Có khả năng Sao mai miền Nam bị chơi xấu?
Thắc mắc quanh sự cố âm thanh và ban nhạc tại Sao mai miền Nam được giải đáp.
Đêm chung kết miền Nam của cuộc thi Sao Mai 2011 để lại ấn tượng khó quên vì một sự cố hi hữu. Âm thanh nhiều lần mất tăm khi thí sinh đang thi, khiến 2 thí sinh phải thi lại. Âm thanh sân khấu chết hàng chục phút dẫn đến màn giao lưu lê thê ngoài kịch bản của MC với đại diện nhà tài trợ, người nhà của thí sinh cùng hầu hết các thí sinh trong phòng chờ.
Đỉnh điểm của màn giao lưu này là các thí sinh nắm tay nhau hát Nối vòng tay lớn, Như có Báctrong ngày vui đại thắng và Bốn phương họp mặt để lấp chỗ trống.
Hai thí sinh được thi lại đêm 31-7 xem ra còn may mắn hơn thí sinh Mai Hương ở đêm thi cấp TPHCM, cũng gặp sự cố (với ban nhạc), nhưng không được thi lại. Ông Lê Nguyên Long, Phó giám đốc kênh VTV9, Trưởng BTC Sao Mai phía Nam trao đổi về sự cố mà ông gọi là “ngoài ý muốn” này.
Võ Nguyễn Thành Tâm cũng 2 lần gặp sự cố ngay trong phần thi thứ 2
Ông có thể cho biết nguyên nhân của sự cố?
Do nhà hát Bến Thành không đủ thiết bị âm thanh, chúng tôi phải thuê một đơn vị ánh sáng âm thanh chuyên nghiệp là công ty Nhạc Xanh, từng kết hợp với bọn tôi làm thành công nhiều chương trình. Trong đó có thi Tiếng hát dân ca, phức tạp hơn Sao Mai nhiều.
Tối qua các anh ấy cho biết do bộ điều khiển của máy tính bị sự cố, dẫn đến sụp toàn bộ âm thanh. Cũng may cuối cùng khắc phục để các em hát được đầy đủ, nhưng về công tác sản xuất chương trình thì đúng là đau đớn. Bọn tôi mấy chục năm làm truyền hình chưa bao giờ bị như thế.
Liệu sự cố vừa rồi có phải do nhà đài bị “chơi xấu”?
Theo tôi không có khả năng bị phá hoại. Đêm qua, tôi nói với bên Nhạc Xanh là phải làm ngay báo cáo. Sau lần trục trặc âm thanh đầu tiên, mọi người bảo có người đi qua vướng dây. Tôi đã xuống tận nơi xem, yêu cầu bảo vệ, chốt chặn khu vực đó, không cho ai qua lại. Làm sao có chuyện người ta chơi xấu, dứt dây ra được. Cứ một lát là bộ máy chỉ huy toàn bộ dàn âm thanh tự nhiên sụp, không điều khiển được. Tức thế cơ chứ!
Đây là bài học. Khán giả tại chỗ rất thông cảm, vỗ tay động viên thí sinh. Có điều mình buồn vì chương trình bị lê thê, câu giờ.
Video đang HOT
Vâng, và thật khó xử cho 2 MC?
MC như vậy là giỏi đấy! Tất nhiên tôi đã có tình huống dự phòng, như lắp đặt phòng chat cho thí sinh ngồi. Hôm qua không có cái đó là thua. Tôi đã phải nghĩ đến chuyện nếu có việc gì đó thì phỏng vấn thí sinh, khán giả để lấp…
Bùi Ca Roon- thi lại vẫn về nhất bảng nhạc nhẹ Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
BTC liệu có chắc chắn những đêm thi sau không xảy ra sự cố tương tự?
