Cơ hội tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện Việt Nam đang đứng đầu ASEAN về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Lượng phân bón hữu cơ sản xuất và sử dụng trên đồng ruộng cũng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.
Theo ông Hoàng Trung, việc sử dụng phân bón hữu cơ cũng như thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học trước kia tỷ lệ rất thấp và chúng ta chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất cũng như sử dụng các loại vật tư này. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, tình hình sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học đã khác hẳn, tỷ trọng tăng lên rất nhanh.
Phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học bứt tốc nhanh
Hiện chúng ta đã có 18,2% số sản phẩm trong danh mục là thuốc BVTV sinh học, riêng thuốc BVTV sinh học được đăng ký sử dụng cho cây rau chiếm khoảng 50% tổng số thuốc sinh học. Hàng năm, cả nước sử dụng từ 15.000-20.000 tấn thuốc BVTV sinh học. Việt Nam đang đứng đầu ASEAN về số lượng cũng như chủng loại thuốc BVTV sinh học.
Các công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký và ứng dụng tại Việt Nam như: Thuốc BVTV sinh học nano, Chitosan, sản xuất chế phẩm virus nhân đa diện NPV, sản xuất chế phẩm vi sinh, sản xuất chế phẩm nấm đối kháng, thuốc sinh học sản xuất chiết xuất từ thảo mộc.
Bà con nông dân tỉnh Bắc Ninh sử dụng thuốc BVTV sinh học. Ảnh: K.L
Video đang HOT
Các doanh nghiệp lớn cũng đang nghiên cứu, đưa vào các công nghệ tiên tiến hơn, không phải theo công thức 1/10 nữa mà có thể 1/15 đến 1/20, hàm lượng dinh dưỡng trong phân rất cao. Lúc đó, thay vì mỗi lần vào vụ mới phải gồng gánh 3-4 tấn, nông dân chỉ cần vài bao là có thể đáp ứng cho sản xuất.
Với phân bón hữu cơ, trước năm 2016, cả nước chỉ sử dụng từ 0,8-1 triệu tấn nhưng đến nay chúng ta đã tăng vượt bật cả về sản lượng và số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ. Cả nước hiện có khoảng 5.500 sản phẩm phân bón hữu cơ đã được lưu hành với tổng sản lượng năm 2020 đạt 2,63 triệu tấn.
“Nếu không thay đổi, năm 2021 chúng ta sẽ tăng sản lượng phân bón hữu cơ lên được khoảng 3 triệu tấn và tiếp tục tăng dần lên 5 triệu tấn vào những năm tiếp theo. Đây là chủ trương rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, giá các loại vật tư, trong đó có phân bón tăng rất cao” – ông Hoàng Trung nói.
Cùng với sản xuất hữu cơ quy mô công nghiệp, Bộ NNPTNT và các địa phương cũng đã tăng cường và khuyến khích các nông hộ sử dụng nguyên liệu là các nguồn phụ phẩm sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất 15,6 triệu tấn phân bón hữu cơ.
Trong bối cảnh phải thích ứng với đại dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng, biến đổi khí hậu, ông Hoàng Trung nhận định, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Phân bón hữu cơ sẽ thay thế dần phân bón vô cơ để tạo dựng nền nông nghiệp sinh thái, bền vững và có tác dụng lâu bền.
Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam có khoảng 280 triệu tấn chất thải hữu cơ từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, từ đó tạo ra chuỗi giá trị tuần hoàn, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng
Với chủ trương thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ, Bộ NNPTNT, trong những năm qua, Cục BVTV đã tham mưu, xây dựng nhiều chương trình để hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nhiều hơn. “Bộ NNPTNT đã đặt hàng và ưu tiên nguồn kinh phí để các trường, các viện nghiên cứu ra các sản phẩm phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Đây là hướng ưu tiên của Bộ về góc độ khoa học, công nghệ. Khi doanh nghiệp có sản phẩm mới, hiệu quả, chúng tôi sẵn sàng giới thiệu cho địa phương, giới thiệu cho nông dân để sử dụng và khối lượng sẽ tăng lên” – ông Hoàng Trung nói.
Mới đây, ngày 21/10, Cục BVTV tiếp tục ký kết kế hoạch hợp tác với 15 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phân bón giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai kế hoạch hành động hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Đến nay, riêng lĩnh vực phân bón, Cục BVTV đã ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ giai đoạn 2019-2025 với 28 doanh nghiệp xây dựng các mô hình mẫu, tập huấn nông dân sử dụng phân bón trên rất nhiều cây trồng khác khau, đặc biệt là các cây trồng chủ lực như lúa, rau ăn trái, rau màu và cây công nghiệp.
Từ các mô hình này, Cục BVTV, các hiệp hội sẽ đồng hành, giám sát cùng doanh nghiệp để đánh giá và hướng dẫn người dân bón phân, thuốc BVTV một cách hợp lý, cân đối và tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. “Đầu tiên người dân phải nhận thức được nếu chúng ta sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học thì sẽ đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ được sức khỏe của chính mình” – ông Hoàng Trung nói.
