Có hay không ‘văn hóa chia tay’?
Đại văn hào Pháp, Larochefoucault từng nhận xét: “Bản lĩnh văn hoá đích thực của con người không chỉ bộc lộ khi người ta yêu nhau mà rõ nhất là khi họ chia tay nhau”.
Thời gian gần đây báo chí đưa tin nhiều vụ án mạng xảy ra do níu kéo tình yêu bằng tội ác. Câu chuyện này có thực : Lý Ngọc Nguyên 21 tuổi làm việc ở cơ sở cơ khí Thành Kiến, TP.HCM. Tại đây, Nguyên theo đuổi Nguyễn Thị Mai Lan cũng 21 tuổi nhưng Lan không đáp lại tình cảm đó.
Thấy Nguyên cứ cố tình nài nỉ mãi, Lan đành hẹn sáng hôm sau đi làm sớm để nói chuyện, tránh hiểu lầm. Đúng hẹn, hai người đưa nhau vào quán cà phê gần cổng công ty ngồi đối diện nhau, Nguyên cả quyết sẽ theo đuổi Lan đến cùng và một lúc sau xảy ra tranh cãi kịch liệt. Bất ngờ Nguyên kéo tay ôm Lan vào lòng mặc dù bị phản đối gay gắt. Nguyên nổi giận vớ cây gậy gần đó quật tới tấp vào mặt Lan đến ngất xỉu rồi bỏ về nhà trọ ngủ. Sáng hôm sau hay tin Lan chết, Nguyên hốt hoảng bỏ về quê lẩn trốn và sau đó đến công an đầu thú. Toà án nhân dân TP.HCM đã đưa vụ án Lý Ngọc Nguyên phạm tội giết người ra xét xử và tuyên phạt bị cáo 14 năm tù.
Chia tay là sự chọn lựa hợp lý nhất khi không hoặc không còn yêu nhau (nguồn ảnh minh họa Lap)
Nhiều năm làm tư vấn tôi nhận thấy, các trường hợp tan vỡ do một bên muốn thôi mà bên kia vẫn muốn tiếp tục cố gắng ra sức níu kéo thì tội ác dễ xảy ra. Có người đánh đòn ngầm, tìm cách hãm hại nhau theo kiểu “không ăn được thì đạp đổ”. Có người tung ảnh “ nóng” lên mạng. Thậm chí có cô lập mưu cắt “của quý” người yêu.
Có những người đối xử với nhau tồi tệ nhưng vẫn tìm mọi cách ràng buộc không chịu ly hôn, chẳng phải để cứu vãn hôn nhân mà chỉ để phá không cho người kia được rời bỏ mình. Từ việc phân chia tài sản, đến con cái đều làm thế nào cho người kia phải thiệt thòi, đau đớn nhất mới hả lòng.
Video đang HOT
Lẽ ra, nếu thông minh tỉnh táo thì điều đáng quan tâm trước hết đối với người ly hôn là chăm lo cho phần đời còn lại của mình. Nếu cứ nhăm nhăm đi “đạp đổ” người khác thì làm sao thanh thản để đi tìm hạnh phúc mới. Nếu chỉ nhằm mục đích gây khó khăn, khổ sở cho người khác, lấy sự đau đớn, khổ sở của họ làm niềm vui của mình thì trước hết làm cho nhân cách mình hèn hạ đi, tâm hồn mình đen tối đi và chính điều đó loại bỏ khả năng tìm hạnh phúc mới.
Nếu bạn sa lầy vào việc theo dõi xem người chồng hay vợ cũ yêu ai, làm gì để phá thì bạn không chỉ mất sức lực và thời gian mà quan trọng hơn là mất nhân cách, mất luôn khả năng tìm hạnh phúc của mình. Cho thấy bạn là người bị mặc cảm thua kém nên phải tìm cách níu người khác lại, sợ họ hạnh phúc hơn mình.
Họ không hiểu rằng trong xã hội hiện đại, từ chối vì không yêu hay hết yêu là chuyện thường tình. Trong quá trình tìm hiểu để lựa chọn đối tượng kết hôn, hoặc trong quá trình chung sống, nếu thấy đối phương không hoặc còn phù hợp thì chuyện chia tay sẽ xảy ra là tất yếu.
Níu giữ tình yêu bằng bạo lực hay khổ nhục kế chỉ làm cho đối phương sợ hãi hoặc thương hại bạn. Đó không phải là tình yêu
Vấn đề ở chỗ chia tay như thế nào. Nó thuộc phạm trù văn hóa. Dùng bạo lực để cưỡng bách đối phương không được rời bỏ mình hay dùng “khổ nhục kế” dọa tự tử, cả hai cách trên đều khiến người ta khiếp sợ hoặc thương hại chứ không phải yêu. Không hiểu điều đó, bạn chỉ tự chuốc lấy đau khổ thậm chí là rơi vào tù tội mà thôi.
Cách ứng xử khôn ngoan nhất khi bạn không đủ hấp dẫn để níu kéo đối phương thì chấp nhận chia tay. Thế gian có hàng triệu triệu người chứ đâu chỉ có một người. Văn hóa chia tay là ở chỗ không có tình yêu thì còn tình bạn, không nữa cũng còn tình người. Vô văn hóa là biến họ thành kẻ thù, tìm cách hãm hại họ vì họ không yêu hay không còn yêu ta nữa.
