Có một dòng sông đã về với biển
“Đời người như dòng sông. Có trải qua trăm thác, ngàn ghềnh cuối cùng cũng về tới biển” – Thầy vẫn thường nói với chúng tôi như vậy.
Thầy chỉ dạy và làm chủ nhiệm chúng tôi một năm lớp mười hai nhưng lớp tôi đứa nào cũng rất quý và thương thầy. Đơn giản với chúng tôi, thầy không chỉ truyền cho chúng tôi những kiến thức từ sách vở mà còn dạy chúng tôi cách sống, cách làm người mà bản thân cuộc đời thầy là một minh chứng.
Những năm bước vào tuổi trưởng thành, chúng tôi lờ mờ hiểu được giá trị quyền lực của đồng tiền và thế lực. Nhiều thầy cô trong trường đều đã biết và hiểu rõ điều đó. Thầy cũng không ngoại lệ nhưng thầy kiên quyết không bao giờ chịu khuất phục trước điều đó. Hồi đó, trường tôi có một cô giáo mới về tên Đ., nghe bảo nhà cô rất giàu và có thế lực ở trên huyện.
Mới về trường, cô đã làm lũ học trò nghèo chúng tôi được… “rửa mắt” vì con xe tay ga lần đầu tiên nhìn thấy. Xui cho cô và có lẽ may cho những đứa học trò như chúng tôi là cô lại dạy đúng môn thầy tôi làm tổ trưởng. “Kỹ năng sư phạm, trình độ chuyên môn quá yếu” là nhận xét của thầy sau khi dự giờ mấy tiết dạy của cô. Mặc dù đích thân thầy hiệu trưởng xuống nước năn nỉ nhưng thầy vẫn lắc đầu trước những khuyết điểm đó.
Ngày đó, đồng lương của thầy một tháng chưa đầy hai triệu nhưng người ta đã cầm đến nhà xin biếu thầy hai chục triệu để đổi lấy cái gật đầu của thầy nhưng thầy vẫn vững một lập trường: không. Cuối cùng, người ta cũng sắp xếp đâu vào đấy nhưng không không được như ý muốn ban đầu là đưa cô Đ. vào làm ở… thư viện.
Video đang HOT
Nhưng câu chuyện về thầy đã thổi bùng cho chúng tôi một ngọn lửa, ngọn lửa của niềm tin. Niềm tin vào lẽ phải. Chính niềm tin đó đã giúp tôi lớn dần ước mơ ấp ủ bao ngày. Nếu ngày đó thầy chịu khuất phục trước đồng tiền và thế lực, có thể chúng tôi sẽ chẳng biết câu chuyện đó diễn ra nhưng chắc chắn trong suy nghĩ của chúng tôi, những đứa học trò mới bước sang tuổi mười bảy sẽ suy nghĩ khác về cuộc đời khi mà có tiền là có tất cả. Có thể cuộc đời tôi sẽ đi sang một ngã khác nếu như không được tiếp thêm niềm tin từ thầy.
“Dòng sông nào cuối cùng cũng về với biển”. Thầy cũng vậy. Nhưng ngày thầy đi đột ngột quá, sớm quá. Thầy mất trong khi đang đưa đoàn học sinh đi thi học giỏi, do bị tai biến mạch máu não. Nhận được tin thầy mất khi tôi đang học năm cuối, lại bước vào kỳ thực tập nên chỉ tranh thủ về được có mấy tiếng đồng hồ để về tiền tiễn thầy về với cõi vĩnh hằng. Đám tang của thầy, có rất đông đồng nghiệp, học trò và cả những bậc phụ huynh nữa. Tôi nhận ra những anh, chị học khóa trên cũng như những thế hệ học sau. Sự có mặt của những đứa học trò chúng tôi có lẽ giúp thầy ấm áp phần nào khi về bên kia thế giới. “Thầy đi bình yên nhé”- tôi nhủ thầm cho nước mắt khỏi tuôn rơi lúc cỗ quan tài chìm sau từng lớp đất.
Trong cuộc sống cũng như công việc, mỗi lúc gặp khó khăn hay đương đầu thử thách. Tôi lại nhớ tời thầy hay đúng hơn là nhớ tới những câu nói của thầy: “… Có trải qua trăm thác, ngàn ghềnh cuối cùng cũng về tới biển”. Đúng rồi thầy à! Khó khăn, thử thách cũng như thác như ghềnh con sẽ vượt qua để về tới đích. Con nhớ thầy bao nhiêu con lại biết ơn thầy bấy nhiêu. Cảm ơn cuộc đời khi đã cho con được gặp một người như thầy.
Theo người lao động
Những hạt giống trên nương
Năm 1998 khi tôi đang theo học lớp 4, gia đình tôi chuyển từ Đồng Nai lên ĐăkLắk lập nghiệp. Một vùng đất quá đỗi lạ lẫm với đứa trẻ lên 10 như tôi. Đến nỗi cái tên xã Cư Ewi, tên huyện Krông Ana (nay tách huyện thành Cư Kuin) phải mất vài tháng trời tôi mới nhớ để có thể viết đúng và đủ các chữ cái.
