Có “lộc biển” đầu xuân, ngư dân kỳ vọng một năm bám biển nhiều niềm vui
Gác lại không khí Tết sum vầy, đầm ấm, bà con ngư dân ven biển Hà Tĩnh lại hối hả bám biển mưu sinh. Những mẻ lưới đầy cá tươi đầu xuân khởi đầu cho mùa bám biển mới đầy hi vọng…
Chúng tôi có mặt tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh một ngày đầu xuân. Bỏ lại sau lưng những ngày Tết đầm ấm, vui tươi, giờ là lúc người dân nơi đây bắt đầu bước vào những vòng quay, vụ mùa, những ngày tháng mưu sinh mới. 8h sáng, nơi bờ biển kéo dài gần chục cây số của xã từng tốp ngư dân đang tất tả kéo lưới, hái lộc biển đầu xuân.
“Sẵn sáng chưa? Bắt đầu được chưa? Bắt đầu kéo nha” – Tiếng hét đến át cả tiếng gió, tiếng sóng biển của anh Nguyễn Văn Long, trú xóm Xuân Hải, xã Thạch Bằng như là mệnh lệnh hô 11 con người còn lại bắt đầu kéo tấm lưới quét dài 400m từ xa ngoài biển vào bờ. Sau tiếng hô ấy, hai tốp ngư dân trong nhóm của anh Long tay cầm chặt dây kéo, chân đều nhịp bước lùi bước về phía sau.
Thoạt nhìn để có được chiến lợi phẩm từ biển có vẻ rất dễ dàng, nhưng hóa ra nếu không có sức khỏe, đặc biệt là kinh nghiệm ắt sẽ rất khó để kéo mẻ lưới có sức nặng hơn cả con tàu lên bờ. Sức nặng từ mẻ lưới đã khiến dây kéo căng, có cảm giác nó bị đứt bất cứ lúc nào. Vì thế, 6 người trong một tổ phải di chuyển nhịp nhàng, bước chân trước sau như một. Kéo hết một lượt dây, lần lượt từng người lại chạy sát xuống mép biển để bắt đầu lượt kéo khác. Phải mất đến hàng chục lượt, mất từ 1,5 đến 2 tiếng đồng hồ, 12 còn người mới hoàn thành một mẻ lưới…
Mẻ lưới thứ 2 của nhóm anh Long mà chúng tôi chứng kiến ước chỉ đạt hơn 3 yến cá, với nhiều chủng loại như cá rọc (được người dân ưa thích mua hầm khế) cá ngứa, cá thu, cá trích và nhiều con rạm biển. Chứng kiến cá tươi rói, nhiều nhóm du xuân biển đầu năm đã mua ủng hộ bà con. Giá cá ngứa to như cổ tay có giá bán 300.000đồng/kg, còn lại là dưới 100.000đồng/kg. Đầu xuân, người bán, người mua đều vui vẻ.
Video đang HOT
Mớ cá ngứa tươi rói được bà con bán ngay tại biển với giá 300.000 đồng/kg.
Anh Long nở nụ cười cho biết, hơn 3 yến cá/mẻ lưới như ngày đầu xuân này là chấp nhận được rồi. Vừa tăng thu nhập, nhưng cái chính là các thành viên trong tổ ra biển với tâm thế “chạy đà” để chuẩn bị cho cả mùa vụ mất nhiều sức lực phía trước. “Qua vài đợt lạnh nữa là mùa du lịch biển đã bắt đầu rồi. Khi đó, cá mà bà con đánh bắt ven bờ như thế này rất được du khách ưa chuộng, các nhà hàng gom hết. Khi đó ngư dân như chúng tôi bám biển cũng cực hơn, cần nhiều sức hơn” – anh Long phấn chấn cho biết.
Cá tươi rói, nhiều người đi chơi biển đầu xuân đã ghé mua cho bà con.
Dạo một vòng quanh bờ biển Thạch Bằng, Thạch Kim của huyện Lộc Hà, ngoài ngư dân kéo lưới từ trên bờ như nhóm của anh Long, thì thuyền bè của bà con ngư dân ở đây đã ra khơi, thậm chí nhiều bà con đã bắt đầu cuộc mưu sinh bám biển từ hôm mùng 2 Tết. Nhiều tàu thuyền đã cập bến, những mẻ lưới đầy cá tươi đầu năm đã khởi đầu cho mùa bám biển mới…
Văn Dũng – Tiến Hiệp
Theo Dantri
Đón giao thừa với... cá, tôm
Ngày cuối năm, trong khi nhà nhà quây quần bên mâm cơm, tưởng nhớ tổ tiên và ôn lại chuyện cũ, đón xuân sang, thì nhiều ngư dân Bình Định vẫn vươn khơi, đón khoảnh khắc giao thừa ngay trên biển
Chuyến biển đặc biệt
Sau khi cập cảng cá Quy Nhơn để bán "lộc biển" cho thương lái, ngư dân Đinh Công Trải (trú xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) - chủ tàu BĐ 97961 TS cùng nhiều bạn thuyền đã có bữa cơm tất niên sớm để chuẩn bị chuyến vươn khơi xuyên tết. Bên mâm cơm, anh Trải cho hay: "Đã 20 năm lênh đênh trên biển để kiếm sống, chỉ có 2 năm tôi đón tết cùng gia đình ở đất liền. Buồn nhưng cũng chấp nhận vì 2 chữ mưu sinh của bản thân và cả gia đình".
