Cò mồi thao túng, “ăn chênh” tiền mua nhà ở xã hội
Thời gian gần đây, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) tại các quận ở Thủ đô tăng cao trong khi nguồn cung ít nên đã xuất hiện tình trạng “cò” mồi thu tiền chênh đến hàng trăm triệu đồng/căn. Trong khi cơ quan nhà nước phát đi thông báo mọi hành vi mua bán trái phép NƠXH sẽ bị xử lý, hiện tượng này vẫn diễn ra.
Chị Nguyễn Hằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) trước Tết Nguyên đán 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã đóng tiền 3 đợt (55% giá trị căn hộ) nhưng chị vẫn nhận được điện thoại “cò” gạ đổi căn đẹp, tầng đẹp với khoảng chênh 60 – 150 triệu đồng/căn. “Tôi không biết họ lấy số của tôi từ đâu ra, vì tôi chỉ làm hồ sơ gửi trực tiếp cho chủ đầu tư. Thậm chí, họ còn gạ tôi nếu có nhu cầu thì bán lại căn đã đóng họ sẽ nhận ký gửi và trả tôi 50 triệu đồng tiền chênh lệch”, chị Hằng nói.
Dự án Ecohome 3 ( Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dù mới đang trong giai đoạn nhận hồ sơ, nhưng các “cò” đã bu xung quanh dự án. Hễ gặp khách có nhu cầu hỏi mua nhà tại dự án, lập tức “cò” tư vấn nhiệt tình. Cụ thể, nếu muốn mua NƠXH tại dự án trên thì người mua thông qua kênh của các sàn môi giới bất động sản sẽ được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và đảm bảo sẽ mua được căn hộ, còn nếu nộp hồ sơ trực tiếp qua chủ đầu tư, chắc chắn hồ sơ sẽ bị trả về hoặc sẽ không chọn được căn hộ ưng ý.
Theo môi giới, nếu khách hàng muốn mua nhà cần đặt cọc trước 20-50 triệu đồng “phí” làm hồ sơ. Ngoài giá bán căn hộ được chủ đầu tư thông báo thì khách hàng phải nộp thêm khoản tiền chênh được gọi là “giá bán hồ sơ” 50 – 70 triệu đồng đối với căn 2 phòng ngủ. Còn những căn có vị trí đẹp, căn góc 3 ngủ thì khoản chênh này lên tới 80 – 145 triệu đồng tùy căn hộ, tùy tầng.
Tại dự án NƠXH 282 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều “cò” quảng cáo bên sàn “nhà đẹp giá gốc”, “nhà giá rẻ”… “dụ” khách hàng chọn căn đẹp.
Theo đó, “cò” đưa ra hàng loạt danh sách các căn đã có người bốc thăm trúng có nhu cầu bán lại. Giá chênh được cò “hét” 300- 600 triệu đồng/căn hộ. “Đây là căn hộ những người đã ký hợp đồng gửi bán lại nên chị yên tâm. Nếu chị đồng ý mua, chúng em sẽ làm hợp đồng ủy quyền giữa chị và chủ nhà. Sau 5 năm chị sẽ được vào tên chính thức”, một “cò” khẳng định.
Video đang HOT
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Ban đầu tư Cty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn – Chủ đầu tư dự án NƠXH Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đã ký bán đợt 1 từ đầu năm 2019.
“Chúng tôi ký hợp đồng và bán đúng theo đối tượng được Sở Xây dựng thẩm định đủ điều kiện mua NƠXH chứ giao dịch ngoài chúng tôi không quản lý được. Hiện thị trường ngoài như dự án NƠXH bán linh tinh theo giấy viết tay, hoặc rộ lên phong trào hợp đồng ủy quyền, chúng tôi không quan tâm vấn đề đó mà chỉ làm việc với đúng chủ nhà, đối tượng bên ngoài không kiểm soát được”, ông Thành nói.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sau nhiều hiện tượng “cò” mồi lừa đảo khách hàng mua NƠXH tại các dự án trên địa bàn Hà Nội, Sở Xây dựng có thông báo trên trang web của Sở. Ngoài ra, theo ông Dũng, chủ đầu tư chỉ được huy động tiền ứng trước, huy động vốn của khách hàng sau khi đã đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách về NƠXH và nhu cầu của người dân để thu tiền sai quy định.
Ngọc Mai
Theo Tiền phong
Tiếp tục siết cho vay mua nhà đất, căn hộ cao cấp từ 3 tỉ đồng trở lên
Dự thảo thông tư quy định các khoản phải đòi của ngân hàng thương mại đối với khách hàng vay mua nhà đất, căn hộ cao cấp từ 3 tỉ đồng trở lên sẽ áp dụng hệ số rủi ro lên tới 150%, gấp 3 lần quy định trước đó.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài (dự thảo thông tư thay thế thông tư 36/2014/TT-NHNN).
Trong phụ lục dự thảo thông tư đã điều chỉnh hệ số rủi ro đối với một số khoản phải đòi. Cụ thể, hệ số rủi ro 50% áp dụng cho các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay. Các khoản phải đòi này cũng đáp ứng điều kiện là khoản cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh; cho vay cá nhân mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ; cho vay cá nhân mua nhà có giá trị dư nợ gốc dưới 1,5 tỉ đồng.
Đáng lưu ý, hệ sống rủi ro 150% áp dụng cho khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỉ đồng trở lên. Hệ số này cao gấp 3 lần so với quy định trước.
Vốn vay ngân hàng đổ vào mua nhà đất, căn hộ từ 3 tỉ đồng trở lên bị áp hệ số rủi ro cao hơn. Ảnh: Lê Phong
Theo ban soạn thảo, việc điều chỉnh nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững thị trường bất động sản và an toàn hoạt động của hệ thống NH.
Tại dự thảo này, Bộ Xây dựng cũng có ý kiến yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản.
"NHNN nên tiếp tục kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu NH thương mại, chi nhánh NH nước ngoài cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro" - đại diện ban soạn thảo nêu rõ.
Quy định này yêu cầu NH thương mại cần kiểm soát dư nợ cho vay cá nhân để phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản ở phân khúc cao cấp.
Ngoài ra, theo NHNN, việc tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay tiêu dùng, vay mua nhà ở cao cấp trên 3 tỉ đồng cũng hạn chế dòng vốn cho vay tiêu dùng đổ vào kinh doanh bất động sản, giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu. Các NH thương mại phải xây dựng biện pháp và kế hoạch xử lý để đảm bảo sau thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thông tư có hiệu lực tuân thủ đúng quy định.
Mới đây, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu NHNN các tỉnh, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản và việc cấp tín dụng của các NH thương mại đối với lĩnh vực này trên địa bàn, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố, khu vực có hiện tượng sốt đất. Khi tình hình có biến động bất thường, các đơn vị chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá và kịp thời báo cáo, đề xuất với thống đốc biện pháp xử lý. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực bất động sản, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng...
Báo cáo thị trường của CBRE năm 2018 cho thấy trong phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang ở TP HCM, tỉ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%; khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So sánh với năm trước, tỉ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản...
Thái Phương
Theo nld.com.vn
Thủ tướng chốt lãi suất vay mua nhà ở xã hội 5%/năm Mức lãi suất cho vay ưu đãi với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở năm 2019 là 5%/năm. Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 255/QĐ-TTg quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng...