Có một châu Âu không bình yên
Châu Âu đang trải qua những ngày u ám dù đang giữa mùa hè. Paris, Brussels, Nice, Munich… hàng trăm sinh mạng vô tội đã ra đi trong các vụ thảm sát.
Người dân Đức đang rời trung tâm thương mại Olympia tại Munich, sau vụ thảm sát tại một nhà hàng McDonald ở Munich vào sáng 23-7 giờ VN – Ảnh: AP
Chỉ riêng trong mười ngày ngắn ngủi của tháng 7, hàng loạt vụ tấn công đẫm máu dồn dập xảy ra gây không ít hoang mang.
Dù chính quyền Đức tuyên bố chưa tìm ra mối liên hệ trực tiếp nào giữa hung thủ 18 tuổi thực hiện vụ xả súng ở Trung tâm thương mại Munich và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), điều này cũng không giúp trấn an người dân được bao nhiêu.
Trước Munich vài ngày là một vụ đâm chém trên đoàn tàu gần thành phố Wrzburg, miền bắc bang Bavaria. Cảnh sát Đức cho biết hung thủ – một thanh niên nhập cư 17 tuổi người Afghanistan – tự mình hành động và được “truyền cảm hứng” bởi IS…
Mà không nhắc đến IS thì dân Đức cũng đã đủ ám ảnh bởi mới một tuần trước đó, thông tin về vụ thảm sát 84 người bằng xe tải ở thành phố Nice (Pháp) đã lan đi khắp thế giới.
Đáng chú ý, Tổng thống Pháp Franois Hollande khi đó đã cảnh báo khủng bố tiếp theo sẽ “gieo rắc sự sợ hãi” ở Đức sau khi đã tấn công các nước khác. Và đúng vậy, cảnh báo của ông Hollande đã trở thành sự thật một tuần sau đó.
Tờ Guardian của Anh bình luận chừng ấy sự kiện đủ làm rung chuyển châu lục già nua, vốn đã rạn nứt, sợ hãi, đúng vào thời điểm không thể tệ hơn.
Video đang HOT
Dù động cơ của những kẻ sát nhân là gì đi nữa, trong bối cảnh kinh tế trì trệ, dân nhập cư – tị nạn tràn ngập, chúng tạo thêm điều kiện để các đảng phái cực hữu chống dân nhập cư ngày càng nhận nhiều sự ủng hộ.
Sau vụ thảm sát ở Nice, bà Marine Le Pen, thủ lĩnh Mặt trận Dân tộc Pháp, buộc tội chính quyền Đảng Xã hội của Tổng thống Hollande “không chịu làm gì” để bảo vệ người dân.
Tại Đức, vài giờ sau vụ xả súng ở Munich, Christian Lth – người phát ngôn Đảng dân túy Alternative fr Deutschland (AfD) – viết trên mạng xã hội: “Hãy bầu cho AfD! Súng nổ ở trung tâm mua sắm Olympia: người chết ở Munich”…
Quả thật, châu Âu đang dần co mình lại. Một thăm dò hồi tháng trước của Trung tâm Pew (Washington DC, Mỹ) cho thấy trung bình 56% người ở 10 nước châu Âu (trong đó có Ý, Pháp, Đức, Tây Ban Nha…) cảm thấy đất nước của họ nên “lo chuyện trong nhà trước khi giúp người khác”.
Hơn một nửa số người ở 8/10 quốc gia cảm thấy người tị nạn “làm gia tăng nguy cơ khủng bố”; 25% nói họ không nghĩ tốt về đạo Hồi…
Với những cuộc trưng cầu ý dân và bầu cử quan trọng sẽ diễn ra trong 12 tháng tới tại Áo, Hà Lan, Đức, Pháp… tâm trạng vỡ mộng, bất mãn với nền tảng chính trị ở cử tri châu Âu không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho các đảng cầm quyền.
Các đảng phái dân chủ xã hội trung tả, dân chủ Thiên Chúa giáo trung hữu… dẫn đầu nền chính trị châu Âu trong 60 năm qua giờ đây thậm chí chật vật để giữ niềm tin của nhóm cử tri trung thành.
Tại Đức, đảng đối lập AfD còn được dự báo sẽ phá vỡ quyền lực của liên minh cầm quyền vốn kéo dài từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
Theo Tuổi Trẻ
Công và tội của mạng xã hội trong vụ Munich
Trong vụ thảm sát kinh hoàng vừa xảy ra ở Munich, theo AFP, các mạng xã hội cũng đang bị lên án.
