Có hơn 100 triệu đồng quyết mua nhà gần 2 tỷ đồng, chàng trai 26 tuổi chia sẻ ‘trả lãi ngân hàng có là gánh nặng?’
Chỉ từ số vốn vỏn vẹn hơn 100 triệu đồng, chàng trai trẻ 9X từ Huế đã mua được căn hộ chung cư hơn 1,8 tỷ đồng tại TP.
Hồ Chí Minh để an cư. Bí quyết nào giúp 9X có thể mua được nhà với số tiền ấy?
Quyết định mua nhà khi trong tay mới có trên 100 triệu đồng
Đặt mục tiêu sẽ có nhà năm 30 tuổi, thế nhưng bằng sự liều lĩnh của mình và nhất là sau khi chia tay người yêu, đầu năm 2022, Trần Văn Quân (sinh năm 1995) đã quyết định mua một căn hộ chung cư để an cư, đạt mục tiêu trước 4 năm.
Có hơn 100 triệu đồng mua nhà gần 2 tỷ đồng, chàng trai trẻ 26 tuổi chia sẻ bí quyết mà nhiều người có thể làm được…
Là người con đất Huế, vào Sài Gòn làm việc được 6 năm nay, chia sẻ với PV Infonet, Quân cho biết, mỗi tháng phải chi trả khoảng 7 triệu đồng tiền thuê nhà. Chàng trai trẻ luôn tự hỏi, nếu ở thuê lâu quá mà không mua nhà thì đến 10-20 năm sau sẽ có gì trong tay? Sẽ không có gì cả, còn bây giờ cố gắng hơn sẽ có căn nhà cho riêng bản thân.
Vì thế, Quân đã quyết định mua căn hộ chung cư tại dự án Vinhomes Grand Park khi trong tay mới tiết kiệm được số tiền hơn 100 triệu đồng.
Quân hỏi mượn bố mẹ hơn 400 triệu đồng để có đủ 600 triệu đồng thanh toán 30% giá trị căn hộ. 70% giá trị căn hộ còn lại, Quân vay ngân hàng và trả góp hàng tháng.
Nếu mua nhà ở trung tâm TP Hồ Chí Minh với giá tiền hơn 1,8 tỷ đồng là không có nên buộc chàng trai 9X phải chọn dự án ở xa trung tâm và chấp nhận di chuyển quãng đường dài 18km mỗi ngày từ nhà đến nơi làm việc, mất khoảng 45 phút mỗi lượt.
Video đang HOT
Căn hộ Quân mua chuyển nhượng có diện tích 47m2, giá 1,840 tỷ đồng.
Ngoài số tiền trả lãi vay ngân hàng, Quân còn quẹt thẻ tín dụng và vay mượn thêm của đồng nghiệp số tiền gần 200 triệu đồng để làm nội thất cho căn hộ.
“Từ ngày mua được nhà, mình tự hào lắm, ngày nào cũng không ngủ được. Quyết định mua nhà của mình cũng để bố mẹ đỡ lo lắng khi mình một thân một mình làm ăn xa ở Sài Gòn, còn bố mẹ ở Huế”, Quân chia sẻ.
Đặt mục tiêu trả nợ 70% vay ngân hàng trong 5 năm
Làm sales chuyên bán các kỳ nghỉ du lịch, Quân cho hay cũng có đôi chút liên quan đến bất động sản nên cũng có chút kiến thức khi tìm hiểu mua nhà. Hơn nữa, việc mua nhà của Quân cũng nhận được sự động viên, tư vấn rất nhiều từ người sếp của mình.
Từng góc nhà được Quân tự tay chăm chút, đặt kế hoạch mua nhà năm 30 tuổi nhưng chàng trai này đã đạt mục tiêu trước 4 năm, khi mới 26 tuổi.
Quân tính toán, căn hộ mình mua ở dự án có vị trí nằm ngay gần tuyến Metro, khi metro vào hoạt động từ cuối năm sau, cùng với nhiều tiện ích xung quanh dự án thì sau này giá nhà tăng, Quân có thể bán đi để lấy tiền mua căn hộ diện tích lớn hơn.