Không biết được. Tối qua tôi buồn, không ngủ được. Nếu sự cố về nội dung hoặc cái gì trong tay mình thì mình đỡ buồn. Đây mình chuẩn bị quá chu đáo. Các tiết mục dàn dựng công phu hơn. Mất hơn chục triệu để dàn dựng tiết mục múa mở màn đấy chứ. Hoặc giá mình thuê ban nhạc không ra làm sao. Đằng này ban nhạc đều đánh cho chương trình Quà tặng tình yêu, từng thử thách qua các cuộc thi…
Cũng chính ban nhạc này đã chơi ở một tông quá cao khiến thí sinh Mai Hương chới với trong đêm thi Sao Mai TP.HCM?
Mai Hương sai ở chỗ không nộp bản phối. Thí sinh phải đăng ký 3 bài hát và đưa bản nhạc, đưa tông để người ta phối- Mai Hương không có, bảo tự lo bài phối. Sáng hôm sau, cô ấy đưa một bản nhạc với vài nét gạch, không phải bản phối.
Hát sai là do thí sinh đó. Nghiêm khắc ra chúng tôi không cho thi, vì vi phạm quy chế. Nói chung cuộc thi nào cũng thương thí sinh, nên cho Mai Hương thi cuối cùng. Nhưng thí sinh này tôi nói thật, cố tình tạo scandal để nổi tiếng.
Ông còn điều gì muốn nói với khán giả?
Rất mong khán giả thông cảm về sự cố. Chúng tôi muốn tổ chức cuộc thi sao cho trọn vẹn. Để khán giả thưởng thức bữa tiệc mất ngon giữa chừng thì đáng buồn.
Bên lề sự cố Sao Mai 2011
NSƯT Trịnh Lê Văn, Trưởng BTC Sao Mai toàn quốc lý giải sự cố: “Đó là một tai nạn, phần mềm của bàn mixer kỹ thuật số bị treo. Sau đấy tôi có nói MC xin lỗi khán giả.” Ông Văn cũng không đảm bảo những đêm thi sau sẽ không xảy ra chuyện tương tự: “Mấy đêm trước đêm truyền hình trực tiếp, mọi chuyện rất tốt. Một khi tai nạn xảy ra, thôi thì cố gắng xử lý, làm hết sức có thể “.
NSƯT Huyền Thanh, Phó BTC Sao Mai toàn quốc giải thích thêm về việc Mai Hương không được thi lại: “Chính hành vi cướp mic MC để nói của bạn ấy đã khiến cho BTC không muốn cho bạn ấy thi lại”.
Theo Vietnamnet
Sao Mai miền Nam gây ức chế thí sinh, khán giả
Có thể nói đây là một đêm thi gây nhiều thất vọng nhất với khán giả cả nước kể từ đầu mùa giải Sao Mai 2011 vì "dính" quá nhiều sạn cả từ khâu tổ chức của BTC lẫn phần trình bày của các thí sinh trong đêm.
Bi kịch mang tên... âm thanh và ban nhạc
Tối qua, sau khi theo dõi xong đêm chung kết khu vực miền Nam, nhiều khán giả đã tự đặt ra câu hỏi: Không hiểu rằng ban tổ chức Sao Mai khu vực này quá chủ quan hay gặp đen đủi mà một chương trình đang được phát sóng trực tiếp đã 4 lần phải dừng sóng khi thí sinh đang biểu diễn vì sự cố âm thanh.
Sự cố đầu tiên trong đêm rơi vào phần trình bày của thí sinh dự thi dòng Giao hưởng thính phòng - Võ Nguyễn Thành Tâm. Anh là thí sinh thứ 2 phải thể hiện trong đêm thi, tuy nhiên khi đang hát hết đoạn 1 của ca khúc Sapa thành phố trong sương (Vĩnh Cát), âm thanh bỗng dưng bị tắt, ban nhạc, thí sinh và ngay cả khán giả cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Sau đó khoảng 1 phút, sự cố được khắc phục, Thành Tâm được ban giám khảo cho phép trình bày lại ca khúc, nhưng khi anh đưa micro lên chuẩn bị hát thì âm thanh lại tiếp tục bị mất đi một lần nữa. Phải đến lần thứ 3, Thành Tâm mới thể hiện trọn vẹn bài dự thi của mình. Là thí sinh đầu tiên gặp phải sự cố có lẽ Thành Tâm ít nhiều cũng gặp phải những áp lực nên đã thể hiện bài thi của mình không được tốt, anh gặp khá nhiều lỗi trong cách xử lý.