Ngư dân Bình Định bán "lộc biển" xong lại nhổ neo ra khơi đánh bắt xuyên tết. Ảnh: Dũ Tuấn
Sinh ra ở làng chài ven biển Hoài Nhơn, khởi nghiệp bằng nghề đánh bắt ven bờ, đi bạn làm thuê..., giờ đây anh Trải đã có trong tay con tàu 870 mã lực, trị giá hàng tỷ đồng. Hầu như tháng ngày nào anh cũng theo tàu nên việc đón giao thừa ngoài khơi với anh là câu chuyện quá đỗi bình thường.
Vật giá ngày cuối năm tăng nên chi phí chuyến biển cuối năm thường cao hơn khoảng 20% so với ngày thường, nhưng ngư dân Trải vẫn chấp nhận ra khơi. "Tàu tôi đánh bắt bằng nghề lưới vây và câu cá ngừ đại dương. Chuyến này, phí tổn để vươn khơi khoảng 160 triệu đồng. Chắc cũng hơn 1 tháng sau mới vào bờ, hy vọng tàu sẽ đánh bắt được nhiều "lộc biển" để chia phần cho anh em, xứng đáng với những ngày xa nhà trong dịp tết"- ngư dân Trải chia sẻ.
Theo ngư dân Nguyễn Văn Việt (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 97244 TS, sở dĩ ngư dân vươn khơi xuyên tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Hơn nữa, những tháng trước tết, biển thường có bão nên việc đánh bắt của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Ngư dân quan niệm rằng, ra khơi may mắn, tàu nhiều cá và trở về bình an trong ngày ra quân đầu năm thì cả năm sẽ thuận buồm xuôi gió, bội thu. "Cuối năm thời tiết thuận lợi nên chắc chắn có khoảng 50% số tàu của tỉnh Bình Định sẽ đón Tết tại các ngư trường lớn như Hoàng Sa, Trường Sa"- ngư dân Việt cho hay.
Những làng vắng đàn ông
Nhiều người cho rằng nơi ăn tết trên biển đông nhất tỉnh Bình Định vẫn là ngư dân vùng biển Hoài Nhơn. Vào dịp tết, nhiều ngôi làng vùng này vắng bóng đàn ông vì đang ở ngoài biển.
Bình Định có khoảng 6.350 tàu cá cùng 45.000 ngư dân luôn thường trực trên biển. Rất nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ trong ngày cuối năm. Họ đón giao thừa giữa biển, chịu nỗi buồn xa gia đình nhưng cũng đang thầm lặng góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương". Ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định
Trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Chí Công- Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho hay: "Hiện địa phương chúng tôi có khoảng 2.100 tàu khai thác thủy sản, có công suất 90CV trở lên. Ước tính Tết Đinh Dậu có khoảng 500 tàu cá với 3.500 ngư dân ăn tết trên biển".
Chúng tôi gặp ngư dân Trần Xuân Quang (SN 1965, trú xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) - người đã có 30 năm kinh nghiệm đánh bắt trên biển, nghe ông trải lòng tâm sự: "30 năm làm nghề biển nhưng có đến 15 năm tôi đón tết trên biển, giờ đã thành thói quen rồi. Ra biển dịp tết ta, mình chủ yếu mong kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình, nên khó khăn hay cản ngại gì cũng vượt qua hết".
Ngư dân Trần Xuân Quang lập gia đình và nuôi 5 đứa con ăn học từ nghề đi biển của ông. Không đủ kinh phí để sắm tàu nên ông đành đi bạn. "Cách đây hơn 20 năm, cái tết đầu tiên xa nhà với tôi là nỗi buồn vô bờ bến. Trong đất liền đang vui giây phút giao thừa thì chúng tôi nỗ lực kéo lưới, mồ hôi nhễ nhại và nhớ vợ con đến phát điên giữa trời nước đen ngòm. Nhưng rồi cái Tết thứ 2, thứ 3 qua đi..., giờ đây đón tết trên biển đã thành thói quen. Chúng tôi xem ngư trường là nhà, bạn thuyền là người thân nên cứ thế vui vẻ. Ngày tết chỉ khác ngày thường là anh em được ăn nhiều đặc sản tết và lòng cũng chộn rộn hơn"- ngư dân Quang chia sẻ.
Theo Danviet
Đào, quất khoe sắc đón Tết ở Hà Nội Không khí chuẩn bị đón Tết đã rộn ràng trên phố phường Thủ đô với đào, quất, hoa tươi khoe sắc, và các cửa hàng bán đồ trang trí Tết nhộn nhịp khách ra vào. Do nền nhiệt khá cao trong mùa đông miền Bắc, nên năm nay đào đã bung nở sớm với số lượng lớn tại các nhà vườn. Dự báo...