Cơ hội phục hồi mong manh của giá ‘vàng đen’ trên thị trường
Mấu chốt để giải quyết “bài toán” cung-cầu vẫn sẽ là siết chặt hơn nữa trong sản xuất và cân bằng nguồn cung dầu mỏ nhằm giảm áp lực đối với các kho dự trữ, đồng thời sớm kiểm soát dịch bệnh.
Cơ sở khai thác khí đốt tự nhiên Bin Omar của Công ty dầu khí Basra ở cảng miền Nam Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thị trường dầu mỏ đang trải qua thời điểm chưa từng có tiền lệ và việc giá “vàng đen” biến động rất mạnh trong những tuần gần đây khiến nhiều chuyên gia năng lượng lo ngại rằng giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tiếp tục kéo nhu cầu tiêu thụ dầu thô giảm sâu, đồng thời làm tăng sức ép đối với các kho dự trữ “vàng đen” chiến lược trên toàn cầu.
Mạnh tay cắt giảm sản lượng
Mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (nhóm OPEC ) đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5-6/2020, song con số này vẫn khó có thể giải quyết được bài toán dư cung trên thị trường.
Điều khiến cho vấn đề trở nên tệ hơn là sự mất cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu có thể kéo dài hơn dự kiến. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận cắt giảm này cần phải được mở rộng lên tới hơn 20 triệu thùng/ngày để phù hợp với sự sụt giảm về nhu cầu.
Các kho dự trữ dầu mỏ trên thế giới hiện đã được lấp đầy hơn 70% công suất và lượng dầu được tích trữ thêm vẫn rất lớn. Ước tính, sự mất cân đối cung-cầu tạm thời ở mức 25 triệu thùng/ngày đã bổ sung thêm tới 750 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ vào kho dự trữ toàn cầu trong tháng Tư.
Do đó, vào thời điểm OPEC cắt giảm sản lượng trong tháng Năm, sẽ còn rất ít chỗ lưu trữ dầu mỏ dự phòng còn lại.
Việc nhiều công ty dầu khí phải đóng cửa, cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC dù không giúp thị trường sớm đạt được trạng thái cân bằng, song cũng sẽ “rút” được một lượng dầu nhất định ra khỏi nguồn cung và tạo cơ hội cho sự phục hồi giá trong dài hạn.
Nhà phân tích chiến lược Sebastien Galy tại Nordea Asset Management cho rằng, thị trường trước mắt sẽ tập trung vào những tín hiệu mà Saudi Arabia và Nga đã phát đi gần đây, trong đó hướng tới khả năng đạt được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng lớn hơn.
Bên cạnh đó, nhóm OPEC cũng có thể sớm nhóm họp ngay trong tháng 5/2020 để đánh giá lại mức độ hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng, cũng như để điều chỉnh các quyết định để phù hợp với diễn biến mới.
Bản thân chiến lược của OPEC sẽ linh hoạt dựa vào nền kinh tế giống như một bóng đèn có thể tắt và bật nhanh chóng, do đó vẫn còn “dư địa” để thích ứng với tình hình.
Các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt đang cắt giảm sản lượng với hy vọng thúc đẩy giá dầu, nhưng nỗ lực này không giải quyết được vấn đề nguồn cầu suy yếu. Để làm được điều đó, cần phải đưa hoạt động kinh doanh dầu mỏ trở lại bình thường – điều mà ở nhiều nước là cả một chặng đường dài.
Ngay cả khi các quy định về giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng, thì vẫn cần mất nhiều thời gian để người tiêu dùng mạnh dạn chi tiêu và đi lại thoải mái như trước đây.
Video đang HOT
Tính tới phiên sáng 4/5 giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm khoảng 8% xuống còn 18,19 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 3% xuống còn 25,56 USD/thùng dù cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC có hiệu lực từ ngày 1/5.
“Ngóng đợi” nhu cầu phục hồi
Nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” thực tế sẽ phụ thuộc vào các hoạt động phong tỏa ở nhiều quốc gia sẽ kéo dài đến khi nào, cũng như hoạt động kinh doanh và vận tải hàng hóa bao giờ sẽ nhộn nhịp trở lại.