Thí sinh Võ Nguyễn Thành Tâm không may gặp sự cố âm thanh
Sau 2 sự cố âm thanh đầu tiên, khán giả tiếp tục hồi hộp theo dõi cuộc thi và hy vọng sẽ không gặp phải trường hợp tương tự như vậy nữa. Tuy nhiên, đến gần hết danh sách các thí sinh dự thi, âm thanh tiếp tục lại "tắt ngóm" 2 lần cùng một tiết mục của thí sinh Bùi Ca Roon tại dòng nhạc nhẹ khi anh đang thể hiện ca khúc Con cò (Lưu Hà An).
Phải mất khoảng 15 phút, khi âm thanh được khắc phục, Ca Roon mới có thể trình bày lại ca khúc dự thi của mình. Đáng tiếc cho Ca Roon khi anh thể hiện lại phần dự thi của mình, khán giả tại nhà hát Bến Thành đã bỏ về gần hết, tuy nhiên do sự nỗ lực hết mình, Ca Roon hát khá tốt, nếu những nốt cao Ca Roon hát tròn trịa hơn thì bài dự thi sẽ được đánh giá cao hơn nữa.
Do mất quá nhiều thời gian vì phải dừng sóng đợi khắc phục kỹ thuật và 2 thí sinh trình bày lại ca khúc của mình, chung kết Sao Mai khu vực miền Nam đã bị lấn thời gian phát sóng khá nhiều. Dự kiến chương trình sẽ kết thúc trước 0h sáng. Tuy nhiên, khi chương trình kết thúc, đồng hồ đã là 0h20 phút của ngày 01/08.
Thí sinh Bùi Ca Roon cũng gặp trường hợp tương tự
Ngoài "hạt sạn" về âm thanh, chung kết Sao Mai khu vực miền Nam còn gặp phải sự cố đang tiếc ở phía ban nhạc. Tối qua, ban nhạc thật sự chơi rất tệ, đã rất nhiều lần thí sinh phải "nhăn nhó mặt mày" vì ban nhạc đánh chệch hòa thanh. Điều này khiến thí sinh phải chạy theo ban nhạc, trong khi từ trước đến giờ đáng lẽ ra ban nhạc mới là "người" phải chạy theo thí sinh.
Những phần dự thi nhạt nhòa của các thí sinh
Trong danh sách 27 thí sinh được xướng tên đi tiếp vào chung kết xếp hạng cuộc thi Sao Mai 2011 chỉ có 5 thí sinh đến từ khu vực Tp Hồ Chí Minh (trong đó có 3 thi sinh chắc chắn được bước tiếp vì đứng đầu 3 thể loại dự thi của khu vực). Với kết quả này cũng đủ kết luận rằng màn thể hiện của các thí sinh tại khu vực này nhạt nhòa đến cỡ nào. So về mặt bằng chung của các thí sinh cả nước năm nay, có lẽ các thí sinh tại thành phố Hồ Chí Minh là "kém" nhất.
5 thí sinh giành quyền đi tiếp của khu vực miền Nam
Ba thí sinh đạt số điểm cao nhất tối qua lần lượt là Phạm Khánh Ngọc (Thính phòng), Dương Thị Tú (Dân gian), Bùi Ca Roon (Nhạc nhẹ), ngoại trừ Dương Thị Tú đã có phần thể hiện khá xuất sắc, còn lại màn dự thi của Phạm Khánh Ngọc và Bùi Ca Roon cũng chỉ dừng lại ở mức độ bình thường.
