Cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Australia
Sự thiếu hụt nguồn cung gạo mở ra một cơ hội khác để Australia nhận thức rõ hơn đối với những lời kêu gọi ngày càng tăng về nhu cầu cần đa dạng hóa thương mại và hội nhập với các thị trường mới.
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)
Trong bài viết đăng trên trang mạng australiavietnam.org, tác giả James Fairley của Tổ chức Đối thoại Lãnh đạo Trẻ Australia-Việt Nam nhận định việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác thương mại giữa Australia và Việt Nam sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho cả hai nước.
Theo bài viết, Giám đốc điều hành Tập đoàn SunRice – nhà cung cấp gạo lớn nhất Australia, Rob Gordon, mới đây thông báo “xứ Chuột túi” đang bị thiếu hụt một lượng lớn nguồn cung cấp gạo nội địa và buộc phải dựa vào gạo Việt Nam nhập khẩu trước dịp lễ Giáng sinh 2020.
Điều này cho thấy mối quan ngại về ảnh hưởng kinh tế gia tăng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động sản xuất trong nước của Australia.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, sự thiếu hụt nguồn cung gạo mở ra một cơ hội khác để Australia nhận thức rõ hơn đối với những lời kêu gọi ngày càng tăng về nhu cầu cần đa dạng hóa thương mại và hội nhập với các thị trường mới.
Thị trường gạo Australia
Sản lượng gạo của Australia duy trì độ biến động cao, do sự thay đổi của nguồn nước và giá các loại cây trồng thay thế.
Theo số liệu của Bộ Khoa học, Kinh tế Tài nguyên và Nông nghiệp Australia (ABARES) và Cơ quan Thống kê Australia (ABS), sản lượng gạo niên vụ 2019-2020 đạt khoảng 57.000 tấn.
Trong điều kiện thời tiết bình thường, dự đoán niên vụ 2020-2021, sản lượng gạo của Australia sẽ vào khoảng 266.000 tấn. Mức sản lượng này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm tính đến niên vụ 2018-2019 là 629.000 tấn.
ABARES dự đoán, trong bất kỳ trường hợp nào, những thay đổi cơ bản về nhu cầu nước và lợi nhuận tương đối thấp có nghĩa là năng suất thu hoạch lúa của Australia ngày càng kém đi.
Điều này sẽ thúc đẩy người nông dân lựa chọn các loại cây trồng thay thế khác như cây bông, do sẽ được hưởng lợi từ phát triển công nghệ và bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.
Người sáng lập, đồng thời là Giám đốc điều hành của Công ty kinh doanh nông nghiệp Lefarm, Lê Bình Nguyên, nhận định: “Đây là một chuyển động tự nhiên theo hướng tăng nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước… Câu hỏi ở đây là liệu Australia sẽ tập trung vào nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu hay hình thành chiến lược dài hạn bền vững, để chia sẻ và cùng phát triển đổi mới với Việt Nam, qua đó gắn kết sự hợp tác giữa hệ thống cung và cầu tốt hơn trong tương lai?”
Video đang HOT
Thu hoạch lúa ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: TTXVN)
Người dân Australia tiêu thụ khoảng 300.000 tấn gạo mỗi năm, trong đó nhập khẩu chiếm khoảng một nửa tổng lượng tiêu thụ – trung bình là 173.000 tấn giai đoạn 2009-2010 và 2018-2019.
Hầu hết gạo nhập khẩu là dòng gạo hạt dài đến từ các quốc gia châu Á, như Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ. Các nguồn nhập khẩu này cung cấp cho Australia một khối lượng gạo ổn định hơn so với nguồn sản xuất nội địa dễ bị thay đổi.
Sự không ổn định của hoạt động sản xuất gạo nội địa Australia, đặc biệt là trong niên vụ 2019-2020, cho thấy nhu cầu chủ động gia tăng nhập khẩu.
ABARES nhận định trong ngắn hạn (với mức thâm hụt năng suất 2019-2020), gạo sản xuất trong nước của Australia – khi thu hoạch lúa mỗi năm một lần vào mùa Thu – sẽ không thể có thêm cho tới năm 2021. Sự thiếu hụt này cần phải được bù đắp thông qua nhập khẩu.
Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam
Việt Nam là nhà sản xuất và xuất khẩu gạo chủ chốt trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, sản lượng và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng đáng kể, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới.
Theo Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng kể từ niên vụ 2016-2017, do nhu cầu mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 6,1 triệu tấn trong năm 2020 lên 7,86 triệu tấn vào niên vụ 2023-2024. Kết quả này được cho là nhờ vào khả năng cạnh tranh về giá so với các nước láng giềng trong khu vực, khi Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch thúc đẩy tăng sản lượng lúa lai 50% và tập trung phát triển khả năng sản xuất, xuất khẩu gạo trong tương lai.