Một trạm xăng ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Việc mở cửa nền kinh tế và đẩy mạnh sản xuất trở lại vẫn có thể bị coi là một sự mạo hiểm, thậm chí là liều lĩnh khi chưa kiểm soát được dịch COVID-19 một cách chắc chắn. Khi đó, tốc độ tăng trở lại của giá dầu sẽ còn bị kìm hãm. Trong kịch bản tiêu cực đó, nền kinh tế không thể tái khởi động nhanh chóng và lượng dầu tồn kho sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích có quan điểm lạc quan hơn thì nhìn thấy những “ánh sáng cuối đường hầm” trên thị trường dầu mỏ. Một vài quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 đã sẵn sàng nới lỏng những biện pháp phong tỏa, trong đó có Mỹ và Đức.
Yếu tố này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy giá dầu tăng lên ngưỡng 35 USD/thùng vào cuối tháng 6/2020 và tiếp tục phục hồi trở lại ở mức trước thời điểm xảy ra cuộc chiến dầu mỏ giữa Nga và Saudi Arabia trong giai đoạn cuối năm.
Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đang tăng cường mua vào dầu mỏ trong môi trường giá thấp hiện nay.
Bản thân Bắc Kinh đã bắt đầu giảm bớt những hạn chế đi lại từ vài tuần qua, làm dấy lên hy vọng rằng giá dầu sẽ bắt đầu tăng khi hoạt động công nghiệp và du lịch tại Đại lục được phục hồi.
Một số báo cáo cho thấy Trung Quốc đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ dầu mỏ từ thời điểm cuối tháng 3/2020 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu được kiểm soát. Cũng có giả thuyết đưa ra rằng giá dầu sẽ còn hạ thấp hơn nữa trước khi có thể bật tăng trở lại.
Tại Mỹ, vấn đề điều tiết lại sản lượng dầu đá phiến đang trở thành nhu cầu cấp bách sau khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) lần đầu tiên rơi vào ngưỡng “giá âm” khi các nhà giao dịch bán tháo hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 do áp lực lưu trữ.
Đợt rớt giá choáng váng này đã phản ánh mức độ khắc nghiệt mà nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu đựng vốn kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Chuyên gia dầu mỏ Damien Courvalin tại Ngân hàng Goldman Sachs nhận định, mặc dù nhu cầu sẽ không phục hồi nhanh và sức ép đối với thị trường vẫn rất lớn, song nếu vấn đề nguồn cung được giảm bớt trong vài tuần tới, thì sự thắt chặt sản lượng đó có thể tạo ra lợi thế “mong manh” cho giá dầu trong nửa cuối năm nay. Thời điểm cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu được dự báo sẽ là mấu chốt quyết định đối với sự vận động của thị trường dầu mỏ.
Dù sao đi nữa, ngành công nghiệp dầu mỏ chưa bao giờ phải trải qua nhiều khó khăn như lúc này. Thế giới chưa từng chứng kiến cuộc khủng hoảng nào có tính hủy hoại nhu cầu tiêu thụ như đại dịch COVID-19 hiện nay. Điều đó không chỉ xảy ra đối với một số thị trường, mà là trên quy mô toàn cầu.
Mấu chốt để giải quyết “bài toán” cung-cầu đó vẫn sẽ là siết chặt hơn nữa trong sản xuất và cân bằng nguồn cung dầu mỏ nhằm giảm áp lực đối với các kho dự trữ, đồng thời sớm kiểm soát dịch bệnh. Nếu không, khả năng phục hồi của giá dầu sẽ là điều bất khả thi./.
Sự sụp đổ của giá dầu sẽ không mang lại lợi ích cho người dùng
Giá dầu thô đã giảm do những tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đối với các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, khiến kinh tế thế giới lâm vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể
Một trạm xăng ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 22/4, tờ Straits Times (Singapore) đăng tải bình luận của tác giả Ovais Subhani, nhận định rằng việc giá dầu mỏ rơi vào vùng âm, điều chưa từng thấy trong lịch sử có thể, sẽ không thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cú sốc đối với niềm tin của các nhà đầu tư có thể tạo ra những "gợn sóng" trên thị trường tài chính, tác động tới cổ phiếu, trái phiếu, các loại tiền tệ và cuối cùng có thể khiến nhiều công ty gặp khó khăn.