Các thí sinh dự thi phần thi nhạc thính phòng của khu vực thành phố Hồ Chí Minh đều không tạo được ấn tượng tốt với khán giả cũng như ban giám khảo. Mở màn cho đêm thi, thí sinh Nguyễn Đại Thành lựa chọn Tìm em (Trần Hoàn) có thể nói là khá an toàn. Tuy nhiên anh lại hát khá hổn hền, lấy hơi chưa đều, thậm chí đôi chỗ còn khá chênh phô. Ba thí sinh nam còn lại cũng gây thất vọng cho khán giả khi họ đều có những màn thể hiện kém chất lượng trên sân khấu.
Thí sinh duy nhất của khu vực Tp Hồ Chí Minh dòng nhạc này giành quyền đi tiếp là Phạm Khánh Ngọc cũng chưa thật sự thể hiện hết mình. Về kỹ thuật thanh nhạc, Khánh Ngọc thể hiện khá tốt, tuy nhiên nhược điểm của Khánh Ngọc là hát chưa thật sự rõ lời, điều đặc biệt nữa là phần khẩu hình của Khánh Ngọc không được đẹp cho lắm, mà về phần này lại là yếu tố chính để đánh giá các thí sinh dự thi dòng nhạc thính phòng.
Trong danh sách 15 thí sinh lọt vào đêm chung kết khu vực Sao Mai miền Nam chỉ có 4 thí sinh dự thi dòng nhạc Dân gian. Tuy nhiên những phần dự thi của các thí sinh tham giạ dòng nhạc này lại gây được ấn tượng tốt nhất với khán giả có mặt tại nhà hát Bến Thành đêm qua, ngoại trừ phần thể hiện ca khúc Bài ca thống nhất (Võ Văn Di) của thí sinh Nguyễn Thị Hồng Báu. Ca khúc này có phần quá sức với cô gái vừa tròn 21 tuổi này, mặc dù dồn toàn sức lực cho việc thể hiện bài hát nhưng Hồng Báu vẫn khiến khán giả phải nín thở vì những quãng lên cao đến "chói tai" của cô.
Thí sinh Nguyễn Thị Hồng Báu hoàn thành khá tốt phần dự thi của mình
Giành quyền đi tiếp vì đạt số điểm cao nhất từ phía giám khảo, đồng thời nhận luôn giải thưởng khán giả bình chọn trong đêm, thí sinh Dương Thị Tú đã đạt được niềm vui kép, tối qua. Với ca khúc Sông ơi đừng chảy (Nguyễn Vĩnh Tiến), Dương Thị Tú thể hiện khá tinh tế, nhiều cảm xúc, cộng với việc xử lý kỹ thuật tốt, việc cô là thí sinh có được số điểm cao nhất tại dòng nhạc này là một điều không gây bất ngờ.
Một thí sinh khác cũng may mắn được bước tiếp vào vòng trong là chàng trai sinh năm 1990 - Nguyễn Văn Thế. Có thể nói, Văn Thế là một thí sinh sở hữu giọng hát khá đẹp, cách xử lý bài hát của anh cũng rất trọn vẹn khi trình bày Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc - Lữ Giang). Tuy nhiên giá như anh đừng chịu ảnh hưởng bới một nghệ sỹ nào khi hát thì tốt biết mấy. Bởi lẽ khi Văn Thế hát, người ta hình dung ra ngay nghệ sỹ Trung Đức, vì anh hát quá giống với giọng hát tên tuổi này cả về cách luyến láy, cũng như cách xử lý bài hát.
Nguyễn Văn Thế hát rất giống nghệ sỹ Trung Đức
Mặc dù gặp sự cố 2 lần trong khi đang trình bày ca khúc Con cò (Lưu Hà An), nhưng thí sinh Bùi Ca Roon đã gạt hết những áp lực hoàn thành tốt phần dự thi của mình để trở thành thí sinh đạt số điểm cao nhất của dòng Nhạc nhẹ. Khi hát Con cò, tuy những nốt cao của Ca Roon chưa thật sự chắc chắn, nhưng với phần trình bày khá "sạch sẽ" của Ca Roon, việc anh giành quyền đi tiếp là một phần thường hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực của anh.