Không giống như các nước láng giềng và đối thủ cạnh tranh Thái Lan, Việt Nam đã tăng năng suất trồng lúa cao hơn nhờ vào chính sách thâm canh cây trồng, được chính phủ ban hành từ rất sớm, khuyến khích người nông dân bỏ phương pháp luân canh để tối đa hóa sản lượng hàng năm.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thách thức do mực nước biển dâng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa chính của cả nước – bởi biến đổi khí hậu và các tác động của nó ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất trồng. Bên cạnh đó, việc phân loại, lựa chọn và dự trữ gạo cũng là những vấn đề mà Việt Nam phải giải quyết.
Nhu cầu đa dạng hóa thương mại của Australia
Việc thiếu hụt gạo của Australia và tiềm năng tăng cường hoạt động thương mại gạo với Việt Nam đang ngày càng được củng cố, nhờ vào tâm lý chính trị- xã hội ngày càng tăng về sự phụ thuộc chiến lược và mất cân bằng thương mại do hậu quả kinh tế mà đại COVID-19 gây ra.
Tác động của việc gián đoạn toàn cầu hóa và kết nối kinh tế (ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 khiến hầu hết các quốc gia đóng cửa biên giới, dừng hoạt động sản xuất và xuất khẩu, hay do một số nguyên nhân khác) đã thúc đẩy những lời kêu gọi Australia cần phải suy nghĩ nhiều hơn về việc đa dạng hóa.
Australua đang bị thiếu hụt một lượng lớn nguồn cung cấp gạo nội địa. (Nguồn: thenewdaily)
Nhiều học giả và các nhà kinh tế, chính trị cho rằng Australia cần nhìn xa hơn nữa, ra khỏi các đối tác truyền thống, như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc (bốn đối tác chiếm tới 55% tổng giá trị thương mại của Australia) và hướng tới “các khu vực đang phát triển có khả năng bổ sung cho hàng hóa, dịch vụ và chuyên môn của Australia, những nơi cung cấp đáng kể tiềm năng đa dạng hóa.”
Australia có thể mở rộng quan hệ với Việt Nam bằng cách thúc đẩy các cải tiến có ý nghĩa và cùng có lợi trong lĩnh vực này. Canberra có thể tăng cường các mối quan hệ đối tác mới trong đổi mới, tận dụng các kinh nghiệm và nghiên cứu học thuật của các tổ chức CSIRO, ABARES và các tổ chức khác để hỗ trợ chất lượng và tăng xuất khẩu gạo Việt Nam sang Australia.
Các cơ quan này đồng thời có thể củng cố những chương trình nghị sự chính sách hiện có về lúa gạo, do Cơ quan như Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) vận hành.
Canberra có thể hỗ trợ nông dân Australia chuyển đổi sang các loại cây trồng được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ như bông – một lĩnh vực được hưởng lợi nhiều từ tranh chấp thương mại Mỹ-Trung và cũng là một sản phẩm nhập khẩu đang tăng nhanh tại Việt Nam. Australia không nên xem việc nhập khẩu từ Việt Nam là phương án cuối cùng, mà là cơ hội để tạo dựng mối liên kết lâu dài có ý nghĩa với các đối tác mới nổi, đem lại lợi ích cho cả hai bên./.
Giá gạo xuất khẩu tuần qua ở Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan đều giảm
Giá gạo xuất khẩu giảm trong tuần này ở hầu hết quốc gia xuất khẩu gạo do nhu cầu yếu và nguồn cung mới được bổ sung cho thị trường gạo.
Gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU. Ảnh: TTXVN
Giá gạo xuất khẩu gạo giảm
Giá gạo xuất khẩu giảm trong tuần này ở hầu hết quốc gia xuất khẩu gạo do nhu cầu yếu và nguồn cung mới được bổ sung cho thị trường gạo.
Giá gạo đồ 5% tấm của quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ giảm xuống 376-382 USD/tấn trong tuần này, từ mức 379-385 USD/tấn trong tuần trước đó. Theo một nhà xuất khẩu ở Kakinada ở bang Andhra Pradesh, giá gạo ở Ấn Độ đang giảm do sản lượng gạo dự kiến tăng.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 472-477 USD/tấn trong tuần này, từ mức 475-495 USD/tấn trong tuần trước đó, chủ yếu do sự biến động của đồng baht của Thái Lan trong khi nhu cầu thấp. Theo một thương nhân ở Thái Lan, thị trường gạo đang tiếp nhận nguồn cung mới một cách đều đặn và điều này có thể từng bước kéo giá gạo đi xuống trong một vài tuần tới.
Còn tại Việt Nam, gạo 5% tấm được báo giá ở mức 460-480 USD/tấn, so với mức 470-475 USD/tấn trong tuần trước đó, khi hoạt động xuất khẩu trầm lắng với sự "vắng mặt" của các khách hàng đến từ Philippines.
Theo một thương nhân ở tỉnh An Giang, một số nhà xuất khẩu chỉ tập trung vào việc hoàn tất các hợp đồng cung cấp gạo đã ký với Cuba.