Còn chuyện phải trả nợ 70% giá trị căn hộ vay ngân hàng, tức khoảng hơn 1,2 tỷ đồng thì có quá mạo hiểm và khó khăn không? Quân cho hay, bản thân thấy cũng không quá mạo hiểm khi hàng tháng sẽ trả nợ tiền ngân hàng một số tiền không quá chênh lệch nhiều so với số tiền đi thuê nhà hàng tháng.
Theo đó, trong hai năm đầu chưa phải trả gốc, Quân chỉ phải trả lãi mỗi tháng hơn 8 triệu đồng. Từ năm thứ ba trở đi sẽ phải trả cả gốc và lãi thì số tiền phải trả ngân hàng mỗi tháng gần 12 triệu đồng.
“Khi thuê nhà thì mình chưa bận tâm nhiều, nhận lương bao nhiêu là tiêu bấy nhiêu, không có khoản tiết kiệm nào cả. Số tiền hơn 100 triệu đồng có được do thời gian dịch bệnh không tiêu được nên mình tích cóp lại có số tiền đó.
Thế nhưng, từ khi mua nhà, mình hạn chế từ việc ăn uống, chi tiêu để tiết kiệm trả nợ số tiền vay mua nhà, cảm thấy có động lực để bản thân kiếm tiền nhiều hơn, bớt đi những buổi tụ tập bạn bè, bớt mua sắm ăn chơi không cần thiết….
Làm sales, số tiền kiếm được không cố định, ở thời điểm hiện tại mức lương của mình khá ổn, khoảng 40 triệu đồng/tháng nên kế hoạch tự đặt ra cho chính mình là sẽ trả nợ ngân hàng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng trong vòng 5 năm”, Quân chia sẻ.
Với số tiền vay ngân hàng 70% giá trị căn hộ, tức hơn 1,2 tỷ đồng, Quân lên kế hoạch sẽ kiếm tiền và trả nợ trong vòng 5 năm.
Đặc thù công việc làm sales đi làm kín ngày, nếu tự làm nội thất sẽ rất cực nên Quân đã thuê một đơn vị thiết kế cho mình. Thế nhưng, do đơn vị này thực hiện quá lâu, không chờ đợi được nên Quân đã bỏ cọc rồi tự làm nội thất theo ý tưởng của mình, tự tay mua sắm từng bộ sofa, chiếc bàn….
Quân cho biết, tính từ lúc mua nhà đến nay gần 4 tháng, ngoài số tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng, Quân cũng đã trả được gần một nửa số tiền vay làm nội thất.
Chia sẻ bí quyết mua được nhà, Quân cho hay, ngoài quyết định liều lĩnh, mọi thứ mình đạt được đều nhờ sự cố gắng và kiên trì, không bỏ cuộc.
Công việc nào cũng có khó khăn, áp lực nhất định nhưng các bạn trẻ đôi khi không chịu đựng áp lực là nghỉ việc, chuyển sang công việc khác. Đôi khi không rèn luyện cho mình thì sẽ không có tính kiên trì. Chính vì thế, Quân muốn chia sẻ với các bạn trẻ dù làm bất cứ việc gì, cũng cần kiên trì, không bỏ cuộc; nhất là việc mua nhà, có an cư mới lạc nghiệp.
Dòng tiền cho vay bất động sản tập trung vào phân khúc cá nhân
Mặc dù dư nợ tín dụng bất động sản (BĐS) tăng trưởng mạnh trong các năm qua nhưng phần lớn chảy vào cá nhân mua nhà, trong khi các khoản rót vốn cho chủ đầu tư dự án lại bị thu hẹp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 783.942 tỷ đồng, tăng khoảng 84.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021 (tương ứng mức tăng 12%). Trong đó, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng. Đây là mức đã được duy trì từ cuối năm ngoái đến nay và được đánh giá là an toàn.
Tín dụng bất động sản sẽ hạn chế vay đầu cơ, đầu tư mà tập trung vào những khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thật.