Cảnh sát Đức thu giữ chứng cứ tại một căn hộ ở Munich sau vụ thảm sát - Ảnh: AFP
Dĩ nhiên mặt tích cực của các mạng này là sử dụng như công cụ thông tin và hỗ trợ điều tra, nhưng mặt khác chúng cũng đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tin đồn thất thiệt và cho phép hung thủ gài bẫy nạn nhân.
Ngay trong vụ Munich, cảnh sát đã dùng mạng xã hội để thông báo cho dân chúng về tình hình thực tế đang xảy ra để giúp người dân đảm bảo an toàn cá nhân và thậm chí có những lời kêu gọi hỗ trợ những người đang bơ vơ ngoài phố khi các phương tiện giao thông công cộng tạm dừng hoạt động.
Nhưng cũng trên mạng xã hội vào lúc đó cũng lan truyền đủ thứ thông tin thất thiệt về chuyện xảy ra tấn công cùng lúc ở nhiều nơi, về chuyện có nhiều hung thủ rồi thì là hung thủ đã bỏ trốn trên xe hơi...
Chính các thông tin thiếu trách nhiệm này cũng khiến cảnh sát hụt hơi trong việc xác minh và lo sợ đến khả năng xảy ra khủng bố có tổ chức, ông Hubertus Andr (cảnh sát trưởng Munich) thừa nhận.
Cũng trong vụ Munich, cảnh sát thành phố phải viết trên Twitter yêu cầu người dân không nên chia sẻ lại hình ảnh của nạn nhân để tránh gây hoang mang và không tiết lộ vị trí của cảnh sát vì có thể sẽ giúp cho hung thủ đối phó!
Bộ trưởng nội vụ Đức Thomas de Maizière trong cuộc họp báo hôm 23-7 cũng thừa nhận: "Trong thời đại mạng xã hội ngày nay, cảnh sát không còn có thể kiểm soát số lượng lẫn thời gian công bố thông tin, mà chính là người dân làm việc đó.
Điều đó có những lợi điểm như thấy qua thành công của các cuộc điều tra nhờ vào hình ảnh và video clip của người dân ghi lại được. Nhưng cũng phải thấy rằng khi tin đồn thất thiệt lan truyền thì điều đó lại không giúp đánh giá chính xác tình hình đang diễn ra".
Liên quan nhân thân hung thủ Ali David Sonboly, kẻ đã nổ súng làm thiệt mạng 9 người và làm bị thương 16 người, cảnh sát Đức khẳng định hung thủ 18 tuổi này sinh ra và lớn lên tại ngay chính thành phố Munich, chưa hề có tiền án cũng như bất cứ liên hệ nào với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Cha mẹ hắn là người Iran đến Đức xin tị nạn vào cuối những năm 1990.
Cảnh sát trưởng Munich cho biết hung thủ có vấn đề về thần kinh, đã phải điều trị bệnh này trong nhiều năm.
Khi khám xét nơi Sonboly cư ngụ, nhà chức trách đã tìm thấy nhiều tài liệu cho thấy hắn quan tâm khá nhiều tới các vụ xả súng do các thiếu niên thực hiện tại các trường học, mê game chiến tranh và bạo lực.
Các công tố viên mô tả cuộc tấn công của Sonboly là một "hành động kinh điển của những kẻ loạn trí".
Các nhà điều tra cũng tìm thấy tài liệu cho thấy Sonboly đặc biệt lưu tâm vụ tên Anders Behring Breivik thảm sát 77 người tại Na Uy và làm bị thương 151 người khác.
Sonboly đã chọn đúng ngày 22-7, tức đúng năm năm sau khi Breivik ra tay và sử dụng cùng loại súng như của Breivik!
Theo Tuổi Trẻ
Vụ xả súng Munich: Thiếu niên 16 tuổi người Afghanistan bị bắt Cảnh sát Đức đã bắt giữ một thiếu niên 16 tuổi người Afghanistan là bạn của hung thủ vụ xả súng ở Munich với cáo buộc không tố giác tội phạm. Đây cũng có thể là đồng phạm trong vụ xả súng. Rừng hoa tưởng niệm nạn nhân vụ xả súng ở Munich Trang Facebook của cảnh sát Munich ghi: "Đã có những...