Mặc dù vậy, hầu hết các công ty dầu khí, các công ty hàng hải ngoài khơi của Singapore sẽ sống sót qua cú sốc này. Tuy nhiên, nguy cơ doanh thu sụt giảm mạnh đang ngày càng tăng lên, do nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ vẫn đang rất thấp.
Giá dầu thô đã giảm do những tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đối với các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, khiến kinh tế thế giới lâm vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 1930.
Tình trạng phong tỏa và các biện pháp kiểm soát chặt chẽ biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã khiến rất ít phương tiện được lưu thông trên đường phố cũng như các máy bay bay trên bầu trời, làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu đối với nhiên liệu.
Cuộc chiến giá dầu kéo dài sáu tuần giữa Nga và Saudi Arabia cũng là cú sốc nguồn cung thứ hai góp phần làm các kho chứa dầu mỏ, các đường ống dẫn dầu trở nên đầy ứ trên toàn thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, nước khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.
Bất đồng về vấn đề cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ giữa hai nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này đã kết thúc trong tháng Tư với một thỏa thuận của OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác ở mức lớn nhất từ trước đến nay 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/5.
Công ty Caltex thuộc Tập đoàn Chevron phải đóng cửa tạm thời cơ sở lọc dầu Lytton do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: BLOOMBERG/TTXVN)
Mặc dù vậy, động thái này được nhiều nhà phân tích cho là quá ít và quá chậm trễ trong bối cảnh đối phó với nhu cầu sụt giảm mạnh. Theo Goldman Sachs ước tính, sản lượng khai thác dầu thô cần cắt giảm tới 26 triệu thùng/ngày mới phù hợp.
Trong khi sự thiếu hụt nhu cầu sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu mỏ nói chung, sự đổ vỡ của giá dầu trong ngày 20/4, từ mức 17,85 USD/thùng thời điểm mở cửa xuống đến -37,63 USD/thùng thời điểm đóng cửa, về cơ bản chỉ là một "lỗ hổng giao dịch" đối với hợp đồng tương lai tại thị trường Mỹ. Hợp đồng này là hợp đồng giao tháng Năm đối với loại dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas, Mỹ).
Trong khi đó, loại dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu, giao dịch tại London và đại diện cho hơn một nửa sản lượng dầu mỏ khai thác toàn cầu, cũng đã giảm theo, nhưng không quá nhiều.
Giá dầu Brent kết thúc phiên giao dịch ngày 20/4 ở mức 25 USD/thùng, chỉ giảm 8% so với mức giảm tới 300% của giá dầu WTI. Hợp đồng giao dịch tháng 6/2020 của dầu WTI cũng giảm và ở mức khoảng 20 USD/thùng.
Hợp đồng giao dịch tương lai tháng 5/2020 đáo hạn vào ngày 21/4 có nghĩa là những người mua buộc phải nhận hàng hóa trên thực tế.
Do các kho chứa dầu mỏ tại Mỹ đang đạt tới khả năng lưu trữ tối đa, người mua dầu không còn lựa chọn nào khác là buộc phải cho tiền bất kỳ ai có thể tiếp nhận những hợp đồng này thay họ.
Tình trạng này chưa từng được dự báo và mức giá đối với hợp đồng giao dầu WTI tháng 5/2020 đã quay trở lại mức dương trong ngày 21/4. Nhưng điều này không có nghĩa là tình trạng đó sẽ không diễn ra trong tương lai một lần nữa.
Đối với các hợp đồng tương lai giao tháng 6/2020, tình trạng bán tháo tương tự có thể xảy ra trừ phi các kho chứa dầu mỏ được rút bớt dầu chứa trong đó. Và viễn cảnh này khó xảy ra ngay nếu đặt trong bối cảnh tình trạng nhu cầu nhiên liệu hiện tại.