Các thương nhân cho rằng mực nước ở "vựa lúa" Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức thấp trong năm 2020 và họ quan ngại về nguy cơ hạn hán hay sương muối trong vụ canh tác sắp tới.
Thị trường nông sản Mỹ
Kết thúc phiên giao dịch 2/10, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương giảm còn giá lúa mỳ tăng.
Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá ngô giao tháng 12/2020 giảm 3 xu Mỹ (tương đương 0,78%) xuống còn 3,7975 USD/bushel khi đóng cửa. Giá đậu tương giao tháng 11/2020 chốt phiên với mức giảm 2,75 xu Mỹ (0,27%), xuống còn 10,2075 USD/ bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 tăng 3 xu Mỹ (0,53%) lên 5,7325 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo công ty nghiên cứu AgResource, khối lượng nông sản giao dịch trên sàn CBOT khá thấp khi ít thương nhân chấp nhận rủi ro trước đợt thu hoạch diễn ra vào cuối tuần. Giá ngô vẫn sụt giảm trong khi giá lúa mỳ đi lên do tình hình thời tiết khô ráo ở khu vực Tây Nam nước Nga và nhu cầu nhập khẩu 180.000 tấn lúa mỳ của Pakistan.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo Trung Quốc đã đặt mua 264.000 tấn đậu tương của Mỹ trong niên vụ 2020-2021.
Cũng theo AgResource, Bộ Nông nghiệp Nga sẽ có thể chấp thuận một hạn ngạch xuất khẩu lúa mỳ vào giữa tháng 10/2020 cho giai đoạn từ tháng 1-6/2021. Vụ thu hoạch lúa mỳ 2020 của Nga hiện đã hoàn tất 96% với năng suất tăng trung bình 7,4%, mức cao thứ hai trong lịch sử.
Chính phủ Argentine đã tạm thời giảm thuế xuất khẩu đậu tương đi 3 điểm % xuống còn 30%. Tuy vậy, các nông dân Argentine cho rằng mức giảm trên là quá thấp và chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi của họ.
Thị trường cà phê châu Á
Giá cà phê trong nước của Việt Nam giảm tuần thứ hai liên tiếp do tình hình thị trường thế giới trầm lắng, trong khi mức tiền cược đối với các hợp đồng mua bán cà phê của Indonesia vẫn ổn định khi một số nông dân vẫn duy trì lượng cà phê trữ kho.
Giá cà phê trong nước của Việt Nam giảm tuần thứ hai liên tiếp. Ảnh minh họa: TTXVN
Các nông dân ở Tây Nguyên, khu vực trồng cà phê lớn nhất Việt Nam, bán cà phê COFVN-DAK với giá 31.500-32.000 đồng (1,36-1,38 USD)/kg, thấp hơn mức 33.500 đồng/kg hồi tuần trước.
Vụ thu hoạch cà phê 2020/21 bắt đầu chính thức ở Việt Nam song các thương nhân cho biết, cho đến giữa tháng 11/2020, lượng cà phê thu hoạch mới được cung cấp cho thị trường. Theo một thương nhân, các nông dân sẽ bắt đầu thu hoạch cà phê vào cuối tháng 10/2020 và cho hay nguồn cung hiện vẫn không có sự biến động trong khi nhu cầu và hoạt động giao dịch vẫn thấp.
Các thương nhân ở Việt Nam hiện chào báo cà phê robusta loại 2, 5% đen vỡ COFVN-G25-SAI với mức tiền cược 100-110 USD/tấn đối với hợp đồng mua bán cà phê giao tháng 11/2020, so với mức tiền cược 100 USD một tuần trước đó.
Theo số liệu chính thức, xuất khẩu cà phê từ Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1-9/2020 có thể giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2019 xuống còn 1,25 triệu tấn, tương đương với 20,83 triệu bao loại 60 kg.
Trong khi đó, theo chính quyền địa phương, xuất khẩu cà phê robusta Sumatra của tỉnh Lampung, Indonesia đạt 19.999,9 tấn trong tháng 9/2020. Theo một thương nhân ở Lampung, mức tiền cược của cà phê robusta Sumatra trong tuần này hiện vào khoảng 180-190 USD đối với hợp đồng giao tháng 11/2020, so với mức 190-200 USD trong tuần trước đó.
Mức tiền cược đối với các hợp đồng mua bán cà phê vẫn ổn định khi các nông dân bắt đầu tích trữ cà phê thay vì bán. Theo một thương nhân, vụ thu hoạch bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc nên một số nông dân ngừng bán cà phê. Trong khi đó, một nông dân khác cho biết, tiền cược cho hợp đồng mua bán cà phê giao tháng 11/2020 tăng lên 150 USD trong tuần này, từ mức 100 USD của tuần trước đó.
Thông tin 90% người Việt dùng gạo "bẩn" hoàn toàn sai sự thật Mới đây, một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin trích lời đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo với nhận định 90% người Việt đang ăn gạo "bẩn" do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật tích tụ trong gạo. Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định nhận định nêu trên hoàn...