - ở thôn Thủy Ba Tây - nghẹn ngào trước hàng trăm cây caosu của nhà ông bị bão đánh gãy: "Bão vào cuốn hết rồi, gãy rạp thế này thì không thể phục hồi lại được". Không riêng gì gia đình ông Luật mà cả xã Vĩnh Thủy hầu như nhà nào cũng xơ xác, buồn đau vì vườn caosu - "ngân hàng sống" của gia đình - bị bão đánh tan trong phút chốc.
Hàng trăm cây xanh ở TP.Huế bị đổ gãy do bão. Ảnh: Đăng Khoa
Theo Laodong
Hà Nội ủng hộ 7 tỷ đồng cho 6 tỉnh bị bão lụt Hôm nay 2/10, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Thành phố Hà Nội (MTTQ TP) đã quyết định hỗ trợ nhân dân 6 tỉnh bị thiệt hại nặng do bão số 10 gây ra, với tổng số tiền là 7 tỷ đồng để chia sẻ những khó khăn cùng các địa phương. Cụ thể, ủng hộ tỉnh Quảng Bình 2 tỷ đồng và...