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn nằm khuất sau một rừng tre nứa, lồ ô rậm rạp. Đập ngay vào mắt tôi là những mái nhà lợp ngói cũ kỹ, màu tường phủ đầy rong rêu, hoen ố theo thời gian. Lớp 4B mà tôi được xếp vào học có sỉ số 28 và 100% là học sinh dân tộc thiểu số. Tôi còn nhớ, cô giáo chủ nhiệm Hoàng Thị Điệp đã nói với mẹ tôi: "Ở đây toàn học sinh dân tộc thiểu số, liệu em có thích nghi được không"?
Mẹ tôi trấn an: "Cứ để cháu theo học, từ từ rồi sẽ quen mà".
Học lực của tôi tương đối ổn định bởi tôi đã có nền tảng từ trước đó. Còn các bạn của tôi thì có phần thiệt thòi hơn khi vừa học vừa phải lên nương phụ giúp cha mẹ. Có bạn nói tiếng Kinh còn chưa sõi nên nhiều từ trong sách giáo khoa khó hiểu, cô Điệp lại giảng bằng tiếng Tày (cô là người dân tộc Tày). Những lần như thế, cô lại hỏi tôi: "Em hiểu từ này rồi để cô giảng lại cho các bạn".Trong suốt ba tháng vụ mùa, lớp 4B của tôi cứ vơi dần, hầu như không hôm nào duy trì đủ sỉ số. Tôi đã hiểu, các bạn của tôi giờ này đang cặm cụi trồng tỉa trên những quả đồi trọc lóc phía rừng xanh kia. Con chữ cũng vì thế mà ngày càng chắt lọc đi trong bộ nhớ các bạn. Rồi vì hoàn cảnh, một số bạn đã phải dừng lại con đường học vấn của mình ở bậc tiểu học như Khánh, Lợi, Tài...
Tôi là người Kinh duy nhất trong lớp nên được các bạn dành hết tình cảm cho. Tôi về kể với mẹ là tôi rất thích đến lớp, thích được ăn thắng cố (món bánh làm bằng ngô) mà mỗi dịp cúng giỗ, các bạn không quên để dành mang tận vào lớp cho tôi. Những buổi tan học sớm, tôi được bạn Nông Thị Minh dẫn lên rẫy chơi. Sức sống tươi non của những vạt ngô, đậu xanh có thấm mồ hôi, nước mắt của sức người trong đó có cả giọt mồ hôi nhỏ bé của bạn tôi những ngày nghỉ học đang hứa hẹn cho vụ mùa bội thu.
Chúng tôi chơi trốn tìm trong nương ngô quên cả thời gian về nhà. Vui nhất là ngày rằm tháng bảy. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây xem ngày rằm hơn là ngày tết, vì thế mà có câu "tết cả năm không bằng rằm tháng bảy". Tôi được các bạn tranh nhau dẫn về nhà ăn rằm và tham gia những trò chơi dân gian.
Một năm học trôi đi nhanh. Có lẽ do tôi đã có quá nhiều kỷ niệm với lớp học này nên thấy thế. Tôi đã khóc khi nghe cô Điệp thông báo lên lớp 5, lớp 4B của tôi do sỉ số quá ít nên phải sáp nhập lớp khác. Minh thì thầm với tôi rằng Minh sẽ không theo học tiếp được nữa để ở nhà làm rẫy vì người anh cả vừa lấy vợ, nhà không có ai làm.
Buổi chia tay vào một ngày mưa buồn trong lớp học vắng hẳn tiếng cười. Phần lớn các bạn lớp 4B của tôi đã phải nghỉ học khi con chữ chưa tròn nghĩa, khi tiếng Kinh còn lơ lớ văng vẳng đâu đó ngoài hiên trường. Những năm tháng rời xa mái trường tiểu học đong đầy kỷ niệm ấy, dù học ở đâu, dù đi bất cứ nơi nào, tôi vẫn không bao giờ quên được có một ký ức ngọt ngào, thấm đậm tình nghĩa của những người bạn xóm núi dành cho tôi.
Tôi biết được tin, trong số một vài học sinh còn theo học cùng tôi năm đó nay có Ma Văn Tí đang làm bí thư đoàn xã Cư Êwi, Hoàng Văn Tân làm phó bí thư, Nông Thị Vui làm giáo viên, Lương Thị Hướng cũng vừa tốt nghiệp sư phạm ra trường. Đó là những hạt giống hiếm hoi của ngôi trường tiểu học tôi từng gắn bó.
Theo người lao động
Nhớ màu áo tím Suốt quãng đời đi học, tuy không là học sinh xuất sắc nhưng với bản tính chăm ngoan nên tôi vẫn được nhiều thầy cô thương mến. Cô giáo Võ Thị Trung dạy lớp Nhất trường Tiểu học Chánh Hưng năm 1967, giờ là lớp 5 trường cấp 1 và 2 Hưng Phú A quận 8, TP. HCM là người để lại trong...