Một giá trị lớn khác khi sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học là các sản phẩm nông sản sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Nói đến an toàn thực phẩm của sản phẩm của ngành trồng trọt, đó là vấn đề dư lượng thuốc BVTV. Khi chúng ta sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học thì chúng ta đã loại bỏ yếu tố đó, chỉ quan tâm một số độc tố, các vi sinh… Những yếu tố này chúng ta hoàn toàn kiểm soát được.
Theo ông Hoàng Trung, khi chất lượng nông sản được nâng lên, lợi nhuận cuối cùng sẽ tăng. Nó sẽ bù đắp lại phần giá thuốc BVTV sinh học hiện nay hơi cao và sử dụng không thuận tiện như thuốc BVTV hóa học. Tuy nhiên, thuốc BVTV sinh học lại có tác dụng bền vững, cải tạo đất và hơn nữa bảo vệ môi trường.
Đối với phân bón hữu cơ, về giá thành không phải là đắt so với phân bón vô cơ, nhưng do phải sử dụng một lượng lớn nên công vận chuyển sẽ cao hơn. “Với công thức 1/10, tức là 10 tấn nguyên liệu sản xuất ra 1 tấn phân bón hữu cơ, phân có hàm lượng dinh dưỡng cao, nên tiện dụng trong vận chuyển và đưa vào sản xuất” – ông Trung thông tin.
Thay đổi tư duy sản xuất, bán hàng
Từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao với trái bưởi. Trong ảnh: Vườn bưởi của nông dân xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: Bình Nguyên
Khi Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, cả doanh nghiệp (DN), thương lái đến nông dân đều phải thay đổi nhận thức trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu để đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường lớn này.
* Chủ động thay đổi
Ông Phạm Sao Mai, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc chỉ ra điểm yếu trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam: "Mặc dù trong 30 năm nay chúng ta đã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, nhưng cho đến nay DN vẫn chưa nắm được hệ thống phân phối tại thị trường này. Đây là nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam bị động và phụ thuộc vào các DN đầu mối ở Trung Quốc. Để có thể kinh doanh thuận lợi tại thị trường Trung Quốc, DN Việt Nam cần nắm được hệ thống phân phối nông sản tại đây".
Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, phụ thuộc vào các chợ, buôn bán không hợp đồng nên các quy ước quốc tế không có hiệu quả cũng là nguyên nhân nông sản Việt yếu thế khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Chỉ ra điểm yếu này, ông Võ Văn Vịnh, thương lái tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) nhận xét, sản lượng nông sản, nhất là các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam rất lớn và chủ yếu vẫn bán sang thị trường Trung Quốc. Nhưng đây chưa thể gọi là xuất khẩu vì chủ yếu là thương lái Trung Quốc đến tận nhà vườn tổ chức thu hoạch, đóng gói. Để không rơi vào tình cảnh bị động trước những quy định mới từ phía Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu như: có mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật - thực vật, quy trình canh tác, bao bì, đóng gói cũng phải theo quy chuẩn... Không chỉ DN mà thương lái cũng cần thay đổi về phương thức kinh doanh, xuất khẩu và nông dân cũng phải điều chỉnh về quy trình sản xuất để đảm bảo cả về sản lượng lẫn chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc.
* Cần giải pháp đồng bộ
Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc trong tình hình mới, cần giải pháp đồng bộ từ đầu tư xúc tiến thương mại; xây dựng phương án chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch; đầu tư cơ sở hạ tầng cho các tỉnh có cửa khẩu thông quan; nâng cao năng lực vận tải tại các cửa khẩu; xây dựng vùng sản xuất an toàn đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường Trung Quốc; có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chế biến...
Tại tọa đàm trực tuyến thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc, bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, trái cây Việt Nam đa dạng, chất lượng tốt nên được thị trường Trung Quốc ưa chuộng, nhưng hiện mới có 9 loại xuất khẩu được sang thị trường này, trong đó 8 loại trái cây vẫn chưa được ký nghị định thư về kiểm dịch thực vật nên 100% trái cây qua các cửa khẩu Trung Quốc đều bị kiểm dịch. Trong khi đó, trái cây của Thái Lan xuất khẩu vào Trung Quốc qua các cửa khẩu Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều. Một khó khăn khác là, tuy hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, mong Trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các khu vực cửa khẩu cũng như trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề nghị các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đồng hành cùng DN để thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Trước mắt, cần triển khai ngay một số giải pháp như: nghiên cứu cơ bản về thị trường Trung Quốc, thị hiếu, quan tâm của Trung Quốc; cập nhật các thông tin về chủ trương, chính sách và những quy định mới của Trung Quốc, sự phản hồi của địa phương, DN Trung Quốc đối với sản phẩm của Việt Nam; vận động, tạo thuận lợi nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới, nâng cao số lượng sản phẩm chính ngạch; tăng cường triển khai trên quy mô lớn hơn các hoạt động quảng bá sản phẩm, qua đó tạo thuận lợi cho các DN, địa phương xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc.
Xây dựng mã số vùng trồng cho các loại cây trồng Đến nay, cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành phố xây dựng được mã số vùng trồng (MSVT) cho các loại cây trồng và hiện đã có tổng cộng 3.624 MSVT. Tại TP Cần Thơ, hiện đã có 59 MSVT trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp cho nông dân tại các HTX, tổ hợp tác và vùng nguyên liệu trái cây...