Theo thegioitiepthi.vn
Lấy mũ bảo hiểm đập đầu níu kéo tình yêu: khác gì con nít giãy nảy ăn vạ vì không được kẹo
Khi thật sự không muốn buông tay, người ta thường tìm cách kéo tình yêu, nhưng níu kéo cũng có muôn vàn cách nhưng chọn cách tự hành hạ thể xác mình, dùng khổ nhục kế để khiến nửa kia động lòng mà hồi tâm chuyển ý có đáng không?
Khi thật sự không muốn buông tay, người ta thường tìm cách kéo tình yêu, nhưng níu kéo cũng có muôn vàn cách, khó hiểu thay là nhiều người lại chọn cái cách tự hành hạ thể xác mình, dùng khổ nhục kế để khiến nửa kia động lòng mà hồi tâm chuyển ý? Nhưng hành động này có nên và có đáng không?
Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện một clip, về một chàng trai liên tục cầm mũ bảo hiểm đập tới tấp vào đầu mình sau khi hết lời van xin, níu kéo khi người yêu đòi chia tay. Clip chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, với rất nhiều ý kiến bình luận trái chiều khác nhau.
Không bàn đến việc cặp đôi kia ai đúng ai sai, nhưng quả thực hành động của chàng trai thật khiến người ta khó hiểu. Từ bao giờ mà tình yêu - một tình cảm có bản chất tự nguyện, lại có thể níu kéo đơn giản bằng những hành động mang tính chất "khổ nhục kế" như thế.
Van xin không nổi chàng trai cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu để níu kéo người yêu. Ảnh: Cắt từ clip
Những hành động tỏ ra đau khổ, tự hành hạ cơ thể mình, là những điều hết sức ngu ngốc chứng tỏ chàng trai kia là một người suy nghĩ nông cạn và ích kỉ. Cuộc sống của bạn đâu chỉ có người ấy, hơn thế bạn còn có cả bố mẹ, gia đình, bạn bè những người luôn ở bên và yêu thương bạn vô điều kiện. Tại sao lại dại dột làm những điều mà chỉ khiến người ta xem thường hoặc tỏ ra thương hại mình như thế?
Thêm một vấn đề nữa đặt ra ở đây chính là liệu phụ nữ có nên tiếp tục yêu những người đàn ông như thế không? Có lẽ là không, bởi vì hành động tự dày vò bản thân ấy không khiến chẳng "nam nhi" chút nào trong mắt phụ nữ cả, hơn thế đó là một lời xin lỗi thiếu chân thành. Sẽ hơi đánh đồng nếu nói hành vi ấy giống như việc "ăn vạ" để đạt được mục đích, nhưng nó chẳng khác là bao so với việc trẻ con bị mẹ cấm không cho ăn kẹo thì lăn ra giãy rồi oà khóc ăn vạ.
Hơn nữa chúng ta có chắc, sau lần tha thứ này anh chàng kia sẽ không có những lần tái diễn như thế nếu chẳng may lại có những cãi vã, giận hờn. Hôm nay là đập mũ bảo hiểm vào đầu, những biết đâu ngày mai, ngày sau lại là cầm gạch, rồi cầm dao doạ tự tử? Mà con gái thì dễ giận cũng dễ mềm lòng, yêu đương như thế chẳng phải mệt mỏi lắm sao?
Ảnh: Pinterest
Vậy nên phụ nữ ạ, dù có nặng lòng đến mấy cũng nên sáng suốt mà nhìn nhận để chọn yêu cho đúng người, nếu không muốn tình yêu chỉ mang đến những sầu muộn. Chẳng ai đủ bao dung mà tha thứ hết lần này đến lần khác, chúng ta cũng không phải những "bà mẹ" để sau mỗi lần đàn ông "ăn vạ", hành hạ thể xác mình là lại động lòng xót xa rồi cho qua. Vì một người đàn ông yêu bạn thật lòng, họ sẽ biết cách xin lỗi thật chân thành, hơn thế sau khi được tha thứ, nhất định họ sẽ cố gắng vì bạn mà không có đặt bạn vào những tình huống thật trớ trêu.
Còn cánh mày râu thân mến, làm thân nam nhi thì các anh nên nhường nhịn người yêu trước, đôi khi xin lỗi bạn gái trước không phải là nhận thua, mà là cách thể hiện của một người đàn ông biết chừng mực và trân trọng mối quan hệ. Tuy nhiên, cũng đừng xin lỗi quá dồn dập và điên cuồng để khiến người con gái mình yêu phải khó xử nhé. Hãy để con gái cân bằng được cảm xúc, rồi mới tiếp tục nói lời xin lỗi cũng như phân tích vấn đề, hãy cư xử thật bình tĩnh và đúng chừng mực nếu không cả hai rất dễ dẫn đến tình trạng chia tay nhanh chóng.
Yêu là một nghệ thuật và chia tay cũng chẳng khác gì. Hãy học cách chia tay thật văn minh, cho đối phương lẫn cho chính bản thân mình. Bạn có đồng ý với quan điểm này không? Hãy chia sẻ ý kiến với chúng tôi nhé.
Theo bestie.vn
Cứu vãn hôn nhân sau ngoại tình Trong thực tế, có khoảng 70% cuộc hôn nhân vẫn tồn tại sau ngoại tình. Đôi khi không chỉ tồn tại mà còn tốt đẹp hơn nếu người trong cuộc biết cách cứu vãn. Khi một vụ ngoại tình lần đầu bị phát hiện, bạn cảm thấy như thế giới sụp đổ. Nó kích hoạt một loạt cảm xúc mạnh mẽ khiến cho...