Trong tình huống giá dầu mỏ sụt giảm tới mức giá âm chỉ diễn ra đối với các hợp đồng tương lai và với khối lượng giao dịch tương đối thấp, tác động và ảnh hưởng lan truyền của vấn đề này đối với các tài sản khác có thể cũng chỉ có giới hạn.
Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư suy yếu có thể làm giảm giá cổ phiếu và trái phiếu của các công ty năng lượng do các công ty này dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu, nợ cao hoặc có tình trạng cân đối thu chi yếu kém.
Chuyên gia phân tích Pei Hwa Ho và Suvro Sarkar của ngân hàng DBS (Singapore) cho rằng giá dầu mỏ sẽ vẫn duy trì tình trạng biến động với áp lực suy giảm trong quý 2/2020, đặc biệt là vào tháng 4/2020, trong bối cảnh các lệnh phong tỏa trên toàn thế giới vẫn đang được áp dụng.
Sự phục hồi giá dầu có thể sẽ chỉ bắt đầu diễn ra vào nửa cuối của năm 2020 khi mà tình trạng phong tỏa được dự báo sẽ nới lỏng.
Giá dầu ở mức thấp sẽ tiếp tục ngăn cản hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, trong khi những doanh nghiệp, công ty lọc dầu dự kiến sẽ có doanh thu thấp hơn trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu còn yếu.
Hai nhà phân tích Pei Hwa Ho và Suvro Sarkar cũng cho rằng mức giá dầu mỏ trung bình thấp cũng đang tác động tiêu cực tới dòng chảy tiền của các tập đoàn dầu mỏ lớn, đã phải tuyên bố hoặc có những động thái cắt giảm chi tiêu khoảng 20-30% để duy trì dòng tiền.
Sự cắt giảm chi tiêu và nguồn vốn đầu tư mà các công ty như Shell, ExxonMobil, Chevron hay các công ty như Aramco và Adnoc đã tuyên bố sẽ tác động tới hợp đồng của các công ty đóng tàu như Keppel Corp và Sembcorp Marine của Singapore.
Các mảng kinh doanh ngoài khơi và hàng hải chiếm khoảng 30% giá trị của Keppel. Trong khi đó các tài sản bất động sản chiếm khoảng 60% và phần còn lại là các mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng và đầu tư.
Đối với những người sở hữu ô tô và người tiêu thụ điện năng, tác động của giá dầu mỏ thấp đối với chi phí hàng tháng của họ sẽ là không lớn. Các hãng hàng không sẽ chỉ được hưởng lợi khi các máy bay của họ tiếp tục được sử dụng.
Chuyên gia kinh tế Howie Lee của ngân hàng OCBC cho rằng xăng dầu là sản phẩm được tinh chế, và mặc dù sản phẩm này có nguồn gốc từ dầu thô thì cũng có thị trường khác biệt riêng. Giá xăng dầu (đã qua xử lý) không tương ứng với giá dầu thô khai thác từ các mỏ dầu.
Thậm chí, hầu hết giá dầu mỏ tại châu Á thường được định giá theo dầu Brent và loại dầu mỏ này vẫn đang duy trì tương đối ổn định bất chấp giá dầu WTI sụt giảm mạnh. Do vậy, ông Lee cho rằng sẽ không có chuyện giá xăng dầu đã qua xử lý sẽ ở mức âm tại Singapore và thậm chí ngay cả tại Mỹ cũng sẽ không có điều đó xảy ra.
Đối với nền kinh tế rộng hơn nói chung, giá các mặt hàng hàng hóa và tài sản suy giảm sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ giảm phát cao. Và đây là viễn cảnh sự suy giảm chung về tổng cầu mà mọi nhà hoạch định chính sách cố gắng tránh dù bằng bất kỳ giá nào./.
Thế Vũ
Goldman Sachs dự đoán kinh tế Mỹ phục hồi 'thần tốc' sau đại dịch Nền kinh tế Mỹ được dự đoán tăng 19% trong quý III sau những cú sốc nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Ngành công nghiệp ôtô nhảy vọt 70%. Theo báo cáo của Goldman Sachs, dự báo kinh tế toàn cầu từ cuộc khủng hoảng Coid-19 có thể sẽ tồi tệ gấp bốn lần so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008,...