Theo các ngân hàng, tỷ lệ cho vay BĐS tuy có cao nhưng vẫn trong mức cho phép. Hầu hết, các nguồn vốn vay này đều đi vào nhu cầu mua nhà thật nên rủi ro nợ xấu ngân hàng không cao. Cụ thể, tại ngân hàng ABBank, tỷ lệ cho vay BĐS của ngân hàng chỉ khoảng 6%, cho mua nhà ở khoảng 17%; nợ xấu liên quan đến BĐS và xây dựng cũng ở mức 0,1-0,15%.
Tương tự, tại ngân hàng Sacombank, dư nợ cho vay BĐS chiếm khoảng 22% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay người dân xây, sửa nhà chiếm đến 60%; cho vay doanh nghiệp BĐS chỉ chiếm khoảng 20%, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng của Sacombank.
Với OCB, tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ bất động sản cả kinh doanh và tiêu dùng, mua nhà ở là 32%, trong đó 72% là cho vay để mua nhà, 9% cho vay liên quan đến các dự án bất động sản. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc ngân hàng OCB, bản chất các dự án bất động sản mà OCB cho vay phần lớn là các dự án của đối tác, muốn tạo nguồn hàng để tiếp tục cho vay bán lẻ. Chiến lược của OCB là tập trung cho khách hàng cá nhân vay mua nhà có giá tầm trung khoảng 1 - 2 tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng cho biết, sở dĩ dư nợ tín dụng phần lớn tập trung vào cá nhân là do NHNN đang siết vốn vay các dự án đầu cơ vì nhiều rủi ro và tránh nợ xấu cao, nhất là trong thời điểm nền kinh tế trải qua 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng khuyến khích đối với tín dụng cho cá nhân vay mua nhà, nhất là đối với những người có thu nhập trung bình. Đây là phân khúc lâu nay nhiều ngân hàng "đang bỏ quên" nay sẽ là tiềm năng trong tương lai.
NHNN hiện đã giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro. Cụ thể, từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm về 37%; từ ngày 1/10/2022 đến 30/9/2023 còn 34% và giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023. Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2020, hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản tăng từ mức 150% lên 200%. NHNN cũng áp dụng hệ số rủi ro từ 50% đến 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà dưới 4 tỷ đồng.
Xét về con số tuyệt đối, các ngân hàng vẫn có dư địa cho bất động sản, bởi tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2021 vào khoảng 10,44 triệu tỷ đồng, trong đó tín dụng bất động sản chiếm 20%, tương đương 2,09 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kế hoạch của NHNN, tỷ trọng tín dụng bất động sản năm 2022 vẫn giữ nguyên 20%, tương ứng 2,38 triệu tỷ đồng, tăng gần 300.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng chủ yếu cho cá nhân vay mua nhà.
Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc hạn chế hoặc ngừng cho vay mua bất động sản của một số ngân hàng đến từ tình trạng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này tới ngưỡng, cần siết lại. Tuy nhiên, bất động sản vẫn là lĩnh vực đem lại lợi nhuận nhờ nhu cầu của thị trường lớn, lãi suất cho vay cao nên ngân hàng không thể bỏ qua.
Ông Lâm đưa ra khuyến nghị rằng, các ngân hàng sẽ siết tín dụng bất động sản một cách chọn lọc, không nên khóa van tín dụng bất động sản. Trường hợp tín dụng bị khoá đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu và phải mất nhiều năm mới xử lý được.
Tuy nhiên, theo NHNN, việc kiểm soát tín dụng trên nhằm hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, những dự án rủi ro lớn... Với những hồ sơ có nhu cầu vay vốn chính đáng về nhu cầu ở, mua nhà ở xã hội, các hợp đồng vay đúng chuẩn, đúng quy định vẫn được xét duyệt cho vay.
Sẽ có tuyến bus điện VinFast tại các khu nhà ở xã hội Vinhomes Theo Vinhomes, do các dự án nằm ở vùng ven nên Vinhomes sẽ triển khai tuyến bus điện VinFast kết nối khu nhà ở xã hội với các nút giao thông quan trọng. Thông tin này được ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Vinhomes tiết lộ. Theo ông Hoa: "Do các dự án nằm ở vùng ven nên chúng tôi sẽ triển khai...