Ngoài Ca Roon, dòng nhạc nhẹ cũng ghi nhận 2 gương mặt khá quen thuộc với khán giả truyền hình, đó là 2 thí sinh "trưởng thành" từ cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2010: Đỗ Xuân Sơn (giải 2) và Lê Huy Đạt (giải 4). Với Đỗ Xuân Sơn, kết quả đêm qua khá tiếc nuối cho anh, Xuân Sơn sở hữu một giọng hát trầm ấm, khá đẹp, tuy nhiên việc lựa chọn bài hát sai lầm đã khiến anh không thể bước tiếp. Ca khúc Biển đêm (Lê Vinh) mà Xuân Sơn lựa chọn để "so tài" là một ca khúc khá đều đều, không có điểm nhấn.
Lê Huy Đạt ghi điểm qua cách chọn bài thông minh
Ngược lại với Xuân Sơn, thí sinh Huy Đạt lại là một thí sinh khá thông minh trong cách chọn bài. Ca khúc Hà Nội của tôi ơi (Lê Minh Sơn) đã từng giúp cho Huy Đạt giành số điểm cao nhất trong cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2010 đêm thi thứ 3 nên anh đã quyết định hát lại ca khúc này trong cuộc thi Sao Mai năm nay. Và chính vì sự lựa chọn thông minh này đã giúp cho Huy Đạt tiếp tục có cơ hội chinh phục giấc mơ Sao Mai khi may mắn là thí sinh cuối cùng giành quyền đi tiếp.
Cũng trong đêm qua, danh sách 27 thí sinh lọt vào chung kết Toàn Quốc cuộc thi Sao Mai 2011 đã được công bố. Trong đó khu vực miền Bắc áp đảo với 15 thí sinh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên 7 thí sinh và khu vực miền Nam chỉ vẻn vẹn 5 thí sinh. Chung kết toàn quốc giải Sao Mai 2010 sẽ diễn ra từ 7/8/ đến 4/9 tại Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Dương Thị Tú hạnh phúc khi được khán giả bình chọn nhiều nhất
Danh sách 27 thí sinh lọt vào vòng chung kết Toàn Quốc giải Sao Mai 2011
Thính phòng: Nguyễn Khánh Ly (Bắc Giang), Vũ Thắng Lợi (Quảng Ngãi), Phạm Khánh Ngọc (TPHCM), Đào Thị Tố Loan (Hà Nội), Đào Văn Mác (Hà Nội), Nguyễn Huyền Hương (Hải Phòng), Nguyễn Duy Quyết (Hà Tĩnh), Ngô Văn Đức (Thái Bình), Hoàng Viết Danh (Quảng Bình).
Dân gian: Lương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Phương Thanh (Nghệ An), Dương Thị Tú (TPHCM), Nguyễn Thị Bích Hồng (Hà Nội), Vũ Minh Vương (Thái Bình), Nguyễn Văn Thế (TPHCM), Trần Thị Thanh Hoa (Hưng Yên), Trần Thị Huyền Trang (Nghệ An), Vũ Thị Ngân (Tuyên Quang).
Nhạc nhẹ: Lê Việt Anh (Hà Nội), Đỗ Thị Lam (Thanh Hóa), Bùi Ca Roon (TPHCM), Nguyễn Huy Quyết (Hải Phòng), Thiều Bảo Trang (Quảng Ninh), Hoàng Thị Quỳnh Trang (Nghệ An), Nguyễn Trần Trung Quân (Hà Nội), Đoàn Thị Thúy Trang (Hà Nội), Lê Huy Đạt (TPHCM).
Theo VnMedia
Ồn ào quanh vụ thí sinh Sao mai "tố" ban nhạc Theo những thông tin từ phía ban nhạc cho biết, sở dĩ họ đánh sai tông ở phần biểu diễn của Trương Thị Mai Hương là bởi thí sinh này không đưa bản phối cho họ trước khi biểu diễn. Nói về trường hợp của Trương Thị Mai Hương, thí sinh Sao mai tố ban nhạc đánh sai nhạc dẫn đến việc phần...